Cha mẹ cần học ở các bé rất nhiều với tấm lòng nhẫn nại, thương yêu, tôn trọng và thông cảm. Hiểu bé là chính còn dạy thực ra lại là điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình đối với bé chứ không phải muốn bé theo ý mình...
Học con và dạy con chính là thiền, thiền thì không khuôn định, không có tương lai, chỉ nhận ra sự thật trong từng giây phút hiện tại mà thôi...
Hãy viết lên trang giấy trắng những vần thơ vô ngôn đầy cảm hứng và sáng tạo rồi để gió cuốn đi không để lại dấu tích gi...
Thưa Thầy, Con quá đỗi vui mừng vì vừa gởi thư đi là nhận được hồi âm của Thầy liền. Con cám ơn Thầy. Con xin lỗi Thầy, con đã không dám trình bày quá sâu vào sự việc vì sợ mất thời giờ của Thầy. Nhưng như vậy thì không nói rõ được hết những uẩn khúc trong đó. Thật ra em con đã tự nguyện thay vợ chăm lo cho con cái, nên nó không bị mặc cảm chi phối. Con chỉ nhận thấy rằng nhiều lúc em con bối rồi trong việc giáo dục con cái, xưa nay em con mua rất nhiều sách vở để học cách nuôi dạy con nhưng dường như nuôi con là thiên chức của người mẹ, nên dù có cố gắng mấy em con vẫn rất khó khăn và bất lực trong một vài phương diện. Nay em con lại rơi vào trạng thái không ổn định về tinh thần nên càng lo ngại rằng những lúc la mắng con cái lại chính là những lúc mình mệt mỏi nên nóng giận sai lầm. Gần đây em con hay băn khoăn về việc không có đủ năng lượng tinh thần để chơi đùa với đứa con gái bé nhất năm nay được 5 tuổi đang rất hoạt động và ngỗ nghịch; cũng như khá bất lực với con bé chị được 10 tuổi rất cá tính. Em con chấp nhận hoàn cảnh gia đình, nhưng lại tự giận thân vì những khả năng hạn chế của mình. Thật ra em con cũng đã thành công trong việc chăm lo cho 3 đứa con mình phát triển về mặt thể chất, nhưng có lẽ là chưa đủ. Vì bản thân gia đình Ba Mẹ và các anh chị em con không ai có được sức khỏe, con biết rõ nguyên nhân chính là vì cái Tâm không được An tịnh bao đời nay. Lẽ ra con chỉ nên xin Thầy tư vấn về những vấn đề trong lĩnh vực hoằng pháp của Thầy đó là Thiền và thực hành Thiền. Nhưng được nghe qua những điều Thầy giảng dạy con cảm nhận được Thầy đã đạt trạng thái bao la, cao rộng và sâu dày trong cái đơn sơ, mộc mạc và đơn giản nhất của Tâm. Con xin Thầy từ bi lại thêm ý soi sáng nữa cho con. Nhất định trong một ngày gần đây con và em con sẽ có dịp tìm nghe Thầy thuyết giảng và đảnh lễ Thầy. Xin Thầy Hỉ Xả nếu những vấn đề rắc rối của gia đình chúng con có làm Thầy chút xíu bồi rối và nhức đầu. Kính mong Thầy luôn An Lạc.
