"Vì sao các nước có người dân (đa phần) theo Phật giáo đều nghèo?"

Con thưa Thầy,
Con gặp nhiều người có cùng thắc mắc: "Vì sao các nước có người dân (đa phần) theo Phật giáo đều nghèo?" Nhân đây, con xin phép được chia sẻ theo cách nhìn chủ quan của mình.
Theo con có 3 vấn đề chính:

1. Tiêu chí:

Thông thường chúng ta quan niệm giàu nghèo là về vật chất hay tiện nghi có được, tuy nhiên nếu một người hay một quốc gia xác định hẳn việc đánh giá giàu-nghèo theo một tiêu chí khác, như chỉ số hạnh phúc chằng hạn, thì vấn đề trên không còn vướng mắc.

2. Thời gian:

Để có thể khẳng định một vấn đề chúng ta cần xác định khoảng thời gian khảo sát phù hợp với vấn đề đặt ra. Vậy nhận định giàu-nghèo trên được xác định trong khoảng thời gian nào? Đã phù hợp với thời lượng của điều được khảo sát chưa?

3. Đạo Phật - Phật giáo, bản chất thực:

Đạo Phật theo thời gian phát triển đã bị phân hóa và biến chuyển rất nhiều, nhất là qua thời kỳ Đại Thừa, khi mà các phân nhánh mở rộng rầm rộ và phần nhiều mang âm hưởng sâu nặng của tôn giáo địa phương, nên từ đấy gọi là "Phật giáo". Từ một đạo Phật thuần túy mang ý nghĩa là sự thật, nói lên sự thật để thấy rõ sự thật (giác ngộ), thì bây giờ đạo Phật [theo quan niệm] đã bị biến chuyển thành một tôn giáo ngày một xa rời nguồn cội, đó cũng là thời kỳ Mạt pháp mà đức Phật đã nhắc đến trong kinh truyền lại.

Vậy "các nước có người dân (đa phần) theo Phật giáo đều nghèo", có đúng là họ đang theo đạo Phật uyên nguyên hay chỉ là đạo Phật theo khái niệm? Vì khi xét về bản thân người tìm hiểu và thực hành đạo Phật thì có điều lạ là, đa số người phương Tây đều tiếp cận và nhận thức đạo Phật (theo đúng tinh thần nguyên gốc) rất nhanh! Phải chăng do chính họ, với cách sống và văn hóa của người phương Tây, nhất là sự chú trọng tính cá nhân, lại đi gần với hướng mà đạo Phật nói đến hơn. Trong khi đó, với sự đi lên từ triều đại phong kiến hay sống trong một thể chế độc tài hà khắc thì tính cá nhân - năng lực giác ngộ tự thân của mỗi người (trong các quốc gia được đề cập) đã bị vùi lấp hoặc không được tôn trọng, dẫn đến đa phần người dân các nơi này đều hướng đến sự cầu xin ngoại lực hơn là tự nhận ra và phát triển chính mình. Đạo Phật lúc này chỉ còn là hình thức chứ nội dung đã khác hẳn.

* Điều khác biệt là đạo Phật không phải tôn giáo và không có đấng giáo chủ, đức Phật chỉ là bậc đạo sư, một người thầy chỉ đường cho những người chưa thấy ra sự thật. Nên theo hay không theo đạo Phật cũng chỉ là khái niệm gán vào chứ không phải là nội dung thật sự, "Chiếc áo không làm nên thầy tu" có lẽ cũng mang ý nghĩa như vậy.
---

Dạ con xin chia sẻ như vậy, nếu có điều chưa đúng đắn con xin được Thầy chỉ bảo thêm. Con cảm tạ Thầy


Theo hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét