CÁI CHẾT CỦA CHÚNG TA NÊN THẬT THANH THẢN

Một ngày nào đó tất cả chúng ta đều phải chết. Cái chết của chúng ta nên thật thanh thản và yên bình. Cho nên khi có người sắp chết chúng ta nên cố làm sự ra đi của họ càng thanh thản đẹp đẽchừng nào càng tốt chừng đó. Vâng, bạn có ngạc nhiên là cái chết có thể đẹp đẽ không? Nếu có, đó là vì chúng ta thường có ác cảm với cái chết. Chúng ta sợ đau đớn và không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết. Rồi còn có sự quyến luyến với người thân khiến tim chúng ta đau khổ vì sự chia cách.Tuy nhiên chúng ta nên nhận ra rằng sự hiểu sai và thái độ sai của chúng ta chính là nguyên nhân của sự khổ. Chúng ta chưa hiểu sâu xa đạo pháp. Chúng ta chưa thấu hiểu cái đặc tính của tâm và thân là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta chưa học được làm sao để buông trôi và chấp nhận điều không thể tránh được.
Khi dì mẫu của đức Phật Maha Pajapati Gotami sắp chết ở tuổi rất thọ là 120, tôn giả A nan (Ananda) và các Tỳ kheo ni khóc. Bà Tỳ kheo ni Maha Pajapati Gotami dịu dàng quở: "Tại sao các con khóc. Các con không thấy cái thân xác này của ta đã quá già và lụ khụ rồi chăng? Nó như là một ổ rắn, một trung tâm bịnh tật, một viện già nua chết chóc, một nhà đau khổ. Ta đã mệt mỏi với cái thân xác như chết này rồi. Nó chỉ là một gánh nặng cho ta. Ta đã mong được giải thoát Niết bàn từ lâu lắm rồi. Và ngày hôm nay ước nguyện của ta sắp thành. Cái chết của ta thật sự là một điều hạnh phúc. Đây là lúc ta được dịp hài lòng và sung sướng. Vậy tại sao các con lại khóc?"
Đức Phật, lúc sắp nhập diệt giữa chốn thiên nhiên dưới hai tàng cây sala trong rừng, cũng bảo A nanđừng khóc lúc ngài nhập diệt. Ngài nói người nào có trí tuệ và lòng thanh tịnh sẽ chấp nhận sự thật là cái chết và sự xa lìa tất cả những gì mình thương yêu là điều không thể tránh khỏi. Đức Phật nhắc nhở rằng chúng ta phải thiền tập tỉnh giác để đạt được trí tuệ, và trí tuệ này sẽ giúp chúng ta đối diện cái chết với sự thanh thản. Ngài nói với chư tăng: "Cho nên các ông phải tự tu tập chính mình: Chúng ta phải gặp cái chết với sự tỉnh giác và trầm tĩnh." Và lời nói cuối cùng của đức Phật là: "Mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực, liên tục chuyên cần."
Những người đã có một cuộc sống đẹp có thể có một cái chết đẹp. Hôm nọ tôi đọc được một bài tưởng niệm rất cảm động trong báo: "Khi bà trút hơi thở cuối cùng và bước vào cuộc sống vĩnh hằng, mặt bà sáng hẳn lên và môi bà nở một nụ cười đẹp. Dì phước F. thấy được bèn kêu lên: 'Xem kìa, bà đang thấy Chúa…" Tôi có tình cờ biết về người đàn bà này, theo đạo Ki Tô, và bà đã chết một cái chết quá đẹp. Bà có tánh tình hiền lành dịu dàng và luôn luôn quan tâm đến người khác. Người ta nói với tôi rằng lúc làm cô giáo bà luôn tìm những học sinh thật kém để dạy kèm và khuyến khích thêm. Gia đình bà và mọi người biết bà đều thương yêu quý mến bà. Tôi được biết bà dịu dàng thương yêu mọi người đến độ người ta xem đời bà như đời một vị thánh.
Một khi đã sống một cuộc đời cao đẹp như vậy, thật chẳng ngạc nhiên chút nào khi bà chết một cái chết đẹp. Tôn giáo có thể khác biệt nhưng như đức Đạt lai Lạt ma người được giải Nobel Hòa bìnhđã nói: "Tâm từ là tinh túy của mọi tôn giáo." Tôi luôn tin chắc rằng nếu chúng ta đã sống một cuộcđời tốt thì khi chết chúng ta sẽ chết một cái chết đẹp cho dù chúng ta theo Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo hay bất cứ tín ngưỡng nào khác. Như đức Phật đã nói, hành động làm nên con người. Trong chiều hướng đó tôi thường nói với các Phật tử rằng thà làm một người tốt đạo Thiên chúa hay đạo Hồi còn tốt hơn là làm một người xấu đạo Phật. Cho nên, những người tốt đạo Thiên Chúa khi chết có thể thấy Chúa hoặc thấy ánh sáng. Còn người đạo Phật có thể thấy hình ảnh tinh thần của đức Phật, của các bậc A la hán, các bậc thánh, các cõi trời và ánh sáng rạng rỡ.
Ông Jack Kornfield, một thầy dạy thiền Minh sát người Mỹ, có lần kể lại trong tạp chí Inquiring Mind chuyện ông thăm bác sĩ Howard Nudleman, một nhà giải phẩu và thiền sinh rất hiền từ, một ngày trước khi ông bác sĩ này chết vì bịnh ung thư. Ông nhớ lại khi bước vào phòng ông Howard giống như bước vào một đền thờ. Và khi ông nhìn ông Howard, ông Howard cho ông một nụ cười, một nụ cười hiền hậu đến độ ông Kornfield sẽ không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời còn lại.
Vâng, tôi chắc chắn những chuyện cảm động về những cái chết đẹp của những con người đẹp có rất nhiều. Do đó, cái chết cũng có thể là một kinh nghiệm đẹp. Khi chúng ta đã sống một cuộc đời tốt và thân thể này trở nên yếu đuối bệnh hoạn, chúng ta có thể đối diện cái chết một cách thanh tịnh, vì biết rằng mình đã có một cuộc đời tốt đẹp và đã đến lúc mình phải lên đường.
Cho nên khi một người thân gần từ trần, chúng ta nên hiểu và cho phép người đó ra đi một cách yên bình. Chúng ta nên làm sự ra đi đó càng thanh thản và đẹp đẽ càng tốt. Dĩ nhiên, chúng ta không nên khóc la. Điều đó chỉ làm khó thêm cho người sắp chết. Nếu người đó là một Phật tử hiểu biết và còn chút hơi sức để nói được, người thân có thể dịu dàng khiển trách chúng ta như đức Phật đã làm: "Nhưng em ơi tại sao em khóc? Đức Phật đã chẳng dạy chúng ta bằng nhiều cách là việc chia lìa trênđời là không tránh khỏi được đó sao? Tại sao cái gì phải tan rã không đuợc tan rã? Điều đó không thể có được. Do đó chúng ta nên suy nghiệm thật kỹ Phật pháp. Em ơi, cái thân xác này không phải của chúng ta. Cái tâm trí này không phải của chúng ta. Chúng đến và đi tùy duyên. Chúng ta phải thực hành tỉnh giác thật sâu để thấy được điều này, để mà khi không còn dính mắc nữa chúng ta có thể được giải thoát khỏi sinh và tử. Em ơi, em phải mạnh mẽ hơn. Ngay cả khi anh xa rời em anh muốn nhắc với em những lời cuối cùng đức Phật nói với tất cả chúng ta: 'Mọi pháp hữu vi đều vô thường. Do đó, Như Lai khuyên, hãy tận lực, liên tục chuyên cần."
Vâng, mọi Phật tử nên nhớ đến lời cuối đức Phật nhắc chúng ta phải cố gắng lên không mỏi mệt đểđạt được trí tuệ và giải thoát chúng ta khỏi vòng sinh tử. Một người thiền phải thiền quán cho đến cùng. Ông ta có thể quan sát hơi hít vào thở ra hoặc bụng phồng xẹp khi thở hít. Nếu gặp phải khó khăn ông ta có thể biết, ghi nhận những khó khăn đó không với sự sợ hãi lo âu mà với sự yên tĩnh bình thản của tâm thức. Ông có thể quan sát những cảm giác đau đớn và chịu đựng được mặc dù cảm giác đau rất mạnh. Ông có thể tự nhắc nhở chúng chỉ là những cảm giác mà thôi, cho dù là những cảm giác khó khăn. Ông cũng có thể thấy chúng là vô thường, và chúng nổi lên và biến mất liên tục. Ông có thể hiểu và không bám víu vướng mắc vào cái thân xác mình. Ông biết cả thân và tâm sinh và diệt tùy theo điều kiện. Ông có thể suy nghiệm: "Cái tâm và thân này không phải của ta. Chúng chưa hề thuộc về ta. Chúng nổi lên vì đủ duyên, và khi hết duyên, chúng sẽ mất đi. Cũng vậy, con mắt này không phải của ta, cái tai này không phải của ta, cái mũi này không phải của ta…Cơ thể này cấu tạo từ bốn phần tử là đất, lửa, nước và khí đại diện cho các tính chất của vật chất, của cứng, mềm, sức ép, sức căng, nóng, lạnh, v.v…Chừng nào còn năng lực nghiệp để kéo dài sự sống của ta trên cuộc đời này, cái thân thể này sẽ còn sống. Khi năng lực nghiệp cho cuộc đời này hết cạn, thì thân thể này sẽ chết, và một tâm thức mới chịu mọi duyên nghiệp của cái tâm thức cũ vào lúc chết sẽ nổi lên ở một tâm thức mới. Nếu ta đã đắc quả A la hán, ta sẽ không cần thiết phải tái sinh nữa. Nhưng nếu ta chưa đạt được mức đó nhưng đã sống một cuộc đời tốt, ta không sợ một kỳ tái sinh tới. Ta có thể nhận một sự hiện hữu mới dưới hình thức một người phước đức thông minh hoặc một vị thánh, và từ đó tiếp tục con đường phát huy cho đến khi ta đạt được cứu cánh Niết bàn, chấm dứt sinh tử." Khi suy nghiệm như vậy, một người hành thiền có thể trở nên rất trầm tĩnh và vững chãi, rất an bình. Người đó còn có thể cười vào cơn đau của mình và mỉm cười với những người ở chung quanh mình. Với tinh thần an bình như vậy, những cảm giác đau đớn thân thể có thể ngừng lại. Ngườiđó có thể chết trong thanh tịnh và an bình, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.

Trích: Yêu và Chết
Nguyên bản: Loving and Dying
của Tỳ kheo Visuddhàcàra
Bản dịch Việt ngữ của Không Tuệ