CHÂM CỨU


Châm cứu bắt nguồn từ thời đại đồ đá với những cách chữa bệnh đơn giản như: dùng gai, que nhọn, xương thú, đá nhọn để chích một điểm trên da để giảm đau.

Lâu dần qua kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng, người ta xác định được các "điểm" cần tác động khi muốn chữa 1 chứng bệnh, mặt khác cũng hiểu được mối quan hệ giữa các điểm ở ngoài da với các cơ quan tạng phủ bên trong cơ thể như: khí, huyết, kinh, lạc. Hệ thống kinh lạc là cơ sở chủ yếu của Châm cứu.
Quyển sách được coi là xưa nhất về Châm cứu là quyển 'Nội Kinh Linh Khu' viết cách đây gần 3000 năm (770-221 trước Công Nguyên). Trong quyển sách Châm cứu xuất bản ở NewYork năm 1973, Felix Mann cho biết rằng ở viện bảo tàng LonDon có giữ 1 bản vẽ về các đường kinh của con người từ năm 1550 trước Công Nguyên.
Thế kỷ thứ 3, đời nhà Tấn, Hoàng-Phủ-Mật (21-282) dựa theo sách 'Nội Kinh' và 'Minh Đường Khổng Huyệt Châm Cứu Trị Yếu' soạn ra quyển 'Châm Cứu Giáp Ất Kinh', xác định được 349 huyệt.
Đời nhà Đường, thế kỷ thứ 7, đã tổ chức 'Thái Y Thư' để dậy Châm cứu (đây có lẽ là trường dậy đầu tiên về châm cứu), trong đó có 1 thày dậy châm cứu, 1 trợ giáo, 10 thầy thuốc, 20 châm y và 20 châm sinh.
Thế kỷ 11, đời nhà Tống, Vương-Duy-Nhất soạn ra 'Đồng Nhân Du Huyệt Châm Cứu Đồ Kinh, xác định lại tên 364 huyệt, chủ trị và cách châm.
Đồng thời ông cho đúc 2 pho tượng đồng cao to bằng người thật, trên đó khắc huyệt và ghi tên huyệt để dậy.
Thế kỷ 16, đời nhà Minh, Dương Kế Châu soạn quyển 'Châm Cứu Đại Thành', gồm 10 quyển, dựa theo quyển 'Huyền Cơ Bí Yếu' và tổng hợp kinh nghiệm riêng cũng như thu thập hầu hết các tinh hoa của các cuốn sách trước đó, vì vậy, quyển 'Châm Cứu Đại Thành có giá trị rất cao và được coi là nền tảng của châm cứu cổ điển.
Sau quyển Châm Cứu Đại Thành, có khá nhiều sách viết về Châm cứu nhưng nội dung không có gì mới lạ hơn sách Châm Cứu Đại Thành...
Đến năm 1974, quyển sách 'Châm Cứu Học' của Thượng Hải ra đời, giới thiệu châm cứu rõ hơn, nhất là về phương diện giải phẫu, thần kinh, đồng thời sách này cũng giới thiệu hầu như toàn bộ các loại châm mới như: Châm Tê, Diện Châm, Điện Châm, Đầu Châm, Nhĩ Châm, Thủ Châm, Túc Châm, Xích Y Châm... được coi là quyển sách giáo khoa tương đối đầy đủ nhất về châm cứu.
Tại châu Âu, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, phương Tây đã biết đến Châm cứu, tuy nhiên, châm cứu học không thể phát triển được ở Âu Châu.
Phải chờ đến những năm 1940 trở đi, khi châm cứu được áp dụng thành công trong việc gây tê giải phẫu, và sau đó năm 1957, khi Paul Nogier công bố những công trình nghiên cứu khoa học của ông về Nhĩ Châm, lúc đó, thế giới mới bắt đầu quan tâm tìm kiếm, nghiên cứu và học hỏi về châm cứu 1 cách sâu xa... Nhờ tiến bộ về khoa học thực nghiệm, Âu Châu đã có những công trình nghiên cứu hết sức lớn lao, đóng góp cho ngành châm cứu giải quyết được rất nhiều vấn đề từ cơ bản đến thực nghiệm lâm sàng, đặc biệt những công trình khảo cứu sâu về cơ chế hệ thần kinh, cơ chế của châm giảm đau, châm gây tê...
Việt Nam biết châm cứu từ rất sớm.
Thời vua Hùng (287-207 trước công nguyên), trong 'Lĩnh Nam Trích Quái' có ghi tên thầy châm cứu giỏi là An-Kỳ-Sinh, người làng Đông Triều, vào thế kỷ thứ 2, đã dùng châm cứu trị cho 1 người tên là Thôi-Văn-Tứ ở Cao Lễ, Chí Linh.
Đời Thục An Dương Vương(257-207 trước công nguyên), sách sử ghi: Thôi-Vĩ, con của Thôi-Lạng được Ma Cô Tiên cho tấm lá ngải, chuyên dùng để trị các bệnh có thịt thừa (nhục anh). Thôi Vĩ đã dùng tấm ngải này chữa khỏi cho đạo sĩ Ưng-Huyền, Nhâm-Ngao. Vì thế, có lẽ Thôi-Vĩ là người đầu tiên biết dùng phép cứu để trị bệnh.
Đời nhà Trần, dưới triều vua Trần Dụ Tông, Trâu-Canh dùng châm cứu cứu sống thái tử Hạo (con vua Trần Minh Tông) khỏi chết đuối, sau đó, khi thái tử Hạo lên ngôi (tức vua Trần Dụ Tông) lại cho mời Trâu-Canh làm ngự y và chữa cho nhà vua khỏi bệnh liệt dương.
Đời nhà Hồ (1401-1407), Nguyễn-Đại-Năng viết quyển 'Châm Cứu Tiệp Hiệu Diễn Ca', đây là quyển sách châm cứu đầu tiên biên soạn 1 cách công phu, được nhà xuất bản Y Học dịch và in năm 1981.
Thế kỷ 15, Nguyễn-Trực trong 'Bảo Anh Lương Phương' có đề cập đến phép cứu huyệt để trị bệnh cho trẻ nhỏ.
Thế kỷ 17, Lý-Công-Tuân viết 'Châm Cứu Thủ Huyệt Đồ'và 'Châm Cứu Tiệp Hiệp Pháp' bằng tiếng Nôm.
Thế kỷ 18, Lê-Hữu-Trác, trong 'Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh' có nêu lên 1 số cách châm cứu trị bệnh cho trẻ nhỏ.
Vào thời kỳ Pháp thuộc, vì bị cấm đoán không được công khai hành nghề, do đó, môn châm cứu đã không được phát triển rộng rãi, mãi đến khi đất nước giành được độc lập, môn châm cứu mới được quan tâm, thừa kế và phát triển.
Hiện nay nước ta có 3 trung tâm nghiên cứu và thực hành châm cứu lớn đó là:
+ Viện y học dân tộc Hà Nội (thành lập 1957).
+ Viện y dược học dân tộc học TP.HCM (thành lập 1976)
+ Viện châm cứu Việt Nam (thành lập 1982).
Hội Châm Cứu Việt Nam được thành lậpTháng 10 năm 1968.
Châm cứu Việt Nam đã có tiếng vang trên toàn thế giới. Nhiều nhà châm cứu giỏi Việt Nam đã có những đóng góp lớn đối với châm cứu thế giới. Nhiều chuyên gia châm cứu Việt Nam được mời sang các nước Châu Âu, Châu Phi để chữa bệnh và đào tạo cán bộ châm cứu cho các nước.
Châm cứu sử dụng đơn giản, dễ ứng dụng, giải quyết được nhiều chứng bệnh thông thường, tham gia phục hồi chức năng như: bại liệt, câm điếc, teo cơ, cứng khớp ...
Ngoài ra còn điều trị 1 số bệnh xã hội: nghiện ma túy, thuốc lá ... Góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của toàn ngành.

Bác sĩ có bao giờ khuyên bạn điều trị bằng phương pháp châm cứu? Có lẽ là không vì nhiều người không nhận thức được việc châm cứu có hiệu quả hơn khi dùng thuốc.

6 Lợi ích tuyệt vời từ châm cứu

Tạp chí Archives of Internal Medicine đã tổng hợp các nghiên cứu và tìm ra 6 lợi ích tuyệt vời từ việc châm cứu đối với sức khỏe.

Đối tượng tham gia nghiên cứu gồm 18.000 người và kết quả cho thấy châm cứu là một phương pháp điều trị rất tốt cho những người có bệnh mãn tính, bệnh đau khớp.

1. Châm cứu giúp giảm đau lưng

Sử dụng liệu pháp châm cứu làm giảm chứng đau lưng kinh niên. Phương pháp này đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu khoa học. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Archives of Internal Medicine vào tháng 5 vừa qua cho thấy những người được cho "mô phỏng" châm cứu (bấm huyệt vào một điểm đau nhất định nhưng không được sử dụng kim tiêm). Kết quả cho thấy những người tham gia phương pháp đó sức khỏe cải thiện hơn 15% so với những người đang dùng thuốc và được chỉnh hình theo tiêu chuẩn.




2. Tăng hiệu quả của dược phẩm

Một nghiên cứu từ Trung Quốc, được công bố vào hồi tháng 8 trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung thấy rằng: "Một liều lượng thấp của fluoxetine (Prozac) kết hợp với châm cứu trị liệu có hiệu quả giảm lo lắng ở bệnh nhân đang được điều trị trầm cảm như một liều thuốc.

3. Làm giảm chứng ợ nóng và đầy hơi

Tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học Brazil khẳng định châm cứu trị liệu làm giảm bớt chứng ợ nóng và khó tiêu ở phụ nữ mang thai.

Họ đã nghiên cứu trên hai nhóm trong đó một nhóm phụ nữ mang thai được kết hợp giữa châm cứu và các loại thuốc và một nhóm khác được tư vấn để thay đổi chế độ ăn uống và được cấp thuốc men nếu thấy cần thiết. Kết quả cho thấy 75% phụ nữ trong nhóm sử dụng biện pháp châm cứu đã giảm đáng kể cường độ ợ nóng và nồng đồ axit trong dạ dày, trong khi ở nhóm điều trị bằng thuốc cộng với chế độ ăn, con số chỉ là 44%.

4. Chống lại những ảnh hưởng của xạ trị


Theo nghiên cứu của các nhà khoc học Hoa Kỳ vừa được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy bệnh nhân ung thư phải xạ trị thường phải chịu một loạt các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt. Tuy nhiên, nhờ biện pháp châm cứu, chứng buồn nôn ít hơn, ít bị khô miệng hơn.

Mặc dù, châm cứu không thực sự giảm hẳn các tác dụng phụ của xạ trị nhưng phần nào giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

5. Giảm chứng đau đầu dai dẳng

Căn cứ vào kết quả đánh giá trên 22 nghiên cứu liên quan đến châm cứu trị liệu, đau nửa đầu, nhức đầu căng thẳng cho thấy những người thường xuyên dùng phương pháp châm cứu trị liệu có hiệu quả trong việc phòng ngừa chứng đau đầu.



6. Giảm béo phì?

Các nhà khoa học Hàn Quốc đã phân tích 31 nghiên cứu trên 3.013 bệnh nhân cho thấy điều trị bằng phương pháp châm cứu giúp giảm trọng lượng cơ thể hơn với việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và dùng thuốc.

Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn lưu ý rằng, những người sẵn sàng để thử phương pháp này vẫn nên tập thể dục hàng ngày và cần có một chế độ ăn uống hợp lý.

AloBacsi.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét