THIỀN CHỒNG THIỀN VỢ




Thiền trang

Lòng anh, zendo
Tình anh, vũ trụ
Hơi anh, tọa cụ 

Đời anh, chuông đồng



Yêu em, anh thở
Thương em, anh trầm                                                                 
Cột sống thật thẳng
Gội đời em trong

Từ “Thiền bại”

Bài thơ trên là một giấc mơ đẹp tôi ghi lại trong lúc nghiệm thiền. Nhưng trong cuộc sống, những giấc mơ đẹp không phải bao giờ cũng khả thi.
Tôi may mắn, có một người bạn đường có tinh thần hợp tác và hỗ trợ vợ rất cao, nên đời sống hôn nhân dị chủng của chúng tôi cũng được phong phú nhờ những trao đổi và kết hợp văn hóa từ ba châu lục: Á, Âu, và Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều ‘thất bại’ trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam và Á Đông đến với chồng. Rủ anh ăn trứng lộn, thì anh nói, “Dạ thôi, cám ơn Cưng.” Đến khi ăn tối ở nhà một người bạn, ‘được’ thách, thì anh ăn thử, rồi từ đó về sau thỉnh thoảng cũng thưởng thức với gia đình. Bày cho anh học tiếng Việt, thì anh đòi nhảy lớp, nghĩa là... không chịu học vỡ lòng, đòi học nói văn hoa để ‘làm người lớn,’ mấy năm sau mới chịu tâm phục khẩu phục ‘trở lại làm con nít,’ học đánh vần, ghép dấu. Mít và sầu riêng, thì tuy anh thích, nhưng lại bị dị ứng, không ăn được nhiều, nên tôi cũng mất hứng vì không có người cùng nhâm nhi tận hưởng với mình. Khi chưa cưới, anh được các cháu trong nhà gọi là “Cậu,” sau khi cưới, được gọi là“Dượng,” anh phản đối: “Sao hồi trước được làm máu mủ, bây giờ là... người ngoài?” Giải thích mấy, thì anh cũng nghĩ, Cậu nghe vẫn thân mật hơn Dượng!
Và cái ‘thất bại’ lớn nhất có lẽ là kế hoạch đưa anh đi học Thiền, mà tôi gọi tắt là “Thiền bại.” Chồng tôi vốn tính mơ mộng, không để ý những chuyện ‘ở dưới đất,’ đầu óc luôn miên man ở cõi nào. Anh hay quên trước quên sau, làm tôi nhiều khi cũng mệt đầu nhớ phần của anh. Thấy anh lãng đãng quá, tôi rủ anh đi học thiền để định tâm.
Thiền đường nhỏ nhắn, do một nữ Lạt Ma sáng lập và coi sóc. Trong một lần trao đổi với Sư Nữ, tôi được biết bà cũng học cùng trường Stanford với chúng tôi, và lại cùng ngành với tôi, nhưng từ hồi thập niên 1960, khi chúng tôi chưa ra đời. Có lẽ bà với chúng tôi có những cái duyên từ trước, nên lại được gặp nhau. Một tuần hai lần, khi chồng tôi vừa đi làm về, là hai đứa vội vàng nắm tay nhau chạy đến thiền đường. Khi có lớp, anh cố về sớm hơn thường lệ, nhưng vì anh phải đi xe điện ngầm từ sở về nhà, nên chúng tôi thường phải chạy nhanh, sợ bị trễ. Những tối nào đi học thiền, thì chúng tôi lại ăn cơm khuya vì một buổi học và tập thiền thường kéo dài hai tiếng đồng hồ.
Chồng tôi đi học thiền mà tâm trí để ở chỗ... vợ. Anh cứ ngồi ngó tôi, cười tủm tỉm, thả những nụ hôn gió sang. Sau giờ thiền hành là giờ nói chuyện của Sư Nữ. Chồng tôi phá lệ, tự động chạy sang ngồi bên cạnh tôi cho đủ cặp! Sau vài buổi tập, Sư Nữ phải nói riêng với tôi, để tôi nhắc anh nhớ: đây là thiền đường! Tôi phải làm sứ giả, nhắn lại với anh: Xin đừng biểu lộ những tình cảm dành cho vợ trong lúc học thiền.
Lúc thiền tọa, thì anh ngồi không thẳng lưng, hoặc ngồi không yên. Anh cứ nhấp nha nhấp nhổm, lúc thì liếc sang tìm vợ, lúc thì xê qua xích lại tìm thế ngồi cho khỏi tê chân, có khi anh còn té nghiêng té ngữa phải giơ tay ra chống để lấy thăng bằng. Có lúc, thấy anh ‘vất vả’ quá, tôi có cảm giác mình đang ‘hành chồng’ chứ không phải ‘thiền chồng.’ Tuy không dễ dàng ‘hội nhập’ vào việc tập thiền, nhưng chồng tôi không bỏ cuộc, tiếp tục đi học sau những ì ạch đầu tiên. Khổ nỗi, khi đó, vợ chồng chúng tôi còn là ngưu lang chức nữ. Anh ở Manhattan, nên tôi tìm một thiền đường bên đó để hai đứa cùng bắt đầu. Tôi chỉ‘dắt tay anh đến trường’ được vài tuần thì phải ‘hồi hương’ để lo công việc ở California, và đó cũng là cơ hội để anh tự bãi trường. Không có vợ đi chung, thì việc học thiền cũng vô nghĩa!

đến “Thiền tình”

Thiền không là một cái gì xa xôi. Chiếc lá rơi xuống, là thiền. Hít vào, thở ra, là thiền. Trăng lên, là thiền. Chim hót, là thiền. Ngồi nán lại ngắm con ngủ, là thiền. Thương chồng, là thiền. Chăm sóc cho vợ, là thiền. Mưa, thiền. Nắng, thiền. Vợ chồng hài hòa, là thiền. Vợ chồng thẳng thắn trao đổi, cũng là thiền. Vợ nguýt yêu chồng, là thiền. Chồng mê mếch vợ, lại càng thiền. Chồng thương vợ đứt ruột, “giả đò ngó lơ,” cũng thiền luôn. Chồng ghen vì vợ thương con hơn mình, chắc cũng là thiền. Vợ nấu cơm khét mà chồng vui vẻ... đi nấu lại dù bụng đói cồn cào, rất thiền! Thiền là tất cả. Thiền cũng không là gì cả. Thiền là vòng xoắn trôn ốc, xoay mãi quanh cái trục rỗng vô tận.
Cuộc đời là một cuộc thiền hành vô tận khi ta sống mỗi giây phút với cái tâm sơ của mình, đón nhận những gì đang đến với cái bổn thiện trong mỗi chúng ta. Bẵng mấy năm, tôi đã ‘quên’ cái sứ mạng “Thiền bại” của mình, thì bị mắc mưa:

Mưa
 

Em là Quan Âm
Trái tim nhân hậu
Anh là vũ lộ
Mát bóng từ bi


Đây là một trận mưa không báo trước, không có dấu hiệu chuyển mưa, không ráng vàng ráng đỏ gì cả, cũng chẳng trăng quầng hay trăng tán. Chỉ mưa, vậy thôi. Cơn mưa gây cho tôi nhiều hứng thú và ngạc nhiên. Ba năm sau khi tôi thả cuộc“Thiền bại” của mình trôi theo dòng đời, chồng tôi bỗng dắt tôi vào cõi “Thiền tình” bằng những cố gắng tự phát. Anh đọc những sách luyện tâm trí, tập sống phút hiện tại, ý thức hơi thở của mình, để ý đến môi trường xung quanh, hấp thụ vũ trụ bao la. Anh đi vào Thiền mà không cần phải ngồi yên hay nhắm mắt hờ trong một thiền đường. Anh tập thiền ngay giữa cuộc sống. Vũ trụ mênh mông là thiền đường của anh. Những nhịp tim của đời sống vợ chồng mỗi ngày là công án. Anh thành thiền sư của tôi một cách hết sức bình thường.
Đường vào Thiền vạn nẻo. Chồng tôi đã tự tìm lối cho mình, dù ban đầu, anh đã la cà rong chơi khi tôi ‘dắt tay anh đến lớp.’Thiền là một cái gì vô định và bất định. Người ta không thể tìm một công thức cố định để đi tìm nó. Thiền uyển chuyển, như quan hệ vợ chồng – lúc êm ái, lúc cuồng nhiệt, lúc lặng lẽ, lúc bình thản. Thiền là nhận chân vạn pháp hiển lộng, là chạm vào cái không trong tất cả những hiển lộng đó.
Anh bắt đầu lân la nói chuyện thiền với tôi, những gì anh mới học được, những gì anh mới ngộ ra. Một hôm, anh hớn hở kể cho tôi nghe câu chuyện gió động, cờ động, tâm động lúc chúng tôi đang trên đường đi chợ. Thấy anh say sưa kể mà đường phố thì tấp nập, tôi sợ ‘xe động’ và ‘người động’ nên đề nghị:
Để dành về nhà kể cho em nghe tiếp, biết đâu còn có nhiều cái khác ‘động’ nữa không chừng! Bây giờ Cưng tập trung lái xe đi!

Trangđài Glassey-Trầnguyễn/Sống Magazine


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét