Thơ văn "Nhân dịp ngày lễ Mother's Day 10-05-2015"






Nỗi Khổ Của Bà Mẹ Chồng Thời Nay


Thời xưa người ta quan niệm rằng ‘’nữ sanh ngọai tộc’’, con gái là con người ta, con dâu mới phải mẹ cha đem về. Người con gái khi lớn lên xuất giá về nhà chồng thì sẽ mang họ của chồng, đọan lìa cốt nhục phụ mẫu, chỉ còn biết có giang sơn nhà chồng, sống là người nhà của chồng, chết cũng là ma bên chồng. Số phận người con gái từ đó vui hay buồn, sướng hay khổ đều tùy thuộc vào sự thương ghét của gia đình bên chồng. Nhân vật tối ưu nắm quyền sinh sát trong tay là ‘’thái hậu lão phật gia’’ mẹ chồng, người đàn bà đã đẻ ra thằng chồng cho mình.


Hiếm có nàng dâu nào tránh khỏi bị mẹ chồng cay nghiệt hà khắc dù rằng chính bản thân bà trước đó cũng đã từng làm dâu con người ta, đã từng nếm đủ mùi vị chua chát đắng cay, ngày ngày nước mắt chan cơm bởi vì ‘’làm dâu khổ lắm ai ơi! vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than!’’. Nếu có bà mẹ chồng nào rộng lượng thương con dâu như con gái ruột, hoặc chỉ cần cư xử tốt với con dâu bằng phân nửa với con đẻ của mình thôi là cô dâu đó coi như đã tu chín kiếp mười đời hoặc hưởng phúc đức của ông bà để lại.