Trả lời: Sao chúng ta lại nghĩ là dạy con mà không là học hỏi ở con nhỉ. Có thể em con cảm thấy mệt và bất lực vì muốn dạy con hiệu quả như thế nào đó mà không như ý chăng? Cha mẹ cần học ở các bé rất nhiều với tấm lòng nhẫn nại, thương yêu, tôn trọng và thông cảm. Hiểu bé là chính còn dạy thực ra lại là điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình đối với bé chứ không phải muốn bé theo ý mình. Thực ra học và dạy chính mình còn chưa xong làm sao có tham vọng dạy bé được. Đó là tham vọng hoang tưởng của cha mẹ, nên phần lớn chỉ muốn đúc con thành những mẫu mực lý tưởng để rồi làm hỏng chính mình và con cái mà thôi. Học con và dạy con chính là thiền, thiền thì không khuôn định, không có tương lai, chỉ nhận ra sự thật trong từng giây phút hiện tại mà thôi. Cha mẹ đã tự khuôn định mình rồi, lại muốn đặt định con cái theo mẫu lý tưởng nào đó. Hãy cởi mở cho mình trước rồi mới giúp bé sau, chứ đừng buộc thêm cho ai điều gì cả. Học hỏi là hoạt động đầy hứng thú, là khám phá mọi sự luôn mới mẻ mà bản chất của nó là vô thường vô ngã. Vì muốn thường, muốn ngã nên mới khổ đó thôi. Hãy bắt đầu từ không biết gì cả chứ đừng bắt đầu bằng kiến thức đã tích lũy được, cái mới mẻ không bao giờ là cái đã biết vì vậy không bao giờ tiếp cận được với các bé hoàn toàn còn ngây thơ trong trắng. Hãy viết lên trang giấy trắng những vần thơ vô ngôn đầy cảm hứng và sáng tạo rồi để gió cuốn đi không để lại dấu tích gi...
Hỏi đáp: www.trungtamhotong.org
Khi chúng tôi quyết định có con, tôi biết rằng mình phải gác chuyện đi tu tập lại, ít nhất là trong một thời gian. Tôi tự dặn lòng, tôi lúc nào cũng có thể trở lại khung cảnh thanh tịnh tu học ấy, khi con tôi trưởng thành đủ để không cần đến mình nữa. Hình ảnh một ông già trở về với đời sống tu viện bao giờ cũng mang một nét rất thơ mộng. Viễn tượng là mình sẽ từ giả những khóa tu, hay ít nhất là cũng sẽ phải bớt lại nhiều, không làm tôi phiền muộn gì mấy, mặc dù tôi rất yêu quý chúng. Tôi quyết định rằng mình có thể xem việc có con như là một khóa tu thiền vậy, mà thật ra thì nó có đủ hết những yếu tố của một khóa tu, trừ ra sự thinh lặng và giản dị.
Ðối với tôi thì như thế này: Ta có thể xem mỗi đứa bé như là một em bé Phật hay là một thiền sư, một vị thầy chánh niệm dạy riêng cho mình. Vị thầy ấy xuất hiện vào cuộc đời ta, mà sự hiện diện và hành động của ngài bảo đảm sẽ thách thức cũng như thử thách hết mọi niềm tin và giới hạn của ta, mang lại những cơ hội giúp ta thấy được những vướng mắc của mình để buông bỏ. Mỗi đứa bé sẽ ban cho ta một khóa tu kéo dài ít nhất là mười-tám năm, mà không thể nào bỏ về ngang được. Chương trình của khóa tu thì rất là nghiêm khắc và luôn luôn đòi hỏi ở ta một thái độ hy sinh và từ ái. Cuộc đời của tôi trước khi có con thì chỉ cần lo cho những nhu cầu và ước muốn cá nhân của mình, hoàn toàn bình thường đối với một thanh niên. Trở thành bậc cha mẹ rõ ràng là một thay đổi lớn lao nhất trong cuộc đời tôi cho đến ngày hôm nay. Làm cho tròn bổn phận làm cha mẹ của mình đòi hỏi một cái thấy sáng suốt nhất, biết để cho sự việc như-là, cũng như một sự buông bỏ lớn lao nhất mà tôi chưa từng bao giờ bị thử thách.
Ví dụ, những đứa bé lúc nào cũng cần và đòi hỏi sự chăm sóc của ta. Những nhu cầu của chúng phải được thoả mản theo đúng chương trình của chúng, không phải của ta, và mỗi ngày, chứ không phải chỉ khi nào ta cảm thấy thích. Quan trọng hơn hết, những đứa bé và trẻ thơ rất cần sự có mặt trọn vẹn của ta để có thể phát triển và lớn lên mạnh mẽ. Chúng cần sự bồng ẵm, càng nhiều càng tốt, ru hát, đùa giỡn, vỗ về của ta, đôi khi trong những đêm khuya khoắt hoặc sáng sớm, khi ta cảm thấy mệt nhoài, kiệt sức, chỉ muốn ngả lưng xuống giường, hoặc khi ta có những bổn phận, công việc gấp rút và quan trọng khác cần đến sự chú ý của mình. Những nhu cầu sâu xa và luôn thay đổi của đứa bé là những cơ hội tuyệt vời để cho bậc cha mẹ tập có mặt trọn vẹn trong chánh niệm, thay vì hoạt động như một người máy. Tôi cảm thấy rằng, làm cha mẹ là một cơ hội tuyệt vời để tu tập chánh niệm thâm sâu, nếu tôi có thể cho phép gia đình và con cái tôi trở thành những vị thầy của mình, cũng như biết học hỏi và lắng nghe cẩn thận những bài học của cuộc sống, mà chúng sẽ đến rất nhanh và rất mãnh liệt.
Cũng như những khoá tu nhiều ngày, ta sẽ có những thời gian thoải mái và những thời gian khó khăn, những giây phút kỳ diệu và những giây phút đớn đau. Cuối cùng, cái nguyên lý xem đời sống làm cha mẹ như một khóa tu, và tôn trọng những đứa bé và hoàn cảnh gia đình như là vị thầy của mình, đã tự chứng minh được giá trị cũng như địa vị của nó, hết lần này đến lần khác. Làm cha mẹ là một công việc rất là cực nhọc. Ngày xưa, đó là một công việc đủ cho mười người làm, mà thường thì chỉ có hai người, hoặc nhiều khi chỉ có một, để cáng đáng mà thôi, và không có sách vở nào kèm theo với đứa bé để hướng dẫn ta cách săn sóc hết. Ðây là một công việc khó nhất trên trái đất này để ta có thể làm cho đúng, cho hay. Mà phần nhiều thì ta cũng không biết mình có làm đúng không, hoặc làm đúng, làm hay có nghĩa là thế nào! Và chúng ta cũng không có một ai được chuẩn bị trước hoặc huấn luyện để làm cha mẹ hết, chỉ có sự tự học trong khi thực hành, khi phải đối diện với chuyện này chuyện kia xảy ra.
Ban đầu thì chúng ta cũng còn có được một vài cơ hội quý báu để tạm nghỉ ngơi trong chốc lát. Nhưng rồi công việc sẽ đòi hỏi sự đối phó thường xuyên của ta. Những đứa bé lúc nào cũng thử thách mức giới hạn của ta, để học hỏi, tìm hiểu thế giới chung quanh cũng như về chính nó. Và còn thêm nữa, khi những đứa bé phát triển và tăng trưởng, chúng sẽ thay đổi. Khi ta vừa tìm ra phương cách tốt đẹp để đối phó với một hoàn cảnh nào đó, thì chúng cũng đã thay đổi, chuyển sang một trường hợp mới, mà ta chưa từng gặp bao giờ. Vì vậy, ta lúc nào cũng phải giữ chánh niệm và có mặt, để tránh khỏi bám víu vào một quan điểm mà đã không còn thích hợp nữa. Và dĩ nhiên, không có một quy tắc hoặc công thức đơn giản nào là duy nhất để xử sự cho "đúng" trong thế giới làm cha mẹ. Nó có nghĩa là ta lúc nào cũng phải đối diện với những hoàn cảnh thử thách và hoàn toàn mới lạ, và cùng một lúc, ta cũng sẽ đối diện với những việc làm lập đi lập lại hết lần này sang lần khác.
Công việc làm cha mẹ sẽ còn gặp nhiều thử thách hơn nữa, khi những đứa bé trưởng thành và phát triển ý kiến cũng như ý muốn riêng của chúng. Chăm sóc cho những nhu cầu của một đứa bé thơ là một chuyện, rất là đơn giản, nhất là khi chúng chưa biết nói và thật dễ thương, đáng yêu. Còn đối phó với những đứa trẻ lớn hơn một chút, không còn mấy dễ thương và đáng yêu, là một chuyện khác hẵn. Trong trường hợp này ta phải biết nhìn cho rõ và đáp ứng bằng một sự thông minh, vì dầu sao đi nữa ta cũng là người lớn, và lúc nào cũng sẽ có một sự va chạm giữa hai ý muốn, chúng có thể tranh luận lanh quanh, chọc ghẹo nhau, đánh lộn, chống đối, cãi lời, đối phó với những hoàn cảnh cần sự hướng dẫn của ta, mặc dù có thể chúng sẽ không thèm nghe theo. Nói tóm lại, nó cần một sự đối phó thường xuyên mà ta sẽ không còn thì giờ nào cho chính mình nữa. Những trường hợp mà ta cảm thấy sự điềm tĩnh cũng như sáng suốt của mình bị thử thách, và những khi ta bị "đảo lộn", thì nhiều vô số. Những đứa con sẽ nhìn thấy hết tất cả những gì là của ta, từ sát bên trong và rất cận kề, như là những nhược điểm, cách cư xử, lỗi lầm, mâu thuẫn và những thất bại của ta.
Nhưng những khó khăn ấy không phải là chướng ngại cho việc làm cha mẹ hoặc sự tu tập chánh niệm của ta. Chúng chính là sự tu tập chánh niệm, nếu ta ý thức được điều ấy. Bằng không, đời sống làm cha mẹ có thể trở nên một gánh nặng mệt mỏi, và vì thiếu sức mạnh và mục tiêu rõ rệt, ta có thể không thấy được và tôn trọng những cái hay cái đẹp trong con cái mình cũng như là trong ta. Những đứa trẻ có thể dễ bị thương tích và mất đi tuổi thơ, nếu nhu cầu và tâm hồn đáng yêu của chúng bị liên tục chối bỏ và không được biết đến.
Rõ ràng là khi bấy nhiêu năng lượng của ta tuông ra bên ngoài, chắc chắn phải có một nguồn năng lượng nào đó thỉnh thoảng đổ vào bên trong, thì mới có thể nuôi dưỡng và làm hồi sinh lại những bậc cha mẹ. Nếu không thì quá trình ấy sẽ không thể nào duy trì lâu dài được. Nhưng nguồn năng lượng ấy phát xuất từ đâu? Tôi nghĩ nó đến từ hai nơi: nhờ sự giúp đở ở bên ngoài, từ người thân, bạn bè, nhà giữ trẻ và thỉnh thoảng, từ làm những việc mà mình ưa thích; và nguồn năng lượng từ bên trong, mà ta có thể có được nhờ thực hành thiền tập, nếu ta có thể bỏ ra chút thì giờ trong cuộc sống để giữ thanh tĩnh, để có mặt, để ngồi lại, hoặc tập yoga, để tự nuôi dưỡng mình.
Tôi ngồi thiền vào mỗi sáng sớm, vì đây là thời gian mà cả nhà rất yên tĩnh và tôi không bị ai quấy rầy, và cũng vì nếu tôi không ngồi thiền lúc ấy, thì có thể tôi sẽ vì quá bận rộn hoặc mệt mỏi mà sẽ rồi không muốn ngồi nữa. Tôi cũng còn khám phá ra rằng, ngồi thiền vào buổi sáng sớm sẽ quyết định cho phẩm chất của trọn ngày. Nó sẽ là một sự nhắc nhở cũng như một xác nhận cho những gì là thật sự quan trọng trong đời sống, và nó sắp đặt cho chánh niệm có thể lan rộng sang những lãnh vực khác trong ngày.
Nhưng khi chúng ta có con nhỏ trong nhà thì buổi sáng sớm cũng chỉ như mọi thời gian khác mà thôi. Ta không thể cố chấp vào bất cứ một chuyện gì, vì việc nào mà ta muốn làm, dù đã sắp đặt chu đáo đến mấy, cũng sẽ bị gián đoạn và đôi khi còn phải hoàn toàn bị bỏ dỡ. Những đứa con nhỏ của tôi ngủ rất ít. Dường như lúc nào nó cũng thức rất khuya và lại dậy thật sớm, nhất là nếu mà hôm ấy tôi quyết định sẽ ngồi thiền. Hình như là chúng rình xem nếu tôi dậy thì chúng cũng sẽ thức dậy theo. Có ngày tôi phải thức dậy vào 4 giờ sáng mới có thể yên ổn ngồi thiền hoặc tập yoga. Có những hôm tôi quá mệt mỏi, bỏ hết, và thấy rằng chỉ có giấc ngủ mới là quan trọng hơn cả. Và cũng có khi tôi ngồi thiền với đứa con trong lòng mình, và để cho chúng quyết định tôi sẽ được ngồi bao lâu. Chúng nó rất thích được quấn mình trong chiếc mền ngồi thiền, chỉ có cái đầu nhỏ lú ra, nhiều khi chúng ngồi yên rất lâu, trong khi tôi theo dõi hơi thở ra vào, không phải của riêng tôi, mà là của cả hai đứa.
Ngày ấy tôi tin rằng, và bây giờ cũng thế, sự chánh niệm về thân và hơi thở của tôi, và sự xúc chạm trong khi ôm đứa con trong lòng, giúp nó cảm nhận được sự an ổn, cũng như khám phá được sự tĩnh lặng và một cảm giác được chấp nhận. Và sự thanh thản của chúng, chắc chắn là trong sạch và chân thật hơn tôi nhiều, vì tâm chúng chưa bị bận rộn bởi những ý nghĩ, lo lắng của người lớn, giúp tôi trở nên an ổn hơn, thanh thản hơn và có mặt hơn. Khi chúng lớn hơn một chút, tôi có thể tập yoga trong khi chúng cởi trên lưng, leo lên vai hoặc đu trên tay tôi. Có khi đùa giởn trên sàn nhà, chúng tôi lại tình cờ khám phá ra thêm những tư thế yoga mới, cho cả hai cùng tập. Sự đùa giỡn thực tập không ngôn từ và trong chánh niệm nầy là một nguồn vui và hạnh phúc lớn cho tôi, một người cha, và là một mối liên hệ sâu sắc mà chúng tôi cùng chia xẻ.
Khi những đứa con của mình càng lớn bao nhiêu, chúng ta lại càng quên đi rằng chúng là những vị thiền sư, bấy nhiêu. Sự thực tập giữ chánh niệm, không phản ứng, và thấy rõ phản ứng của mình, sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, khi ta dần dà mất đi tiếng nói của mình trong cuộc đời của chúng. Những thói quen, tập quán xa xưa lại bừng sống dậy thật mạnh mẽ, trước khi tôi kịp có ý thức về chúng. Kiểu mẫu về một người đàn ông trong gia đình, về thẩm quyền, làm sao thể hiện được quyền hành của mình, hạnh phúc của tôi trong gia đình ra sao, những mối tương quan giữa mọi người của mọi lứa tuổi và nhu cầu của họ... Mỗi ngày là một sự thử thách mới. Có lúc tôi cảm thấy mình bị tràn ngập, nhưng cũng có lúc rất là cô đơn. Chúng ta cảm thấy có một hố sâu càng lúc càng mở rộng. Dẫu biết rằng sự cách biệt ấy là cần thiết cho sự trưởng thành và khám phá của đứa trẻ, dầu biết rằng sự kiện ấy là lành mạnh, nhưng ta vẫn cảm thấy đau đớn. Ðôi khi tôi quên rằng mình là người lớn và hành động như một đứa con nít. Mấy đứa con của tôi đã nhắc nhở và đánh thức tôi dậy rất nhanh, những khi chánh niệm mình bị lơ là.
Làm cha mẹ và đời sống gia đình là một môi trường tuyệt vời cho sự thực tập chánh niệm. Nhưng nó không phải dành cho những người yếu đuối, ích kỷ, lười biếng hoặc mơ mộng không thực tế. Làm cha mẹ là một tấm gương bắt ta phải tự soi lấy chính mình. Nếu bạn có thể học được từ những gì mình thấy, bạn sẽ có một cơ hội rất tốt để tiến triển.
(Trích: Nơi Ấy Cũng là Bây Giờ và Ở Đây -
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are)
Tác giả: Jon Kabat-Zinn
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are)
Tác giả: Jon Kabat-Zinn
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên