CÂU CHUYỆN THIỀN SƯ

Trong cuộc đời tu hành của các Tỳ Kheo cũng gặp nhiều chuyện vui buồn. Vì các Ngài còn ở thế gian sống chung với loài người, xã hội nên chuyện đời thường cũng theo đó mà đến với các Ngài trong hành trình tu tập. Mỗi vị sư lúc hành đạo hay hoá độ có một cách hóa giải khác nhau. Có Thầy dạy những điều mà người dù phạm lỗi cũng biết ăn năn hối cải (Cải tà quy chánh) trở lại con đường ngay. Cũng có Thầy chừng ấy câu chuyện nhưng không hoá giải được, đem đến bình an và hướng thiện cho kẻ lầm đường lạc lối. Qua câu chuyện Phật dưới đây ta mới thấy sự quan trọng, giá trị của hành động và lời nói, nhất là các bậc chân tu:

Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này lên mà về cho đở lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm.Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.
Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi."
Hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm hôm qua đó, xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẽ nói: “cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
Chúng ta thấy Thiền sư trong một lúc vừa làm theo LƯƠNG TÂM của một con người đứng trước một kẻ nghèo khó, bần cùng đi vào đạo tặc, cũng vừa là một nhà tu mở lòng từ bi thương chúng sanh bằng PHẬT TÂM. Hầu hết tất cả tôn giáo đưa ra giáo lý gần như giống nhau, chẳng hạn là: khuyên răn dạy dỗ, làm lành lánh dữ, cải ác tùng thiện, nhằm đạt mục tiêu, kiến tạo xã hội, an ninh trật tự, bình yên hạnh phúc. Nói chung, để đạt cứu cánh hoàn thiện, hầu hết tôn giáo, đều dạy con người, sống với "LƯƠNG TÂM" của con người. Nói đến PHẬT TÂM lại có khác , chúng ta tin Phật, thờ Phật, cúng Phật, lạy Phật, chưa hẳn là Phật Tử chân chánh, dù tại gia hay xuất gia. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
"Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai".
Nếu những người chỉ biết, tin tưởng Như Lai, tức là tin Phật, như là tin tưởng, một vị Thần linh, hay là Thượng đế, quyền năng tối thượng, ban phước những ai, cầu nguyện phụng thờ, lễ lạy tin theo, sẵn sàng giáng họa, những ai không tin, không chịu thờ lạy, những người như vậy, chỉ là những người, phỉ báng đạo Phật, Đức Phật hoàn toàn bác bỏ kiểu cách tôn thờ như thế. Những người như vậy, chẳng hiểu biết gì, Chánh Pháp đạo Phật, dù họ ở chùa, hay ở tại gia cũng không mang đúng ý nghĩa giáo lý của Như Lai .
Nói đến Tâm Phật thì ai cũng cho là dễ nắm bắt, nhưng sự thật đem ra hành trì mới là điều khó. Như câu chuyện vị quan muốn hiểu thế nào là tâm Phật như sau:

Ngày xưa, có một vị quan Tể Tướng đến tham vấn đạo, muốn được biết cốt tủy của đạo Phật, làm sao có thể tóm gọn được tam tạng giáo kinh điển nhà Phật. Một vị Thiền Sư bèn chỉ dạy bài kệ, trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, như sau:

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là:

Việc ác không làm
Làm các việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Đúng lời Phật dạy.

Vị quan đó nói:

-Như vậy dễ quá, con nít lên tám, cũng có thể biết.
Thiền sư từ tốn:
-Con nít lên tám, có thể biết được, ông già tám mươi, suốt đời thực hành, cũng vẫn chưa xong!
Thực vậy, biết suông nói suông, việc gì cũng dễ, nhưng thực hành được, một cách chu toàn, mới thực là khó. Hơn nữa, chúng ta nên biết rằng: Người nào thực hành được hai câu đầu của bài kệ, đó chính là người có lương tâm ở trên thế gian này. Còn người nào thực hành được đến câu thứ ba của bài kệ, đó chính là người sống được với Phật Tâm, còn được gọi là bản tâm thanh tịnh của con người. Đó mới chính thực là cứu cánh của đạo Phật.
Tại sao Vị Thiền sư thấy tên trộm vào chùa ăn cắp không hô hoán là Trộm..... mà còn kiên nhẫn chờ cho tên trộm đi ra mà tặng cho chiếc áo của Thầy đang mặc, như là san sẻ bớt sự thiếu thốn bằng tình người. Bằng hành động cởi áo và lời nói hiền từ:
“Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này lên mà về cho đở lạnh."
Dù đó chỉ là một hành động của con người đứng trước LƯƠNG TÂM khi thấy kẻ đói rách phải ăn trộm. Nhưng đó không phải là việc làm đạt được theo đúng con đường của Đức Phật dạy. Điều mà Thầy chợt nghĩ đến khi Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi." chính ý nghĩ này là Thầy ao ước thể hiện TÂM PHẬT.
Tặng áo chỉ là vật chất có giá trị bên ngoài, tất cả rồi cũng VÔ THƯỜNG và bị huỷ hoại. Chỉ có TÂM mới là hòn ngọc quý giá muôn đời không bị thoái hoá theo thời gian khi một lòng kiên cố nắm giữ hạnh lành. Điều mà Thầy ao ước, lo nghĩ, hối hận đã cảm hoá sự giác ngộ của tên trộm khi thọ cảm việc làm của Thiền sư mà thấy được con đường ngay bằng chính tấm lòng quay về chánh pháp. Đúng vậy! Hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm hôm qua đó, xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẽ nói : “cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
Thiền sư đã "tặng anh ta cả vầng trăng sáng" đó chính là TÂM PHẬT có giá trị gấp cả triệu lần của chiếc áo mới chỉ là thể hiện lòng thương xót của LƯƠNG TÂM. Phật giáo đang hoá độ và hướng dẫn con người đạt đến TÂM PHẬT nhiều hơn là thể hiện vì TÂM TỪ.

PCCom Nguyen
Theo Thuvienhoasen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét