Những tác phẩm văn học xúc động về người thầy

Tình thầy trò, tấm gương của các thầy cô giáo đã đi vào văn học với bao tác phẩm xúc động.


Người thầy đầu tiên (Aitmatov)

Biết bao thế hệ học sinh các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã được đọc và học Người thầy đầu tiên. Tác phẩm nổi tiếng nhất của đại văn hào Aitmatov mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tác phẩm lấy bối cảnh vùng quê hẻo lánh Kyrgyzstan, khi trình độ phát triển nơi đây còn thấp, tư tưởng phong kiến, gia trưởng nặng nề, phụ nữ bị coi thường và trẻ em mồ côi bị rẻ rúng. Nhân vật chính là Antưnai 15 tuổi có một tuổi thơ bất hạnh. Mồ côi, phải sống cùng chú thím nên cô bé luôn bị bà thím độc ác đánh đập. Một ngày kia, thầy giáo Đuysen được cử về trường Cu-cu-rêu dạy học và vô tình gặp Antưnai. Thầy Đuysen đã trải qua bao vất vả mới xin được gia đình bà thím cho phép Antưnai đi học.
Ở trường học, thầy Đuysen và các học trò trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng không may, thím của Antưnai quyết gả cô làm vợ lẽ cho một tên trọc phú ở làng bên. Thầy Đuysen đã ra sức ngăn cản, chống cự bọn quý tộc, bị chúng đánh cho gãy tay, chảy máu nhưng vẫn không giữ được Antưnai ở lại trường học. Hai thầy trò trồng hai cây phong bé nhỏ trên đồi, thầy Đuysen nói rằng Antưnai giống như cây phong nghị lực, sau này lớn lên sẽ thành công.
Sau ba ngày sống trong địa ngục, Antưnai được thầy Đuy sen cùng công an giải cứu và đưa lên tỉnh học. Antưnai phát hiện mình có cảm tình với thầy Đuysen, cô viết thư cho thầy nhưng thầy không trả lời vì không muốn làm ảnh hưởng tới việc học của Antưnai. Sau đó, thầy Đuysen vào bộ đội, và bị báo tin mất tích. Antưnai lớn lên, trở thành một viện sĩ. Bà về thăm lại quê hương, hai cây phong đã cao lớn trên đồi lộng gió. Bà đặt tên cho ngôi trường mà bà đỡ đầu là "trường Đuysen".

Totto-chan bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi)


Tác phẩm gần như là tự truyện của tác giả Tetsuko – nữ diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản. Totto-chan sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, cha là nghệ sĩ vỹ cầm, mẹ là ca sĩ opera. Sáu tuổi, Totto-chan bị thôi học ở trường vì em quá hiếu động và có tính cách lạ lùng so với các bạn. Mẹ của Totto-chan đã xin cho em vào học tại trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có 50 học sinh, ai cũng đặc biệt, có cả những bạn bị khuyết tật. Thầy hiệu trưởng Kobayashi luôn tôn trọng học sinh, thầy để cho các em tự do phát huy khả năng, cá tính của mình. Trường Tomoe không có thời khóa biểu cho học sinh, em nào thích học môn gì thì cứ tự học môn đó trước, thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em. Nhà trường luôn tổ chức các buổi cắm trại, du lịch cho các em được mở mang tầm mắt và gần gũi thiên nhiên.



Bìa sách Totto-Chan bên cửa sổ.

Nhờ tình yêu thương và phương pháp giáo dục đặc biệt của thầy Kobayashi, các học sinh ở Tomoe đều trở thành người tốt và thành đạt trong xã hội. Trong sách Totto-chan viết: "Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác đứa bé hư mà mọi người gán cho tôi".
Trong bản dịch tại Việt Nam, tác giả Tetsuko có viết những dòng gửi độc giả Việt, trong đó có đoạn: "Trường tiểu học mãi mãi là nơi tôi yêu thích nhất và không có người nào ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn thầy hiệu trưởng. Tôi đặc biệt vui là cuốnTotto-chan bên cửa sổ của tôi viết về ngôi trường này, về thầy hiệu trưởng của tôi đã đến với trẻ em Việt Nam".

Người thầy (Frank McCourt)

Một giáo viên tập sự dạy đám học trò 16 tuổi. Đó là một người thầy hơi nhút nhát, căng thẳng, mất bình tĩnh trước học sinh, dù người thầy ấy nhớ rất rõ những điều cần phải làm để tạo ra một hình ảnh mực thước, xa cách và nghiêm khắc đối với học trò mà bao giáo viên khác áp dụng. Nhưng McCourt đã không đi theo lối mòn ấy. Mặc cho lời cảnh báo của thầy hiệu trưởng, những cú điện thoại đòi đổi giáo viên của các bậc phụ huynh, McCourt dứt khoát đi trên con đường của mình, anh muốn trở thành một người thầy như mong ước khi còn nhỏ, muốn tất cả các em học sinh đều quan tâm thực sự tới bài giảng của mình.


Bìa sách Người thầy - Hồi ức của một nhà giáo Mỹ.

Người thầy giáo trẻ ấy không sở hữu một năng lực siêu nhiên, anh chỉ cố gắng gần gũi và hiểu bọn trẻ dưới bục giảng. Qua tác phẩm, dường như McCourt còn muốn kêu gọi các giáo viên, hãy mạnh dạn từ bỏ hình ảnh mô phạm cùng với những lý thuyết kiến thức cứng nhắc để đến với học sinh, đưa kiến thức tới học sinh bằng chính con người mình, để mỗi ngày lên lớp là những phút giây yêu thích của công việc. Tờ báo Publishers Weekly đánh giá Người thầy là "Một cuốn sách cũng nên là tài liệu bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ".

Người gieo hy vọng (Erin Gruwell và các nhà văn Tự do)

Erin Gruwell là một giáo viên, cô cùng với các học sinh (từng là học sinh cá biệt) lập ra nhóm Những nhà văn Tự do và cho ra đời cuốn Nhật ký của Những nhà văn Tự do. Cuốn sách do chính các em viết tuy vẫn có những sự thực phũ phàng, những lời tục tĩu, những vấn nạn xã hội mà các em gặp phải... nhưng đã gửi đi thông điệp về niềm hy vọng. Cuốn sách trở thành hiện tượng, sau đó Erin đã tập hợp 150 giáo viên và thành lập tổ chức Freedom Writers Foundation. Họ là những thầy cô giáo, nhưng học sinh của họ không ít những em bị coi là cá biệt – nạn nhân của việc bị đối xử bất công hoặc thất vọng với mọi người xung quanh.
Người gieo hy vọng tập hợp câu chuyện của những giáo viên thuộc tổ chức này. Họ đã thể hiện sự sợ hãi của bản thân, bày tỏ những sự thực đau lòng đằng sau việc dạy học. Các giáo viên của Những nhà văn Tự do chia sẻ những câu chuyện chân thực từ lớp học của họ, từ những thăng trầm, những thảm kịch, những niềm vui… tất cả đều được kể lại để tạo dựng một phạm vi hiểu biết mới về ý nghĩa của việc trở thành một người giáo viên.
Cuốn sách có ý nghĩa như một ô cửa hé mở cho người đọc thấy công việc giáo dục con người. Các Nhà văn Tự do mang vào sách triết lý phát huy giá trị và thúc đẩy việc chấp nhận tính đa dạng, lòng nhân hậu, sự khoan dung và tinh thần giao tiếp giữa thầy trò. Từ trong quá trình đó, các giáo viên khiến cuộc sống của những học sinh thuộc nhóm tiêu cực thay đổi. Bản thân các giáo viên cũng thay đổi nhờ tinh thần giáo dục hết lòng vì học trò. Cuốn sách có giá trị lớn trong ngành giáo dục, không chỉ nói về sự nghiệp trồng người, cao hơn cả, đó còn là tình người.

Hiền Đỗ

Theo vnexpress.net