“Con bò của những chiến binh”


Raja Rao (nhà văn Ấn Độ, 1908-2006) là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Anh giàu tính sáng tạo nhất và nổi tiếng nhất của Ấn Độ hiện đại. Tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Kannada, nhưng ông được đào tạo sau đại học tại Pháp, và mọi ấn phẩm dưới dạng sách của ông đều được viết bằng tiếng Anh. Đến năm 1966 ông sang Mỹ làm việc với tư cách là giáo sư triết học tại Đại học Texas ở Austin và mất tại đây năm 2006. Ông đã giành được nhiều giải thưởng cao quí của Ấn Độ và quốc tế như Giải Sahitya Akademi năm 1964, Padma Bhushan năm 1969, Giải thưởng Văn học Quốc tế Neustadt danh giá năm 1988. Các tác phẩm nổi tiếng của ông thì nhiều nhưng nổi bật nhất là Kanthapura, The Serpent and the Rope, The Chessmaster and His Moves… Truyện ngắn dưới đây của ông được rút từ Tuyển tập Raja Rao, do M. K. Naik tuyển chọn, NXB. Twayne, New York, 1972. [tiếng Anh]).


Nhà văn Raja Rao

Gauri, thường ngâm mình dưới nước, đã sống và đi lại nơi đây, nàng có một chân, hai chân, bốn chân, tám chân và rồi chín chân... Nàng tượng trưng cho hàng ngàn linh hồn ở tầng trời cao nhất.
Rig Veda (Kinh Vệ Đà)
Họ gọi con bò đó là Gauri, vì nó thường tới mỗi tối thứ ba trước khi mặt trời lặn và nhấm nháp mái tóc của Đấng Chân Tu. Đấng Chân Tu bèn xoa xoa vào người nó một cách dịu dàng và hỏi nó: “Con có khoẻ không hả Gauri?” và Gauri sẽ quì xuống, thè lưỡi ra, lúc lắc đầu, lượn vòng quanh Đấng Chân Tu rồi biến mất trong những bụi cây rậm rạp. Cho tới tận thứ ba sau, không ai nhìn thấy Gauri ở đâu hết. Và các tín đồ của Đấng Chân Tu lại đi thu nhặt cỏ, hạt ngũ cốc và cả rượu gạo để cho Gauri mỗi khi thứ ba tới. Nó sẽ nhai và uống chầm chậm, thong thả như người ta lắng nghe cẩn thận những lời thiêng liêng từ đâu đó vọng tới, và khi nó đã ăn xong, nó quì xuống, lúc lắc đầu rồi biến mất. Các tín đồ của Đấng Chân Tu sẽ nói: “Thật là một sinh vật kỳ lạ”, và họ sẽ đi tới phố Hàng Bông, phố Cây Xoài, đi dọc theo những nhà máy xay, đi xuyên qua đường Thợ Dệt, nhưng không một ai có thể nhìn thấy Gauri. Nó thậm chí cũng không phải là một con bò của thánh thần vì chưa bao giờ có ai bắt gặp nó đang ăn cỏ hay tụ tập cùng một đàn gia súc nào. Mọi người nói: “Chỉ có Đấng Chân Tu mới có những vị khách lạ như vậy tới thăm thôi”, rồi họ đi tới gặp Đấng Chân Tu và nói: “Thưa Đấng Chân Tu, làm ơn nói cho chúng con biết con bò này có thể là hoá thân của ai?” Đấng Chân Tu mỉm cười với một tình yêu và sự vui vẻ tột cùng, Ngài nói: “Nó có thể là bà mẹ vợ của ta hay cũng có thể là mẹ của bất kỳ ai trong số các anh. Có thể nó là chiếc xe của Mẹ Đất vĩ đại.” Và giống như với một người mẹ, mọi người dán một dấu chấm đỏ lên trán con bò, và cứ mỗi thứ ba, người ta lại mong đợi Gauri.
Nhưng mọi người biết nó lúc ở chỗ này lúc ở chỗ kia, và họ đến đó với ngũ cốc, rượu gạo và nói: “Chúng ta có một vị khách mới lạ lùng làm sao. Chúng ta hãy tôn vinh nó đi!” Và những lái buôn thì suy đoán: “Có thể đây là nữ thần Lakshmi và chúng ta có thể kiếm được bộn tiền vụ tới”, rồi họ quì xuống dưới chân nó. Các sinh viên thì sờ vào đầu và đuôi Gauri nói: “Làm ơn giúp con qua được kỳ thi năm nay!” Còn các cô gái trẻ đến chỗ Gauri để tìm chồng, các goá phụ thì cầu xin giữ được sự trong sạch, người vô sinh thì cầu có con. Và thế là mỗi thứ ba, có một đám người rất đông tụ tập ở trước căn lều khổ hạnh của Đấng Chân Tu. Nhưng Gauri sẽ đi ngang qua họ như thể một nữ thần giữa những người đàn ông, và đi thẳng đến chỗ Đấng Chân Tu, nhấm nhấm tóc của Ngài và lại biến mất trong các bụi cây. Mọi người không thể lấy lại những đồ cúng tế để mang về bèn đem chúng thả xuống dòng sông, và những con cá nhảy lên để ăn những đồ cúng tế như trong các lễ hội, nhưng những con cá sấu thì trốn biệt trong làn nước xanh sâu thẳm. Và một sáng nọ, Đấng Chân Tu thức dậy trên giường, Ngài nghe thấy tiếng những con rắn và con chuột đang kêu rúc rích dưới giường mình vì khi người ta đi tìm sự hài hoà, những con hươu và con hổ, con chuột và con rắn đều trở thành bạn của nhau. Không nghi ngờ gì nữa, Gauri chính là một linh hồn thần thánh đang đi tìm kiếm con đường trên thế giới này để sinh ra như một nhà hiền triết trong kiếp sau, bởi vì Gauri quá trong sạch và chân thực.
Chỉ có một người mà Gauri nhấm nhấm tóc mỗi thứ ba: Nó nhấm tóc của Mahatma Gandhi. Vì Đấng Chân Tu yêu tất cả mọi sinh vật, dù có tiếng nói hay câm lặng.
Bây giờ chính là lúc những đoàn người của Mahatma đang chiến đấu cho đất nước chống lại những kẻ thù trong chính phủ đương thời. Mahatma nói: “Các con đừng mua quần áo của chúng.” Và mọi người đã không mua quần áo của chúng. Mahatma lại nói: “Đừng phục vụ cho bọn ngoại xâm.” Và mọi người đã không phục vụ chúng. Và Mahatma nói: “Đừng trả tiền thuế cho chúng.” Và mọi người tụ hội lại cùng nhau, lửa đuốc được đốt lên và các hội ra đời, rồi có nhiều người đã hy sinh hoặc bị thương hoặc bị giam giữ trong tù nhưng họ vẫn không trả tiền thuế hay mặc quần áo do ngoại bang dệt. Rồi binh lính từ các thành phố tới, những tên râu ria xồm xoàm, to lớn, với những khẩu súng dài, chúng nói với người này: “Các bạn đừng đi ra ngoài khi mặt trời lặn!” rồi nói với người kia: “Các bạn chớ đi xe đạp”, hay với người khác nữa là: “Các bạn chớ ra khỏi vùng này.” Và lũ trẻ buộc phải mang thẻ khi ra đường, thẻ xanh da trời khi được coi là ngoan ngoãn, vừa xanh da trời vừa đỏ khi là những đứa trẻ hư và màu đỏ khi chúng rất hư. Đàn bà không thể đi tới các đền thờ và lễ cưới, đàn ông không thể ra bờ sông để tắm rửa khi bình minh tới. Cuộc sống trở nên không thể nào chịu đựng nổi, mọi người bắt đầu than vãn kêu ca nhưng chính phủ của những tên mặc quân phục đỏ vẫn ngự trị đất nước dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, chúng bắt mọi người phải nộp thêm tiền thuế.
Những người công nhân từ các nhà máy và công xưởng nói: “Chúng tôi với các bạn là anh em!”, những người phụ nữ nói: “Chúng tôi với các bạn là chị em!” rồi cả thành phố trở thành một bãi chiến trường. Khi những tên lính đi lùng sục khắp phố, những người công nhân của các công xưởng đã lập hết chiến luỹ này đến chiến luỹ khác. Với đá, tre, giát giường, xe bò, cối xay trong nhà máy và cả những chiếc rổ nhà bếp, họ đã xây nên những chiến luỹ và những tên lính không thể đi xuyên qua được. Đấng Chân Tu tới và nói: “Không chiến luỹ nào sẽ mang tên của Mahatma vì máu sẽ đổ”, nhưng những người lao động nói: “Không sao hết, chúng con yêu Người, Người có thể thay đổi trái tim của chính phủ này.” Họ xây dựng thêm càng ngày càng nhiều chiến luỹ và nấp ở phía sau. Một ngày nọ, họ đã là chủ nhân của thành phố.


Nhưng chính phủ của những tên mặc quân phục đỏ không phải là chính phủ của lũ ngốc. Chính phủ đó gửi thêm binh lính từ Peshawar và Pindi đến, trong khi những chiếc xe hạng nặng án ngữ tại cửa ngõ của thành phố, với những khẩu súng bên trái hay bên phải vì thành phố đã bị đánh chiếm và dù bằng giá nào, chính phủ của những tên mặc quân phục đỏ cũng phải làm chủ thành phố.
Và mặc dù Gauri không có thẻ xanh hay thẻ đỏ, giờ đây nó vẫn tới chỗ Đấng Chân Tu mỗi tối. Trông nó rất buồn, thậm chí có người còn quả quyết rằng một dòng nước mắt, trong như nước sông Hằng, chảy xuống đôi má của nó, vì nó chính là lòng trắc ẩn vĩnh cửu và chân thật.
Mọi người bắt đầu sợ hãi, họ mang con cái và vợ ra những cánh đồng bên ngoài, họ nấu ăn dưới gốc cây và sống ở đó - bởi vì quân đội của chính phủ sắp chiếm thành phố và không có đứa trẻ hay người phụ nữ nào được tha cả. Những cánh cửa được đóng lại, quần áo và đồ trang sức được cất giấu, chỉ còn những người công nhân và đàn ông giữ thành phố, Đấng Chân Tu đứng đầu họ, người ta gọi Ngài là Tổng Thống. Những đoàn biểu tình gồm toàn những thanh niên trẻ ăn mặc khaidi1 và đội mũ kiểu Gandhi đi tuần hành trên phố, và khi họ thấy những người già hay những người tội nghiệp khác nhìn ra từ khe cửa, họ gọi những con người tội nghiệp đó và cho phép những người này được đi ra cánh đồng. Đấng Chân Tu nói rằng sẽ có nguy hiểm, ai không phải là người khoẻ mạnh và trẻ tuổi thì không nên ở lại. Cỏ mọc trên chiến luỹ và những cơn mưa bụi quét ngang qua phố trong khi những chuyến tàu của những tên lính mặc quân phục đỏ cứ vào ga hết chuyến này đến chuyến khác. Mọi người có thể trông thấy chúng từ nhà ga ở phía dưới và từ thành phố trên đồi. Các chiến luỹ nằm trên phố như những xác người chết sau cơn dịch tả, nhưng chiến lũy lớn nhất nằm trên phố Suryanarayana. Nó lớn như một cỗ chiến xa thời cổ đại.
Đàn ông nấp sau chiến luỹ và chờ đợi cuộc chiến. Đấng Chân Tu nói: “Không nên có chiến trận, các anh em.” Nhưng những người lao động trả lời: “Sẽ có chứ, chúng con yêu Người, chúng con yêu Người, Người có thể thay đổi trái tim của chính phủ này”, và họ mang những chiếc ná bắn chim, những khẩu súng kíp từ xa xưa ra và một vài người đệ tử của Mohamet còn mang theo cả gươm. Người ta sẵn sàng ngã xuống trong trận đấu với những tên lính mặc quân phục đỏ. Đấng Chân Tu nói hết điều này đến điều khác nhưng những người lao động vẫn nhất quyết “Chúng con sẽ chiến đấu rất giỏi” vì họ quyết đánh. Đau đớn sâu sắc, Đấng Chân Tu nói: “Ta từ chức Tổng Thống”, rồi Ngài ngồi thiền, nêu cao tấm gương của ánh sáng và tình yêu, cầu mong thành phố sẽ được an toàn khỏi cảnh máu chảy đầu rơi. Khi mọi người nghe thấy điều này, họ vô cùng giận dữ với những người công nhân nhưng họ biết cả công nhân lẫn Đấng Chân Tu đều đúng và họ không biết mắt mình phải nhìn về phía nào. Những con cú cứ bay trên trời ngay cả ban ngày, và khi hoàng hôn xuống, tất cả các vì sao đều sa xuống thấp đến nỗi tất cả mọi người đều biết rằng đêm đó sẽ có đánh nhau.
Nhưng ai nấy đều nhìn những dãy phố hoang vắng và hỏi nhau: “Gauri đâu rồi?”
Lúc mười giờ đêm đó, những cỗ xe chiến tranh bắt đầu tiến lên, rồi đại bác và những lưỡi gươm và những chiếc ná bắn chim đều lao vào cuộc chém giết.
Và những gì xảy ra sau đó chính là điều mà mọi người ghi nhớ cho đến tận ngày nay. Gauri đứng đó, quần đảo trên phố Hàng Dầu, xoay tròn quanh ngôi nhà của người thợ đồng Seenayya cạnh phố Suryanarayana, đầu nó cúi nhẹ, đôi tai dỏng cao và nhẹ nhàng như một người dâng lễ đang đi vào đền với đủ loại hoa quả trên tay để dâng lên vị Nữ Thần của mình. Nó bước đi rất nhanh và khi mọi người thấy nó, họ tràn lên đi theo nó, cả đám đông quây tròn xung quanh Gauri, với đèn lồng và đuốc trong tay, họ diễu hành đi qua phố của người Brahmin [Bàlamôn], phố Hàng Bông và đi ngang qua Giếng Venkatalakshamma, và càng đi gần tới các chiến luỹ, Gauri càng đi nhanh hơn tuy không chạy. Rồi mọi người nói: “Nó sẽ bảo vệ chúng ta. Bây giờ chắc rằng nó sẽ cứu vớt chúng ta rồi”, sau đó chuông được mang tới và rung lên, hương được thắp lên và dừa được bổ dưới chân Gauri, nhưng nó không hề dừng lại cũng không quay đầu nhìn mà cứ bước tiếp. Những người ở bên chiến luỹ trông thấy tức giận nói: “Kìa, không ai thèm giúp đỡ chúng ta, thay vào đó họ gửi đến một con bò!” Người thì chửi thề, người thì cười và một người nói: “Chúng ta phải bắn con bò đi thôi vì nếu đám đông tiến đến đây và bên kia là những tên lính mặc quân phục đỏ thì quả là kinh khủng.” Nhưng bọn họ sợ vì đám đông đang ca hát bài tụng ca “Vande Mataram” và tất cả đều đứng lên, Gauri vẫn diễu hành với đôi mắt huớng về chiến luỹ. Khi nó đến gần Quảng Trường Đền, những người công nhân đặt vũ khí xuống, khi Gauri đến cạnh Giếng Tulasi, họ khoanh tay lại và khi nó đứng dưới chân chiến luỹ, bọn họ quì cả xuống, miệng lẩm bẩm: “Người có phải là Nữ Thần hay không?” Rồi họ tạo thành hai vòng tròn, Gauri đi ngang qua họ, chân trái giơ cao rồi chân phải bước lên, nó đứng trên các túi cát, trên cả những chiếc xe bò và với những người công nhân đang đẩy phía sau, nó đã leo lên trên đỉnh chiến luỹ. Rồi tiếng huýt sáo nổi lên như thể đàn quạ trong buổi lễ đêm, những tên lính mặc quân phục đỏ la hét từ đầu kia chiến luỹ: “Ô, cái gì thế kia? Cái gì thế kia?” và chúng lao về phía chiến luỹ vì nghĩ rằng đó là một lá cờ đỏ. Nhưng khi họ nhìn thấy con bò với dòng nước mắt trong như sông Hằng đang nhìn họ thì họ kêu to: “Vinh quang thay Mahatma! Vinh quang thay Mahatma! Mahatma chiến thắng!” rồi gia nhập vào đám đông. Nhưng chỉ huy của họ, một sĩ quan mặc quân phục đỏ, trông thấy điều này liền nổ súng. Phát đạn xuyên qua đầu Gauri và nó gục ngã như cỗ xe của Chúa Trời giữa những con người bình thường.
Nhưng nhiều người nói máu không trào ra trên đầu con bò mà trào ra giữa hai chân trước, từ bộ ngực dày của con bò cái.
Giờ đây, hoà bình đã quay trở lại với chúng ta. Seth Jamnalal Dwarak Chand bèn mua hai ngôi nhà ở cả hai bên chiến luỹ, cắt một đường sâu giữa hai con đường và ở giữa, ông dựng một chiếc tượng Gauri bằng kim loại. Gauri của chúng ta không cao đến thế mà trông cũng không cứng đờ như vậy, nhưng đôi mắt nó thì trông như mắt người. Tất cả chúng tôi đều dâng hoa, mật ong và những món bánh thơm ngon cùng những túm cỏ xanh đầu mùa xuân cho nó. Lũ trẻ của chúng tôi nhảy lên bục, chơi đùa dưới chân nó, áp mồm vào cái lỗ thủng trên ngực nó - những người thợ đã cẩn thận làm cái lỗ đó - để la hét trêu đùa nhau. Những người thợ mộc chưa bao giờ có thời gian hạnh phúc hơn kể từ khi Gauri chết, vì lũ trẻ con chỉ yêu cầu họ bán cho chúng những chiếc hình con bò Gauri chứ không phải hình những con bò đực hung tợn xưa kia. Cho đến bây giờ, những người thợ đóng móng vẫn thường rao to: “Gauri của vùng Gorakhpur đây! Ai muốn đi xe bò nào?” Rồi rất nhiều những đứa trẻ từ tận Himalaya xa xôi tới các bờ biển phía Nam ngồi trên xe gỗ có hình Gauri để đi xuyên qua những phố xá ngầu bụi của Hindusthan.
Đến tận bây giờ, khi thắp đèn trên ban thờ buổi đêm, chúng tôi vẫn nói: “Gauri đâu rồi?” Chỉ có Đấng Chân Tu là biết rõ Gauri đang ở đâu. Ngài nói: “Gauri đang đợi các con trên các tầng trời để được tái sinh đấy. Nó sẽ lại tái sinh một lần nữa khi Ấn Độ phải chịu đau khổ trước khi nó được siêu sinh hoàn toàn.”
Chính vì vậy mà dân chúng nói rằng: “Mahatma có thể có sai lầm trong chính trị nhưng Người luôn luôn đúng về sức mạnh của tình yêu trong tất cả các sinh vật trên cõi đời này, dù chúng biết nói hay câm lặng.”

Raja Rao

Đỗ Thu Hà (dịch từ nguyên bản tiếng Anh) -


1 Trang phục dân tộc của đàn ông Ấn Độ.
(Tạp chí Văn học nước ngoài số 6/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét