Tâm và Ta

Nếu ngộ là kiến tánh (thấy tánh), vậy tánh đó là tánh gì? Đó là bổn tánh, tánh của chân tâm.
Kiến tánh cũng có nghĩa là nhận ra bản lai diện mục. Bản lai diện mục (mặt thật xưa nay) của chúng ta đơn giản là cái tâm (hay chân tâm). Nhưng nhận ra được (chân) tâm rồi thì sao? Thành Phật liền chăng?Nhiều người tu thiền lo đi tìm "ngộ" mà quên tu, quên sửa những tập khí chấp ngã, ái dục, phiền não. Họ tưởng một phen "ngộ" rồi thì bản ngã, ái dục, phiền não tự nhiên biến mất, khỏe ru khỏi phải mất công tu hành cho cực.
Ngộ không phải tự nhiên mà có. Phải tu (học) mới ngộ (hiểu). Sau khi ngộ rồi vẫn phải tu (thực hành) tiếp. Đúng theo truyền thống thiền tông thì phải ngộ trước, tức là nhận ra bổn tánh, chân tâm, rồi sau đó tập an trú chân tâm đến khi hoàn toàn ở trong và sống theo chân tâm thì gọi là chứng nhập chân tâm.
Chúng sinh do thói quen lâu đời nhiều kiếp chạy theo ngoại cảnh nên việc nhận ra bổn tánh không phải là dễ. Cho nên nếu chờ phải kiến tánh mới tu thì tới kiếp nào mới kiến tánh? Và nếu chưa kiến tánh thì không tu sao?
Dù ngộ hay không cũng vẫn phải tu. Ngộ chỉ là một chặng đường ngắn trên con đường dài. Điều quan trọng là có đi và tiếp tục đi cho tới đích không? Người kiến tánh rồi phải tu tiếp, gọi là đốn ngộ tiệm tu, cho tới khi nhập chân tâm. Người chưa kiến tánh thì cứ nương theo lời chư tổ dạy về bổn tánh mà tu thì cuối cùng cũng ngộ.
Hòa thượng Thanh Từ có nói lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu. "Người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà Thiền thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng ba, bốn lần còn tiểu ngộ thì vô số". Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật cũng nói "năm ấm ấy vốn trùng điệp sinh khởi; sinh, nhân Thức ấm mà có; diệt, từ Sắc ấm mà trừ; lý thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết".
Pháp tu "biết vọng không theo" (tri vọng) của Hòa thượng Thanh Từ có khác gì pháp lau bụi của ngài Thần Tú? Mỗi vọng tưởng là một hạt bụi. Một vọng tưởng khởi lên bị chánh niệm nhận biết liền tan biến, giống như lau đi một hạt bụi.
Theo Đốn giáo thì tất cả chúng sinh đều đã là Phật rồi, có đầy đủ Phật tánh, đức tướng của Như Lai, nhưng vì bị vô minh, phiền não che lấp lâu đời lâu kiếp nên Phật tánh không hiển lộ. Bây giờ tu là lau chùi, tháo gỡ những lớp bụi vô minh, phiền não đó ra. Đến khi những lớp bụi đó không còn nữa thì Phật tánh hiển lộ. Bài kệ của ngài Thần Tú rất ích lợi và thiết thực cho việc tu tập khi ngài nói tâm như đài gương sáng, nhưng bị bụi bám lâu ngày, cần phải lau bụi thì gương sẽ sáng trở lại. Do đó chúng ta không cần phải "ngộ" để thành Phật mà cần lau bụi vô minh, ái dục, chấp ngã thì sẽ thành Phật. Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng là nói về thể tánh chân không của tâm, thanh tịnh không hề dính bụi. Còn kệ của ngài Thần Tú là nói về sự tướng, tâm động bị dính bụi phải lau chùi. Lý thì Huệ Năng, nhưng sự phải Thần Tú. Lý tuy đốn ngộ, nhưng sự phải tiệm tu.
Phật giáo Tây Tạng dịch chữ Phật (Buddha) là Sangyé, có nghĩa hoàn toàn trong sạch (completely purified). Do đó người muốn thành Phật phải tu tập đủ mọi cách để tẩy trừ bụi vô minh, ái dục, chấp ngã. Tẩy sạch nhiều chừng nào thì thành Phật sớm chừng đó. Tẩy bụi chính là tu tập các phương pháp mà Phật để lại.
Phật là người đã tìm ra con đường và chỉ dạy phương pháp tu hành. Lục tổ đã kiến tánh và nói rõ bổn tánh (chân tâm) ra sao. Chúng ta chỉ cần nương theo đó mà tu tập, diệt trừ dần dần những hậu tánh thì bổn tánh sẽ hiển lộ. Đây là tiệm tu mà đốn ngộ.


Thích Trí Siêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét