Chuyện tình của thi sĩ Chế Lan Viên

Có một câu danh ngôn nổi tiếng đại ý rằng “Trái đất rộng thêm nhờ diện tích tâm hồn của thi sĩ”. Và xưa nay, ở đâu có thi sĩ thì ở đó có tình yêu. Chế Lan Viên cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.
Khi mới 17 tuổi, ông đã viết tập Điêu tàn như một tháp Chàm bí mật và lẻ loi ngả bóng xuống cánh đồng thơ Việt Nam. Khi nhắc đến Điêu tàn, nhiều người nghĩ ngay đến một thế giới của mồ hoang, sương lạnh, sọ người mà ít biết được rằng nó còn là một thế giới lung linh nhờ những bóng hồng bên tháp cổ u hoài.
Chế Lan Viên (tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920), quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, nhưng Chế Lan Viên lớn lên ở An Nhơn, Bình Định, bên thành cổ Đồ Bàn.Thành cổ Đồ Bàn, với những tháp Chàm u huyền, những thiếu nữ Chiêm Thành đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong đời thơ Chế Lan Viên. Tập thơ đầu tay Điêu tàn có lời tựa đồng thời cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”.

Chế Lan Viên (tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920), quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, nhưng Chế Lan Viên lớn lên ở An Nhơn, Bình Định.
Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định. Trong thơ của ông thời kì Điêu tàn, có những người con gái có thật nhưng cũng có những bóng hồng thấp thoáng trong tưởng tượng.

Người tình có thực


Những cụ già bên thành cổ Đồ Bàn còn nhớ vào khoảng những năm 1936, 1937, hàng ngày vẫn thấy một cậu bé mang khuôn mặt u buồn, thơ thẩn quanh nền thành cổ. Họ đâu ngờ rằng cậu bé ấy rồi đây sẽ trở thành một cây đại thụ của thơ ca Việt Nam.
Nhà thơ Yến Lan, một bạn thơ của Chế Lan Viên trong nhóm thơ Bình Định, kể lại mối tình đầu chớm nở, không thể nguôi quên của thi sĩ mang họ người Chàm. Đó là mối tình với người con gái mang tên Ngọc Anh.
Người đọc thơ ông ít có người để ý đến bài A và H. A là Anh, còn H là Hoan (tên thật của Chế Lan Viên). Ngọc Anh là con nhà dòng dõi “trâm anh thế phiệt”. Nhà bà Ngọc Anh vốn ở Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định.
Chế Lan Viên ở An Nhơn, xưa là thành Đồ Bàn, sau Nguyễn Nhạc tiếp quản gọi là thành Hoàng Đế. Diêu Trì cách An Nhơn không xa cho nên Chế Lan Viên thường hay lui tới nhà Ngọc Anh.
Mối tình đầu của Chế Lan Viên, từ thuở nhà thơ mới 15, 16 tuổi đầu, lúc ấy yêu với Chế Lan Viên nghĩa là si mê, nhưng nhà thơ thì vẫn xem người mình yêu như một thần tượng được tôn thờ muôn thuở.
Mãi cho đến năm 1987, Chế Lan Viên còn nhắc đến tên bà. Nhà thơ Yến Lan bình luận: “Ngọc Anh của Chế là tên một loài hoa, lại là tên của người yêu, tình yêu mới chớm, yêu thầm lặng chỉ riêng mình biết; nên mãi mãi giấu kín để rồi đêm đêm lại chiêm bao, gối đầu trên gối lại thấy hình bóng người yêu.
Hay cũng có thể nói là mối tình đầu tha thiết và kín đáo thì mỗi khi nằm ngủ mới thoạt thấy hình ảnh người yêu từ cõi lòng e ấp. Mối tình này ít người biết tới, ngay cả đến Ngọc Anh cũng chưa bao giờ được Chế ngỏ ý”.
Có nhiều kiều nữ đã từng đi qua đời thơ Chế Lan Viên, trong đó, có một thiếu nữ tên là Nguyễn Thị Giáo. Bà Giáo mang vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng của một tiểu thư khuê các. Nét quyến rũ nhất của người con gái này là cặp chân mày mảnh mai, hình vòng cung, cong như trăng đầu tháng.
Nhiều chàng trai theo đuổi nhưng bà đã nặng lòng với người thi sĩ mang họ Chàm từ khá sớm. Vượt qua nhiều khó khăn trở ngại từ phía gia đình, bà nhất quyết đi theo tiếng gọi của lòng mình. Mối tình của hai người được ghi dấu bằng một bài thơ tứ tuyệt hết sức độc đáo lúc chia ly đôi ngả:
Đến chỗ đông người anh biệt em – Quay đi thôi chớ để anh nhìn – Mày em trăng mới in ngần thật – Cắt đứt lòng anh trăng của em”.