May mắn thay! thời nay thì bi kịch mẹ chồng con dâu đã là chuyện đời xưa đời xửa, không còn tái diễn nữa ở thời đại văn minh nam nữ bình đẳng bình quyền này. Thế hệ con gái lớn lên bây giờ rất độc lập tự do, việc gì đàn ông con trai làm được là đàn bà con gái cũng xung phong nhào vô làm tuốt luốt, còn vượt trội hơn cả cánh đàn ông, không còn nữa cái cảnh ngồi ôm con chờ chồng, lệ thuộc vào đồng lương của các đấng ông chồng thì tội gì phải làm dâu con ép mình phụng sự mẹ chồng và cả dòng họ bên ấy, nhứt là các mụ o em chồng chỉ chực chờ có dịp là nhào vô ăn hiếp chị dâu. Mẹ chồng bây giờ không còn là nỗi ám ảnh hãi hùng cho những người con gái sắp lên xe hoa như ngày xưa nữa mà ngược lại những bà mẹ có con trai sắp cưới vợ lại thấp thỏm lo âu không biết số phận mình và con trai mình sẽ ra sao một mai khi phải bàn giao thằng con cưng của mình cho vợ nó, chẳng khác nào như giao trứng cho ác, nhứt là chẳng may gặp nhằm con vợ dữ như sư tử Hà Đông.
Bà Maria, người Úc gốc Tây Ban Nha có hai đứa con dâu, một đứa là Việt Nam tên Annie, một đứa là dân gốc Nam Mỹ, xứ Peru. Hai đứa này vốn là bạn học chung lớp chung trường với nhau trong suốt thời kỳ high school, tuy không chí thân nhưng cũng là bạn già chí cốt. Sau một thời gian hẹn hò tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân với thằng con trai lớn tên Jeff của bà, Annie giới thiệu bạn mình, Michelle cho thằng em là Harvey quen biết. Lúc đầu, hai đứa này chỉ tính là cặp bồ chơi thôi, không có vẻ gì là tha thiết đắm say, ba hồi tiến bốn hồi lùi, ‘’on, off’’, ‘’off’’ rồi lại ‘’on’’ cứ như mèo vờn chuột, ăn không ăn, nhả không nhả. Ai dè sau khi con Annie có đứa con trai được sáu tháng thì bỗng nhiên con Michelle và thằng Harvey serious tuyên bố kết hôn noi gương thằng Jeff và con Annie xây dựng một tổ ấm gia đình. Hồi con Annie đám cưới thì con Michelle làm dâu phụ, bây giờ tới phiên Michelle lên xe hoa thì Annie làm phù dâu lại cho bạn mình. Thế là hai đứa bạn chung học mười mấy năm về trước giờ đây đã trở thành hai chị em bạn dâu thân thiện, tha hồ mà team up kình chống lại bà già chồng mỗi khi bà quở trách hay la rầy chuyện bỏ bê thờ ơ bổn phận với hai thằng con của bà.
Tội nghiệp bà Maria, bà cũng đã biết thân phận mình giờ đây không còn quyền hạn trực tiếp với hai thằng con nữa bởi vì nó đã thuộc về vợ nó. Có nhiều chuyện bà ấm ức cho con mình lắm nhưng bà phải rán nhượng bộ dằn lòng, giả mù sa mưa tảng lờ cho qua chuyện chớ có dám đâu nói nặng nói nhẹ gì tụi nó, con mình đang ở trong tay tụi nó, lạng quạng tụi nó nổi tam bành lục tặc lên về nhà kiếm chuyện ‘’mần thịt’’ hai thằng con bà thì hóa ra bà là kẻ gây xào xáo gia đình nó hay sao.
Bà rất thương yêu hai thằng quý tử, từ lúc tụi nó chào đời, bà đã âu yếm sùng bái tác phẩm của mình gọi tụi nó là “my kings’’ với tất cả tấm lòng yêu thương trân quý của một bà mẹ. Bây giờ hai thằng kings của bà đã có hai con queens kè kè bên mình, ngai vàng đã có hòang hậu, thái hậu đã hết bổn phận đành phải rút lui về phía sau bức màn nhiếp chính, dù có thương con đứt ruột, bà cũng chỉ có thể đứng ngòai lề âm thầm quan sát cuộc sống của nó và chỉ biết cầu mong cho tụi nó được ấm êm hạnh phúc, được vợ nó thương yêu chăm sóc chu đáo là bà đã mãn nguyện rồi.
Nhà bà rộng lớn, có dư đất trống phía sau, hai vợ chồng bà bảo tụi nó về ở chung, ông bà sẽ cất hai cái town house đằng sau cho tụi nó ở để ông bà có thể thấy mặt con mỗi ngày nhưng hai con queens lắc đầu không chịu, thà chịu thiếu nợ mượn tiền mua nhà ở riêng tránh xa tầm ‘’phóng xạ’’ của ba má chồng, để khỏi phiền phức lôi thôi mất tự do vì phải sống under supervisor của parents-in-law.
Về cách xưng hô, hai con dâu của bà lúc đầu gọi ba má chồng bằng tên như tụi Úc tụi Mỹ làm bà cảm thấy rất buồn tủi bẽ bàng. Với cái lối suy nghĩ thực tế của đa số những đứa con dâu thời đại này thì ba má chồng có nghĩa là ba má của thằng chồng nó thôi chớ không có liên hệ huyết thống gì với tụi nó cả, kể như là nước lã người dưng thì tại sao tụi nó phải kêu bằng cha bằng mẹ. Má con Annie biết vậy nên dạy con gái mình phải kêu ba má chồng như chồng nó cho phải đạo con dâu. Dân nào muốn gọi sao thì gọi nhưng người Việt Nam mình thì không có chuyện gọi ba má chồng bằng tên nghe rất hỗn hào vô phép, không thể nào chấp nhận được. Con Annie cãi lại nói rằng ‘’vậy chớ thằng chồng con nó cũng kêu ba má bằng tên vậy, con biểu nó sửa lại kêu Mum and Dad, nó nói không quen, ngượng quá hà’’.
Nhưng cuối cùng Annie cũng vâng lời má nó gọi parents-in-law bằng ‘’Mama, Papa’’ y như chồng nó làm hai ông bà sung sướng cảm động vô cùng. Nhờ vậy mà bà Maria có thiện cảm với sui gia Việt Nam hơn là sui gia người Nam Mỹ dù họ có cùng chung ngôn ngữ như nhau. Và cũng vì vậy mà mỗi năm cứ nhân dịp lễ Giáng sinh hay Phục Sinh, bà Maria đều mời ba má Annie tới chung vui, ăn mừng với gia đình bà chớ ít khi mời ba má Michelle.
Thật ra Annie cũng là đứa biết đạo nghĩa, cứ vài hôm là nhắc chừng chồng nó gọi thăm ba má nó coi ông bà có cần gì tụi nó không. Mỗi khi ba má chồng nó đụng chuyện giấy tờ hoặc cần đi bác sĩ chuyên khoa hay đi bệnh viện, nó đều xung phong đưa đi vì biết ba má chồng nó không rành tiếng Anh mấy, nghe gà ra vịt thì làm sao biết rõ chuyện gì hay bệnh gì mà giải quyết. Và cuối tuần nào tụi nó cũng chở con cái về thăm ba má chồng cho ông bà thấy con thấy cháu ấm áp tuổi già. Đó cũng là một dịp họp mặt gia đình để anh em, chị em bạn dâu gặp nhau hàn huyên tâm sự và mấy đứa nhỏ con cái tụi nó có dịp chơi đùa với nhau, quây quần bên ông bà nội để thắt chặt mối quan hệ gia đình.
Bà Maria chỉ mong có thế cho nên cuối tuần nào bà cũng làm vài món ăn mà trước kia hai thằng con bà ưa thích bù đắp cho những ngày vợ nó nấu gì thì phải ăn nấy (vợ nó chịu nấu còn đỡ, chớ có đứa bảo thằng chồng ‘’mày muốn ăn mày nấu đi’’). Hai đứa con dâu tới thì chỉ việc phụ dọn ra bàn rồi chễm chệ ngồi xuống ăn uống thỏai mái ung dung chớ không có cái màn kính cẩn dâng cơm hầu nước bố mẹ chồng lôi thôi phiền phức gì cả. Ăn xong mỗi đứa còn đựng một hộp take away nói là đem về cho chồng nó ngày hôm sau đi làm ăn trưa. Bà nghe vậy thì khóai chí tử trong lòng, bảo tụi nó cứ lấy as much as you want, muốn lấy bao nhiêu thì lấy, lần sau bà sẽ làm nhiều thêm nữa.
Có lần, một trong hai thằng con của Annie tới xuống xe chạy te te vô nhà mà không hug, không hun bà nội vì mải mê với món đồ chơi trên tay, bà Maria than phiền với con trai rằng một tuần gặp có một lần mà con mày vô lễ không biết chào hỏi tao gì hết. Ba nó rầy la nó giựt món đồ chơi lại làm thằng nhỏ khóc ré lên, con Annie nóng ruột oang óac la thằng chồng:
-Jeff, why can you do that to your son, tell him gently, not to act cruelly like that.(Sao anh làm vậy với con, nói nhẹ nhàng với nó không được sao mà phải làm hùm làm hổ như vậy?)
Bà Maria nóng mặt rầy con Annie:
-Sao mày dám la thằng con tao trước mặt tao, mày không nể nang tao chút nào hết hả?
Con Annie vốn là đứa nóng tính liền cãi lại:
- Ai biểu con bà làm con tui khóc thì tui phải la nó, bà thương con bà, tui cũng thương con tui vậy.
Nói xong nó biết mình lỡ lời vì má nó vẫn thường căn dặn nhắc nhở nó không bao giờ nên la mắng chồng nó trước mặt bà già chồng, vì thế nó vội vàng xin lỗi mặc dù nó thấy nó đúng:
- Sorry Mama, I didn’t mean that. (Xin lỗi má, con không cố ý như vậy)
Và nó kêu con nó lại ôm bà nội hun một cái thật thắm thiết cho bà nội nó mát dạ mát lòng.
Xong chuyện con Annie, chợt nghe thằng Harvey ho sù sụ và nhảy mũi lia chia, bà Maria lo lắng hỏi:
- Harvey, bộ con bệnh hả? Cảm hay sao vậy con, con có uống thuốc gì chưa? Vợ con có chở con đi bác sĩ không?
Con Michelle nghe vậy hậm hực nói bằng tiếng Spanish:
- Maria, con bà lớn đầu rồi chớ đâu phải con nít mà phải lo từng ly từng tí. Nó chỉ cảm cúm thường thôi, uống thuốc hay không thì sau bảy ngày cũng sẽ bớt. Tui đã nói với nó nếu không bớt thì đi bác sĩ mà nó trơ trơ đâu có bao giờ chịu nghe. Nó cứ nói ‘’fine’’, với ‘’allright’’ hòai tui biết làm sao.Tui lo hai đứa con tui còn chưa xong nữa, cứ phải theo nhắc chừng nó hòai mệt quá, phải chi nó bệnh nặng đi một mình không được thì tui sẽ đưa nó đi, nó là chồng tui mà, bà khỏi lo.
Bị con dâu này trả treo thì bà chỉ có nước ngậm bồ hòn làm thinh chớ không dám bắt bẻ nói năng gì nữa chỉ tổ nó về nhà hành tội con mình thêm thôi.
Ông Carlos, bố chồng của tụi nó xuất thân từ một gia đình lao động, là một handy man năng động cần cù, tháo vát đầy kinh nghiệm, việc gì ông cũng có thể bao thầu làm tất tật, từ thợ bạc, thợ mộc, thợ hồ, thợ nề, thợ ống nước cho đến xây nguyên cả một cái nhà lầu bề thế, ông cũng dư sức qua cầu. Ông chuyên mua nhà cũ rồi đi tìm mua vật liệu auction về tự sửa sang bán lại hoặc nếu gặp căn nào quá cũ, mục rệu thì mướn người demolition để ông cất lại thành một căn nhà mới nguyên xi.
Nhà hai thằng con ông có chỗ nào hư hao cần tu sửa hay muốn xịt gián xịt nhện là cứ réo ông, đối với ông mấy cái chuyện vặt vãnh như vòi nước rỉ rỉ hay nhà tắm không thóat nước, máng xối nghẹt cứng hoặc hàng rào xiêu vẹo chỉ là piece of cake, tụi nó cứ việc đi làm, khi về thì mọi chuyện đã xong. Mà mỗi khi ông qua nhà con cái sửa sang thì bà Maria cũng đi theo để phụ với ông nếu ông cần, còn không thì bà dọn dẹp nhà cửa, rửa đống bát dĩa mà tụi nó ăn sáng rồi vội vàng đi làm bỏ đó chưa kịp rửa và nhứt là ủi quần áo cho con trai bà. Bởi vì bà thường thấy con bà mặc quần áo không ủi, nhăn nheo bèo nhèo làm bà rất chướng mắt ứa gan, nhưng khi bà nhìn sang con Annie có vẻ trách móc thì nó lên tiếng chận đầu bà:
- Please don’t give me that look Mama, I had Carpal tunnel operation of both hands. I can’t even iron my clothes for work, how can I mind his ones. Moreover, I have to be careful with my hands for my job.(Má làm ơn đừng có nhìn con cái kiểu đó, hai cánh tay con đã bị mổ vì bệnh tê nhức, quần áo đi làm của con, con còn không ủi được, làm sao ủi đồ cho nó. Vả lại con phải cẩn thận dưỡng hai cái tay để còn đi làm).
Cũng vì cái bệnh Carpal tunnel này mà nó đã bỏ hết ba mớ bát dĩa Stoneware nặng trìu trịu đã sắm trước kia thay vào tòan bộ mới mỏng tăng nhẹ hửng hiệu Corelle tốn hết mấy trăm đồng bạc. Và cũng vì ủi đồ không thấu nên nó cũng đã get rid cho giáo hội gần hết mớ quần áo cần ủi để mua lọai iron free. Bà thấy con dâu bà sắm đồ mà thấy xót ruột, má nó cũng la nó hòai cái vụ tiêu xài phung phí nhưng nói tụi này như nước đổ lá môn, mưa tưới đầu vịt. Thời đại này tụi nó quan niệm sống là phải hưởng phải xài, không có cái chuyện tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn gì ráo, mặc kệ credit card chừng nào quá maximum hẳng tính. Bây giờ nghe con dâu bà lấy cớ tê tay ra hù bà, bà cũng đành xuôi xị thông cảm cho nó nhưng trong bụng bà thầm nhủ thỉnh thỏang sẽ qua ủi đồ cho thằng con.
Đó là nỗi khổ của bà mẹ chồng thời nay. Đã hết rồi cái thời vàng son mẹ chồng ăn hiếp con dâu mà chỉ có con dâu trịch thượng cãi lý với mẹ chồng. Bà mẹ chồng bây giờ chỉ còn biết ngậm hờn ai oán tỉ tê với con trai mình rằng:
1/- Kẻ thù lớn nhứt của con là vợ con
2/- Ngu dốt nhứt của đời con là không hiểu được nó
3/- Thất bại lớn nhứt của đời con là không bỏ được nó
4/- Bi ai lớn nhứt của đời con là phải sống với nó
5/- Sai lầm lớn nhứt của đời con là quyết định lấy nó
6/- Tội lỗi lớn nhứt của đời con là nghe lời nó
7/- Đáng thương nhứt của đời con là bị nó sai khiến
8/- Đáng khâm phục nhứt đời con là chịu được nó
9/- Tài sản lớn nhứt của đời con là những thứ nó đang giữ
10/-Khiếm khuyết lớn nhứt của đời con là không lấy được hai vợ*

Một vợ là đã chịu đời không thấu rồi, hai vợ thì có mà phát điên và bà mẹ chồng sẽ đứt gân máu chết sớm. Tốt hơn hết là sống độc thân, yêu nhau thì mỗi tuần gặp nhau du hí đôi ba lần rồi nhà ai nấy ở, tiền ai nấy xài, thân ai nấy lo thì họa may mới bớt được một số phiền não cho cuộc đời.


* Sưu tầm trên net
Người Phương Nam


Bí quyết làm bạn cùng con


1. Khi con còn nhỏ, mình luôn đặt ra mục tiêu: Chơi đùa với con càng nhiều càng tốt, nói chuyện với con càng lâu càng tốt. Khi nói chuyện, cố gắng cúi xuống để con có thể nhìn thấy mẹ. Mình cũng không quá chú trọng đến việc con có chăm chú nghe mình nói hay có hưởng ứng trò chơi của mình hay không. Mình luôn cho rằng, não của trẻ liên tục ghi nhận những ảnh hưởng của mẹ, kể cả lúc chúng không chú ý. Và vì thế, mình cố gắng không bỏ lỡ cơ hội để trở thành một bà mẹ “biết- chơi”.

2. Không bao giờ quên những dịp kỉ niệm của con: như ngày sinh nhật, ngày con mọc chiếc răng đầu tiên, ngày con biết đi… Mình ghi tất cả những ngày đó vào một cuốn sổ. Mình tin rằng, chỉ cần khi con vừa khôn lớn, nhìn lại những mốc đó, con hiểu rằng, có một tình yêu thủy chung đến thế nào đang chờ con.

3. Một trong những điều quan trọng để con “chấp nhận” làm bạn đó là, biết xin lỗi con một cách thành thực. Xin lỗi con không phải là một việc làm hạ thấp bản thân cũng không làm giảm quyền lực của bố mẹ. Đây thực ra là cách dạy con biết nhận lỗi, đồng thời, con cảm thấy, bố mẹ không phải là một nhân vật quá “quyền năng”, quá xa cách. Mình cũng cho con biết rằng mình không hề hoàn hảo. Mình có nhiều khuyết điểm, và mong được con bù đắp được những khuyết điểm đó.

4. Khi con lớn, mình thường hòa vào những sở thích của con. Mình cố gắng để nghe loại nhạc mà con thích, đi xem cùng con, bàn luận về những chủ đề con quan tâm. Mình không ngại ngần sử dụng ngôn ngữ mà giới trẻ hay dùng. Không lên án mà cố gắng tìm hiểu những trào lưu mà mọi người hay tặc lưỡi “ đúng là trẻ con”.

5. Mình cũng giống như các bà mẹ khác, mong muốn được yêu con bằng một tình yêu không - điều - kiện. Thể hiện rõ nhất của tình yêu không điều kiện đó là cách khen con mỗi khi con đạt điểm tốt trong một kì thi; con đạt giải thưởng. Thay vì nói: Con giỏi quá, mẹ rất yêu con! Mình nói: Mẹ rất tự hào về con. Mẹ biết là con rất cố gắng. Nhưng ngay cả những khi con không đạt những thành tích như vậy, mẹ sẽ chỉ buồn chứ không yêu con ít hơn. Con nhớ điều đó nhé. Trước mỗi cuộc thi thuyết trình, hùng biện tiếng Anh của Nam, mình đều nắm tay con và nói: Mẹ tự hào về em ngay cả trước khi em tham gia thi, trước khi em trình bày bài thuyết trình của mình, đơn giản vì mẹ yêu em nhắm í. Nam luôn mỉm cười, nắm lại tay mẹ và vào thi như một con chim sáo.
Khi mình yêu con bằng một tình yêu không điều kiện có nghĩa là mình chấp nhận con với những hạn chế. Và điều đó sẽ giúp con suy nghĩ rằng, tình yêu của cha mẹ không phụ thuộc vào việc con có thành đạt hay không mà đơn giản chỉ vì con là con của bố mẹ. Chính điều đó sẽ là tiền đề cho những cuộc nói chuyện thân mật bởi con hiểu rằng, mẹ luôn chấp nhận con và không chất lên con những kì vọng của mẹ.
Mình chắc chắn rằng không vì thế mà con sẽ không cố gắng. Bởi khi có một tình bạn, một tình yêu đang chờ mình, con sẽ làm được nhiều việc trong khả năng có thể.


Mình không bao giờ ngại ngần nói về những chuyện “tế nhị”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.


6. Mình luôn trao cho con cảm giác an toàn. Để con thấy rằng, trở về nhà là bình yên, là tuyệt vời. Có thể con không được khen ngợi, không được đón nhận, con bị chê bai ở bên ngoài, nhưng không sao cả, về nhà là con có thể hoàn toàn yên tâm, bố mẹ sẽ không nói về điều đó nữa. Bố mẹ chỉ chỉ ra cho con, cách thức làm thế nào tốt hơn chứ không hề công kích. Mình nhớ, hồi nhỏ, mình cứ bị bọn con trai bắt nạt vì mình ăn mặc “kiểu trẻ em thành phố” trong khi mình đang ở nông thôn. Mình lo sợ lắm, ngày nào trước khi đi học, mình cũng lục tìm trong tủ những quần áo cho giống với các bạn nhất. Rồi mẹ mình biết chuyện, mẹ tự tay tháo những hình thêu trên áo, mẹ lặng lẽ gặp các bạn bắt nạt để nói chuyện. Mẹ cũng không hề nói lại cho mình biết nhưng mình cảm nhận rất rõ. Và mình luôn thấy thật ấm áp, thật an toàn, thật tin tưởng. Mình cũng muốn trao cho Nam cảm giác ấy.

7. Mình cố gắng để chuyển những yêu cầu, những mong muốn thành những câu ngắn gọn và nếu pha được chút hài hước thì tốt. Ví dụ, mình phê phánphòng ở bừa bộn của con: Phòng con chỉ còn mỗi trần là sạch thôi đấy. Thế là Nam hiểu ý ngay. Mình nhắc Nam việc tắt điện khi ra khỏi phòng (khi còn nhỏ) bằng trò chơi: Ghi tên bố, mẹ và Nam lên một cái bảng, có kẻ các ô vuông. Điều kiện chơi là: hễ người nào thấy người kia không tắt điện thì sẽ đánh dấu vào tên người đó, cuối tuần tổng kết lại, ai bị nhiều dấu nhất sẽ bị “phạt”. Hình phạt thì do hai người còn lại tùy chọn. Đôi khi, mình cũng giả vờ quên để Nam được đánh dấu. Và vì Nam rất sợ bị đánh dấu nên phải rất cố gắng. Chỉ một thời gian, khi trò chơi kết thúc, Nam tự nhiên đã hình thành thói quen với tay tắt điện khi ra khỏi phòng. Trò chơi này có thể áp dụng cho nhiều việc khác nữa. Nó đơn giản hơn là việc gào thét, quát tháo. Mình nghĩ là vậy.

8. Trong những lời chê của mình, mình luôn mong muốn kết hợp: Khen ngợi+Nhắc nhở+ Động viên. Ví dụ, khi con bày sách vở ra bàn học, mình sẽ nói: Mẹ thấy con học rất chăm chú, tập trung nhưng mẹ không vui khi con bày sách vở ra bàn thế này, lần sau con chú ý đến cả việc dọn dẹp sách vở nữa. Kiểu như thế.

9. Mình không bao giờ ngại ngần nói về những chuyện “tế nhị”. Tuổi mới lớn có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, tình dục. Mình thường cùng con đọc sách, lắng nghe những câu hỏi của con. Hai mẹ con cũng nghĩ ra những từ vui vui để chỉ những chuyện khó nói, ví dụ gọi BCS là “Ba cây sồi” rồi nghĩ ra đủ thứ chuyện về Ba cây sồi để con có thể hiểu và không hề khó khăn khi nói với bố mẹ. Hôm trước ở trường, Nam được nghe nói chuyện về việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Nam kể cho mẹ và kết luận: Trường đã mời một chuyên gia về việc này đến nói chuyện, nhưng em vẫn thấy tổng kết của mẹ là “kinh khủng” hơn cả, đó là, số lượng trẻ em bị bỏ tương đương với số người mất trong chiến tranh. Cuộc “chiến tranh” do mẹ trình bày có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ của em. Và mình tin, những điều được chia sẻ như thế sẽ giúp cho con sống lành mạnh, không ngại ngần, không lo lắng vì không có người hiểu mình.

10. Mình cố gắng chuyển những điều mình muốn dạy thành những việc làm thuộc sở trường của Nam. Ví dụ, mình muốn hướng dẫn con tìm hiểu về giới tính trong khi con có khả năng về tin học, thế là mình “đặt hàng” Nam làm một phần mềm về Sức khỏe sinh sản. Mình muốn Nam vận động nhiều hơn, mình “đặt hàng” con chụp ảnh về quang cảnh xung quanh vì Nam vô cùng mê máy ảnh… Mặc dù Nam thừa biết dụng ý của mẹ, nhưng chính những tác động về sở thích khiến Nam rất mong muốn được nói chuyện với mẹ, được trình bày, được chia sẻ.

11. Thi thoảng, tạo ra một cuộc “hò hẹn” với con. Mình luôn làm Nam bất ngờ vì những cuộc hò hẹn như vậy. Mình nhắn tin hoặc để lại thư, ghi địa điểm và Nam tự tìm cách đi đến đó, mình đã chờ sẵn ở đó. Địa điểm để “hò hẹn” thì không phải là quán ăn hay quán café mà là những chỗ con được sống cùng thiên nhiên, như một bãi cỏ, một góc công viên. Ở đó, Nam được nằm khểnh và nói chuyện luyên thuyên. Mình nghĩ, thông thường, một đứa trẻ sẽ yêu bà của chúng và luôn tìm về bà mỗi khi gặp khó khăn là bởi, bà không hỏi những câu hỏi khó, bà không biết đến những thay đổi của giới trẻ, bà có thể kể đi kể lại một chuyện mãi không biết chán, bà không nhắn tin trong khi nghe nói chuyện. Có nghĩa là bà luôn ở đó để sẵn sàng mến yêu một cách hiền lành. Vậy nên, trong khi con chưa có điều kiện để về gặp bà thường xuyên, mình cố gắng “hò hẹn” và trong lần hò hẹn đó, trở thành “một người bà” để lắng nghe con “một cách hiền lành”.

12. Cố gắng tạo ra cho con những “món quà” đẹp nhất. Những “món quà” mà mình đem đến cho con không phải là những món đồ chơi mà chính là những khoảnh khắc ghi dấu những kỉ niệm. Mình luôn nghĩ rằng, những lần đùa chơi rượt đuổi với mẹ trên bãi biển, những đêm tối trời, tắt hết điện, nằm trùm chăn nghe kể chuyện “ma”, những đêm ngắm trăng hay cùng nhau tưới một cái cây và chờ hoa nở… tất cả những điều đó sẽ làm nên những “món quà” đựng trong ngăn kéo ấu thơ của con. Và nó khiến kí ức của con về bố mẹ ngập tràn những lung linh. Mình muốn làm bà mẹ “nghèo” để không nghĩ những vật dụng xa xỉ, đắt tiền, những đồ công nghiệp hiện đại mà tặng con những phút giây chơi đùa hạnh phúc bên bố mẹ.

13. Không cưng chiều con một cách thái quá. Mình nghĩ không phải cứ muốn làm bạn với con có nghĩa là nhu nhược, chạy theo các yêu cầu của con. Sẽ thật tuyệt vời nếu kết hợp được sự thân tình nhưng vẫn trong lề lối, khuôn phép. Mình không có thói quen làm thay, làm hộ. Có những việc thuộc nhiệm vụ của con thì khó mấy con cũng phải tìm cách vượt qua. Và trong quá trình làm, tất nhiên, con có thể tham khảo ý kiến cũng như nhận được sự động viên từ mẹ.
Thời gian luôn hối thúc chúng ta với một mớ những công việc và trách nhiệm, với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng mình cũng như các bà mẹ khác không muốn bỏ lỡ ngày nào trong tổng quỹ thời gian có thể để dành cho con. Bởi, không chỉ có công việc là quan trọng, hạnh phúc của con, niềm vui của bản thân mình và những người thân yêu mới là điều đáng phấn đấu trong cuộc đời này.
Mình thực sự cũng rất vụng về, nhiều sai sót. Nhưng vì tình yêu với mọi người, mình không ngại ngần chia sẻ, “một cách rất hiền lành” và mỗi khi mình viết, đó chính là giây phút mình được nhớ về những kỉ niệm của hai mẹ con. Điều đó thật dịu dàng làm sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét