Phương trình hạnh phúc

7 điểm mù ảnh hưởng đến cách bộ não của chúng ta xử lý thông tin và làm lu mờ nhận thức của chúng ta về thực tại.

 
phuong-trinh-hanh-phuc-chuong-9-1

Điểm mù

7 điểm mù ảnh hưởng đến cách bộ não của chúng ta xử lý thông tin và làm lu mờ nhận thức của chúng ta về thực tại. Để đảm bảo sự sống còn của chúng ta, bảy điểm mù được kết hợp với khuynh hướng của bộ não để trở nên bi quan. Điều này cản trở khả năng của chúng ta trong việc giải Phương trình hạnh phúc, do đó khiến cho ta thấy đau khổ không ngừng.
Liệu điều này có đúng không?
Căn nguyên của mối quan hệ đầy thách thức với bộ não của chúng ta là thực tế rằng nó là một cỗ máy được lắp ráp, chạy thử, và (gần như là) hoàn thiện hàng trăm nghìn năm trước, trong những môi trường vô cùng khác biệt cùng với những yêu cầu vô cùng khác biệt so với hiện nay. Các đặc tính đã từng là lợi thế thì giờ đây không còn phù hợp trong việc đưa ta tới hạnh phúc. Bất kể năng lực xử lý xuất sắc của mình, bộ não con người vẫn đưa ra lời giải cho những tình thế thay đổi mà chẳng mấy thích hợp với thế giới hiện đại của chúng ta – và càng kém hiệu quả hơn nữa đối với vấn đề hạnh phúc. Bởi vì nguồn gốc tiến hóa của nó, cái thế giới mà bộ não của bạn hướng tới là một thế giới cổ xưa, tăm tối, và đáng sợ. Vì thế những chiến lược mà nó đưa ra cũng chẳng sáng sủa là bao. Nếu như chúng ta muốn sử dụng cái cỗ máy này đúng cách, thì chúng ta cần phải điều chỉnh chương trình của nó cho phù hợp với môi trường hoạt động mới. Nhưng trước hết ta hãy nhìn lại xem mọi chuyện được bắt đầu như thế nào.

