VẠN THỌ VÔ CƯƠNG

... Ô hay, muốn nhắm đến cái vô cùng của thời gian thì hãy rời mắt khỏi những giá trị một sớm một chiều. Muốn đạt tới cái vô hạn của không gian thì phải quên đi những biên giới, những góc hẹp tù túng. Muốn đời đời sống mãi trong một sự nghiệp vinh quang nào đó, trong khi thứ mà anh để lại chỉ là rác rưởi thì rõ ràng ước mơ kia chỉ là điều bất khả. Đạo hay đời đều thế cả!


VẠN THỌ VÔ CƯƠNG

Liếc đồng hồ thấy đã hai giờ sáng, tôi mới nghĩ đến chuyện đi nằm. Ngang qua gian thờ Phật đang lờ mờ ánh nến điện, tôi chợt nghe một cảm giác dễ chịu. Nhớ ra một chuyện, tôi bước chậm lại, vặn đèn. Bên dưới bàn Phật là mấy giò phong lan, Cattleya, Vũ Nữ… Và cả một thứ lan tôi chưa biết tên, giò nào cũng đẹp. Cái độc đáo là giò lan duy nhất tôi không biết tên lại cũng là giò lan thơm nhất. Không đẹp lắm, nhỏ xíu, màu tím thẫm, nhưng cái mùi Vanilla của nó thì ngát mũi. Cái mùi nghe qua đã thấy ngọt lịm ở cổ.
Hai anh chị Phật tử gần chỗ tôi vốn người yêu lan, biết chơi nhưng không có thời gian. Mùa Vu Lan, hai vợ chồng khệ nệ bưng đến chỗ tôi mấy giò lan với một câu nói không thể dễ thương hơn: Thầy cứ giữ lại đây cúng Phật, khi nào hoa tàn hết thì tụi này mang về thay giò khác. Vậy là bỗng dưng trong chỗ tôi có được mấy giò hoa vương giả.
Tôi quen hai vợ chồng họ chỉ ít lâu, tình sơ giao nhiều lắm thì cũng chỉ ngọt như nước mưa là cùng. Hai bên chẳng có gì để nhớ nhiều về nhau. Cả mấy giò lan kia cũng vậy: Vàng rực như Vũ Nữ hay tím ngắt như Cattleya thì vẫn cứ chìm mất trong bóng tối của đêm đen. Muốn thấy chúng đẹp, tôi phải cần đến ánh sáng và một tí chú ý. Nhưng riêng giò lan lạ hoắc kia thì lại khác. Ngoài cái màu tím để nhìn thấy ngoài sáng, nó còn có một mùi hương nghe được trong bóng tối, kể cả một người đang vô tâm.
Trong kinh, Phật còn nói đến một mùi hương chẳng những ngửi được trong đêm mà còn có thể đi ngược gió đến ngoài muôn dặm. Ai đọc kinh hẳn biết mùi hương đó từ đâu ra, ở đây tôi muốn nói đến một điều khác: Những gì càng bị giới hạn bởi quá nhiều điều kiện thì càng nhỏ bé, chật hẹp. Cái gì càng bị lệ thuộc các điều kiện thì coi như vẫn chưa toàn bích. Một tình cảm lệ thuộc điều kiện, hay một thứ kiến thức không thể áp dụng rộng rãi thì chỉ là những gì tương đối. Càng ít biên giới, sự hiện hữu của vạn vật càng bao la hơn, như nắng, gió, mây trời chẳng hạn!
Có điều là, hình như do bị hạn chế trong tấm hình hài quá bé nhỏ trước thiên nhiên , con người thường có khuynh hướng đi tìm góc hẹp cho mọi thứ. Chỉ trong cái nhỏ hẹp, người ta mới thấy được cái quyền sở hữu và đồng thời không bị choáng ngợp chơi vơi. Giữa trời đất bao la không bờ bến, người ta đã chọn ra những cái để thương và ghét, để thấy lạ và quen, xa với gần. Từ đó, đời sống và tim người bỗng nhiên thành ra những lồng chậu.
Trong ngôn ngữ, khi dùng đến những chữ Chân Trời hay Bầu Trời là người ta đã bắt đầu đặt ra một giới hạn cho cái cõi vô cùng, mà lẽ ra vốn không hề có bờ mé ngăn ngại. Viết tới đây tôi chợt nhớ một câu chuyện lạc đề từng xem qua trên phim Tàu. Lần đó, khi một vị đại quan nhà Thanh được giao làm mâm bánh trái để mừng thọ cho bà Từ Hi, thì kẻ thù của ông ta, cũng là một trọng thần trong triều, đã nhân dịp này ra tay chơi xấu để ông bị mất đầu. Lúc mâm bánh được dâng lên thái hậu, nội thị giở tấm lụa che bên trên và thái hậu tím mặt. Bốn chữ Vạn Thọ Vô Cương lẽ ra phải có đầy đủ trên mâm bánh mừng thọ thì lúc đó chỉ còn lại hai chữ Thọ Vô, nghĩa là chữ đầu và chữ cuối của lời chúc đã bị cắt bỏ. Ngay lúc thập phần nguy ngập ấy, một vị đại thần bạn thân của viên đại quan xấu số kia, bỗng quỳ sụp xuống trước mặt bà thái hậu và nét mặt ông tươi tỉnh như không:
-Muôn tâu Lão Phật Gia, không có chữ Cương nghĩa là Vô Cương, và đã là Vô Cương (Unlimited) thì chữ Vạn kia đâu còn nghĩa lý gì ạ. Hai chữ Thọ Vô này còn thâm hậu hơn cả bốn chữ Vạn Thọ Vô Cương viết đầy đủ nữa. Ông bạn của thần cũng đáo để thật. Chúng thần xin chúc mừng thái hậu có một hiền thần!
Theo trong phim thì chuyện đó cuối cùng cũng êm, và cái huyền nghĩa của câu chuyện cứ theo tôi hoài, nhớ mãi không quên. Dĩ nhiên là tôi cố hiểu mấy chữ đó theo cách nghĩ của người ở Không Môn .
Tôi nhớ từng nói qua ở đâu đó rằng, nếu phải chi một số tiền lớn để làm đạo tràng tự viện, thì tôi luôn chủ trương nhà rộng phòng nhỏ để ai cũng có thể chia nhau cái mênh mông của chùa. Nếu phòng riêng đồ sộ quá, phần đất còn lại sẽ hẹp đi, và khổ thay, đó lại chính là khu vực của đại chúng. Đó cũng chính là bi kịch của Việt Nam hiện tại. Trong thống kê của các nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ, 50% tài sản của Việt Nam nằm trong tay 20% dân số, nghĩa là 80% dân số Việt Nam còn lại phải chia nhau 20% lợi tức quốc gia. Khoảng cách giàu nghèo từ đó sâu tợ bể. Thương thay!
Ngồi nhớ chuyện bà Từ Hi, tôi lại lan man qua bao mớ bòng bong khác. Phải mà, xưa giờ thiên hạ chỉ đụng độ nhau ở những cái nhỏ. Khi vươn ra cái cao rộng thì thương nhau còn chưa kịp. Một chủ nghĩa cực đoan, một nền tín ngưỡng bất cập, một nếp nhà hủ lậu, một xã hội chỉ biết bon chen… Tất thảy đều là nền móng cho những va chạm không cần thiết, có khi nảy lửa và thậm chí chết người.
Tôi từ đó cứ thấm thía bốn chữ Vạn Thọ Vô Cương kia như một câu khẩu quyết nhà Thiền: Ô hay, muốn nhắm đến cái vô cùng của thời gian thì hãy rời mắt khỏi những giá trị một sớm một chiều. Muốn đạt tới cái vô hạn của không gian thì phải quên đi những biên giới, những góc hẹp tù túng. Muốn đời đời sống mãi trong một sự nghiệp vinh quang nào đó, trong khi thứ mà anh để lại chỉ là rác rưởi thì rõ ràng ước mơ kia chỉ là điều bất khả. Đạo hay đời đều thế cả !
Bài viết đã khép lại điều muốn nói, ngoài kia trời như sắp mưa. Giò hoa lan không tên kia vẫn phảng phất một mùi hương nhè nhẹ như một mơn trớn ru tôi vào cõi vô cùng, nơi không còn một bến bờ cách ngăn nào nữa. Xin cảm ơn một làn hương không biên giới giữa một cõi đời quá nhiều rào giậu. Mong thay!


Đại Liêu, Sept /15 /09
TOẠI KHANH
(Bài viết thay lời chúc thọ mẫu thân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét