Suy ngẫm về cái chết từ đại dịch Covid

... Chúng ta đến với thế gian này cũng chẳng khác những  người khách trọ trong khách sạn. Khách sạn thì đủ loại. Có người ở phòng sang, có người ở phòng tồi. Nếu ta biết khi hết hạn trọ là phải trả phòng để đi thì ta thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Nhưng nếu thấy căn phòng đẹp quá, ta cứ muốn ở mãi hoặc sinh tâm chiếm hữu làm của riêng thì từ đó mới nảy sinh phiền não. Những bậc chân nhân phiêu nhiên mà đến rồi phiêu nhiên mà đi. Đó mới tâm của người thấu đạt lẽ tử sinh...

Suy ngẫm về cái chết từ đại dịch Covid

Đại dịch Covid đợt 1 càn quét trên phạm vi toàn cầu, khiến cả thế giới chấn động, làm toàn thể nhân loại phải lao đao choáng váng. Thậm chí nhiều người bi quan còn xem như đó là ngày tận thế. Khi đại dịch tạm lắng xuống, mọi người đang cố gắng trở lại với nhịp sống thường ngày, nhưng vẫn kịp thích nghi thì hôm nay, đại dịch Covid đợt 2 bất ngờ quay lại. Như một cơn bão hoàn lưu. Cuộc sống một phen nữa lại bị xáo trộn.

Trước đây, nhiều người  còn khư khư cho rằng con virus giết người hàng loạt này là sản phẩm nhân tạo, và có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch. Nhưng rồi đã đến lúc thiên hạ hiểu ra rằng đại dịch Covid, cũng như bất cứ một đại dịch nào trên phạm vi toàn cầu, chỉ là một trong những hiện tượng tự nhiên bình thường mang tính chu kỳ. Từ hàng thiên niên kỷ trước Công Nguyên đến nay, lịch sử nhân loại đã chứng kiến không biết bao nhiêu là trận dịch với sức hủy diệt tập thể cứ lặp lại theo chu kỳ vài thế kỷ. Như một sự sàng lọc của tự nhiên.

Nhìn con số thống kê số lượng người chế trên thế giới vì Covid, ta không hỏi giật mình. Nhưng xét kỹ lại, chiếm đa số trong đó vẫn là những người già. Mà không ít những người đó chết vì bệnh nền. Thực ra, những người già mắc bệnh nền thường  chỉ  kéo dài sự sống lây lất nhờ y học. Giờ đây, con virus Covid làm  nhiệm vụ gạn lọc của tự nhiên.       

Cũng với sự phát triển của y học, con người không ngừng nỗ lực tìm cách kéo dài tuổi thọ. kéo dài mạng sống. Có thể nói sự phát triển của  học là cuộc đấu tranh khốc liệt với bệnh tật và cái chết tự nhiên.  Thiên nhiên bảo một người già “Hãy chết hôm nay!”, y học lại nói : “Hãy khoan!” và nỗ lực trì hoãn cái chết thêm nhiều năm tháng nữa. Đó là một vết son của trí tuệ nhân loại, nhưng về một mặt nào đó thì ta có lẽ lại đi ngược quy luật tự nhiên. Hậu quả là loài người ngày càng già đi, làm giảm phần nào sự sôi động của dòng sống. Y học tiến bộ đã góp phần kéo dài tuổi thọ, để thỏa mãn khát vọng của con người. Điều đó khiến tham dục thêm lớn mạnh. Y học và sự tiến bộ của khoa học đã không cho người già chết đúng quy luật  thì thiên nhiên phải ra tay để lập lại trật tự. Tôi mới thuộc hàng lục thập, tức U70, nhưng thấy cũng đã viên mãn với đời người. Ra đi sớm hay muộn một đôi năm cũng chẳng thấy có gì khác biệt.

Ở một nước  tiên tiến như Mỹ, cả bác sĩ cũng chết vì Covid. Mà lại chết trẻ. Ở châu Âu, quý tộc hoàng gia cũng chết. Không còn một nơi nào, một môi trường nào có thể xem là an toàn. Có lẽ đây cũng là cơ duyên để con người tĩnh tâm nhìn sự vô thường của cõi thế.    

Thiên nhiên luôn dùng những bài học răn đe để dạy dỗ loài người. Từ khi lọt lòng đến lúc lìa đời, thiên nhiên dùng bệnh tật để nhắc nhở ta biết sống điều độ và xem trọng sức khỏe. Thiên nhiên dùng thiên tai bão lụt, dùng đại dịch hủy diệt hàng loạt để răn đe con người bớt tự mãn rồ dại khi ra sức  tàn phá thế giới tự nhiên. Thiên nhiên  dùng cái chết để răn đe con người tỉnh ngộ mà lo tu học, lo vun trồng công đức. Đại dịch Covid cũng chỉ là một trong những bài học răn đe đó. Con virus vô hình vô ảnh kia đã đặt ra cho người một câu hỏi : “Cái gì mới thực sự là chúa tể của thế gian?”

