Ở một ngôi làng nhỏ tại Ba Lan có một nhà thông thái được nhiều người nể trọng; dân làng thường tìm đến ông để tâm sự, chia sẻ những nỗi phiền muộn trong cuộc sống với ông. Hằng ngày ông lão nghe rất nhiều nỗi phiền muộn trong từng gia đình. Họ cho rằng, ông trời không công bằng khi để cho họ mang quá nhiều gánh nặng so với những người hàng xóm. “Tại sao ông ấy thảnh thơi hơn tôi? Tại sao chồng chị ấy lại chăm chỉ còn chồng tôi lại ngày đêm nhậu nhẹt?Tại sao vợ của tôi chỉ thích đi mua sắm còn vợ của anh ấy thì lại đảm đang lo cho gia đình? Tại sao tôi phải mang căn bệnh nan y này còn ông hàng xóm thì sống bê tha mà lại tỉnh bơ phây phây? Dù tôi không làm gì sai trái nhưng tại sao đời tôi vẫn không bình an như ông kia?” Đó là những nỗi phiền muộn trách cứ mà dân làng tìm đến để nhờ ông lão giúp tìm câu trả lời.
Sau một thời gian, ông lão nảy ra một sáng kiến như sau. Ông sẽ tổ chức một ngày hội. Trong ngày ấy, mỗi người hãy chuẩn bị một cái bao với tên của mình được ghi ngoài bao. Mỗi người dân trong làng hãy mang nỗi phiền muộn của mình, những khó khăn của mình và “đặt” chúng trong cái bao ấy và treo chúng lên một cây có tên gọi là “cây phiền phuồn” ở giữa làng nơi sẽ diễn ra lễ hội. Sau khi chờ mọi người treo “bao phiền muộn” của mình lên cây, họ có quyền chọn bao của người khác và mang nó về nhà.
Việc tìm kiếm trao đổi “bao phiền muộn” rất sôi nổi, vì ai ai cũng muốn bỏ đi bao của mình và tìm bao “nhẹ” hơn, “dễ chịu” hơn của người khác. Sau một hồi tìm kiếm, ai cũng tìm được cho mình một bao mà theo họ là vứa ý nhất. Nhưng khi về đến nhà, những “bao phiền muộn” mà họ ôm lấy từ người khác cũng chẳng khác gì bao nhiêu so với “bao phiền muộn” của họ. Không ai bảo ai, người dân làng hiểu rằng ai ai cũng mang nỗi phiền muộn, không ai nặng hơn và không ai nhẹ hơn. Cách tốt nhất là đừng tìm cách đổi chác hay chạy trốn khỏi chúng, nhưng chấp nhận nỗi phiền muộn như là phương cách giúp họ đồng cảm và chỉa sẻ thân phận làm người với nhau. Họ cũng nhận ra rằng khi cảm thấy nỗi đau của đồng loại là lúc họ trưởng thành hơn, biết yêu nhau hơn, và từ đó họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống nhiều hơn.[1]
* * *
Bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy việc chạy trốn nỗi khổ đau, hay tìm phương cách để thay đổi chúng không phải là cách tốt nhất để hóa giải sự đau khổ, phiền muộn trong đời mình. Theo Đức Phật, đời người là biển khổ: “Sinh khổ, hủy diệt khổ, chết khổ, và không sở hữu được điều mình muốn cũng khổ.”[2] Chúng ta có thể ví đau khổ và phiền muộn trong kiếp người như con rắn rượt đuổi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không dừng lại và can đảm đối diện với nó, thì một lúc nào đó chúng ta sẽ bị kiệt sức với trò rượt bắt này. Chỉ có phương cách là chấp nhận nó, đón nhận nó và sống với nó từng ngày như là một phần của đời ta.
Với một cảm nghiệm siêu phàm, thánh Gioan Thánh Giá đã khuyên những ai đang gặp khó khăn đen tối trong cuộc đời với những lời khuyên rất tâm huyết: “Hãy tìm kiếm sự khó khăn nhất thay vì sự dễ dàng thoái mái;… hãy sẵn sàng mang lấy bất lợi, sự cô đơn hơn là sự thuận lợi, an ủi…”[3] Thật là nghịch lý và khó hiểu khi chúng ta học hỏi những suy nghĩ và lối sống của các bậc thánh nhân, nhưng đó là con đường mà họ đã đi qua với bao kinh nghiệm xương máu. Chính trong kinh nghiệm xương máu với lòng can đảm đón nhận và ôm chầm lấy đau khổ muộn phiền, họ gặp được niềm vui vô cùng lớn lao mà như thánh Gioan Thánh Giá gọi là: “Ôi đêm tối ngọt ngào và dịu êm.”
* * *
Hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn suy nghĩ về cái “bao phiền muộn” của mình. Ngoài những phiền muộn do ngoại cảnh gây ra, chúng ta thường đối diện với sự phiện muộn xuất phát từ trong lòng mình. Sự phiền muộn mà mình đang gánh chịu có thể là vì một điểm chuẩn hay một ước vọng xuất phát từ con tim của mình mà mình chưa đạt được hay chưa sở hữu được. Cũng có khi sự phiền muộn của mình là do mình mong được như một người nào đó, cung cách của một ai đó, lối sống và suy nghĩ như một ai đó mà mình gặp phải. Ta vô tình lấy họ làm điểm chuẩn cho đời ta; ta mong muốn ta được như họ (về một khía cạnh nào đó). Bao lâu ta không được như họ thì ta còn phiền muộn đau khổ. Càng phiền muộn hơn khi ta cứ nhìn những bất toàn của ta và đâm ra nản lòng, bỏ cuộc, và thất vọng. Thật ra ta đâu có hiểu, những con người xem chừng như rất lý tưởng ấy cũng trăn trở và phiền muộn một khía cạnh nào đó trong đời họ mà ta không biết đấy thôi. Hiểu như thế để ta cảm nghiệm giá trị hiện tại trong chính con người mình.
Thưa bạn, bạn hãy khẳng định với lòng mình rằng: Giây phút này, hoàn cảnh này, vị trí này là hoàn cảnh tốt nhất, hoàn hảo nhất cho chính con người của ta, cho cuộc đời của ta. Ta không cần tìm kiếm hay so sánh với ai khác, mà ta chỉ cần cố gắng hết sức để những đức tính và khả năng của ta được vươn nở mà thôi.
Br. Huynhquảng
[1] Lược dịch từ Soul, ed. Elisa Davy Pearmain, (Oregon: Resource Publications, 1998), 71
[2] Ayya Khema, Being Nobody, Going Nowhere (Boston: Wisdom Publication: 1987),144.
[3] Từ http://www.carmelitanacollection.com/johncross.php (accessed July 21, 2010).