SINH LY TỬ BIỆT CỦA KIẾP NGƯỜI



Em vẫn đứng bên bờ sông trần thế, 
Nét buồn vương khuất lấp thệ nguyền xưa. 
Đôi mắt nào giữa chiều phai lóng lánh, 
Lúc an bình em nhận được Ta chưa ? 

Những biển dâu trong cuộc đời vay mượn, 
Em quay lưng nên chẳng thấy thiên đường. 
Ta vẫn đó ngàn năm còn độ lượng, 
Đợi chờ em vào khung cửa Tâm Vương.


 Nếu thời gian cứ vô tình qua nhanh theo những tất bật của thế nhân, không có những vàng son thành hư ảo, tôi vẫn là kẻ chỉ để lại những dấu chân phai nhạt trước cổng chùa cho nhiều lần ngang dọc. Một ngày rồi cũng đến ! Cái ngày tôi thấm thía được thế nào là cảnh sinh ly, tử biệt của kiếp người. Đứa con tuyệt vọng đứng nhìn cha mình đợi chết, khi Hội Đồng Bác Sĩ bó tay trong bệnh viện. Có cái gì đó đổ ập xuống người tôi tới tận cùng đáy huyệt. Tôi không thể ngoi lên để hấp thụ chút dưỡng khí của thế giới bên ngoài đang ngát xanh mời gọi. Giữa lúc hụt hẫng trong niềm đau tuyệt đối đó, tôi chợt hiểu tại sao Đức Thích Ca vì chúng sanh, đã thị hiện làm thân người trong cõi Ta bà này Tôi trở về, buồn cũng hóa hư không Linh hiển cũ đã tàn theo huyễn mộng Cổng kịp mở cho trời xưa lồng lộng Sầu trăm năm làm sổng đóa hoa Đàm. Giờ đây, những buổi chiều thu chớm lạnh, gió hào phóng làm rung rinh các cành hoa giấy tím trước sân chùa, gió nghịch ngợm lùa vào hai vạt áo lam của các cô Phật tử chấp chới tung bay, mùi trầm của khói nhang quyện nồng hơi thở, có cái gì đó thật thân quen từ ngàn xưa sống dậy. Lần đầu tiên tôi xúc động thật mãnh liệt khi nhìn những chiếc áo nâu sòng của Thầy và các Ni. Cái cảm giác gặp lại tri kỷ sau thời gian thất lạc. Tôi biết mình đã tìm lại được chính mình sau bao nhiêu năm trăn trở. Như con chim trốn tuyết tìm nơi dung thân cho mùa đông băng giá, tôi xin ở lại đây như chưa lần nào bỏ đi và chưa một lần ngày nào tìm đến, nơi nội tâm hé mở đời sống vĩnh hằng khi tha nhân và tôi chỉ là một. Lúc còn sống, cha tôi có ý muốn là sau khi mất, tro cốt sẽ được rãi xuống biển để tất cả đều trở lại hư không. Vì vậy, Thầy Thiện Tâm mướn tàu cho chúng tôi, ba gia đình, cùng làm tròn ước nguyện của người đã khuất. Sáng hôm ấy, những cánh mây ẩn núp nơi nào cho trời trong xanh màu ngọc thạch. Thầy Thiện Tâm và chúng tôi, trên một chiếc tàu vừa đủ cưu mang vài chục người tiến thẳng ra khơi. Mặt biển êm và phập phồng như hơi thở. Trước cảnh mênh mông không giới hạn giữa trời và đất, tôi cảm được tất cả nỗi cô đơn bé nhỏ của kiếp người, chỉ có cái Tâm không vướng mắc vô minh là bao trùm luôn vũ trụ. Tổ Đạt Ma đã dạy : 
“ Nếu thấy bờ bên kia chẳng khác hơn bờ bên đây, cái Tâm của người ấy đã đạt tới cái định vô thiền.” Thiện , ác chỉ là hai mặt của đồng tiền. Không động thì vốn không có hai tướng. Trái tim của Chứng Đạo Ca là ở chỗ đó: 

Sừng sững chẳng tạo lành 
Trơ trơ chẳng tạo dữ 
Lặng lặng dứt kiến văn 
Bát ngát tâm vô trước. 
( Chứng Đạo Ca ) 

Trong tiếng gió bên tai đủ để làm xôn xao mặt biển và tiếng sóng rì rào ngàn năm vẫn vậy, tiếng ngân nga tụng kinh của Thầy và Phật tử, vang lên giữa không gian vượt cảnh hồng trần. Tôi cảm được ba tôi hiện diện quanh đây. Ở cõi tinh thần, sự rung động của các nguyên tử thanh và nhẹ nên họ có thể thấy được nhiều hơn người còn sống. Sau hồi Kinh tụng, Thầy mở nắp những hộp tro và trao cho từng gia chủ. Tôi để lòng mình hòa cùng ánh sáng thủy tinh của bầu trời trong suốt và thênh thang cùng không gian vô tận, tôi trút xuống biển phần thân xác thân yêu cuối cùng của cha mình. Ba ơi, ba đã trãi qua kinh nghiệm làm người của kiếp phù sinh này. Hành trình ba đi còn dài thăm thẳm. Con cũng như ba, chúng ta đang tiếp tục học hỏi , cùng nhau tiến về trạng thái toàn thiện, một trạng thái thương yêu bao la không bờ bến, để chúng ta cùng hòa hợp vào cái nguồn sống thiêng liêng bất tận. Đó là bổn tâm rõ muôn vật mà vẫn như như chẳng động, như ba vẫn thường nói với con điều ấy. Hai cha con ta chưa hề mất nhau bao giờ, con vẫn thấy ba ở mọi nơi con đến. Ba hiện diện trong tiếng mõ câu kinh, Ba tô thắm cho con đóa hoa Tâm rực rỡ, cha con mình mãi còn nhau trên con đường vô trụ. (Tôi chợt nhớ đến “Đường Mây Trên Đất Hoa” , quyển sách nói về Hòa Thượng Hư Vân. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, ngài nói:
 “Khi ta mất, hãy quấn y màu vàng toàn thân, ngày hôm sau nhập quan, để nơi phía tây trong am tranh này, rồi bỏ vào lò thiêu. Đốt xong, lấy tro của ta tán nhuyễn thành bột, hòa cùng đường, muối, dầu, nắn thành chín cục, rồi quăng xuống sông, để kết duyên với loài thủy tộc”. 

Sau đó, ngài nói kệ: 

Đỉa cấp mạng cho tôm mà không nhảy xuống nước 
Ta an ủi nước, phóng thân xuống sông 
Nguyện cho ai thọ sự cúng dường 
Đồng đăng bồ đề, độ chúng sanh….. 

Khi hỏa táng, một làn khói trắng bay thẳng lên trời, mùi hương lạ bay khắp núi. Chúng thu được hơn 100 hạt xá lợi màu năm sắc….. ) Trước phút ra đi, điều quan trọng ngài bảo đệ tử là phải luôn luôn giữ Giới. Đang lúc để hồn trôi ngược 50 năm về trước, tưởng niệm vị Hòa Thượng xưa, Diệu Liên, cô bạn Đời và Đạo của tôi ( danh từ tụi tôi thường gọi nhau ) kề tai tôi nói nhỏ:

 --“P. biết không, đây là loại tàu đánh cá. Mình mướn họ ngày hôm nay, tức là mình làm cho họ không sát sanh một ngày. Họ đỡ tội một ngày.” 

Tôi cảm động vô cùng về ý nghĩ của bạn. Cô ta hay tế nhị trong những trường hợp vô tâm của tôi . Sau khi tro cốt được cho vào lòng biển , những cánh hoa muôn sắc bềnh bồng cũng được thả trôi trên dòng nước. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp thoát tục tuyệt vời của bầu trời thiên thanh cùng lòng biển dạt dào con sóng, lại xuất hiện các đóa hoa vô thường thanh khiết. Hơn lúc nào hết, tôi hiểu rõ lời nói của một họa sĩ lớn, thiên nhiên là bậc thầy vĩ đại nhất của hội họa. Tôi liên tưởng đến tác phẩm: “Journey in Search of the Way” của Satomi Myodo, Nguyên Phong dịch ra lấy tựa là “ Hoa Trôi Trên Sóng Nước ” 

Đạt Ma tây lai truyền hà pháp 
Lô hoa diệp hải thủy phù phù 
( Tông Diễn thiền sư ) 

Tạm dịch: 

Đạt Ma truyền pháp ra sao ? 
Nhấp nhô trên biển một cành hoa trôi 

Sách tường thuật về cuộc đời của Ni sư Satomi Myodo sinh năm 1896, mất năm 1978. Trải qua 40 năm khó khăn tìm Đạo, cho đến khi gặp sự chỉ dẫn của thiền sư Yasutani ( Bạch vân lão sư ), bà mới biết khả năng giải thoát mọi sự đau khổ vốn có sẵn trong mình , bà đã kiến tánh và trở nên một trong những Ni sư lỗi lạc nhất của thiền tông Nhật Bản. 

Viên Hướng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét