-- những ý niệm, hình ảnh đó hiện đang được bạn quan tâm tới. Chúng đã được tạo nên qua những mối liên hệ, hoặc qua những sự sợ hãi, hay là qua những nỗi niềm hy vọng của bạn.
Tình dục hoặc những khoái cảm mà bạn có với vợ bạn, chồng bạn, cùng với những sự giận dữ, sự tâng bốc, sự êm đềm thoải mái và tất cả những điều mà đời sống gia đình của bạn mang tới cho bạn, đã tạo nên ý niệm, hình ảnh trong tâm bạn về người vợ hoặc người chồng của bạn. Tương tự như thế, vợ bạn hoặc chồng bạn cũng có ý niệm, có hình ảnh về bạn. Thành ra mối liên hệ giữa bạn và người hôn phối, giữa bạn và nhà chính trị, tóm lại chỉ là mối liên hệ giữa hai ý niệm, hai hình ảnh này. Đúng không? Đó là sự thật hiển nhiên.
Làm sao mà hai cái hình ảnh vốn là kết quả của tư tưởng, của khoái lạc, vân vân, lại nẩy ra được cảm tình hoặc tình yêu?
Như vậy thì mối liên hệ giữa hai cá nhân, dù là rất gắn bó hoặc là rất lạnh nhạt, cũng chỉ là những mối liên hệ của những hình ảnh, những biểu tượng và những kỷ niệm từ ký ức.
Trong tình trạng đó, làm sao mà có được tình yêu chân thật?
Phải có đức tính nhẫn nại và mẫn cảm để thâm hiểu mối tương quan thân hữu mà không làm sứt mẻ, ngược lại, nó sẽ khiến cho sự liên hệ thêm thiết yếu và quan trọng. Được như vậy thì mới có thể nẩy ra tình cảm chân thực, nồng ấm, một cảm giác gần gũi, chứ không phải chỉ là chút gợi cảm sơ sài hời hợt. Và nếu như bạn có được sự gần gũi chân tình đến mức có thể gắn bó với nhau trong tất cả mọi sự thì hết thẩy những vấn đề rắc rối của chúng ta sẽ được hóa giải một cách dễ dàng -- những vấn đề về của cải, những vấn đề về tài sản, vật sở hữu.
Bởi vì chúng ta muốn nắm giữ những cái mà chúng ta sở hữu đó. Người sở hữu tiền thì muốn nắm giữ tiền. Người gắn bó với tài sản thì đồng hóa bản thân với tài sản, hoặc với căn nhà, hoặc với đồ đạc bàn ghế.
Khi mà thói nắm giữ vật sở hữu đã xuất hiện thì sẽ không có mối liên hệ thân tình.
Nhưng phần lớn chúng ta có tật cứ phải có cái gì để mà nắm giữ, để mà sở hữu, vì chúng ta chẳng có cái gì khác, nếu không sở hữu những cái đó. Chúng ta là những cái vỏ rỗng tuếch nếu chúng ta không sở hữu, nếu chúng ta không làm đầy cuộc đời bằng đồ đạc bàn ghế giường tủ, bằng âm nhạc, bằng kiến thức, bằng cái này, cái nọ. Thế rồi cái vỏ đó khua rùm beng lên, thế rồi những rùm beng đó được chúng ta gọi là cuộc đời; và chúng ta tự thỏa mãn với nếp sống đó.
Cho đến khi có chuyện bất thường xẩy ra, làm cho đời sống đang êm ru bỗng nhiên sụp đổ, thế là chúng ta đau khổ vì chúng ta chợt nhận ra con người thật của chúng ta -- chỉ là cái vỏ trống rỗng, chẳng có ý nghĩa gì nhiều.
Cho nên, phải nhận thức được rõ ràng là toàn thể nội dung của mối dây liên hệ thân thuộc phải được xây dựng bằng hành động, bằng những việc mà người ta thực sự làm cho nhau. Rồi thì từ những công việc thực tế đó mới có triển vọng nẩy ra được sợi dây liên hệ tình cảm chân thật, sẽ có khả năng phát hiện được chiều sâu thăm thẳm và ý nghĩa cao cả của nó, đồng thời cũng biết được thế nào là tình yêu.
Krishnamurti -- The Book of Life
Danny Việt dịch
Krishnamurti:
Với tất cả những kinh nghiệm, với tất cả kiến thức, với tất cả nền văn minh mà quí vị đã có, đã đào tạo nên con người của quí vị, vậy tại sao quí vị lại không có tấm lòng thương xót, trắc ẩn, trong đời sống hằng ngày của quí vị. Để tìm hiểu coi tại sao quí vị lại không có cái tấm lòng thương xót đó, tại sao nó không tồn tại trong trái tim và tâm hồn của con người, có lẽ quí vị cũng nên hỏi:" Mình có yêu ai không?"
Hỏi:
Thưa ông, tôi muốn biết thực ra thế nào là yêu.
Krishnamurti:
Thưa ông, xin cho tôi trân trọng hỏi ông rằng ông có hề yêu ai không? Có thể là ông yêu con chó của ông, nhưng con chó là nô lệ của ông. Để riêng súc vật, nhà cửa, sách báo, thơ văn, tình yêu quê hương v. v... ra một bên, ông có yêu người nào không? Có nghĩa là khi yêu người nào đó, ông không đòi hỏi một sự đáp ứng, không đòi hỏi bất cứ cái gì từ người mà ông yêu, ông không phải là kẻ lệ thuộc vào người đó. Bởi vì, nếu ông là kẻ lệ thuộc, ông sẽ sợ hãi, ghen tuông, bồn chồn khắc khoải, ghét bỏ, giận dữ. Nếu ông bị dính mắc vào người nào, đó có phải là tình yêu không? Ông thử tìm hiểu coi! Và nếu tất cả những điều kể trên không phải là yêu �tôi chỉ hỏi thôi, tôi không nói rằng đó là yêu hoặc không phải là yêu�như thế thì làm sao mà ông có được lòng thương xót, trắc ẩn. Chúng ta đòi hỏi một điều còn to lớn hơn cả tình yêu, trong khi ngay cả đến cái tình yêu bình thường dành cho con người, chúng ta cũng còn không có!
Hỏi:
Làm sao ông có thể tìm ra được cái tình yêu đó?
Krishnamurti:
Tôi không muốn đi tìm cái tình yêu đó. Tất cả những điều tôi muốn làm chỉ là liệng bỏ tất cả những cái gì không phải là yêu, giải thoát khỏi sự ghen tuông, ràng buộc.
(Trích On Love and Loneliness)