Sống trong đời, cái chết của bản thân ta dĩ nhiên là một điều vô cùng khủng khiếp, còn cái chết của người  thân là một điều vô cùng đau xót. Tử biệt sinh ly là một trong những nỗi đoạn trường của kiếp nhân sinh. Nhưng có ai mà không chết?  Ai cũng phải chết, nhưng điều lạ lùng là không một ai nghĩ minh sẽ chết. Người ta tránh nói tới từ “chết”, mà luôn dùng những từ nhẹ nhàng hơn, như “khuất núi”, “khuất bóng”, “tạ thế”, “qua đời”, v.v… Khi đi đưa tang, có mấy ai hiểu rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ nằm trong một cỗ quan tài như thế? Ta cứ xem như cái chết là một “cái gì đó” thuộc về người khác chứ không phải của mình, mặc dù “cái gì đó” kia đã gắn liền với ta từ lúc chào đời, như một thuộc tính gắn vào sự vật, mà không có thì sự vật đó không còn là chính nó nữa.     

Con người bị ảm ảnh bởi tư tưởng chết là hết, là hư vô, nên luôn muốn kéo sự tồn tại của trên cõi thế bắng mọi cách. Chống đỡ tuyệt vọng với tuổi già, xây tháp, tạc tượng, sinh con trai để nói dõi tông đường qua cái họ! Không ít những vị được tôn xưng là chân sư mà khi về già mắc bệnh tật lại cố gắng tìm mọi cách để kéo dài sự sống, dù là sự sống trong bệnh hoạn thảm thương. Để làm gì vậy?  Cái chân lý đơn giản “tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu” của đạo Phật, ai cũng có thể dễ dàng rao giảng được, nhưng để thực hiện được nó dường như lại không có mấy người. Sự vĩ đại của một con người được đánh giá qua cái chết. Một người thật sự vĩ đại thì khi sống cũng vĩ đại mà khi chết cũng vĩ đại. Đức Phật dĩ nhiên thuộc về một cảnh giới tối thắng không cần phải bàn đến. Như Bùi Giáng, suốt đời sống phiêu bồng trong cảnh giới “Ngày Tháng Ngao Du”, cuối đời làm chơi vài bài thơ rồi mất. Hoặc như những thiền sư chân chính, sống một đời để hoằng pháp, đến cuối đời, làm một bài kệ rồi an nhiên viên tịch. Hoặc như Jippensha Ikku (?-1831), một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản. Lúc lâm chung, trước khi hỏa táng, Ikku bảo học trò đem đặt bên xác ông một số thùng mà ông trịnh trọng ủy thác lại cho họ. Lúc cử hành tang lễ, mọi người ta đang lâm râm tụng kinh, giàn thiêu bốc cháy thì pháo hoa trong các thùng đó bùng nổ đầy trời, trông rất vui mắt.

Trong số những hoàng đế vĩ đại của nhân loại, Augutus có lẽ là người gây ấn tượng tuyệt vời nhất trước cái chết. Ông đã kiến tạo nên một nền hòa bình La Mã thịnh trị kéo dài hàng mấy thế kỷ, xây dựng nên một đế chế La Mã hùng mạnh, khi còn sống được dân chúng yêu thương và tôn thờ như thần linh.  Nhưng ông sống rất đạm bạc, bình dị. Sau những thời gian lâm triều để điều hành đế chế, ông chỉ đọc sách. Khi lâm chung vào năm 14 trước Công nguyên, ông cho gọi vợ con, bạn bè cùng những đại thàn lại để từ giã, và nói lời cuối cùng : “Nào các ngươi hãy vỗ tay đi, trẫm đã diễn xong vai của mình trong tấn trò đời rồi.” Đây nguyên là câu văn La tinh thường dùng để kết thúc một vở kịch thời La Mã cổ đại. “Plaudite, amici, Comoedia finita est!” (Hãy vỗ tay đi các bạn, vỡ tuồng đã diễn xong rồi).

Chúng ta đến với thế gian này cũng chẳng khác những  người khách trọ trong khách sạn. Khách sạn thì đủ loại. Có người ở phòng sang, có người ở phòng tồi. Nếu ta biết khi hết hạn trọ là phải trả phòng để đi thì ta thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Nhưng nếu thấy căn phòng đẹp quá, ta cứ muốn ở mãi hoặc sinh tâm chiếm hữu làm của riêng thì từ đó mới nảy sinh phiền não. Những bậc chân nhân phiêu nhiên mà đến rồi phiêu nhiên mà đi. Đó mới tâm của người thấu đạt lẽ tử sinh.

Đại dịch Covid đang bắt đầu chu kỳ thứ 2. Bên cạnh những tác hại khủng khiếp, nó lại cho ta một bài học vô giá về cái chết, và sự vô thường của kiếp người.  Bình tĩnh đối phó đúng quy định với kẻ thù vô hình vô ảnh này bằng tinh thần “sinh tử thường nhiên” vẫn luôn là biện pháp tối ưu. Dòng sống sẽ vẫn cứ chảy, mọi sinh hoạt rồi sẽ trở lại bình thường. Chỉ là vấn đề thời gian. Không có gì phải quá đỗi bi quan. Hãy học tập hoàng đế Augutus, để khi đối diện cái chết, ta có thể thanh thản nói với bạn bè và người thân: “Plaudite, amici, Comoedia finita est!”


Huỳnh Ngọc Chiến

22-08-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét