Xung khí dĩ vi hòa


Có xung khắc con người mới học ra được sự nhu hòa và nhẫn nại. Nhờ mâu thuẫn chúng ta học được hai mặt của cuộc sống. Một người có cái nhìn toàn diện là thấy hai mặt trong cái một (nhất nguyên lưỡng cực), còn người có cái nhìn phiến diện thì chỉ thấy một mặt mà không thấy mặt kia của cái một (nhị nguyên đối cực).


Con thưa thầy,
Con và mẹ con xưa nay hiếm có khi nào hòa hợp trong nói chuyện. Với mẹ con chỉ có cách nhìn nhận của mẹ con là đúng và mẹ con muốn con nhìn nhận theo cách như vậy. Mẹ con nhiều khi không quan tâm đến việc con nghĩ như thế nào nên cứ mỗi khi nói để mẹ con hiểu con hơn hoặc tìm cách thanh minh cho câu chuyện thì mẹ con thường nói với con là: "Học cho lắm vào rồi thừa chữ, lắm chữ"; "Im mồm đi, nói ít thôi"... Nhiều lúc con đi lên trên nhà vẫn nghe thấy tiếng mẹ nói con, con thấy tủi thân...
Con thưa thầy, chắc bởi vì hai bản ngã chạm nhau nên mẹ con mới thấy khó chịu, còn con mới thấy tủi thân. Nhưng con nghĩ lại thì thấy, cách mà mẹ con nói vọng lên từ dưới nhà là biểu hiện của sự khẳng định mình nhưng bên cạnh đó cũng có cả sự bất lực và nỗi buồn nên mới nói chuyện một mình như vậy. Có lẽ con không cần thanh minh gì cho chuyện của mình nữa. Chỉ lặng yên và cứ để như vậy thôi, vì mẹ con cũng mệt mỏi, vất vả cả tuổi thanh xuân để nuôi chúng con rồi. Con cũng không muốn mẹ thỉnh thoảng lại mệt và buồn vì những quan điểm khác nhau như vậy nữa. Mỗi người đều có cách nhìn riêng. Nếu một ngày đủ duyên cái gì cần nhận ra thì mỗi người sẽ tự nhận ra. Bản thân con cũng vậy. Con mong được thầy dạy dỗ. Con cảm ơn thầy ạ!

Trả lời:


Đó là chuyện bình thường mà con, và dường như con cũng đã thấy ra phần nào điều đó. Mâu thuẫn là một phần ý nghĩa đời sống mà trong đó luôn có sinh có khắc, nên Lão Tử mới nói "xung khí dĩ vi hòa". Có xung khắc con người mới học ra được sự nhu hòa và nhẫn nại. Nhờ mâu thuẫn chúng ta học được hai mặt của cuộc sống. Một người có cái nhìn toàn diện là thấy hai mặt trong cái một (nhất nguyên lưỡng cực), còn người có cái nhìn phiến diện thì chỉ thấy một mặt mà không thấy mặt kia của cái một (nhị nguyên đối cực). Trong mâu thuẫn, người biết lắng nghe, chiêm nghiệm, học hỏi sẽ thấy ra hai mặt của cuộc sống mà không chấp thủ và lệ thuộc vào một mặt nào. Từ đó những đức tính nhẫn nại, cảm thông, thương yêu và dung hóa được khai hoa nở nhụy.

Hỏi Đáp: Trung Tâm Hộ Tông