Ở nước ta hiện nay có rất nhiều cuộc thi hoa hậu, các người đẹp Việt Nam liên tục đi thi nhan sắc quốc tế, nhưng ai mới thực sự là hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam.
Năm 1955, dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức tại Sài Gòn. Trước đó, ở Việt Nam chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu, do vậy đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta.
Hoa hậu không thi…áo tắm
Cuộc thi diễn ra ngày 20/2/1955 tại rạp Lido Chợ Lớn, thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Bây giờ, gần như cuộc thi người đẹp nào cũng có phần thi áo tắm và người đẹp thì cao chót vót. Nhưng cuộc thi năm 1955 không có thi áo tắm, có lẽ vì lần đầu tiên Việt Nam thi hoa hậu nên phần khoe “body” của các người đẹp phải lược bỏ cho hợp với phong tục của người Á Đông, và lúc đó nếu thi áo tắm chắc cũng không có mấy người dám thi.
Trở thành hoa hậu giờ đây là mơ ước “ngàn vàng” của nhiều cô gái, vì sau khi trở thành hoa hậu, cuộc đời nhiều người đẹp hầu hết đều bước sang trang mới, rực rỡ, huy hoàng. Nhưng với Hoa hậu Công Thị Nghĩa, sau này khi nhớ lại giờ phút đăng quang, bà tự đặt câu hỏi rằng việc mình trở thanh hoa hậu là hạnh phúc hay là hoạ?
Hoa hậu Việt Minh, hoa hậu nhà báo. Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Công Thị Nghĩa được giới nghiên cứu sử học biết đến nhiều hơn với tên gọi Thu Trang. Thu Trang là bút danh khi Công Thị Nghĩa làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.
Năm 1950, Thu Trang tham gia Việt Minh, làm điệp báo tại nội thành Sài Gòn, từng vào chiến khu. Thu Trang bị thực dân Pháp bắt và khoảng tháng 7/1952, bị giam ở bót Catinat – nay là sở VH,TT&DL TP.HCM – mà bà gọi là “ngục trần gian” với đủ các loại hình tra tấn, sau đó bị chuyển qua khám Lớn Sài Gòn – nay là Thư viện tổng hợp TP. HCM. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, Nguyễn Thị Châu Sa (nay là Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM) trong phiên toà 6/1953.
Thoát khỏi ngục tù, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn. Trong Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 1955 có một vài nhà báo và nhân sĩ. Một lần Thu Trang đến lấy tin, người trong ban tổ chức quen biết Thu Trang nên “xúi” cô thi hoa hậu, không ngờ cô …đoạt vương miện. Phần thưởng mà Thu Trang “tự dưng” được nhận sau khi đăng quang, ngoài một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta. Thiên hạ thời đó gọi đùa Thu Trang là “hoa hậu Lambretta”!
Thời đó, Hoa hậu Thu trang cũng được “trải thảm đỏ”. mời chào tiệc tùng, gặp gỡ giao lưu…rất nhiều. Và ngành phim ảnh thuở ban đầu do người Việt Nam làm đã không thể thiếu diễn viên là Hoa hậu Thu Trang. Từ đầu năm 1956, Hoa hậu Việt Nam đầu tiên bước vào điện ảnh với cá vai diễn trong phim Chúng Tôi Muốn Sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).Hoa hậu chưa chồng nhưng có con! Năm 1957, Hoa hậu – diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem Lục Vân Tiên sang Nhật để lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Chuyến đi chỉ có hai người, mà sau này Thu Trang viết trong hồi ký là “Năm 1957 một năm vinh quang và đau đớn”. Một người đàn ông trẻ và một hoa hậu trẻ gần nhau trong một thời gian dài thì sẽ thế nào?
Hoa hậu Thu Trang viết: “Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị du vào những tình huống mà chỉ tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu?. Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo. Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời đó chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy”.
Bi kịch ở mối quan hệ này là đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ. Và dù dư luận lúc ấy nhìn sự việc như một xì-căng-đan kinh khủng. Thu Trang vẫn quyết định giữ lại giọt máu trong bụng mình.
Hoa hậu Thu Trang sinh con là Tống Ngọc Vân Tiên và tiếp tục sống tại Sài Gòn dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Luật 10/59 được chế độ này ban ra, những người “kháng chiến cũ” bị truy bắt, Thu Trang cũng bị bắt giam hai tháng. Vào năm 1956, có “thư rơi” của các đồng chí cũ mật báo khuyên Thu Trang nên đi khỏi Sài Gòn để được an toàn. Năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Hoa hậu Thu Trang đã tìm cáhc thoát khỏi Sài Gòn mà chế độ Diệm thời đó cho rằng, sự ra đi yên lành của bà đã “để mất một Việt cộng”.
Sang Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học. Năm 1978 bà trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII với đề tài Những hoạt động của phan Châu Trinh tại Pháp. Các nghiên cứu sử học về Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc từ các văn khổ lưu trữ tại Pháp của thu Trang đã được in thành sách và tái bản tại Việt Nam. Sau này, Thu Trang về nước nhiều lần giảng dạy nghành du lịch tại nhiều trường đại học. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ mình là Hoa hậu Thu Trang – Công Thị Nghĩa. Đồng nghiệp, sinh viên phần lớn chỉ biết bà như một vị tiến sĩ ở Pháp. Hoa hậu trong thơ Bùi Giáng
Lâu nay, giới văn nghệ Sài Gòn kể với nhau về giai thoại rằng “thi sĩ điên” Bùi Giáng viết câu thơ: “Còn hai con mắt khóc người một con” là viết về Hoa hậu Thu Trang. Câu thơ này nằm trong bài Mắt buồn của Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc Con mắt còn lại. Bùi Giáng say mê Thu Trang khi hoa hậu đã sinh con trai Tống Ngọc Vân Tiên. “Còn hai con mắt” ở đây là hai mắt của Bùi Giáng và “khóc người một con ” là khóc Hoa hậu Thu Trang có một đứa con. Nhiều người vẫn hiểu câu thơ này với ý là “còn hai con mắt” nhưng chỉ có một mắt khóc còn một mắt thì không. Tất nhiên, trong văn chương hiểu như thế cũng không có gì sai.
Năm 1961, khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dếp. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”.
Dã Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét