TỰ TẠI

Cổ tích Ấn Độ có một giai thoại khá độc đáo kể về một nàng công chúa mê săn bắn và có sở thích đặc biệt là mê xài đồ da thú. Từ yên ngựa, đến ghế ngồi, giường ngủ, cán dao, chuôi kiếm mà nàng sử dụng đều được bọc da thú, đủ các loại thú. Dĩ nhiên ngày đó công nghệ thuộc da chưa phát triển ghê gớm như sau này. Nghĩa là có nhiều món sau này làm bằng da thì ngày xưa hãy còn làm bằng những chất liệu khác.

Chuyện kể rằng một buổi trưa ngủ dậy, cô công chúa nhìn xuống chiếc giường bọc da của mình rồi nghĩ tới một điều kì quái. Nàng đến nũng nịu với vua cha rồi nằng nặc đòi ông phải thực hiện điều nàng vừa mơ ước. Vị Hoàng đế nghe xong đòi hỏi đó đã hết hồn. Có thương con như trời biển, ông cũng không biết phải làm sao. Công chúa đòi cha lấy da thú trải khắp vương quốc, hay tối thiểu cũng là những nơi chốn nàng đặt chân đến. Không muốn con mình phải buồn lòng, ông vua vào ra khổ tâm ghê gớm. Thế rồi câu chuyện đến tai một vị lão quan trăm tuổi, Ông vào cung gặp vua và đề nghị vua cho thợ giỏi chọn loại da thú tốt nhất, mềm nhất, đẹp nhất để làm cho công chúa một tá giày da thiệt vừa vặn. Ông giải thích: Kiểu này thì công chúa có đi đến bất cứ đâu trên trái đất này thì dưới chân nàng cũng luôn là da thú. Đâu cần gì phải trải da thú tùm lum cho khổ đời. Tương truyền đó chính là nguồn gốc của những giày dép bằng da mà ngày nay chúng ta đang xài trên khắp thế giới.
Tôi đọc câu chuyện đó từ lâu lắm rồi. Trưa nay, một người quen gởi email cho tôi kèm cái hình một cô Geisha Nhật Bản xinh xắn đang cầm dù dưới một hiên mưa có mấy nhánh trúc chìa ra từ hàng rào gỗ thông. Tôi nhìn bức hình không chán mắt, không chỉ vì nó đẹp mà còn vì một chút hồi ức ngẫu nhiên về nàng công chúa Ấn Độ với đôi giày da huyền thoại. Tôi ngó ra bầu trời đang mưa bên ngoài. Phải rồi, có đôi dép da dưới chân thì đâu cần phải trải da khắp cả vương quốc. Có chiếc dù trên tay thì có đi đâu người ta cũng như mang theo cả một mái nhà. Một dù, một dép đơn sơ nhẹ nhàng là vậy mà đắc dụng quá đỗi!
Bao thứ chuyện trên đời, chuyện đạo hình như cũng giống hệt mấy món dù dép đó.
Anh có hồn thơ thì ở đâu cũng là cõi thơ. Anh hung hăng nóng tánh thì ở đâu cũng là chiến trường. Anh là kẻ đa tình thì ở đâu cũng là chốn tương tư. Anh có lòng vị tha thì ở đâu cũng là chỗ để phục vụ. Anh có lòng hiếu học thì ở đâu cũng là trường lớp. Anh có tin Phật thì ở đâu cũng là chốn tòng lâm. Tôi từng nói nhiều về pháp môn Wireless của người tu Phật giữa thế giới hôm nay. Chúng ta thật ra có thể không cần đến quá nhiều những dây nhợ lòng thòng mới có thể nối kết, liên lạc được với đây đó nọ kia. Hãy biến những đức tánh, những pháp môn tu hành thành ra cái gì đó gọn nhẹ để có thể cầm tay, bỏ túi để mà lưu lạc ở đâu trong đời cũng cứ thanh thản tự tại. Tôi yêu lắm hai chữ Tự Tại này đây. Tự tại nghĩa là ta với riêng ta, với chính mình, với mỗi bản thân, không cần ràng rịt dây mơ rễ má với quá nhiều những quan hệ chằng chịt mà vẫn có thể sống cho ra hồn, tu học ngon lành, tự lợi lợi tha một cách ngoạn mục. Độc lập mà không tự cô lập. Một mình mà không cô đơn. Tôi gọi đó là pháp môn Wireless.
Chuyện đời cũng vậy thôi. Tôi yêu em, tin em, hy vọng ở em, vậy là tôi có em, dù tụi mình đang cách nhau muôn dặm trùng dương. Đó là thứ tình yêu Wireless. Tôi xa quê, nhưng trong tim tôi có tất cả đồng bào, non sông, những tóc bạc của thế hệ trước, những tuổi xanh của tương lai Việt Nam mai này. Tôi gọi đó là lòng ái quốc Wireless. Tôi không thể cùng lúc có mặt ở tất cả những nơi chốn lầm than trên hành tinh, nhưng những gì tôi suy tư và hành động luôn nhắm đến tất cả thiên hạ. Đó cũng là một kiểu vị tha Wireless,
Lời cuối, trong lòng có nội dung thì hình thức hay ngoại cảnh chỉ là chuyện nhỏ. Chỉ ngại một nỗi là khi chưa có đủ nội lực, tức còn đang thiếu hụt nội dung thì ước vọng Tự Tại lúc này, nói theo ai đó, đã thành ra Tại Bất Tại, người ở đây mà lòng ở kia, nôm na là thấy vậy mà không phải vậy. Người như vậy chưa thể sống Wireless, nghĩa là chưa sắm được một chiếc dù riêng tư để mà ra xông pha mưa gió. Họ vẫn cần đến những mái nhà, những chở che, những cưu mang của ai đó. Họ chưa đủ khỏe để tách rời một mình. Ham chơi quá, dễ bị cảm lạnh rồi thì biết đâu là vong mạng. Riêng kẻ đủ sức tu và sống kiểu Wireless thì chưa hẳn đã xong chuyện. Không có dây nối nhiều khi cũng có những phiền phức nào đó. Đôi khi là hiệu quả làm việc kém hơn, hoặc khả năng tích lũy năng lượng cũng thường hạn chế. Từ đó, đời sống hay cuộc tu luôn là hành trình tự xét, tự tỉnh để có được một ngày đủ sức tự tại. Mong thay!

TOẠI KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét