CÀN THÁT BÀ

‘Gandha’: ‘mùi hương’. ‘Gandhabba’: ‘Càn Thát Bà’
Càn-thát-bà là loài phi nhơn sống dựa vào mùi hương của thực vật từ củ rễ, hoa, trái.


Bây giờ quí vị là bác sĩ, có ngôi nhà bốn tầng tại quận 1 Sài Gòn, quí vị có hai chục thân nhân rải rác trên khắp các châu lục, quí vị nói được tám thứ tiếng, thu nhập ngất ngây. Nhưng có một chuyện quí vị không bao giờ tưởng tượng được là những sở thích của quí vị, những duyên nghiệp quí vị tạo ra mỗi ngày – ác và thiện – mai này khi tắt thở rồi, sẽ đưa quí vị vào chỗ mà quí vị không tưởng tượng được, đó là vào trong trái sung, làm thọ thần trong đó. Mọi người nhìn thấy đó là trái sung, nhưng đối với quí vị, thật ra đó là tòa nhà rất lớn, có lầu, có lan can, có cầu thang, có ban công, có bồn tắm, có huê viên bao bọc chung quanh lộng lẫy, bên trong trái sung đó. Mai này trái sung đó rụng, quí vị đi sang trái sung khác. Những cái hòn đất mình đá qua đá lại nhiều khi lọt xuống cống, mình không biết rất có thể hòn đá đó là cả một thế giới sống bao la bát ngát cò bay bát ngát của một thọ thần, một địa cư thiên nào đó. Thế giới này kinh khủng như vậy đó.
Trong chú giải có nói rằng, có một loại chư thiên là Samacittadeva, có những lúc có hàng trăm hàng ngàn vị sống trên đầu cây kim. Mình học cái này mới hết hồn, thì ra trong thế giới này cái khái niệm lớn và nhỏ là do mình u mê mình nghĩ ra thôi, chứ phải nói duyên nghiệp quyết định nhiều chuyện dễ sợ lắm. Hồi còn sống thì nhà lầu bốn tầng quận 1, nếu khuya nay lăn đùng ra chết, chui vô trái sung hay trong hòn đá bên đường, trên ngọn cây ngọn cỏ nào đó, khi nó héo úa mình đi qua ngọn cỏ khác.
Càn Thát Bà là những loài phi nhơn sống trong rễ cây, thân cây, lá cây, hoa, nhụy, đài, gương sen v.v.... Theo chú giải, có trường hợp, có những vị sống trong thân cây, khi thân cây đó bị xẻ ra đem về làm giường tủ bàn ghế, họ mến thích cái cây nên đi theo. Vì vậy mà có trường hợp bị mộc đè (bóng đè). Mộc đè là khi ngủ thấy có gì đè nặng không nhúc nhích được, nguyên nhân là do mình nằm ngủ sai tư thế, gây ra chiêm bao ác mộng, nhưng cũng không loại trừ trường hợp là cái giường đó làm từ cái cây trước đây có các loài phi nhân ở rồi họ đi theo cái cây ở trong đó. Chính vì vậy, trong từng ngày, mình phải có cái tâm cao rộng một chút.
Một kinh khác nói: Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm tham, sân, si thì chỗ đó là chỗ của loài sa đọa. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng cách tu tập Thập thiện thì đó là chỗ của Dục thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm Tứ vô lượng tâm thì đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng trí tuệ chánh niệm, danh sắc, khổ, vô thường, vô ngã, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới thì chỗ đó là trụ xứ của thánh nhân. Trong một ngày, trong thân nhân loại này, chúng ta sống trong đủ thứ cảnh giới. Vấn đề là chúng ta dừng chân ở cảnh giới nào lâu nhất. Mai này khi nào tắt thở, mình sẽ đi về cảnh giới tương ứng Ví dụ trong ngày đó mình tham nhiều quá, thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thời gian thích đó hơi nhiều, so với thời gian mình học đạo, thiền định, tụng kinh thì như vậy có nghĩa là ngày đó mình sống nhiều trong cảnh giới của tham. Sân quá nhưng phước nhiều thì rất có thể sanh làm Dạ xoa hoặc A-tu-la thiên – là loại A-tu-la thuộc hội chúng chư thiên Đao Lợi. Quá sân mà thiếu phước thì sẽ sanh làm rắn, cá sấu, cọp beo, sư tử, những loài quạu quọ. Kiểu ta sống ra sao mỗi ngày, tâm tư nghiêng nặng về cái gì, cộng với phước nhiều hay tội nhiều, sẽ dẫn mình về cõi tương ứng.
(Thương ghét + thiện ác = cõi tái sinh tương ứng).
Mình thích chưng bông, mình cứ nói “Tôi trồng bông tôi cúng Phật”, nhưng cho tôi hỏi nhỏ một câu: Một tuần như vậy thay bông trên bàn Phật mấy lần? Mình khoái bông, nhưng đừng đem chuyện Phật ra gạt mình. Nếu kết toán cuối đời thì nghiệp thiện của mình ít hơn nghiệp ác, mà thời gian khoái bông hơi nhiều thì biết mình đi về đâu rồi: ong, bướm. Nếu khoái bông thật sự thì tu thiền, học đạo rất giỏi và tinh tấn; thật sự thật lòng trồng hoa để cúng Phật chứ không phải để thưởng thức enjoy thì lại là chuyện khác. Từng ngày nhớ tâm niệm điều đó. Coi chừng một ngày nào đó tắt thở chui vào hòn đá, nhánh cây, hay lá me lá ổi thì buồn lắm.
Đây là bài học vô cùng quan trọng và đây cũng là lý do tôi muốn bà con cùng tôi đi qua từng bài kinh không bỏ bài nào hết. Qua những bài kinh này chúng ta có dịp ôn lại nhiều chuyện chúng ta đã biết, biết mơ hồ không rõ, hoặc biết thêm những điều chúng ta chưa từng biết. Những chuyện này ngó rất thường nhưng lại lớn chuyện.

(Những bài giảng Kinh Tương Ưng - Tập 4 Sư Giác Nguyên)


Nguồn: FB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét