Xuất gia gieo duyên

...Gieo duyên xuất gia để thấy rằng Đạo Phật không phải một tôn giáo, tất cả những lời Phật dạy không tách khỏi cuộc đời. Một mái chùa, một tiếng chuông thanh tịnh, hay những người khoác trên mình tấm y, những điều đó không hề nằm ở một thế giới khác, cũng chẳng nằm ở bên ngoài như mình vẫn nghĩ. Chùa, hay một người Thầy nguyên có mặt trong bên trong mỗi người, đó là sự thể hiện của sự thanh tịnh, của trí tuệ và từ bi có vốn có sẵn trong tâm.
Gieo duyên không kể ngày tháng, mùa nào cũng là mùa gieo duyên, từng giây từng phút suy nghĩ đúng, hành nghiệp đúng thì đó là việc thiện cao thượng hơn cả. Một người đạo đức không được đánh giá bằng nơi sinh ra, cha mẹ là ai, có bao nhiêu tài sản, một người đạo đức thực sự là người ý thức được những phẩm tính ba la mật đáng quý trong mình và hết lòng tu dưỡng để phát huy những phẩm tính đó...



Thầy kính thương!
Từ xa với tấm lòng thành kính trong sáng và chân thành nhất, con kính chào Thầy, kính chào toàn thể chư Tăng Ni ở chùa.
Thầy ơi, khá lâu rồi con không nói gì, không nói gì ở đây là không viết thư nói chuyện, chia sẻ về cuộc sống của con với Thầy. Nhưng đôi khi không có gì để nói lại là điều tốt Thầy nhỉ, nói nhiều may chăng là nhiều vướng mắc quá, nhiều phiền não quá. Con đùa đó. Hì
Con cũng được biết ở chùa đang có khóa Xuất gia gieo duyên, xem những hình ảnh được ghi lại, chao ôi thật là những khoảnh khắc đẹp xuất sắc, lay động sự tỉnh thức nơi mỗi người. Con nói với Sư Tánh Thuận rằng: “Nhìn các Sư ở chùa và hai mươi mấy vị xuất gia gieo duyên đi khất thực dưới phố thành một hàng dài như một dòng sông màu cam lặng lẽ thật đẹp. Chẳng cần làm gì rình rang, những hình ảnh rất đỗi giản dị này thôi đã góp phần làm đẹp một cách tích cực, mạnh mẽ cho nền văn hóa xứ Huế và đời sống tâm linh nhân loại rồi”. Sư mới cười bảo: “hình ảnh thân giáo đó con”.
Câu trả lời của Sư Tánh Thuận không làm con bối rối, xa lạ. Ngược lại trong con vang dội về một chuỗi những hình ảnh thân quen, những cảm xúc rất ấm áp, câu nói đó đã cho quay về thời điểm những ngày còn bé, nhìn những hình ảnh các nhà sư bước đi đã để lại trong con một ấn tượng mạnh mẽ, và ngay cả đến bây giờ, mỗi lần ngắm nhìn hình ảnh đi khất thực ở chùa lúc nào con cũng thấy thích thú như thể ngắm lần đầu, một cảm giác không bao giờ chán.
Thầy ơi, Thầy còn nhớ không, cách đây không lâu trong một lần ngồi nói chuyện chơi con có nói với Thầy rằng: “điều mà con hết sức xúc động khi ở chùa đó là mỗi lần chùa có lễ là thấy được một cách rõ nét tinh thần đoàn kết, tình huynh đệ, một tinh thần hăng say làm việc không mệt mỏi đối với công việc chung của các Sư”.
Quả thực như vậy, từ những việc nhỏ nhặt cần sự khéo léo và tinh tế, cho đến những việc nặng nhọc nhất đều một tay người tu sĩ làm nên. Đối với con, điều được coi là hình ảnh thân giáo không phải chỉ có ở những nghi lễ nghiêm túc, những khi ngồi thiền, ngồi học Kinh luận; hình ảnh thân giáo còn hiện lên đầy màu sắc tươi vui qua những hoạt động thường ngày, trong những nụ cười trong trẻo giòn tan dưới nắng, trong những phút giây nô đùa thật vô tư hồn nhiên.
Người ta tưởng đâu bỏ hết công hết việc không làm gì hết để đi ngồi thiền mới là tu, không phải như thế, sai rồi. Làm việc cũng là thiền, từ những người nấu bếp, người quét lá, người trồng cây, người xếp đá, người cuốc đất, chân lý không nằm ở đâu xa, chân lý ở ngay nơi những người bình thường, “biết mình” trong những việc tưởng như tầm thường mà không tầm thường chút nào. Ai ai cũng làm việc, nhưng thử nhìn xem, ngôi chùa, cây cối, những tảng đá rất nghệ thuật mà tự nhiên như chẳng hề có ai đụng đến. Con đường tu cũng y như thế, thực hành không phải để có kết quả, để tích lũy kinh nghiệm dồn xây bản ngã, thực hành là để buông bỏ, buông bỏ cái tôi ảo tưởng phiêu dạt trong dòng đời “vô thường” mà cứ ảo tưởng là “thường”.
Mặc trên mình bộ y, ôm bình bát rảo bước trong đời mà mỗi bước chân ấy thanh thoát nhẹ nhàng dần dần biến mất, sự hiện hữu nhẹ như mây trời. Mình đang làm phước cho thế gian một cách thầm lặng, nhưng cũng chẳng quên mình đang làm phước cho chính mình, một cái phước vô cùng quý giá đó là cơ hội được cúi người xuống, cúi xuống ngã mạn, cúi xuống kiêu căng trong con người mình. Đó là “xuất ra”.
Chợt quên đi về sự hiện diện của cái đầu trọc, của tấm y mặc trên người, mà chỉ thấy mỗi được một điều sâu sắc khác từ sâu thẳm bên trong, à mình đang trở về đoạn tuyệt những dục tham, cắt đứt những cái kẹt, bỏ rơi những lăng xăng, những tạo tác mà nắm tay bình an vui chơi giữa đời, một nhân cách tĩnh lặng, một vẻ đẹp như những bông hoa rừng, nguyên sơ và tròn vẹn. Đó là “xuất ra”.
Năm xưa Đức Phật đã lên đường đi tìm một trí tuệ cao siêu, để lại cho nhân loại hai từ “xuất gia” một ý nghĩa thật uyên sâu như thế. Xuất gia là gì – là xuất ra tất thảy những tham sân si, những dính mắc của chính mình.
Có một câu nói như thế này: “Trên đời này chỉ có hai loại bi kịch, một là không có được thứ mình muốn, và hai là có được nó”. Một câu nói mà nội dung tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng lại rất sâu sắc Thầy nhỉ. Không có cũng khổ, có rồi còn khổ hơn, thế tóm lại là có hay không có, thật là day dứt? Con nghĩ có hay không có, không quan trọng. Chính yếu nhất là “thấy”, thấy thái độ của mình như thế nào trước những mưu cầu, tham vọng, danh lợi, thấy được sự va chạm của mình trước những tưởng sở hữu ra sao. Thứ mình muốn, thứ mình có, thứ mình cần, bản thân những thứ đó chỉ đóng vai trò là bản thân nó không hơn không kém, để mỗi người từ đó nội soi lại tâm ý mình. Những điều đó vốn không làm mình phiền não, chỉ có chính mình, chính cái tâm mong muốn cái này cái kia mới là nguyên nhân căn bản dẫn đến khổ. Cái thấy đó thôi, biểu hiện cho một nội tâm tĩnh lặng; thấy tức đã “có”, có mà không sở hữu, đó mới là tự do thực sự. Đạo kỳ diệu ở chỗ ấy!
Gieo duyên xuất gia để thấy rằng Đạo Phật không phải một tôn giáo, tất cả những lời Phật dạy không tách khỏi cuộc đời. Một mái chùa, một tiếng chuông thanh tịnh, hay những người khoác trên mình tấm y, những điều đó không hề nằm ở một thế giới khác, cũng chẳng nằm ở bên ngoài như mình vẫn nghĩ. Chùa, hay một người Thầy nguyên có mặt trong bên trong mỗi người, đó là sự thể hiện của sự thanh tịnh, của trí tuệ và từ bi có vốn có sẵn trong tâm.
Gieo duyên không kể ngày tháng, mùa nào cũng là mùa gieo duyên, từng giây từng phút suy nghĩ đúng, hành nghiệp đúng thì đó là việc thiện cao thượng hơn cả. Một người đạo đức không được đánh giá bằng nơi sinh ra, cha mẹ là ai, có bao nhiêu tài sản, một người đạo đức thực sự là người ý thức được những phẩm tính ba la mật đáng quý trong mình và hết lòng tu dưỡng để phát huy những phẩm tính đó. Bởi “chính tự mình làm chỗ nương dựa cho mình chứ người khác làm sao nương dựa được, tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu”. Sự tu tập bằng bước chân trần không mệt mỏi đó chính là đang khoác trên mình màu áo đẹp nhất rồi, màu áo của sương khói, của không là gì cả, Thầy nhỉ!

Con, Như Duyên.

FB Huyền KHông Sơn Thượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét