Ảo ảnh thời gian

Có một lực bí ẩn nào đó đã buộc chặt tâm lý của chúng ta vào chiều thời gian nên làm cho chúng ta cảm thấy chiều này khác biệt với 3 chiều kia của không-thời-gian 4 chiều:
trong khi trên 3 chiều kia ta có thể di chuyển theo các hướng tuỳ ý thì trên chiều thứ tư ta chỉ có thể di chuyển theo một hướng nhất định. Nhưng thực ra chiều thứ tư chẳng khác gì 3 chiều kia, vấn đề là làm sao thoát khỏi cái lực tâm lý bí ẩn trói buộc ta vào đó…


Thực ra ngay cả những chiều không gian cũng bị cản trở, chẳng hạn lực hấp dẫn cản trở chúng ta di chuyển lên trên cao. Muốn lên cao, ta phải thắng lực hấp dẫn của trái đất. Vậy hoàn toàn tương tự, nếu có cách nào đó thắng được lực tâm lý bí ẩn trói buộc ta vào chiều thứ tư thì ta cũng có thể tự do di chuyển ngược hoặc xuôi trên chiều này, tức là có thể trở về quá khứ hoặc vượt tới tương lai.

“Việc khó nhất trong mọi việc là tìm con mèo đen trong buồng tối, đặc biệt nếu trong căn buồng chẳng có con mèo nào cả”. Đó là lời của Khổng tử mà Julian Barbour đã dẫn trong cuốn “Sự cáo chung của thời gian”[1], nhằm gửi đến chúng ta một thông điệp mới của khoa học: Thời gian thật ra chỉ là một ảo ảnh. Thời gian không tồn tại. Vũ trụ là phi thời gian (universe is timeless). Vì thế trả lời câu hỏi thời gian là gì cũng khó như đi tìm con mèo trong câu nói của vị thánh nhân Đông phương!

Nói là mới nhưng thực ra điều này đã được Albert Einstein nói đến từ lâu. Vả lại, một lý thuyết về vũ trụ do nhà toán học trứ danh Kurt Godel công bố từ năm 1948 cũng đã cho thấy khả năng thời gian trôi ngược có thể là một hiện thực! Dù cho những tư tưởng mới lạ này có vẻ kỳ quặc đến mấy đi chăng nữa thì nó đã và đang là một đề tài nghiên cứu lớn của khoa học.

Nhưng thưa bạn đọc, thật là thích thú để nói với bạn rằng không phải khoa học, mà chính văn học đã sáng tạo ra đề tài đó!

Năm 1895, lần đầu tiên trong lịch sử nhận thức Tây phương, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Chiếc máy thời gian” (The Time Machine) của Herbert George Wells đã phá bỏ cái khung thời gian từ hàng ngàn đời nay để cho phép con người du hành xuyên thời gian đến bất kỳ một thời điểm nào trong quá khứ hoặc tương lai. Kể từ đó, khả năng Du Hành Xuyên Thời Gian (Time Travel) trở thành một đề tài ngày càng thu hút sự chú ý của cả khoa học lẫn văn chương nghệ thuật.

Chính trong sự chú ý đó, người Tây phương đã giật mình sửng sốt khi biết rằng từ hàng ngàn năm trước, bằng con đường trực giác thông qua phép tu thiền, các nhà đạo học Đông phương cũng đã từng khám phá ra chính những bí ẩn của thời gian mà hôm nay nền văn minh Tây phương mới đang bắt đầu.

Kể lại câu chuyện ảo ảnh thời gian, tôi muốn cùng bạn đọc chiêm nghiệm câu ngạn ngữ “Tư tưởng lớn gặp nhau”(Les grands esprits se rencontrent). Nhưng đặc biệt để cùng suy ngẫm về một nhận định mà Henri Bergson, một triết gia nổi tiếng từng đoạt Giải Nobel văn chương năm 1927, từ lâu đã lưu ý: “Chính trực giác có sẵn nơi lương tri của bạn giúp bạn nhận thức được sự thật chứ không phải hệ thống các lý thuyết uyên bác”.



1. Từ Mr Why đến lý thuyết thời gian trôi ngược:

Kurt Godel sinh năm 1906 tại Moravia thuộc Đế quốc Áo-Hung, nay là thành phố Brno thuộc Cộng Hoà Tiệp. Lúc nhỏ, cậu bé Godel được thầy giáo và bạn bè gọi bằng biệt danh “Mr Why”, vì cậu có quá nhiều câu hỏi “tại sao”. Năm 26 tuổi, “Ông Tại Sao” làm rung chuyển thế giới vì công bố Định Lý Bất Toàn (Theorem of Incompleteness) – một định lý khẳng định rằng tồn tại những chân lý toán học không thể bác bỏ nhưng cũng không thể chứng minh. Định lý này cùng với Thuyết Tương Đối của Einstein và Cơ Học Lượng Tử của Heisenberg được coi là ba phát minh vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 vì chúng đều chứng tỏ nhận thức khoa học mang tính tương đối và có giới hạn. Từ đó tiếng tăm của Godel nổi như cồn và trở thành lý do để năm 1940 người Mỹ mời ông đảm nhiệm một ghế giáo sư toán học tại Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (Institute of Advanced Study) thuộc Đại học Princeton, nơi Albert Einstein cũng đang giữ một ghế giáo sư vật lý.

Bất chấp chênh lệch lớn về tuổi tác, Einstein hơn Godel 27 tuổi, hai nhân vật kiệt xuất này đã nhanh chóng trở thành đôi bạn tri kỷ vong niên. Tạp chí Discover tháng 03.2002 viết: “Tầm vóc vĩ đại trong công trình nghiên cứu của cả Einstein lẫn Godel làm cho cả hai trở nên cô đơn, vì thế họ đã nhanh chóng tìm đến nhau để trao đổi những điều mà họ không thể chia sẻ với bất kỳ ai khác được”. Einstein một lần nói với Oskar Morgenstern, một trong hai đồng tác giả của Lý Thuyết Trò Chơi (Game Theory) rằng ông đến trường đại học chỉ cốt để gặp Godel (!). Ngược lại, Godel viết thư cho mẹ khoe rằng đã đến thăm Einstein tại nhà riêng, một điều rất trái với thói quen của Einstein xưa nay chẳng tiếp ai ở nhà bao giờ. Tình bạn thân thiết ấy kéo dài mãi cho đến khi Einstein mất (1955), và đem lại kết quả là một lý thuyết lớn trong khoa học: Lý thuyết Vũ trụ Quay tròn (Theory of Rotating Universe) được Godel công bố năm 1948.

Khi tập trung vào nghiên cứu Thuyết Tương đối, bản chất tò mò của “Mr Why” đã giúp Godel nhận thấy có điều gì đó chưa ổn. Theo Thuyết Tương đối Hẹp, thời gian là tương đối, phụ thuộc vào tốc độ của chuyển động, chuyển động càng nhanh thời gian trôi càng chậm. Nhưng từ Thuyết Tương đối Tổng quát, các nhà vật lý lại có thể xây dựng nên một mô hình vũ trụ dãn nở (sau này trở thành Lý thuyết Big Bang), trong đó có thể tính được tuổi của vũ trụ (khoảng 14 tỷ năm, theo số liệu hiện nay). Tuổi vũ trụ là một thời gian tuyệt đối, không phụ thuộc vào bạn hay vào tôi. Điều này không ăn khớp với tính tương đối của thời gian trong Thuyết Tương đối Hẹp. Để tìm một mô hình vũ trụ trong đó thời gian của toàn bộ vũ trụ cũng mang tính tương đối, Godel quyết định giải lại phương trình trường của Thuyết Tương đối Tổng quát. Kết quả thật bất ngờ: Nghiệm tìm được tương ứng với một vũ trụ quay tròn xung quanh trục, trong đó thời gian có thể trôi ngược! Thật vậy, khi vũ trụ này quay, nó kéo theo sự chuyển động của toàn bộ không-thời-gian 4 chiều, tạo ra những vòng xoáy thời gian khép kín. Trong tiểu sử của Godel do Marshall Cavendish xuất bản năm 1998, có đoạn viết:“Một đặc trưng đặc biệt của các nghiệm của Godel là ở chỗ chúng cho thấy những vòng xoáy thời gian khép kín là có thể có”. Nếu thời gian biến thiên trên một vòng tròn khép kín thì có nghĩa là một lúc nào đó nó có thể trở lại điểm ban đầu, có nghĩa là trở về quá khứ!

Liệu vũ trụ của Godel có phải là vũ trụ của chúng ta hay không? Điều này đến nay vẫn là một ẩn số lớn của khoa học. Có điều là chưa ai bác bỏ được các suy diễn và chứng minh của Godel. Đến nay lý thuyết này vẫn đứng sừng sững trong khoa học như một thách đố.

Bản thân Einstein nghĩ gì về kết quả này? Hãy nghe Oskar Morgenstern tiết lộ năm 1972: “Einstein nói với tôi rằng công trình của Godel là công trình quan trọng nhất về lý thuyết tương đối kể từ sau khi các thuyết tương đối của chính ông được công bố”. Điều này không làm mấy ai ngạc nhiên. Có thể tin rằng Einstein đã gây ảnh hưởng nhiều lên Godel trong mối quan hệ tri kỷ kéo dài trong nhiều năm giữa hai người. Thậm chí có thể nghĩ rằng tư tưởng trong công trình của Godel chính là tư tưởng của Einstein. Điều này có thể nhận thấy trong những trang viết triết học của Einstein vào cuối đời: “Đối với những nhà vật lý có niềm tin như chúng tôi, sự phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là một ảo ảnh”.

Nhưng dù tin tưởng vào thiên tài của Einstein và Godel, tôi (người viết bài này) vẫn không sao hình dung nổi khái niệm ảo ảnh thời gian một cách cụ thể bằng trực giác. Chính lúc khó khăn đó tôi “vớ” được “Chiếc máy thời gian” của Herbert George Wells. Không ngờ một cuốn sách văn học lại giúp tôi hiểu được một vấn đề khoa học cao siêu trừu tượng một cách sinh động dễ hiểu đến như thế.

2. Du Hành Xuyên Thời Gian:

Theo Wells, khi ta nói trở về quá khứ, hay đi tới tương lai thì chẳng qua là ta sử dụng một lối nói quen thuộc để diễn tả sự di chuyển từ điểm này đến điểm khác theo chiều thư tư của không-thời-gian 4 chiều mà thôi. Wells cho rằng có một lực bí ẩn nào đó đã buộc chặt tâm lý của chúng ta vào chiều thứ tư này nên làm cho chúng ta cảm thấy chiều này khác biệt với 3 chiều kia: trong khi trên 3 chiều kia ta có thể di chuyển theo các hướng tuỳ ý thì trên chiều thứ tư ta chỉ có thể di chuyển theo một hướng nhất định. Nhưng thực ra chiều thứ tư chẳng khác gì 3 chiều kia, Wells nói,vấn đề là làm sao thoát khỏi cái lực tâm lý bí ẩn trói buộc ta vào đó. Wells tỏ ra rất sắc sảo khi lưu ý rằng thực ra ngay cả những chiều không gian cũng bị cản trở, chẳng hạn lực hấp dẫn cản trở chúng ta di chuyển lên trên cao. Muốn lên cao, ta phải thắng lực hấp dẫn của trái đất. Vậy hoàn toàn tương tự, nếu có cách nào đó thắng được lực tâm lý bí ẩn trói buộc ta vào chiều thứ tư thì ta cũng có thể tự do di chuyển ngược hoặc xuôi trên chiều này, tức là có thể trở về quá khứ hoặc vượt tới tương lai.

Đối với cảm giác thông thường, quá khứ đã trôi qua là cái gì đó đã biến mất khỏi thế gian này, chỉ còn lưu lại trong ký ức và kỷ niệm để các nhạc sĩ viết những bản nhạc hoài cảm hay các nhà thơ viết những vần thơ lưu luyến mà thôi. Điều này không đúng! Với Wells, cái đã xẩy ra và cái sẽ xẩy ra luôn luôn tồn tại đồng thời với cái đang xẩy ra. Giống như bạn đang đi trên đường từ Hà Nội đến Sydney, trong khi bạn chưa tới Sydney thì Sydney vẫn cứ tồn tại. Vậy nếu bạn có thể đi từ hiện tại về quá khứ, thì dù bạn có tới quá khứ hay không, quá khứ vẫn cứ đang tồn tại! Có nghĩa là ông bà tổ tiên chúng ta vẫn đang ngồi chơi ở đâu đó, ta có thể đến chỗ đó để thăm các cụ, vấn đề là phải biết rõ các cụ đang ngồi ở đâu, và quan trọng hơn, phải có cách nào để thắng được cái lực tâm lý bí ẩn trói buộc chúng ta vào hiện tại. Để phơi bầy toàn bộ hiện tại, quá khứ, tương lai ra cùng một lúc, làm rõ sự hiện hữu đồng thời của cả quá khứ, hiện tại, tương lai, Wells đã đưa ra một cách mô tả vô cùng sinh động như sau:

Giả sử bạn có hàng vạn tấm hình chụp vũ trụ trong hàng vạn thời điểm khác nhau. Nếu các tấm hình đó nối liền liên tiếp với nhau như một cuộn phim và đem chiếu lên màn ảnh, bạn sẽ thấy vũ trụ biến đổi theo thời gian, đúng như các cuốn phim khoa học vũ trụ mà chúng ta vẫn xem. Trong khi xem phim, bạn chỉ nhìn thấy vũ trụ trong từng thời điểm. Hình đang nhìn thấy được gọi là vũ trụ hiện tại. Hình đã thấy là vũ trụ quá khứ. Hình chưa thấy là vũ trụ tương lai. Nhưng nếu bây giờ không xếp các tấm hình nối liền với nhau thành cuộn phim, mà xếp tất cả chúng lên mặt bàn, không quan tâm đến thứ tự trước sau của các tấm hình đó. Khi đó tập hợp toàn bộ các tấm hình trên mặt bàn sẽ tạo nên một bức tranh mà ta gọi là vũ trụ tổng thể, trong đó vũ trụ quá khứ, hiện tại, tương lai đều hiện hữu cùng một lúc. Nói cách khác,vũ trụ tổng thể không có thời gian!

Từ đó đi đến kết luận quan trọng sau đây:

Vũ trụ tổng thể là vũ trụ thật, còn vũ trụ mà ta nhìn thấy chỉ là vũ trụ tức thời, hoặc có thể gọi là một mặt cắt của vũ trụ thật mà thôi.

Liệu loài người có thể thắng được lực tâm lý bí ẩn trói buộc ta vào chiều thời gian để chứng kiến vũ trụ tổng thể hay không? Wells tuyên bố: “Có, có thể, một ngày nào đó khoa học sẽ làm được điều này!”

Cái mà Wells nói là khoa học sẽ làm thì Đạo học Đông phương đã làm rồi. Từ xa xưa, bằng con đường trực giác thiền định, các nhà đạo học Đông phương đã đạt tới linh ảnh (vision), cho phép chứng kiến vũ trụ tổng thể phi thời gian.


3. Từ trực giác đến Đạo học Đông phương:

Trong cuốn “Đạo của vật lý”[2], Fritjof Capra viết:

“Mặt khác, các nhà đạo học Đông phương khẳng định rằng họ có thể thực sự chứng thực quy mô toàn thể của không-thời-gian, trong đó thời gian không còn trôi chảy nữa. Vì thế, thiền sư Dogen nói: ‘Đa số mọi người tin rằng thời gian trôi đi; nhưng thật ra nó đứng nguyên ở đó. Quan niệm về sự trôi chảy này có thể được gọi là thời gian, nhưng đó là một quan niệm không chính xác…’ Nhiều bậc thầy Đông phương nhấn mạnh rằng tư tưởng phải sinh ra trong thời gian nhưng linh ảnh có thể vượt thời gian. Linh ảnh, Govinda nói, nhảy lên một không gian nhiều chiều hơn và do đó nó phi thời gian”.

Nói một cách dễ hiểu, các nhà Đạo học Đông phương, khi tu luyện để đạt tới trạng thái “ngộ”, các vị ấy có được cái nhìn tổng thể xuyên suốt đối với không-thời-gian 4 chiều, y như chúng ta nhìn thấy bức tranh toàn bộ các tấm hình bầy trên mặt bàn như Wells đã mô tả. Với tư duy Đông phương, mỗi tấm hình là một vi trần, tức một khoảnh khắc (moment), nhưng tích tụ hàng tỷ tỷ các vi trần sẽ tạo nên thế giới, thế giới ấy không bận tâm đến từng vi trần nữa. Điều này giống như tổng vô hạn các vi phân làm nên một tích phân trong toán học. Trong tích phân ấy, thứ tự trước sau của các vi phân không còn có ý nghĩa nữa.

Ngày xưa, khi mới tiếp xúc với các nguyên lý đông học, nhiều lúc tôi không hiểu, thậm chí nghi ngờ. Tôi coi đó là một khoa học “mờ”, thiếu chính xác, không thuyết phục, vì thiếu sự chứng minh logic chặt chẽ. Nhưng dần dà tôi vỡ nhẽ ra rằng đó là nhận thức ấu trĩ. Nguyên nhân một phần vì thiếu kinh nghiệm, phần khác do chịu ảnh hưởng quá nặng tinh thần của chủ nghĩa duy lý (rationalism) Descartes và tất định luận (determinism) Laplace. Những học thuyết này đòi hỏi luận lý logic như là điều ắt phải có của một khoa học, và cho rằng đó là con đường duy nhất đúng và bách chiến bách thắng để khám phá sự thật. Nhưng Cơ học Lượng tử và Định lý Bất toàn đã giáng một đòn chỉ tử vào các chủ nghĩa này, chứng minh rằng nhận thức khoa học không đủ để khám phá mọi sự thật. Điều đó làm sáng tỏ vai trò và ý nghĩa của trực giác như một phương tiện định hướng khám phá sự thật, như một chiếc máy cảm ứng dò tìm tuyệt vời mà tạo hoá đã lắp vào bộ óc chúng ta. Riêng tôi, tôi quan niệm trực giác như là “đồng vốn” mà cha mẹ chúng ta đã cấp cho chúng ta lúc chúng ta ra đời. Ta phải biết trân trọng “đồng vốn” ấy, và phải biết vun vén tích luỹ để làm cho “đồng vốn” đó sinh sổi nẩy nở thêm lên càng nhiều càng tốt. Trong Tam quốc chí diễn nghĩa, Hạ Hầu Đôn bị tên bắn trúng mắt, bèn rút bật tên ra kéo theo cả con mắt. Đôn bỏ ngay con mắt vào miệng nuốt chửng rồi kêu to: “Của cha sinh mẹ đẻ chớ nên bỏ!” Trực giác cũng quý như con mắt, có lẽ còn quý hơn!

4. Nghịch Lý Ông Nội:

Những người chống đối lý thuyết du hành xuyên thời gian đã đưa ra một nghịch lý được gọi là Nghịch lý Ông nội (Grandfather Paradoxe), nội dung như sau: Nếu việc du hành xuyên thời gian là hiện thực thì một tên chuyên giết người có thể sẽ trở về quá khứ để gặp ông nội hắn lúc ông nội còn bé chưa lấy vợ. Chứng nào tật ấy, hắn sẽ giết ông nội. Nếu vậy thì chẳng có ai để đẻ ra bố hắn, và do đó sẽ không có hắn! Đó là Nghịch lý Ông nội.

Tuy nhiên Nghịch lý Ông nội bị nhiều nhà khoa học bác bỏ. Bởi lẽ, tên giết người có thể trở về quá khứ nhưng không chắc gì hắn có thể trở về đúng cái toạ độ của quá khứ mà hắn muốn. Hơn nữa cuộc hành trình trở về quá khứ có thể sẽ là một quá trình biến đổi vật chất ghê gớm biến hắn thành một cái gì đó không còn là hắn hiện nay nữa. Vì thế, Nghịch lý Ông nội không ngăn cản được khoa học và văn học nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu và khai thác đề tài du hành xuyên thời gian. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời với đề tài này. Cuốn phim Back to the Future (Ngược tới tương lai)ra đời năm 1985 là một trong số đó, được khán giả khắp thế giới hoan nghênh.

5. Thay lời kết:

Hết sức tình cờ, trước khi viết những dòng kết này, tôi đảo qua các quầy sách báo tại quận Parramatta ở Sydney. Và tôi giật mình khi nhìn thấy trang bìa của tạp chí Scientific American tháng 09.2002 với tiêu đề nổi bật: “A matter of TIME” (Vấn đề thời gian). Mở ra xem hoá ra đây là số chuyên đề nói về bí mật của thời gian, trong đó câu chuyện ảo ảnh thời gian nằm “ở giữa trái tim” của vật lý, theo như tờ tạp chí nói. Ngay sau đó tôi lại trông thấy cuốn “How to Build a Time Machine” (Làm thế nào để chế tạo chiếc máy thời gian) do Penguin Books vừa xuất bản năm 2002. Tác giả cuốn sách này, Paul Davies, giáo sư Học viện Hoàng gia London có ý biến giấc mơ của Herbert George Wells thành hiện thực, bằng việc nêu lên một số thiết kế lý thuyết cho việc chế tạo chiếc máy thời gian trong tương lai!

Trên đường về, tôi nghĩ mung lung về Wells, về vai trò của văn chương. Thì ra trí tưởng tượng và trực giác vượt thời gian của Wells đã tạo ra cả một đề tài rộng lớn làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho cả một thời đại.

Cám ơn Wells, cám ơn văn chương!

(Nguồn: Ảo ảnh thời gian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét