Những mẫu truyện "Ở đời sống Mỹ"


Đây là sáu truyện rất ngắn. Những câu chuyện đời thường ở Hoa Kỳ nơi có cuộc sống đô thị tất bật, nhưng không vì thế mà những điều tử tế và siêu nhiên biến mất. Lược dịch từ tạp chí First for Women, January 2013.
Mất rồi tìm lại

Khi tôi nhỏ xíu, bà nội Grandma Pearl yêu dấu đã cho tôi một cuốn truyện cổ tích “Grimm’s Fairy Tales” bìa da tuyệt đep. Tôi mê man với những câu chuyện công chúa, hoàng tử như nuốt từng chữ một, mê man ngắm nghĩa từng chi tiết nhỏ trong các bức hình minh họa đầy màu sắc. Cuốn truyện cổ tích ấy là nơi tôi thu mình trốn mỗi khi gặp chuyện không vừa ý. Nhưng tới lúc lên 10, gia đình tôi dời nhà, và tôi mất luôn nó.
Sinh nhật tôi vừa rồi, chồng tôi đưa cho tôi một cái hộp nặng. Tôi xé giấy gói. Ngay lập tức tôi nhận ra dòng chữ kim nhũ chạm nổi trên mặt da. “Trời ơi, sao anh kiếm ra được hay vậy?”, tôi nghẹn ngào hỏi. Chồng tôi nhăn mũi cười, “Mua trên eBay. Anh muốn tặng em cuốn sách giống như cuốn bà nội đã từng cho em đó mà”. Và anh đã thành công!
Tôi mở sách. Mắt tôi bỗng nhòa lệ. Ngay trang đầu là hàng chữ viết thân thương mà suốt 40 năm tôi chưa hề quên: “Cháu Lizzy rất thương của bà. Cuốn sách này sẽ nhắc cho cháu nhớ, cuộc đời tuy không phải lúc nào cũng đẹp như truyện thần tiên, nhưng nếu cháu biết yêu thương tha thiết và vô vị lợi thì nó vẫn luôn luôn là những điều kỳ diệu.
Yêu cháu nhiều lắm.

Bà nội Grandma Pearl”

(“Lost and found” - Elizabeth Houston, 49, San Franciso)

Cha nào, con nấy

Nhóc tì Garett nhà tôi mới lên ba nhưng giống y chang cái máy thu thanh, hễ nghe được người lớn nói cái gì là thế nào nhóc ta cũng sẽ lập lại, mà đúng vào những lúc độc nhất mới chết chứ. Như lần rồi ông xã tôi đưa nhóc đến thăm ông bà nội. Trên đường kẹt xe kinh khủng. Khi tới nơi, cậu nhỏ nhảy a ra chào bà nội, và đó là những câu hết sức… êm tai!
Sau lần đó, tôi ngồi xuống nói chuyện với Garett. Chỉ cho “ảnh” biết có những chữ mình không nên nói ra vì nghe không được “nice” – áng chừng ảnh có vẻ hiểu và sẽ ghi nhớ nằm lòng. Rồi một Chủ Nhật nọ, cả nhà cùng đi lễ nhà thờ. Mọi sự diễn ra suông sẻ cho đến khi Garett nghe thấy cha xứ trên bục nói chữ “hell”. Mặt nhóc ta bỗng đỏ bừng lên, còn lấy tay chỉ, la to: “Ông kia ổng nói chữ bậy kìa má ơi!” Cha xứ đứng lặng người trong khi tiếng cười râm ran lan dần khắp nhà thờ. Vậy cũng chưa hết, nhóc ta còn quay lại nhìn tôi, nói như mách: “Bộ ổng học được từ bố ổng đó hả má?”
(“Like father, like son” – Laura Corcoran, 32, New Orlean)

Món quà nồng ấm

Sau khi James, đứa con trai út, rời nhà ra nội trú đại học, hai vợ chồng tôi quyết định bán ngôi nhà đang ở để mua một căn nhỏ hơn. Trước lúc ra đi, tôi đến từng căn phòng một, nhớ lại những kỷ niệm suốt 20 năm qua của chúng tôi với 3 đứa con trai. Tới nhà bếp, tôi dừng lại ngắm cánh cửa, ở đó chúng tôi đã ghi dấu chiều cao 3 đứa nó. Các vạch ghi vẫn còn rất rõ, cả tên mỗi đứa, cả ngày tháng năm. Vạch này là sinh nhật thứ 5 của Jamie, vạch kia là lúc Alex mất răng sữa đầu tiên, vạch nọ là khi Will bắt đầu lên trung học. Tôi hôn lên ngón tay mình và vuốt nhẹ vào các vạch ấy như một lời từ biệt.
Vài tháng sau khi chuyển sang nhà mới, người phát thơ đem đến cho tôi một cái gói. Đó là một gói dài, bao bằng giấy kỹ lưỡng. Khi vừa mở lớp giấy gói, trái tim tôi như muốn ngưng đập, bên trong là cái “thước đo” chiều cao. Người chủ mới của căn nhà đã tháo cánh cửa, lấy phần gỗ ra, còn cẩn thận bào nhẵn các cạnh và thêm vào cái móc để treo. Bên trong gói quà có kèm theo mấy chữ: “Mong sao các bạn sẽ cảm thấy căn nhà mới không khác gì tổ ấm xưa với cái thước này”.
(“The perfect housewarming” – Gretchen Clifton, 57, Cleveland)

Người giúp bên đường
Cách đây nhiều năm tôi bị một tai nạn xe thật dễ sợ - cái xe tôi đang lái bị trượt và lật nhào xuống triền dốc bên dưới. Tôi bị va đập mạnh rồi kẹt cứng bên trong. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi mơ hồ thấy một người đàn ông lôi tôi ra khỏi xe. Ông ta mặc áo sơ-mi xanh, trên túi áo có thêu chữ “Sam”. Ở bệnh viện, người ta nói đã tìm thấy tôi bất tỉnh, cách 50 yard một chiếc xe bốc cháy. Không ai biết gì về người đàn ông đã cứu mạng tôi.
Tháng rồi, cái xe tôi lại chết máy đúng ngay đoạn đường đã xảy ra tai nạn. May thay, một người đàn ông tử tế dừng lại giúp đỡ. Chỉ vài phút sau, xe nổ máy trở lại. Mừng quýnh, tôi cám ơn rối rít, nhưng tôi bỗng sững người – trên túi áo xanh của ông ta có hàng chữ thêu: “Sam!” Tôi lắp bắp hỏi có phải ông đã cứu một phụ nữ ra khỏi tai nạn lật xe 20 năm về trước không. Người đàn ông mỉm cười, nháy mắt, và lái xe đi.

Vị khách bí ẩn

Khoảng đâu năm ngoái, một tháng sau ngày mẹ mất, khi tôi đang ngồi ngoài hiên ủ rũ buồn rầu, thì thấy một chú khuyển từ đâu đó bỗng dưng xuất hiện, bước loanh quanh trong vườn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một chú chó nào đẹp đến thế - trông thật giống một con chồn với bộ lông mịn vàng óng với cái đuôi xoăn. Chú ta thật hiền, thật dễ thương. Tôi khóa cổng vườn với chú chó bên trong, rồi đi hỏi thăm hàng xóm chung quanh xem ai bị mất không, nhưng chẳng ai nhận. Khi về đến nhà, chẳng thấy chú khuyển đâu nữa. Lạ thật, cổng vườn vẫn khóa chặt, cũng không có dấu vết gì cho thấy chú ta đã đào lỗ chun ra ngoài.
Vài ngày sau, chú khuyển – tôi tìm biết đó là một giống chó có tên Shiba Inu - bỗng dưng lại xuất hiện. Chú đến bên tôi, dụi dụi, như muốn tôi chơi với chú ấy. Lần này tôi bỏ chú vào nhà xe, khóa lại, rồi lên nhà trên để điện thoại cho văn phòng bảo vệ động vật. Biết đâu người chủ đã cớ mất và đang nóng lòng tìm kiếm người bạn bốn chân đi lạc. Nhưng chỉ vài phút sau, khi trở lại nhà xe, chú chó đã biến mất – lần nữa! Tôi chắt lưỡi, cho rằng chú khuyển đã nhanh chân lỉnh mất. Chỉ đến ngày hôm sau …
Khi tôi ra thăm mộ mẹ. Đến nơi, bất giác tôi đưa mắt nhìn cây thánh giá Celtic. Lạ lùng chưa, trong khóe lõm trên cây thánh giá là một cái mề-đay nhỏ mang hình một chú khuyển Shiba Inu. Tôi mỉm cười, thì thầm, “Mẹ ơi, con cũng nhớ mẹ lắm cơ”.

(“A most welcome visitor” – Jane Genovesi, 45, Boston)

Viên thuốc khó nuốt

Năm ngoái, tôi hạ quyết tâm phải làm cho bằng được 2 điều, một là gài dây an toàn khi lái xe, hai là uống vitamin mỗi ngày. Coi bộ không quá khó như lê bước vào phòng tập thể dục - dễ như ăn kẹo ấy mà! Kế hoạch của tôi là uống 2 viên vitamin vào buổi sáng và 2 viên nữa sau bữa ăn trưa.
Một ngày kia, lại một buổi sáng bận quá trời bận. Cứ rối tung lên mà vẫn trễ giờ. Khi tôi đang lùa hai tiểu thư lên xe thì lọ vitamin rơi khỏi túi, đổ vung vãi trên nền nhà bếp. Bực ơi là bực, tôi vừa nhặt con búp bê Barbie của nhỏ út, vứt qua một bên, vừa hối hả hốt mớ thuốc viên bỏ trở lại vào lọ.
Xế trưa, sau bữa ăn với xếp và bốn khách hàng quan trọng, tôi nhớ mình không được quên vụ uống thuốc bổ. Mở nắp lọ, tôi đổ lên tay 2 viên thuốc, rồi hất tay, dốc thẳng vào miệng. Quái, thuốc gì mà to dữ vậy cà? Tôi chiêu một hớp nước để tống nó tuột xuống. Và rồi nhận thấy vẻ mặt kinh hoàng của một phụ nữ ngồi bên cạnh, tôi quay qua hỏi bà có sao không. Câu hỏi lập tức kiến những người chung quanh quay lại nhìn. Người phụ nữ mặt đỏ bừng vì cố nhịn cười, lúng búng nói: “Cưng ơi, em vừa mới nuốt một cái giày búp bê Barbie!”

(“Tough pill to swallow” – Rachel Montgomery, 38, Denver)

Uyển Mai lược dịch
 
DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét