Ăn uống để phòng ngừa đục thủy tinh thể


Đối với người cao tuổi, việc giữ gìn sức khỏe đặc biệt là đôi mắt rất quan trọng. Bệnh đục thủy tinh thể lại là bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Điều đáng nói là khi mắc bệnh đục thủy tinh thể, hầu như người bệnh không biết vì chỉ thấy mắt nhìn kém và yếu hơn... Vì thế, ăn uống cũng như sinh hoạt hằng ngày theo đúng chế độ sẽ giúp ngăn ngừa và phòng tránh được bệnh đục thủy tinh thể.


 
Tiếp xúc nhiều và lâu với ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể
Nguồn: designblog.de
Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể – bệnh mà dân gian thường gọi là cườm khô (cườm lão) thường gặp ở người cao tuổi. Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2004 cho thấy đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta trong hơn 30 năm qua, chiếm 71,3% tổng số người mù. Tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Điều quan trọng là thường xuyên đi kiểm tra mắt để phát hiện và phân biệt với những bệnh có nguy cơ gây mù do nguyên nhân khác. Nắm được nguyên nhân, tránh xa các yếu tố nguy cơ liên quan, dùng thuốc điều trị góp phần không nhỏ trong phòng ngừa và làm chậm tiến trình đục thủy tinh thể.
Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở người có độ tuổi trên 45 - 50. Đục là một tiến trình lão hóa tự nhiên của thủy tinh thể vì tuổi càng cao, thủy tinh thể càng có khuynh hướng mất dần sự trong suốt và trở nên mờ đục. Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt nằm phía trong mắt, nó tập trung các tia sáng đi vào trong võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim. Đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh thể kém trong suốt ngăn cản không cho tia sáng lọt qua, khiến võng mạc không thu được hình ảnh và làm suy giảm thị lực. Cấu tạo thủy tinh thể là một tổ chức trong suốt không có thần kinh và mạch máu, vì vậy bệnh đục thủy tinh thể chỉ có triệu chứng giảm thị lực mà không có những biểu hiện cấp tính khác như đau nhức mắt, viêm hay cương tụ nào khác – trừ trường hợp có biến chứng.

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Bệnh diễn biến từ từ, không có biểu hiện cấp tính rõ rệt mà thường chỉ là suy giảm thị lực, thay đổi cảm nhận màu sắc (có cảm giác đồ vật bị ố hay vàng đi). Chói mắt khi ra nắng; nhìn gần rõ hơn, điều này khiến mọi người nhầm tưởng là "tự nhiên đọc được sách báo mà không cần đeo kính nữa"; đôi khi nhìn một vật thành 2 hoặc 3; phải liên tục thay mắt kính. Cơ chế gây bệnh đục thủy tinh thể ở người cao tuổi là thiếu ôxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ và làm bệnh trầm trọng thêm là chế độ ăn uống – sinh hoạt chưa hợp lý; tiếp xúc nhiều và lâu dài với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, đèn cao áp,...); tiếp xúc với virus, vi khuẩn, chất độc môi trường, khói (khói từ thuốc lá, máy xe, nhà máy,...). Những yếu tố này theo thời gian sẽ dần làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, tăng lượng nước, làm mất dần protein và dẫn đến đục.
Có thể bạn chưa biết
Sữa và đường làm mất cân bằng nước và điện giải của thủy tinh thể, làm tăng sản sinh tế bào sợi gây đục.
Chế độ dinh dưỡng giúp hạn chế quá trình đục thủy tinh thể
Một số hiểu biết về chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt thường ngày như sau có thể góp phần giúp người cao tuổi phòng ngừa, hạn chế quá trình đục thủy tinh thể:
- Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết đến sự hình thành đục thủy tinh thể. Chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa, khử các gốc tự do như vitamin E, C, beta-caroten, selenium... có tác dụng tốt trong phòng ngừa bệnh. Vitamin E thường có nhiều trong các loại lạc, dầu mè, trứng, cà chua, khoai tây, măng tây... Nguồn giàu vitamin A và các chất tiền vitamin A (beta-caroten) là gấc, cà rốt, rau quả xanh, đậu xanh, cà chua, đu đủ... Selenium ngoài khả năng chống ôxy hóa mạnh còn giữ vai trò về độ nhạy của thị lực, được tìm thấy trong các thực phẩm phong phú như cá, tôm, sò, hến, hành tây, cà rốt... Thiếu vitamin B2 không chỉ gây ra các triệu chứng chảy nước mắt, ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc mà còn thúc đẩy quá trình đục, vậy nên việc bổ sung vitamin B2 hằng ngày là rất cần thiết. Chất này có nhiều trong các loại đậu, thịt lạc, rau lá xanh, đậu xanh, ngô...
- Nên hạn chế tảo, thực vật biển, các sản phẩm sữa, chocolate, gà công nghiệp,... vì đây là những nguồn chứa vanadium gây độc hại cho mắt. Sữa, đường cũng cần hạn chế vì các chất này làm mất cân bằng nước và điện giải của thủy tinh thể, làm tăng sinh tế bào sợi gây đục.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu (nếu có) vì tác hại của gốc tự do từ khói thuốc lá ảnh hưởng gián tiếp tới quá trình đục thủy tinh thể.
- Phát hiện sớm, điều trị các bệnh làm tăng quá trình đục thủy tinh thể như đái tháo đường, rối loạn nước và điện giải, tăng cholesterol máu,...
- Tránh tiếp xúc nhiều, lâu với tia cực tím. Khi ra ngoài trời nắng gắt nên mang theo kính râm và tốt nhất chọn kính cản bớt tia cực tím.
- Nên khám mắt định kỳ, đặc biệt thường xuyên hơn khi thị lực càng ngày càng suy giảm.

Theo SK&ĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét