Ước muốn

Mọi rắc rối ở đời, khởi đi từ ước muốnƯớc muốn đó có từ sự phân biệt trong trần cảnh, sự phân biệt đó được bắt đầu từ bản chất của pháp hữu vi là lúc thế này lúc thế khác. Mình thích cái này cái kia là vì mình bị cuốn hút trong cái muôn màu của đời sống. Cái muôn màu đó được bắt đầu từ bản chất phù du của đời sống. Nhờ sự vô thường đó mà cuộc đời này thú vị, đa dạng hơn, phong phú hơn. Sở dĩ trong đời này có chuyện này chuyện kia vì chúng ta có thích có ghét. Vì sao có thích có ghét lại nảy sinh ra chuyện? Bởi vì thích là tham mà ghét là ưu. Những điều này có là do mình muốn. Cái muốn đó có từ lòng phân biệt. Cái lòng biện biệt không cần thiết của người phàm phu là cớ sự, là nguồn cơn cho mọi thứ. Có lòng phân biệt là do bản chất đời sống này là vô thường. Do vô thường lúc vầy lúc khác mà mình có lòng chạy theo và thấy nó đa dạng. Thay vì mình thấy nó là rối rắm đa đoan phù du ảo hóa thì cái tập khí sinh tử của mình làm cho mình thấy nó hay. Lẽ ra mình thấy mùa xuân, hạ, thu, đông là sự vô thường của thiên nhiên vũ trụ, nhưng với lòng hưởng thụ của kẻ phàm phu với sự hỗ trợ của tập khí sinh tử, mình lại thấy yêu tuyết trắng của mùa đông, lá vàng của mùa thu, hoa cỏ xanh tươi của mùa xuân. Cõi nhân gian này còn một thú đau thương nữa là thương ai muốn ở gần người đó. Đời sống phải có ước vọng mới có động lực đi tới. Thương nhau phải có xa một chút như chút ớt tiêu cho đời sống, lâu lâu nghe mắt cay cay, cộng chút hít hà mới đậm đà, chứ vừa thương mà đối tượng xuất hiện ngay trước mặt rồi suốt đời gắn bó thì đâu có gì hay. Phải có cảnh anh đầu sông em cuối sông, “Quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vỹ, tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy”, uống chung dòng nước mà không thấy nhau thì mới có Ngưu Lang Chức Nữ, Trương Chi Mỵ Nương. Cái ngu của phàm phu khởi đi từ chỗ là yêu ngay cái nhược (vô thường) của pháp hữu vi. “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” là vậy, thương người ta rồi tự nhiên bao dung, thương cả cái xấu của người ta mới lạ. Không có trí tuệ, không có lòng cầu giải thoát, người ta có thể yêu cái đời sống này ngay chính cái đoạn trường, vô thường, biến dị của nó, thay vì chán thì lại thấy đó là nét duyên của nó. 


Trích Kinh Tranh Luận (Tiểu Bộ Kinh)#Vietheravada, Sư Toại Khanh giảng, Nhị Tường ghi chép)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét