GS. Ngô Bảo Châu: Những câu chuyện cuộc sống


GS. Ngô Bảo Châu đã sống ở Paris được 17 năm, sau nơi dài nhất là Đất Mẹ Việt Nam - nơi năm 18 tuổi ông bắt đầu con đường du học. Trong một buổi tọa đàm mới đây ở Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã kể những câu chuyện về cuộc sống và về cả mảnh đất Paris "đầy yêu quý", sau Đất Mẹ Việt Nam.

Khi sống ở Paris

Cũng như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: 

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
 Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
 Tạm không nói về những tình cảm thân thiết, máu thịt của GS. Ngô Bảo Châu dành cho Việt Nam, bởi thứ tình cảm đó là vô bờ bến. GS. Ngô Bảo Châu nói rằng: "Paris là mảnh đất tôi vô cùng quý mến”. Có cái gì thật đặc biệt khi cảm giác của ông không giống với đa số mọi người: "Suy nghĩ của tôi khi sống ở Paris, điều mà tôi không ưa nhất là các bạn du lịch từ các nước đi sang lang thang ở Paris. Tại sao tôi lại không ưa mặc dù các bạn cũng rất hiền lành, rất cởi mở và thân thiện? Cái tôi không thích đó là, khi mình sống ở một mảnh đất nào đó và thật sự gắn bó với vùng đất đó, mình không thích vùng đất đó trở thành như một trại hè để các bạn lang thang ở đó…”. Kí ức của ông về Paris không phải như mọi người hay kể, đó là sự tráng lệ, là những hình ảnh đẹp, là không gian của những thứ sang trọng... Với Ngô Bảo Châu, Paris của ông đơn giản chỉ là cái nhà ăn sinh viên, những vé ăn sinh viên hay những cuộc trò chuyện với bạn bè về những vấn đề thế giới, những cuộc tranh luận về vấn đề rất nhỏ, những lúc đôi ba thằng bạn không còn một xu dính túi, là những niềm vui, những nỗi buồn, những cuộc sống và những cái chết… Cảm nhận về cái chết của những người trí thức thật sự chứ không phải là những ám ảnh mơ hồ. GS. Ngô Bảo Châu cũng tự thấy cảm nhận của mình khác với nhiều người về Paris, Paris của một người du lịch, một người lữ hành đi qua đó vài ba tuần. Cũng như khi ông muốn sống ở Việt Nam nhiều nhất trong tất cả các nước trên thế giới, và giống như khi ông quyết định nhập quốc tịch Pháp (từ năm 2010) nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Bởi quốc tịch Việt Nam là nơi cội nguồn gốc rễ, là thứ tình cảm máu mủ thiêng liêng nhất. Tính đến nay, Việt Nam vẫn là đất nước ông sống trọn vẹn và lâu dài nhất. Nhưng quốc tịch Pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, cho sự phát triển tốt hơn của ông. Bên cạnh toán học Việt Nam, toán học Pháp sẽ vì thế mà được vinh danh một cách xứng đáng.

Luôn trăn trở về Phật pháp


Từng băn khoăn về triết lý thoát khổ trong đạo Phật, ông kể cho mọi người nghe câu chuyện về cuộc sống qua cuộc ghé thăm và tìm hiểu Phật pháp. Bởi dù sống ở đâu, hướng Phật cũng là điều nên làm để bản thân hoàn thiện. Cách đây vài ngày, Giáo sư có đến thăm chùa Hoằng Pháp và nói chuyện với các phật tử nhí về chủ đề học tập. Ông mới hỏi thầy Thích Trung Kính rằng: "Về Phật giáo có cái tôi hiểu, có cái tôi không hiểu, mong thầy giải đáp được không?” Và câu hỏi của GS. Ngô Bảo Châu như sau: "Đạo phật thì điểm cơ bản là điểm nào? Và tôi muốn hỏi Phật pháp ra đời để làm gì?” Thầy Thích Trung Kính bảo tôi không hiểu ý của anh. Bây giờ tôi nghĩ về cuộc sống, về cái nhà tôi ở, tôi có quả hồng bì. Quả hồng bì nó vừa dày vừa ngọt, nó vừa chua vừa chát, vừa thơm. Thế bây giờ muốn cuộc sống của mình ngọt thơm thì không cần quả hồng bì nữa? Qua đó để hiểu, chúng ta không nên quá mong chờ một điều gì thật lớn lao. Những điều Phật dạy chúng ta là không nên cầu toàn quá nhiều thứ để rồi lại không biết trân trọng nó. Ta cầu sung sướng hạnh phúc, khi có rồi thì lại không biết nâng niu…
GS. Ngô Bảo Châu rời Việt Nam khi ông tròn 18 tuổi, cách đây 23 năm. Lúc đó ông chỉ muốn học toán, muốn tìm hiểu toán học và cố gắng tốt nghiệp. Bây giờ, khi đã sống ở Paris 17 năm và chuyển qua sống ở Mỹ, ông thấy yêu cuộc sống hơn. Cuộc sống của ông cũng như bao người khác có niềm vui, nỗi buồn, có hạnh phúc và cũng có cả bất hạnh. Cái chính là bản thân mình hài lòng với nó.
Ngô Bảo Châu bảo sống ở Paris hay sống ở Việt Nam, tình cảm đó chỉ cần có trong tâm là đủ. Trong trái tim mỗi người đã từng xa xứ, chỉ cần còn đó một góc nhỏ của mình để nâng niu, để trân trọng Đất Mẹ Việt Nam thì sẽ còn những tình cảm lớn, những cống hiến lớn dành cho đất nước.


Huyền Trang

Nguồn:  http://www.baomoi.com