Khả năng linh cảm


...Sự linh cảm cũng rất bình thường khi tâm không bị che lấp bởi bản ngã tham sân si mà cụ thể là những cảm xúc, tình cảm, tư tưởng, quan niệm v.v... Nói cách khác khi tâm rỗng lặng trong sáng thì nó có khả năng biết cái đang biết và biết cái chưa biết, chứ không phải biết qua những gì đã biết. Những khả năng này tự đến, chứ không phải là kết quả của quá trình cố gắng thủ đắc của cái ta...


Thầy quý kính, con kính lời thăm Thầy luôn được pháp thể khinh an.
Con xem tin tức trên trang web của Thầy, con được biết, hiện giờ, ở Bửu Long, đang có rất nhiều quý bạn Đạo tòng hạ, con sadhu lắm, nhưng với tình trạng sức khỏe thường xuyên không ổn định, nên con đang học Đạo trong phạm vi của con, cách học của con là, hằng ngày con nghe Pháp Thoại, đọc Hỏi Đáp trên trang web và sách của Thầy, rồi ứng dụng những nguyên lý Thầy dạy. Vì tự mình thực tập như vậy, con ngại có những chỗ bị lệch, mà con không hề hay biết, hôm nay con xin phép được trình lên Thầy về sự ứng dụng của con vào trong cuộc sống của mình, để con được Thầy chỉ dạy thêm.
Thưa Thầy, con bị bệnh đau ót phía mặt và vai bên mặt đã mấy năm rồi, nên có những động tác mà tay mặt bị giới hạn rất nhiều. Có một buổi sáng nọ, khi con thức dậy, thì toàn cánh tay mặt, mỗi khi nhúc nhích con bị đau đến nỗi không còn chịu được, lúc đó con mới biết cánh tay mình nó nặng đến như thế nào. Con đang loay hoay không biết phải giải quyết như thế nào, vì tự liệu không đủ sức đến bác sĩ ngồi chờ và biết cơ thể mình bị dị ứng với hầu hết các loại thuốc tây. Ngay lúc đó, bỗng dưng con nhớ lại những lời Thầy giảng về sự vận hành tự nhiên của Pháp để điều chỉnh mọi việc và chuyện Thầy bị đau chân khi ngồi máy bay.
Con thử xoay cánh tay, và tìm ra được một tư thế thoải mái duy nhất, là nằm trên giường và giơ tay lên về phía đầu, tự nhiên trong tâm con biết: “Nếu đi chạy chữa, càng chạy chữa sẽ càng năng thêm, và cứ nằm yên như thế là cách hay nhất.” Thế là con cứ nằm yên trên giường giơ tay như thế, và nhìn những diễn biến của thân tâm đang diễn ra, con nhìn thấy, sự đau cứ sinh rồi diệt, hết chỗ này đến chỗ khác trên khắp cơ thể, và chỗ đau chỉ nhỏ bằng đầu kim thôi, có thể chịu được, chính sự chống đối và bực bội trong tâm, cộng thêm trí tưởng tượng đã nhân lớn sự đau lên, mới làm cho con cảm thấy sự đau liên tục, mạnh và trải rộng ra đến như thế.
Sau khi nhận ra được điều đó, thì cứ có sao con biết vậy, đau nhiều biết đau nhiều, đau ít biết đau ít, khi không đau biết không đau, khó chịu biết khó chịu, dễ chịu biết dễ chịu, bất cứ hiện tượng nào của thân tâm xảy ra, con cũng OK hết. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, con thấy thỉnh thoảng vẫn còn có những ý mong mỏi sự đau mau chấm dứt, nhưng rất nhẹ, khởi lên.
Đến khi đói bụng, thì con rán ngồi dậy ăn, xong nằm xuống và giơ tay như thế. Con phải ở trong tư thế như vậy liên tiếp 7 ngày, thì con từ từ khỏe lại, cơn đau đã không còn nữa, con có thể xuống giường đi tới, đi lui, vì nghe chóng mặt, con bèn vịn vách và bàn ghế từ từ đi lại để làm những việc nhẹ lặt vặt theo sức mình. Một điều rất là mầu nhiệm là sau đó, mặc dù con không có uống thuốc gì hết, mà tay mặt bây giờ đã khỏi hẳn, có thể cử động các động tác một cách bình thường, dễ dàng mà không còn bị đau nữa.
Đồng thời, có những cái biết tự nhiên thường xảy ra, thí dụ như, các đài khí tượng đều tiên đoán trời mưa, nhưng khi chị con do dự không muốn mang dù theo, hỏi con, thì con lại biết chắc là trời sẽ không mưa.
Hằng tuần, con không có xem những tờ giấy quảng cáo, bán đồ giá hạ, nhưng khi cần thức gì, con định thần một chút, thì tự nhiên biết, cửa hàng nào đang bán thức con cần, với giá hạ.
Con không có điện thoại cầm tay, mỗi khi con đi ra ngoài, bất chợt có ý muốn trở về nhà, khi về đến nhà, thì lần nào cũng là người nhà đang trông hoặc có bạn đến đang ngồi chờ, vì có chuyện cần đến con.
Con suốt ngày ở trong nhà, vì dị ứng với các làn sóng, không bao giờ liên lạc với ai bằng điện thoại được, bạn bè tới thăm, hỏi chuyện gì con cũng tự nhiên trả lời được hết rất là chính xác, tường tận, mặc dù mọi người đã cố tình, hoàn toàn dấu con. Bạn bè tới chơi, hỏi vài lần, thấy chuyện gì cũng dấu con không được hết, sợ quá, trốn hết trơn.
Trong nhà, mọi người dự định làm việc gì, nói sơ sơ cho con biết, con nghe là biết việc có thành công hay không? Con cũng có nói trước kết quả cho mọi người nghe, nhưng con không có cản ngăn ai hết, ai muốn làm chuyện gì thì làm, tại vì con nhớ Thầy dạy: “Một nguyên lý của cuộc sống là ai muốn làm gì thì làm, ai cũng phải trải nghiệm qua hết tất cả các bài học của mình.”
Chuyện gì tự nhiên nó biết, thì nó biết, con không có bao giờ khởi tâm mong cầu là muốn biết hoặc dùng cái biết đó để làm bất cứ điều gì lợi lạc cho mình, và con chỉ có trình điều này lên một mình Thầy thôi, ngoài ra không có kể cho ai nghe hết.
Con thành kính đảnh lễ Thầy. Con.

Trả lời:

Trong mục Hỏi Đáp không để tên người hỏi khi hiển thị nên dù mọi người đọc được câu hỏi nhưng vẫn không biếtlà ai, chỉ thầy vào admin mới biết tên người hỏi thôi (nhưng phần lớn thầy cũng không biết là ai), nên thầy xin hiển thị câu hỏi này để chia sẻ với mọi người. Những diễn tiến trong tu tập của con và cả những trải nghiệm linh cảm của con mô tả đều đúng, rất giống những trải nghiệm của người đã thấy.
Khi pháp được trả về với bản chất thực của nó, không bị can thiệp vào, thì nó sẽ tự động điều chỉnh theo nguyên lý "nội lực tự sinh" một cách tự nhiên. Vì nôn nóng mau loại bỏ hay mau đạt được mà phần lớn sự can thiệp của bản ngã tham sân si chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn, dù cho có giải quyết được tạm thời. Đó là lý do vì sao Hoàng Đế Nội Kinh nói: "Điềm đạm hư vô chân khí tùng chi, tinh thần nội thủ bệnh an tùng lai". Và thầy cũng thường nhắc là nên thay đổi thái độ hơn là cố gắng thay đổi trạng thái, vì khi thay đổi thái độ thì trạng thái sẽ tự động chuyển hóa theo.
Sự linh cảm cũng rất bình thường khi tâm không bị che lấp bởi bản ngã tham sân si mà cụ thể là những cảm xúc, tình cảm, tư tưởng, quan niệm v.v... Nói cách khác khi tâm rỗng lặng trong sáng thì nó có khả năng biết cáiđang biết và biết cái chưa biết, chứ không phải biết qua những gì đã biết. Những khả năng này tự đến, chứ không phải là kết quả của quá trình cố gắng thủ đắc của cái ta, vì vậy vẫn vô vi vô ngã.




Nhà toán học nổi tiếng người Pháp A.Poanhcarê nhớ lại, một lần ông không tài nào giải được một bài toán. Bực bội ông bỏ đi chơi nhưng thật hoàn toàn bất ngờ, trong lúc chơi ấy ông xuất hiện ý nghĩ về cách giải bài toán làm ông phải lao tâm khổ trí.

TS. Gary Klein, tác giả cuốn sách Trực giác hoạt động thì cho rằng, cái mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình chính là những năng lực tiềm tàng của trực giác con người. Đặc biệt, đối với những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra những quyết định sinh tử và tức thì như lính cứu hỏa, y tá cấp cứu hay lính trận là những người thường thấy xuất hiện giác quan thứ 6. Họ thường thực hiện các hành động theo một linh tính nào đó trong những tình huống khẩn cấp khi họ không thể chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.

Sưu tầm