Về Nguồn Gốc Của Các Điểm Mù

Một cành cây trong bụi cây cách chàng thợ săn người Cro-Magnon[1] vài bước chân rung lên nhè nhẹ. Tiếng động khiến tay thợ săn kỳ cựu chú ý. Anh vẫy tay với mọi người trong đoàn của mình, ra hiệu cho họ nằm xuống và im lặng trong lúc anh kiểm tra nguyên nhân gây ra tiếng động ấy. Anh nheo mắt lại, lắng tai nghe, và loại bỏ mọi kích thích cảm giác khác. Bụi rậm thu hút toàn bộ sự chú ý của anh. Mọi thứ khác đều trở nên nhạt nhòa.
Gió thổi tới từ hướng của bụi rậm phía sau anh. Anh cho rằng đó là lý do vì sao anh không thể ngửi thấy mùi con dã thú mà anh sợ hãi. Đó là kế hoạch trò chơi mà loài thú dữ vẫn thường sử dụng khi chúng định tấn công. Rõ ràng đây là một kẻ săn mồi thông minh, có lẽ là một con hổ, và từ độ cao của bụi cây đang lay động anh tiếp tục giả định rằng đó hẳn phải là một con hổ lớn.
Trong sự im lặng chết chóc, những người thợ săn gần như nín thở. Bụi cây ngừng lay động, một dấu hiệu cho thấy rằng con thú biết nó đã bị phát hiện. Trong tâm trí mình, tay thợ săn thuộc Thời kỳ Đồ đá dự đoán một trận chiến sắp sửa diễn ra. Anh hình dung rõ ràng về góc độ và tốc độ của cuộc tấn công. Cuộc tấn công sẽ diễn ra trong vòng vài giây nữa, anh chắc mẩm, vì thế nên anh ra hiệu cho những người bạn của mình hãy lùi lại vài bước.
Sự thận trọng của anh được dựa trên những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ. Kể từ chuyến vào rừng đi săn đầu tiên của anh cùng cha mình, đã có rất nhiều thợ săn cừ khôi trở thành mồi cho thú dữ chỉ vì một giây phút bất cẩn. Dù cho nhiều mùa trăng đã qua đi, anh vẫn nhớ y nguyên cái cách con dã thú thình lình tấn công con mồi, quăng nạn nhân của nó xuống mặt đất, và xé xác họ ra thành trăm mảnh. Anh nhớ lại cái ký ức ấy như thể nó đang diễn ra ngay trước mắt anh, và tim anh bắt đầu đập loạn.
Không thể lãng phí một phút giây nào cả. Việc cố gắng tìm kiếm các chi tiết để phân tích tình huống sâu hơn sẽ làm tiêu tan cơ hội chạy trốn của anh. Sự mạo hiểm này là quá lớn. Anh cần phải ra quyết định thật nhanh, nên anh quy kết cái tình thế này là một mối nguy hiểm rõ ràng và ngay trước mắt. Khi cuộc sống của anh phụ thuộc vào nó, thì vấn đề tốc độ quan trọng hơn nhiều so với việc điều tra chính xác.
Anh cảm thấy một cảm xúc áp đảo của sự hoảng loạn. Bộ não của anh áp đặt tình trạng này bằng cách rót vào cơ thể chất adrenaline để anh sẵn sàng với phản ứng chiến đấu-hoặc-chạy trốn.
Khi sự hoảng loạn diễn ra, bộ não của anh bắt đầu phóng đại, nhìn nhận mọi viễn cảnh có khả năng xảy ra đều nguy hiểm hơn so với thực chất. Có thể đây là một đàn hổ, anh nghĩ thầm. Có lẽ mọi người đang bị bao vây. Chẳng có nghĩa lý gì khi chiến đấu cả; rồi sẽ chết hết cả lũ thôi. Các nhánh cây khác cũng bắt đầu rung lên dữ dội. Trong vòng một giây ngắn ngủi, theo bản năng anh xoay người lại và chuẩn bị chạy trốn – ngay khi đó vài con chim bay lên. Anh chàng thợ săn đơ ra nhìn trời khi nhận thấy rằng con hổ của anh ta chẳng qua chỉ là một lũ chim. Ai mà thèm bận tâm nếu vài phút vừa qua đầy căng thẳng cơ chứ, bộ não của anh nghĩ. Ít nhất thì tất cả vẫn còn sống.
Trong hàng ngàn năm, bộ não của chúng ta được trang bị với bảy tính năng đáng kinh ngạc mà tôi vừa mới chỉ ra: sự chọn lọc một cách có chủ ý, giả định, dự đoán, trí nhớ, quy chụp, cảm xúc, và sự phóng đại. Vâng, những khuynh hướng này có thể đảm bảo sự tồn tại của giống loài chúng ta từ nghìn xưa. Và tổ tiên của chúng ta không hề tiếc nuối sự khó chịu mà những tính năng này gây ra cho họ bởi vì họ từng sống trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Đối với họ mà nói, việc giả định ra những điều tồi tệ nhất là hoàn toàn hợp lý bởi vì những điều tồi tệ nhất vẫn thường xảy ra.
Khi chúng ta phát triển nền văn minh và xua đuổi lũ hổ ra khỏi những thành thị của chúng ta, biến đổi khu vực săn bắn của mình thành nơi làm việc, các câu lạc bộ, và những trung tâm thương mại, chúng ta vẫn tiếp tục dựa vào bảy đặc tính kia. Tuy nhiên, ta hiếm khi nào dừng lại để tự hỏi rằng liệu chúng có còn hiệu quả nữa hay không trong cái môi trường “xa lạ” này. Giống như là một cái tua-vít có thể được sử dụng để vặn chặt một cái đinh ốc hoặc cũng có thể sẽ đâm vào mắt chúng ta, những tính năng sinh tồn này có thể trở thành những điểm mù chống lại chúng ta và khiến ta không hạnh phúc, đặc biệt là khi chúng kết hợp với một khuynh hướng cổ xưa khác mà đóng vai trò như là đặc tính cốt lõi của bộ não.
 
[1] Người Cro-Magnon là tên gọi từng được sử dụng để chỉ những con người hiện đại đầu tiên (Homo sapiens sapiens ban đầu) sống vào cuối thời đại đồ đá cũ ở châu Âu, khoảng 50.000 cho đến 10.000 năm trước đây. Các tài liệu khoa học hiện nay ưa dùng thuật ngữ người hiện đại ban đầu châu Âu (European Early Modern Humans, EEMH) hơn là thuật ngữ ‘Cro-Magnon’, do thuật ngữ này không có địa vị phân loại chính thức, cũng như do nó không đề cập tới loài hay phân loài mà cũng chẳng đề cập tới giai đoạn khảo cổ hay văn hóa. Người Cro-Magnon lực lưỡng và cao khoảng 166 cho tới 171 cm, và có thể cao đến 195 cm. Thân thể họ nặng nề và có nhiều cơ bắp. Trán họ thẳng và cao. Người Cro-Magnon là những người đầu tiên (Homo) có cằm nhô ra. Thể tích của bộ óc khoảng chừng 1.600 cm³, lớn hơn người hiện đại. Tên gọi của họ được đặt theo địa danh Abri de Cro-Magnon, là một cái động ở vùng tây nam Pháp nơi mà mẫu vật đầu tiên được tìm thấy.

Một Khuynh Hướng Làm Trầm Trọng Hóa Sự Việc
Cái cách mà bộ não của chúng ta hoạt động làm tôi nhớ tới chiếc xe hơi đầu tiên của mình, đó là một chiếc xe cũ, tả tơi, đã qua sử dụng mà tôi còn đủ tiền để mua. Chiếc xe ấy thường gặp phải rất nhiều vấn đề kỹ thuật – bugi bị trục trặc, cuộn dây khởi động bị hỏng, và bộ tản nhiệt bị rò. Trên hết, chiếc xe ấy không bao giờ có thể lái theo đường thẳng vì các bánh xe của nó bị lệch. Chiếc xe ấy là một món đồ đồng nát. Bất cứ lúc nào nó cũng gặp phải một vài lỗi kỹ thuật nào đó, khiến tôi vô cùng chật vật. Khi mà bộ tản nhiệt bị rò, chiếc xe sẽ nóng lên, và khi bugi bị trục trặc, thì động cơ dường như nổ tung. Nhưng ngay cả khi tôi đã xử lý được những trục trặc kỹ thuật kia, thì vấn đề về việc xe cứ chạy chệch sang trái vẫn còn tồn tại.
Điều tương tự cũng xảy ra với bộ não của chúng ta. Thường thì một hoặc một vài điểm mù sẽ bóp méo nhận thức của chúng ta. Mỗi một điểm mù đó sẽ tác động đến ta khác nhau khi mà bộ não của chúng ta cố gắng lý giải về cuộc sống. Tuy nhiên, bao trùm những điểm mù là một khuynh hướng vẫn luôn tồn tại: khuynh hướng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ và đẩy hầu hết mọi suy nghĩ của chúng ta ra khỏi trạng thái cân bằng.
Sau một thời gian, việc lái xe trở nên vô cùng nguy hiểm trừ khi tôi có thể khắc phục được vấn đề mất cân bằng của xe. Chỉ khi vấn đề này được giải quyết, tôi mới có thể quay sang xử lý từng vấn đề cơ khí một. Giống như việc mà một người thợ máy giỏi sẽ làm, tôi tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng chiếc xe để đánh giá mức độ của vấn đề. Chúng ta cũng nên làm như vậy đối với đầu óc của mình. 

Kiểm Tra Não Của Bạn

Hãy mang bộ não của bạn lên bàn nâng và thực hiện hai bài kiểm tra nhanh, Kiểm tra và Theo dõi.
Kiểm Tra
Hãy nhìn bức hình dưới đây và ghi lại những điều bạn thấy được, chỉ với cái nhìn thoáng qua.Bạn có nhận thấy con gấu đồ chơi trong tay bé gái, cuốn sách rơi khỏi cặp sách của cô bé, hay chiếc đồng hồ đỗ xe không hiện số? Bạn đã quan sát thấy những gì? Là tấm biển báo Không được sang đường, cậu bé đang chạy, chiếc ô tô đang lao tới, hay cô bé bất cẩn bước xuống lòng đường? Bạn có để ý thấy vụ tai nạn sắp sửa xảy ra không? Hầu như tất cả chúng ta đều nhận thấy điều này.
Giờ thì hãy phóng to bức hình lên và nhìn vào khung cảnh toàn diện hơn. Bạn sẽ nhận thấy rằng chẳng có sai lầm nào diễn ra ở đây cả. Thực ra chiếc xe đã dừng lại, có một cảnh sát đang điều khiển giao thông, và mọi người đều được an toàn. Tại sao đó không phải là kịch bản mà bạn đự đoán?
Hãy thử áp dụng bài Kiểm tra này như là một phần trong cuộc sống thường nhật của bạn. Trong bất kỳ tình huống nào bạn sẽ nhận ra rằng bộ não của mình có khuynh hướng chỉ ra những sai lầm và điều gì có thể đại diện cho một mối đe dọa. Chỉ rất hiếm khi bộ não mới nhận ra được những gì đang diễn ra là hoàn toàn đúng đắn hay điều gì là bình thường. Điều này giống như là việc anh bạn thợ săn của chúng ta lý giải sự chuyển động của một tán cây trong bụi cây là một con hổ đang rình mồi thay vì là một đàn chim.

Theo Dõi
Bạn hãy gập đôi một tờ giấy lại và đánh dấu cộng (+) vào một mặt giấy và dấu trừ (-) vào mặt còn lại. Giờ thì hãy theo dõi cuộc đối thoại diễn ra trong đầu bạn: hãy để ý tới mọi ý nghĩ nảy ra trong đầu bạn trong một ngày và đánh một dấu vào mỗi mặt giấy phụ thuộc vào từng suy nghĩ của mình. Ví dụ về những suy nghĩ được đánh dấu ở mặt giấy tích cực là Cuộc sống đối với tôi mà nói thật tốt đẹp; Cô ấy sẽ yêu tôi mãi mãi; Tôi thật là xinh đẹp. Ví dụ về những suy nghĩ sẽ được đánh dấu ở mặt giấy tiêu cực là Tôi không thích cái công việc này; Những điều tồi tệ cứ luôn xảy ra với tôi; Hắn quả là một thằng ngu; Tôi béo ú.
Giờ thì bạn hãy đếm số dấu tích. Liệu bộ não của bạn chủ yếu sản sinh ra những suy nghĩ tích cực hay là những suy nghĩ bi quan, đánh giá, và phê phán (tiêu cực)?
Hầu hết mọi người đều không cần phải thực hiện bài kiểm tra này quá lâu mới nhận ra rằng phần lớn những suy nghĩ trong đầu họ đều là những điều tiêu cực, cẩn trọng, phán xét, và bi quan. Liệu điều này có đúng với bạn không? Bạn đừng buồn vì điều đó. Bởi vì chúng ta ai cũng thế cả thôi.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực – tự phê bình, bi quan, và sợ hãi – những suy nghĩ kiểu này diễn ra nhiều hơn so với những suy nghĩ tích cực. Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi sử dụng thuật ngữ “tâm lý hỗn loạn[1]” để chỉ ra rằng sự lo lắng chính là trạng thái mặc định của não bộ[2].
Raj Raghunathan và các đồng sự ở trường Đại học University of Texas đã làm một thí nghiệm tương tự với bài kiểm tra Theo dõi. Các sinh viên tham gia thí nghiệm được yêu cầu ghi lại trong cuốn sổ “trung thực tuyệt đối” về những suy nghĩ tự nhiên của họ trong khoảng thời gian hai tuần. Kết quả cho thấy khoảng từ 60 đến 70 phần trăm những suy nghĩ của các sinh viên là tiêu cực, một hiện tượng được biết đến với tên gọi “ưu thế tiêu cực.[3]” Những tỉ lệ này không nên bị xem nhẹ. Theo bài viết có tiêu đề “Tại sao phải thiền định?” trên trang blog của Deepak Chopra, thì một người có thể có tới 35.000 suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày[4].
Nhưng thiên hướng của chúng ta đối với tiêu cực không chỉ giới hạn trong số lượng những suy nghĩ. Ta còn có khuynh hướng đề cao những suy nghĩ tiêu cực khi ra quyết định. Công trình nghiên cứu của Roy F. Baumeister, Ellen Bratslavsky, Catrin Finkenauer, và Kathleen D. Vohs chỉ ra rằng con người thường đưa ra lựa chọn dựa trên nhu cầu lảng tránh một trải nghiệm tiêu cực thay vì mong muốn hướng tới một kết quả tích cực, đây là hiện tượng được biết đến với tên gọi “thuyết triển vọng.[5]” Đó là lý do vì sao mà nếu như một nhà hàng từng một lần bị đánh giá một sao và một lần được năm sao trên trang Yelp, thì bạn sẽ chú ý đến cái đánh giá tiêu cực hơn và quyết định sẽ không đi đến nhà hàng đó, cho dù xét về mặt thống kê thì số lần được đánh giá năm sao ngang bằng với số lần bị đánh giá một sao.
Chúng ta cũng dành nhiều nguồn lực trí óc của mình cho những thông tin tiêu cực. Felicia Pratto và Oliver P. John của trường Đại học University of California thuộc Berkeley đã tiến hành một thí nghiệm mà tại đó những người tham gia được yêu cầu theo dõi một số từ ngữ xuất hiện liên tục trên một màn hình máy tính. Các từ ngữ có những màu sắc khác nhau, và mỗi từ đều chỉ một nét tính cách tích cực hay tiêu cực ở con người. Các từ ngữ chỉ tính cách này không liên quan đến nhiệm vụ được giao trong thí nghiệm, mà ở đây là việc chỉ ra màu sắc của các từ nhanh nhất có thể. Tuy vậy đã có sự ghi nhận rằng người tham gia thí nghiệm sẽ đọc tên màu sắc chậm hơn khi từ xuất hiện biểu thị một tính cách tiêu cực. Sự khác biệt về thời gian phản ứng cho thấy rằng những người tham gia đã dành nhiều sự chú ý hơn cho việc xử lý thông tin về các đặc điểm tính cách tiêu cực[6].
Một phát hiện thú vị khác là những người tham gia thí nghiệm có trí nhớ ngẫu nhiên tốt hơn về những tính cách tiêu cực so với tích cực, bất kể tỉ lệ xuất hiện của chúng là bao nhiêu. Điều này nhấn mạnh rằng chúng ta có khuynh hướng dễ nhớ tới những nét tiêu cực hơn. Do đó, chúng ta thường nhớ về những điều tiêu cực hơn. Khi được yêu cầu nhớ lại một sự kiện gây xúc động gần đây, ta thường nhớ đến những sự kiện tiêu cực hơn là những sự kiện tích cực. Chúng ta cũng có khuynh hướng đánh giá thấp việc ta thường xuyên trải nghiệm trạng thái tích cực bởi vì ta dễ quên đi những trải nghiệm cảm xúc tích cực hơn so với tiêu cực[7].
Về mặt xã hội, chúng ta thường coi trọng người bi quan hơn là người lạc quan. Clifford Nass thuộc trường Đại học Stanford University cho rằng chúng ta đánh giá những người có cái nhìn tiêu cực về thế giới này là thông minh hơn những người lạc quan[8]. Chúng ta còn xây dựng nhiều từ ngữ tiêu cực hơn hẳn trong vốn từ vựng của mình (những khối đầu vào cơ bản mà ta sử dụng để xây dựng nên ý nghĩ của mình) – 62% của tất cả những từ chỉ cảm xúc trong từ điển tiếng Anh đều mang nghĩa tiêu cực.
Không một khuynh hướng tiêu cực nào trong số này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên cả. Chúng rõ ràng là sự phản chiếu của thiết kế bộ não chúng ta. Chẳng hạn, hạch hạnh nhân sử dụng khoảng hai phần ba số nơ-ron của nó để dò ra những trải nghiệm tiêu cực, và một khi bộ não tìm ra những tin tức xấu, nó ngay lập tức sẽ lưu trữ chúng trong trí nhớ dài hạn, trong khi những trải nghiệm tích cực chỉ được lưu giữ trong nhận thức của chúng ta không quá mười hai giây nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ kí ức ngắn hạn sang dài hạn. Rick Hanson, giáo sư của Trung tâm khoa học Greater Good thuộc trường UC Berkeley cho rằng, “Bộ não con người giống như là chiếc khóa kéo trước những trải nghiệm tiêu cực nhưng lại là lớp nhựa phủ ngoài Teflon[9] trước những trải nghiệm tích cực[10].”
Những bằng chứng này thật áp đảo và tôi còn có thể đưa ra thêm nhiều luận cứ nữa, nhưng câu chốt ở đây là:
Hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng tiêu cực trong phần lớn thời gian.
Vậy thì tại sao bộ não của chúng ta lại xấu tính đến thế? Để tìm ra câu trả lời, ta cần rời khỏi môi trường nghiên cứu và bước chân ra ngoài thế giới thực tế.
[1] psychic entropy hay psychological entropy (tạm dịch: tâm lý hỗn loạn): là một trạng thái tinh thần mà những suy nghĩ không thể có được những ý tưởng cụ thể nhưng lại bị mắc kẹt trong cùng một trạng thái tư tưởng giống như một vòng quay ngựa gỗ. Bởi vì sự tiêu cực, lo lắng, buồn phiền, cô đơn và không tương tác xã hội, chỉ có một mình ta và có hoặc suy nghĩ suốt về một điều nào đó. Đó là sự thiếu khả năng xử lý các ý nghĩ phức tạp mà không bị choáng ngợp và không biết làm thế nào để giải quyết hoặc đi đến một kết luận về một ý tưởng hay một vấn đề. Điều tốt nhất nên làm trong tình huống đó là đi ra ngoài xã hội, thực hiện những nhiệm vụ thông thường để đưa tâm trí của bạn ra khỏi sự hỗn loạn đang dâng lên trong đầu.

Vị Luật Sư Mẫn Cán

Bộ não của bạn thường tìm kiếm những điều có thể gây ra một mối đe dọa. Tại sao nó lại làm như vậy trong khi mục đích tồn tại của nó là để bảo vệ bạn?
Hãy thử tưởng tượng nếu cuộc đối thoại trong đầu của anh chàng thợ săn người tiền sử kia diễn ra như thế này: “Bình tĩnh nào, chẳng có con hổ nào ở đây sất. Đừng kiểm tra làm gì. Cứ đi về hang động thôi, mày sẽ không sao đâu.” Một thái độ lạc quan như vậy sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn nhiều, nhưng có lẽ cũng đồng thời làm cho cuộc đời ta ngắn lại. Khi sự sống bị đe dọa, an toàn sẽ tốt hơn là hối tiếc.
Bộ não của bạn không tồn tại chỉ để động viên bạn; mà nó đang cố gắng bảo vệ bạn. Đó là lý do tại sao mà nó thường hành động như là một vị luật sư mẫn cán. Với nhiệm vụ bảo vệ công việc kinh doanh của bạn khỏi mọi sự tấn công tiềm tàng, những vị luật sư tài năng này soạn ra tới hàng trăm trang hợp đồng và các văn bản pháp lý liên quan tới mọi điều nhỏ nhặt mà có thể trở nên sai lầm. Hầu hết trong số đó sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng trong trường hợp hi hữu rằng nó có xảy ra, thì vị luật sư ấy sẽ không muốn bị điểm mặt chỉ tên như là người đã bỏ sót điều này và khiến cho toàn bộ doanh nghiệp của bạn rơi vào khốn đốn.
Bởi vì chúng ưu tiên cho sự tồn tại của chúng ta hơn là hạnh phúc:
Hãy nhớ rằng: Bộ não của chúng ta có khuynh hướng phê bình, đánh giá, và than vãn trong hầu hết mọi thời điểm.
Chúng cũng có khuynh hướng bỏ qua những sự kiện hạnh phúc, bởi vì những điều này không mang tới lợi ích sinh tồn. Điều này khiến cho phần lớn những cuộc đối thoại trong đầu chúng ta, ôi chao, thật bi quan!
Sự làm trầm trọng hóa vấn đề này thể hiện một sự bất đồng đối với cuộc sống. Nó diễn tả một quan điểm trong đó những sự kiện mẫu thuẫn với kỳ vọng về một cuộc sống an toàn, không bị đe dọa. Những yếu tố như là sự bất đồng này xuất hiện trong Phương trình Hạnh phúc của bạn và kết quả sẽ là việc không hạnh phúc.
Với sự ám ảnh đầy mù quáng của bộ não bạn trong việc giữ cho bạn sống sót, nó thuận tiện bỏ qua những điều rõ ràng hiển nhiên: rằng những điều tiêu cực mà ta đối mặt là những ngoại lệ làm gián đoạn quy tắc dòng chảy tích cực.
Bạn không tin tôi ư? Vậy thì bạn thử trả lời điều này xem nhé: Điều gì mới là chuẩn mực, sự khỏe mạnh hay là ốm đau? Thời tiết tốt hay là bão tố? Tỉ lệ của việc bạn phải trải qua những trận động đất so với việc đi trên mặt đất bằng phẳng là bao nhiêu?
Hãy nhớ rằng: Cuộc đời hầu như được tạo nên từ những điều tích cực.
Việc bỏ qua những sự kiện tích cực dẫn đến những nhận định sai lầm. Điều này giống như là một vết mực đen trên tờ giấy trắng vậy. Con mắt của chúng ta được rèn luyện để nhìn thấy màu đen – vết mực – nhưng phần lớn những gì mà ta nhìn thấy – tờ giấy – lại là màu trắng. Khi mà bạn lựa chọn việc tập trung vào màu trắng thay vì màu đen, bạn sẽ nhận ra những khía cạnh khác nhau và cách nhìn khác nhau cũng đồng thời tồn tại ở đó, có lẽ là với một con số áp đảo là đằng khác. Vì vậy hãy ngừng lại việc luôn bi quan đi.
Hãy nhớ rằng: Hãy tập trung vào tờ giấy trắng, chứ không phải là vệt mực đen.
 
Dịch: December Child
Nguồn: sutamphap.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét