Mặc cảm tự tôn hay tự ty của bản ngã chính là... phá vỡ tình yêu thương và sự an lạc.


Thưa Thầy, con có một người em trai 46 tuổi, em con có gia đình và 3 con nhỏ. Em dâu con do công việc đặc biệt, nên việc chăm sóc và giáo dục con cái hầu hết do em trai con đảm nhiệm. Em con đã chấp nhận nghỉ việc 10 năm qua để chăm lo cho con cái. Mặc dù em dâu con cũng hết sức cố gắng phụ giúp chồng những lúc có mặt ở nhà, nhưng con hiểu rằng do vai trò trong gia đình bị đảo lộn cộng với nhiều áp lực khác trong cuộc sống hiện đại nên khoảng 3 tháng nay em con bị rối loạn thần kinh thực vật; còn trước đây thỉnh thoảng thì thấy bản thân mình rơi vào tình trạng trầm cảm. Nay nhờ thuốc men cùng tập thể dục… nên cũng đỡ phần nào nhưng tâm tư thì còn u uất, lúc thăng lúc trầm, mệt mỏi, bất an, sợ hãi…
Con cũng có giai đoạn trải qua tâm trạng tương tự như vậy lúc đang đau bịnh mà lại sanh đứa con đầu lòng. Con đứng dậy như thế nào có lẽ chính con hiểu rõ hơn ai hết. Con cũng đã cố gắng giúp đỡ cho em con các tư liệu hay để cải thiện về tinh thần như thở để chữa bệnh..., đặc biệt gần đây chúng con có được duyên lành biết thêm về các bài giảng của Thầy về Thiền Minh Sát trên Internet. Có lẽ con hiểu nhiều hơn em con do trải nghiệm nhiều hơn. Nhưng con cũng không có nhiều điều kiện sâu sát với em để nói cho em con hiểu hết được. Con thấy gia đình em con cần phải thay đổi điều kiện và cách sống, nhưng thay đổi có khi càng thêm áp lực cho nó trong cuộc sống khó khăn hiện nay.
Con thấy có những người bệnh nan y đến lúc phải buông bỏ hết để tự cứu lấy mình, còn em con, con thương nó quá chỉ sợ nó không vượt qua được tình trạng tâm lý như vầy thì không biết sẽ ra sao. Con xin Thầy từ bi giúp cho chúng con biết phải bắt đầu nhận thức từ đâu để cho em con có được sự bình tâm trở lại.
Chúng con kính mong Thầy luôn sức khỏe.
Trả lời: Đơn giản là em con không cần mặc cảm. Nếu em con làm tròn phận sự của một người nuôi dạy con cái và chăm lo gia đình, thương yêu và giúp đỡ vợ mình thì vẫn sống an lạc và hữu ích cho gia đình xã hội. Mặc cảm chỉ xuất phát từ quan niệm sai lầm về vị trí nam nữ thôi. Thực ra mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống chính là biết phân công đúng khả năng chứ không nhất thiết phải là nam hay nữ, chồng hay vợ. Chính quan niệm phân biệt nam nữ, chồng vợ mới đưa đến bế tắc trong mối quan hệ gia đình, mà trong đó mặc cảm tự tôn hay tự ty của bản ngã đã phá vỡ tình yêu thương và sự an lạc.

               
Hỏi đáp: www.trungtamhotong.org

                 
Một điều tra của các nhà xã hội học châu Á đã đưa ra con số hơn 35% các đức ông chồng trong gia đình hiện đại mắc chứng bệnh tự ti về bản thân và không hài lòng với vị trí của mình trong chính tổ ấm. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố xã hội ảnh hưởng tới suy nghĩ của đàn ông và mặc cảm tự ti được coi là một căn bệnh có tác động tiêu cực đến cuộc sống gia đình.
Một chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ: Với truyền thống và tâm lý của người Á Đông thì vai trò trụ cột trong gia đình vẫn cần thiết thuộc về chồng.
Chuyện người vợ thành đạt, làm chủ kinh tế hiện không còn hiếm. Tuy nhiên dù họ tài giỏi đến đâu, khi ở nhà cũng nên lui về đúng vị trí của mình: Một người vợ đảm đang, dịu dàng, hiểu và thương yêu chồng...
Vai trò trụ cột gia đình không chỉ thể hiện ở mức thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Người chồng vẫn có thể tạo cho người vợ của mình một cảm giác bình yên khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, dù anh ta không phải là người kiếm nhiều tiền nhất nhà.
Ai là trụ cột kiếm được nhiều tiền trong gia đình không phải là điều quyết định hạnh phúc. Quan trọng là cả hai đều phải biết sẻ chia, cảm thông để tạo dựng và giữ gìn tổ ấm.

(Sưu tầm)