Tình nhân trong mộng


Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên bên hai con gái.
Tình nhân của Chế Lan Viên có người có tên, có người lại không tên nhưng thi sĩ luôn nhớ về họ. Đó có thể là một cô học trò xứ Quảng, nơi có cụm tháp Chàm trên thánh địa Mỹ Sơn có thể là cô gái mang tên Xuyến Nhi nào đó như sau này nhà thơ viết:
“Xuyến nhi, yểu điệu hồn ta – em sẽ ngồi đây. Hơi thở trăng sao đang đến nảy mầm cho những hạt giống trên kia quý báu, và chẳng bao lâu nữa, chưa tới dấu hiệu bình minh đâu, chúng ta có thể cùng nhau gặt hái những gì hoa quả sắp ra đời”.
Trong cuộc hành trình đi vào cõi âm bằng thơ, Chế Lan Viên đã bắt gặp rất nhiều những điều kỳ dị: Nào máu huyết, xương khô, thép lạnh, sọ người… Nhưng có một hình ảnh gây nhiều xúc động, trở thành ám ảnh đó là hình ảnh những tình nhân.
Chế Lan Viên đã lấy trí tưởng tượng, hư cấu cá nhân làm đối tượng để khám phá những bí ẩn của cuộc sống. Ông là người nối liền sự sống và cái chết, hữu thể và hư vô, dĩ vãng và tương lai bằng cái nhìn thực tại.
Cái không gian ảo ảnh về Chiêm Thành được tưởng tượng ra lại có khả năng hoán cải cái nhìn hiện thực của Chế Lan Viên. Những bầu trời đầy sao, những bóng trăng huyền hoặc những thiếu nữ Chiêm Thành đã làm ấm áp không gian.
Với Chế Lan Viên, tình yêu và cõi chết vẫn có thể hòa quyện với nhau không tách rời. Người ta kể rằng trong một lần đi bên những gì rêu phong đổ nát, Chế Lan Viên đã tình cờ gặp một thiếu nữ Chăm đi lang thang giữa núi đồi.
Chế đi theo nhưng không kịp nên cứ mãi tơ tưởng. Thế rồi từ đó ông cho rằng tất cả những thiếu nữ Chăm khi xưa cũng mang vẻ đẹp nguyên thủy, cổ sơ của loài người như người thiếu nữ vừa đi qua.
Thiếu nữ là hiện than của tình yêu và hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc như một cánh bướm, nắm mạnh sẽ vỡ tan. Người tình cần sự nâng niu. Chế không chấp nhận ngồi chờ người yêu đến trong đêm tân hôn quay cuồng.
Ông mong muốn hai trái tim đến với nhau bằng sự đồng cảm thế là đủ rồi. Tình yêu mà chỉ gắn với chuyện gối chăn với ông là thứ tình ích kỷ, mất đi nét đẹp của tâm hồn. Tình yêu của thi sĩ vượt ra ngoài sự giả dối tầm thường.
Có lần, Chế thật hạnh phúc khi bắt gặp người tình thướt tha trên cỏ biếc. Nàng vừa xuất hiện đã hôn ông bằng men say ngây ngất. Tóc cô gái dài như suối, mềm như liễu rủ, hong trong gió chiều. Thế rồi nàng chết, ông buồn thương u uẩn đi tìm.
Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Bình Định với trời xanh thẳm trên những tháp Chàm cô đơn đã dựng lên cõi hư vô ớn lạnh không ngừng ám ảnh Chế Lan Viên.
Với Chế Lan Viên, tình yêu sẽ đưa con người đi đến vĩnh cửu. Tình yêu vừa gần gũi vừa xa xăm, người tình thì có lúc gần gụi, lúc lại mong manh hư ảo. Chế Lan Viên đã bắt gặp những người tình của mình bằng tiếng hát.
Tiếng hát như mộng, như mơ vọng lên trên tận cõi trời rồi tan biến vào hư vô như dáng hình thiếu nữ Chăm càng chạy theo càng bặt vô âm tín.Chế khao khát một cuộc tình vĩnh cửu vượt ra khỏi mọi ràng buộc, vượt ra mọi giới hạn của kiếp người. Người yêu của ông là thiếu nữ Chăm.
Chế mê mẩn lắng nghe những điệu nhạc Chăm vào những buổi chiều về. Thế rồi điệu nhạc đi qua, đàn dơi bay vào đền tháp, bóng tối bao phủ thành Bình Định, Chế giật mình tiếc thương tình nhân.
Có lần ông thấy cả những điệu múa của sơn nữ Chăm biến hóa theo từng nhịp điệu của trống kèn. Tiếng đàn tiếng hát u buồn ấy đã dẫn lối cho Chế Lan Viên đi tìm dáng hình thiếu nữ khi xưa. Làm sao chàng có thể bắt gặp được người thiếu nữ trong điệu nhạc mê hồn:
Đâu điệu nhạc điên cuồng ta khao khát/ Chẳng vang lên tràn ngập suối trăng mơ (Điệu nhạc điên cuồng). Tiếng bổ củi của tiều phu từ đâu vọng lại kéo chàng trở lại với thực tại buồn thương. Đôi khi những âm điệu ấy len lỏi vào từng giấc mơ của Chế.
Những thiếu nữ đi qua để lại cho chàng những giây phút êm đềm: Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc/ Suối tóc dài vừa chảy giữa lòng trăng (Mộng). Chế Lan Viên còn mơ ước đến điệu nhạc ngày xưa đã mất.
Có những hoàng hôn Chế nghe tiếng hát bên kia hàng giậu vẳng sang như trầm như bổng. Giọng hát ấy đã gieo vào lòng Chế một nỗi buồn vô hạn: Đừng hát nữa tiếng cô trong trẻo quá/ Khiến hồn tôi tê liệt khó bay cao (Hồn tôi).
Tiếng hát vẳng lên giữa hư vô, ám ảnh thế giới Điêu tàn của Chế Lan Viên. Đó là dư âm tiếng lòng thổn thức của lớp trí thức tiểu tư sản bế tắc trước cảnh mất nước những năm đầu thế kỷ trước như Chế Lan Viên.
Thế giới Điêu tàn đã tạo ra một thần thái buồn bã ảo nảo và đau đớn cùng cực của của Chế Lan Viên nói riêng và của trường thơ Loạn Bình Định nói chung. Chính nó đã làm nên tình điệu thẩm mỹ cho trường phái thơ nổi tiếng này.
Đánh giá về vẻ đẹp trần thế đa tình của tập Điêu tàn, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Trong thơ cổ đến nhiều nhà thơ cũng đã nói tới cõi âm… Niềm kinh dị (chữ của Hoài Thanh) do Chế Lan Viên gây nên xuất phát từ đây.
Nhưng, theo tôi, sức thu hút của Điêu tàn không chỉ ở kinh dị với ma khóc quỷ hờn, đầu lâu la hét…trong cõi âm mờ tối, mà nhiều hơn lại ở sự mê đắm. Mê đắm vẻ đẹp rất nhiều ánh sáng kỳ ảo của trần gian thanh thiên bạch nhật. Thiên nhiên tươi sáng, son trẻ, nghịch ngợm, đa tình:

Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô
Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu

Hải Dương

Theo Nguồn cội