Yêu và Thiền

Yêu là con đường nữ và thiền là con đường nam. Thiền ngụ ý năng lực để ở một mình tuyệt đối, và yêu ngụ ý năng lực ở cùng nhau tuyệt đối. Yêu nghĩa là hân hoan trong tính quan hệ; thiền nghĩa là hân hoan trong đơn độc, một mình.
Cả hai đều làm cùng một việc, bởi vì trên cả hai con đường bản ngã đều biến mất. Nếu bạn thực sự trong yêu bạn phải vứt bỏ bản ngã của mình; bằng không yêu sẽ không thể được. Nếu bạn muốn đi sâu vào thiền bạn sẽ phải bỏ lại bản ngã đằng sau; bằng không bạn sẽ không một mình được. Bản ngã sẽ có đó và nhị nguyên sẽ còn lại: bản thể và bản ngã, tâm thức và tâm trí.
Bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí nếu bạn muốn đi vào thiền, và bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí nếu bạn muốn đi vào trong yêu.
Cho nên cơ chế căn bản là như nhau, nhưng chiều hướng là khác nhau. Thiền nhân đi vào trong; người đó hướng nội, người đó tìm kiếm nội tâm. Và người yêu đi ra ngoài; người đó hướng ngoại, người đó tìm kiếm bản thể của người khác. Trong yêu, người khác trở thành tấm gương trong đó bạn thấy khuôn mặt của mình, khuôn mặt nguyên thuỷ của mình. Trong thiền, bạn không cần có tấm gương nào; bạn đơn giản đi vào bản thân mình và bạn tìm thấy bản thân mình, sự phản xạ của bạn là không cần thiết. Đây là hai kiểu công việc cơ bản.
Phật nói: Việc của ông là khám phá việc của ông. Điều đầu tiên là khám phá ra đích xác bạn thuộc kiểu người nào. Mahavira, Phật, Lão Tử, đây là người kiểu thiền, người có tính thiền. Nhưng Jesus, Chaitanya, Kabir, những người này thuộc kiểu yêu; họ cần đối thoại với sự tồn tại. Trong thiền không có lời cầu nguyện bởi vì không có người khác; trong lời cầu nguyện có đối thoại của ta và người.
Liệu Thượng đế có tồn tại hay không là không liên quan. Patanjali đã nói Thượng đế chỉ là một phương cách cho kiểu yêu, người không thể tìm thấy bản thân mình nếu không tạo ra tấm gương; thế thì Thượng đế là tấm gương lớn nhất mà bạn có thể tạo ra. Liệu Thượng đế có tồn tại hay không không phải là vấn đề chút nào. Patanjali nói đó là phương cách thôi: phương cách cho lời cầu nguyện. Điều thực là lời cầu nguyện, không phải Thượng đế, nhớ điều đó: điều thực là lời cầu nguyện, không phải Thượng đế. Điều thực là tình yêu, không phải người được yêu.
Nếu bạn có thể yêu, nếu bạn có thể cầu nguyện, chẳng thành vấn đề liệu Thượng đế có tồn tại hay không, liệu lời cầu nguyện của bạn có được nghe hay không. Bản thân lời cầu nguyện đang biến đổi; nghe, không nghe, là vấn đề bên lề. Trong lời cầu nguyện sâu bạn làm tan biến bản ngã của mình. Nhưng với lời cầu nguyện bạn cần cái cớ: cầu nguyện với ai? Bạn cần cái cớ; do đó mới có Thượng đế, giả thuyết về Thượng đế. Nó là giả thuyết, nhớ lấy; nó không thực có đó. 

Osho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét