Ngủ với phù vân

Mây bay trắng thơ Đường, Tống, Mây lãng đãng phiêu bồng trong bầu trời thơ Việt. Mây là không gian mà cũng là thời gian, là sắc nhưng lại là không …
Đọc thơ Nguyễn Khuyến, cùng về chơi núi Đọi với ông, khó mà quên được với khói mây :
Chùa xưa vẫn ở củng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ây
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây


Những vẩn thơ ấy, Yên Đổ làm bằng cả hai thứ chữ: Hán và Nôm:

Cổ tự tứ lân duy mộc thạch
Hàn tăng thất tháp cộng vân yên
Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền

Dịch sát nghĩa sẽ là:

Chùa có bốn bên chỉ toàn đá và cây
Sư nghèo một giường ở cùng mây với khói
Bóng trúc dầy mấy tầng tưởng chừng không lối đi
Bãi dâu có người khách đương đứng đợi thuyền.


Bài thơ rất bình dị đơn sơ đậm nét kiểu Yên Đổ, cứ như tả cảnh mà chơi.
Thì chơi, đúng vậy! Mở đầu bài hát cú “Nhớ Núi Đọi”, ông vẫn xếp mình vào “làng chơi” và ông đang “hồi ức tiền du” ( nhớ cuộc chơi trước ) .
Làng chơi, cuộc chơi – đó là cách nà thơ nhìn cuộc đởi phù vân, trong bầu trời bao la, mây nhẹ nhàng chơi trò biến ảo. Nếu tâm linh ta cũng thế, nhẹ nhàng chơi! như Nguyễn Trãi:

Nhãn trung phù thế tổng phù vân
(Trong con mắt này, cuộc đời trôi đều là mây trôi!)

Cuộc đời khác nào mây trôi. Khốn cho ai mê mãi khư khư ôm giữ mây trôi.
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá. Chữ “ở lẫn” là thân tình! Cây đá là đền chùa .Có đền chùa của con người bởi vì đã có đền chùa của thiên nhiên. Sức mạnh tâm linh có thể trong chùa cũng như ở trong cây đá.
Chùa là biểu tượng của đạo pháp thì cây đá cũng thế .Đạo pháp của thiên nhiên hiện ra ở hình dáng cây đá.

Vì thế mà Nguyễn Trãi nói:

Tùng hoa lạc địa kim đàn tĩnh
Bích hưởng xuyên vân đạo viện thâm.
(Hoa tùng rơi đầy m nền đất thờ tĩnh mịch
Tiếng ngọc đá dội qua mây, nhà đạo thâm trầm)


Đạo pháp của thiên nhiên hiển lộ qua cây đá và cả khói mây.
Hình ảnh nhà sư nằm trong mây khói của Nguyễn Khuyến vừa tự nhiên, nhi nhiên vừa hầu như siêu thực: sư cụ nằm chung với khói mây.
Gần với câu thơ của Nguyễn Du:

Tiên triều Tăng lão bạch vân trung
(Nhà sư triều trước sống đến già trong mây trắng)

Sống với mây, sống trong mây, sống như mây. Ấy là vô tâm như mây.
Là làm bạn với mây nhàn, theo cách nói của Nguyễn Tung Ngạn:

Tử Tiêu phong đỉnh bạn vân nhàn.
(Trên chóp ngọn Tử Tiêu, làm bạn với mây nhàn)

Mây trôi nổi (phù vân) hay mây đứng dừng (đình vân) đều có phong cách thiền, điều mà Nguyễn Du diễn đạt thật tuyệt “

Đình văn xứ xứ tăng miên định
Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai
(Mây dừng xứ xứ, sư yên giấc
Bóng xế non non, vượn hú hoài)

Vậy thì, hình ảnh “Sư cụ nằm chung với khói mây” của Nguyễn Khuyến tuy không mới nhưng nổi bật ở tính chất vô sai biệt : cây đá, sư cụ, khói mây, ngôi chùa như hòa lẫn vào nhau không thể chia biệt.
Dường như Yên Đổ đang thổi hồn vào bức tranh thanh thoát của mình, linh hồn của “sự sự vô ngại”, khiến cho thế giới Hoa Nghiêm huyền diệu thu nhỏ vào một cảnh chùa.
Cảnh chùa thuần phác của Yên Đổ là quốc lộ an nhiên của một đời sống bình thường.
Đó là một đời sống xanh bóng trúc của làng quê.

Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy ?
Bóng trúc dầy đến nỗi không thấy lối đâu, ngõ đâu.

Nhưng con đường đời (dặm thế) không phải là một ngõ cụt, không phải là những lối cùng, kiệt tối.
Dưới bóng trúc tầng tầng lớp lớp ấy vẫn là đời sống, là thôn làng, là đường đi.
Bóng trúc vừa đơn sơ vừa bí ẩn. Cuộc đời cũng thế, cực kỳ bí ẩn đồng thời cực kỳ đơn sơ.

Thơ Ngô Thì Sĩ có câu :

Phỏng tăng tịch mịch tri hà xứ
Mãn viện đào hoa tiếu bất ngôn.
(Hỏi thăm sư vắng chùa u tịch
Khắp viện đào hoa chẳng thốt lời)


Bóng trúc và hoa đào không che giấu điều gì, nhưng cũng không ba hoa điều gì.
Nhà sư ngủ trong mây khói hay nhà sư đi vắng thì có gì khác biệt ?
Dưới bóng trúc hay dưới bóng hoa đào đều là những lối đi.
Trúc và đào đều im lặng.
Chỉ cần muốn đi là có bờ bên kia .Có khách là có thuyền. Thuyền ai khách đợi bến dâu đây.
Trong bãi dâu, có người khách đang đợi thuyền. Trong cái bến đời dâu biển, bao giờ cũng có người đợi.

Người đợi cần đến bờ kia.
Nhưng bờ là bờ, làm gì có bên này bên kia ?


Khi phù vân lướt đi trên bầu trời, nó đến bờ bên nào ? Vì mây chơi với hư không, ngủ với hư không.

Mây vừa là mây, vừa là hư không
Chính vì thế mà một hôm vừa tỉnh giấc, tôi chợt cảm thấy :
Con sâu ngủ với sa mù,
Giọt sương có ngủ với phù vân không ?


NHẬT CHIÊU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét