Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa.

Muốn làm gì hãy thực hiện đi, kẻo muộn, chúng ta không còn nhiều thời gian nữa.
    "Hãy còn nhiều thời gian" – đó là một câu nói dối, không ai còn nhiều thời gian cả.

Bộ phim Mùa hoa anh đào (tên tiếng Đức Kirschblüten - Hanami) của đạo diễn Đức Doris Dörrie có hai nhân vật chính là hai người già, phim cũng không hề có kịch tính mà diễn biến rất nhẹ nhàng. Mặc dù vậy, suốt bộ phim, có lẽ người xem sẽ không cầm được nước mắt vì những tình cảm được thể hiện qua nhiều chi tiết bình dị mà xúc động. Trudi và Rudi là một cặp vợ chồng già 60 tuổi. Họ có ba người con, hai đứa lớn làm việc ở Berlin, còn đứa út sống ở Tokyo. Bà già (Trudi) rất khao khát được trở thành một nghệ sĩ múa Butoh Nhật Bản dù chưa một lần được đặt chân tới đất nước mặt trời mọc, còn cụ ông thì rất ghét nghệ thuật này và cả đời bắt bà phải ở nhà làm nội trợ.

Cụ bà Trudi rất say mê nghệ thuật múa Butoh.

Suốt cuộc đời, cụ bà Trudi ao ước được tới Tokyo để ngắm núi Phú Sĩ và tham gia lễ hội hoa anh đào, nhưng cuộc sống cứ trôi đi lặng lẽ, ngày này qua tháng khác, cho tới khi cả hai đã già, Trudi được bác sĩ cho biết rằng chồng mình bị ung thư, không còn sống được bao lâu nữa.  Cụ bà giấu không cho chồng biết tin này mà thuyết phục chồng đi thăm con cái. Cả hai tới Berlin thăm con, nhưng hai đứa lớn quá bận đến nỗi không có thời gian chăm sóc hai cụ. Quá buồn và thất vọng, hai ông bà ra biển Baltic, và ở đây, khi bình minh, biển rất lặng, chính cụ bà Trudi chứ không phải ông chồng đã mãi mãi không tỉnh lại nữa. 


Sau đám tang vợ, cụ ông Rudi một mình sang Tokyo thăm con trai út. Ông lang thang tìm hiểu về nghệ thuật múa Butoh – ước mơ cả đời của vợ để giải mã những điều bí ẩn trong trái tim người mà ông yêu thương. 



Múa Butoh ra đời ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2, có lẽ vì hậu quả nặng nề của hai quả bom nguyên tử, người Nhật bị ám ảnh bởi sự chết chóc và hủy diệt nên đã dấy lên một làn sóng văn hóa rất đặc biệt – trong đó có Butoh. Những nghệ sĩ múa Butoh thường ăn mặc rất kỳ dị và có các động tác múa quằn quại, đau khổ. Ông cụ Rudi đã hiểu được ước mơ của vợ, thấm thía vô cùng vì thấy gần bà hơn khi bà đã đi rất xa. Đây là một thông điệp rất nhân văn nhưng cũng rất đau đớn của bộ phim.  Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Rudi đã thực hiện trọn vẹn những gì vợ ông chưa làm được: chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ, ngắm hoa anh đào, say mê múa Butoh… Có lẽ hoa anh đào và núi Phú Sĩ là hai hình ảnh đặc biệt ấn tượng để thể hiện vẻ mong manh của cuộc đời này.  Vào một buổi bình minh, cụ ông Rudi đã trang điểm như một nghệ sĩ múa Butoh, mặc bộ kimomo của vợ và múa điệu Butoh rồi nằm xuống mãi mãi, bên cạnh dòng nước phản chiếu hình ảnh núi Phú Sĩ. 



Cụ ông nằm xuống khi đã hiểu trọn vẹn những điều bí ẩn trong trái tim vợ mình
Bộ phim nhẹ nhàng kể lại một câu chuyện quen thuộc. Có lẽ rất nhiều lần trong cuộc đời, ai đó đã từng một lần gác lại ước mơ và mong muốn, vì nghĩ rằng còn nhiều thời gian. Thực ra, cuộc đời không rộng rãi đến vậy. Hãy còn nhiều thời gian – đó là một câu nói dối, không ai còn nhiều thời gian cả.  Chỉ đến khi người mẹ không còn nữa, những đứa con trong Mùa hoa anh đàomới nhận ra sự vô tâm, thờ ơ của họ, cụ ông mới nhận ra sự ích kỷ của mình khi giữ vợ ở nhà: “Bố đã lấy mất của mẹ một điều quan trọng nhất”... Tất cả đều hối hận nhưng đã muộn.  Qua câu chuyện của hai người già, bộ phim có lẽ đang nhắn nhủ một điều rất trẻ: lắng nghe, yêu thương và để những người thân của chúng ta được sống với đam mê của họ. Vì cuộc đời rất ngắn.

Phạm Anh Thơ

__._,_.___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét