Học chữ hay học làm người?


Gần đây, trên báo chí có khá nhiều người ở đặt ra câu hỏi “Cần học chữ hay học làm người?” Hoặc giữa hai cái, cần học cái nào trước. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ, là tiếp thu kiến thức. Còn học làm người là như thế nào, hẳn có nhiều cách hiểu khác nhau…. - GS Châu đặt vấn đề.
Ngày nay nhiều người băn khoăn về chức năng của trường học phải dạy chữ hay dạy kỹ năng sống, nghệ thuật sống? Có vẻ như càng ngày càng có nhiều người ngả về quan điểm hiện đại: “Trường học phải dạy cho trẻ kỹ năng sống”.

Tôi tán đồng với quan điểm cổ điển của nữ triết học người Đức Hannah Arendt, rằng: “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới, chứ không phải là rèn cho chúng nghệ thuật sống”. Mà ẩn trong đó có cả câu trả lời cho câu hỏi học làm người theo nghĩa rộng. Học làm người là học về thế giới, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người, để mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình ở trong đó, nhận thức hết các tương tác giữa cá nhân mình với những người khác, để triển khai mọi tiềm năng của mình, để hoàn thiện mình và đồng thời làm cho thế giới xung quanh trở thành một nơi an toàn, thân thiện hơn cho cuộc sống”.
Để trẻ có kỹ năng sống, người lớn phải là tấm gương
Để trẻ có kỹ năng sống, người lớn phải là tấm gương -GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh đều này. Những người có bổn phận làm người lớn, đừng bao giờ quên rằng dù muốn hay không muốn, chúng ta luôn là tấm gương để cho trẻ soi vào. Ngoài trách nhiệm cho trẻ một mái nhà, cung cấp thức ăn cho đủ no, quần áo cho đủ mặc, người làm cha mẹ luôn phải tâm niệm rằng mình cư xử ngày hôm nay như thế nào, ngày mai trẻ sẽ cư xử giống như thế.
Theo GS Châu, nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ con không cần đi học những lớp kỹ năng sống nữa. Và người có trách nhiệm chính trong việc giáo dục hành vi cho trẻ là cha mẹ, gia đình, chứ không phải nhà trường. Những bài lên lớp của thầy cô giáo không có tác dụng nhiều lên hành vi của đứa trẻ như chính hành vi của cha mẹ nó. “Tôi không muốn nói rằng trường học hoàn toàn không có chức năng giáo dục hành vi cho trẻ nhỏ. Trong tâm hồn trẻ nhỏ, thầy cô giáo có một vị trí thiêng liêng, có lẽ thiêng liêng hơn bố mẹ, vì thế nên cách ứng xử của các thầy cô trong cuộc sống nhà trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp hành vi của học sinh. Nhưng không vì thế mà cha mẹ có thể chút toàn bộ trách nhiệm giáo dục hành vi của trẻ lên vai thầy cô giáo” – GS Châu nói.
Vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân các
Một sinh viên hỏi: Việc lập gia đình sớm có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu khoa học của Giáo sư?Tôi để ý, ở bất kỳ cuộc giao lưu nảo các bạn cũng đặt câu hỏi như thế này cho tôi.
Việc tôi lập gia đình sớm có ảnh hưởng tốt đến sự nghiệp NCKH của tôi. Người vất vả thực sự không phải là tôi mà là vợ tôi. Cuộc sống gia đình ấm áp là nơi cho tôi bình yên nghiên cứu khoa học.
Đây là vấn đề được GS Châu đặc biệt đề cao và ông dẫn lời của triết học gia Hannah Arendt cho rằng, việc học - đó là cố gắng để hiểu thế giới xung quanh, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người. Nó bắt người ta phải nhận thức về sự tồn tại của người khác, là điều kiện để phân biệt giữa thiện và ác. Nhưng chỉ biết phân biệt thiện và ác thôi không đủ, thậm chí nguy hiểm, nếu coi việc hình thành nhân cách chỉ đơn giản là phân biệt giữa thiện và ác.
Trong buổi nói chuyện, không ít lần GS Ngô Bảo Châu lấy những kinh nghiệm giáo dục của nước Đức để thuyết phục cho bài nói. Ông đánh giá cao cách dạy lịch sử cho trẻ em ở Đức.
Theo ông, chức năng của giáo dục nhân văn không phải là ngợi ca cái thiện, phê bình cái ác mà là giúp con người tìm đến sự thực và để cảnh giác với sự dối trá cả của người khác và của chính mình. Cảnh giác với bản năng lười nhác, ích kỷ và hèn nhát, những cái rất giỏi ngụy trang trong tấm áo thiện tâm để dắt tay con người đi về địa ngục, cái không phải gì khác mà chính là sự tha hóa hoàn toàn của tâm hồn con người. Giáo dục nhân văn nghiêm túc rèn cho chúng ta thái độ nỗ lực không mệt mỏi trong cố gắng đi tìm sự thật cùng với khả năng chiêm nghiệm bằng tư duy vì nếu chỉ chiêm nghiệm bằng xúc cảm, con người rất dễ bị đánh lừa.
Vai trò của giáo dục nhân văn là dắt tay con người đi theo “biển chỉ đường của trí tuệ” để đi về với cái chân thiện, chân mỹ...

...GS Châu cho rằng, bản năng hướng thượng, hướng thiện là động cơ của học tập, nó không phải là công cụ. Con người biểu đạt sự hiểu biết về thế giới khách quan bằng lời. Con người thụ hưởng vốn hiểu biết mà nhân loại tích tụ được thông qua ngôn ngữ.
Vấn đề không phải đem những kiến thức khoa học tiên tiến nhất đến cho học sinh, vì có muốn cũng không làm được. Vấn đề cũng không phải là tập trung rèn luyện cho học sinh kỹ năng tính toán để phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày. Cái cần làm trang bị cho học sinh phương pháp tư duy khoa học: định hình rõ nét khái niệm, liên hệ những khái niệm đó với thế giới khách quan, biết lập luận, biết tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan.

Trích: GS Ngô Bảo Châu và những ý niệm về giáo dục