Về một người Thầy

Chư vị độc giả lớn tuổi của Văn Hóa Phật Giáo có còn nhớ bài “Truyện người Thừa Cung” trong sáchQuốc văn giáo khoa thư (QVGKT) lớp dự bị không?
Hồi mới chập chững đi học ở thầy giáo làng, khai tâm bằng QVGKT, và niên khóa 1954-1955, tôi vào học lớp Tư A Trường Trần Quốc Toản (Huế), thì đã được cô Tôn Nữ Thị Lữ dạy sách đó. Mấy năm sau, thời cuộc thay đổi và người ta thay thế sách QVGKT bằng những cuốn sách khác. Đáng tiếc. Tôi vẫn nhớ trong QVGKT có bài “Truyện người Thừa Cung” như sau:

Thừa Cung nhà nghèo mồ côi cha từ lúc hãy còn nhỏ. Khi mới lên tám, làm nghề chăn lợn (heo) để nuôi thân. Trong làng có ông Từ Tử Thịnh mở tràng dạy học, học trò gần xa đến học đông lắm.
Thừa Cung mỗi khi chăn lợn qua tràng, thấy tiếng giảng sách, thì đứng lại nghe, trong lòng lấy làm vui thích lắm, muốn đi học. Sau anh ta xin đến ở nhà học để dọn dẹp, quét tước. Từ Tử Thịnh thấy Thừa Cung mặt mũi khôi ngô, thuận cho ở. Lúc rảnh việc, anh ta chỉ chăm chăm chúi chúi học hành. Được vài ba năm Thừa Cung thành một người học trò giỏi, có tiếng thời bấy giờ.
Nghèo mà chịu học như vậy, chẳng đáng khen lắm ru!
Một ngẫu nhiên như định mệnh, tôi lớn lên khoảng 13, 14 tuổi tình cờ đã từng đóng vai Thừa Cung và người đóng vai Từ Tử Thịnh lại là thầy Nguyễn Cửu Triệp.
Tôi vào Trường Trung học Hàm Nghi năm 1959, dĩ nhiên phải trải qua một cuộc tuyển sinh gay gắt mới được vào học Đệ thất (lớp 6 bây giờ). Chuyện bắt đầu vào khoảng 1961 hoặc 1962 gì đó. Hôm ấy, lớp tôi được nghỉ giờ giữa, nghĩa là sáng hôm ấy có 4 tiết học, thì thời khóa biểu chia tréo cẳng ngỗng như sau: học tiết 1 và tiết 2, nghỉ tiết 3 (muốn đi chơi hay làm gì cũng được!) rồi học tiếp tiết 4. Dạo ấy, thiếu giáo sư nên bọn học sinh đành phải chịu giờ học chen giờ nghỉ lộn xộn như vậy. Chúng tôi cả bọn học trò còn con nít… vẫn cảm thấy sung sướng, thích thú, vì được nghỉ học, vội ra sân đá banh. Tôi vốn không chuộng môn thể thao mà thiên hạ ai cũng mê ấy, nên tôi không theo anh em ra sân mà ghé vào các lớp đàn anh, thèm thuồng xem họ học như thế nào.
Tôi đứng xa xa bên cạnh cửa sau của một lớp lớn, ghé mắt khao khát nhìn vào. Giống như ông Thừa Cung trong sách QVGKT, đến đứng bên lớp để nghe lén, học lén! Lòng rộn ràng, thích thú chen lẫn sợ hãi!
Thầy Triệp đang giảng bài! Tôi rón rén đứng im, tò mò chỏng tai lắng nghe.
Nhác thấy tôi, thầy vội vàng bước ra hỏi, giọng ngọt ngào, ôn tồn:
- Em cần gì không?
Ui chao! Ngạc nhiên vô cùng khi ngước lên thấy một ông giáo sư đẹp trai, cao lớn, bệ vệ đang han hỏi, vỗ về chứ không phải dọa nạt, hoặc xua đuổi trẻ nít đang phá phách trong giờ dạy, tôi rụt rè (timđánh thình thình) thưa:
- Dạ. Thưa thầy… con xin thầy cho con đứng đây để… xem thầy giảng bài…
Thầy vẫn giữ giọng ôn nhu, hiền hòa – khe khẽ gật đầu:
- Cũng được! Nhưng chớ làm ồn nghe!
- Dạ!
Thầy lại vào lớp, tiếp tục giảng. Tôi sung sướng vì không bị đưa lên văn phòng chịu hình phạt nào đó như cấm túc, hoặc chép phạt chẳng hạn. Trường Hàm Nghi dạo ấy kỷ luật rất nghiêm, học trò còn bé như tụi tôi đều phải răm rắp chấp hành. Hú vía! Đã không bị gọi giám thị đến trừng phạt, mà còn cho phép đứng nghe lén! Tôi nghĩ thầm, thiệt thầy Triệp sao tử tế, tốt bụng giống ông Từ Tử Thịnh trong sách quá!
Tôi vẫn đứng bên hiên phía nhà ông cai Lục, mắt ngó về phía bảng đen. Thầy đang giảng bài Hệ thần kinh não tủy. Té ra, cơ thể của mình vẫn có những sợi dây thần kinh chỉ huy tay chân và điều động mọi bộ phận. Chà, bữa ni mình mới rõ! Giọng thầy to như chuông đồng, nghe sang sảng, lời tiếng rõ ràng, khúc chiết. Âm thanh khi nhanh khi chậm và rất cuốn hút, thỉnh thoảng thầy chêm vài câu pha trò làm bài giảng thú vị, sinh động hơn lên. Tôi chưa thấy vị thầy nào giảng bài hay như vậy.
Rồi một lần khác, tôi lại tình cờ đóng vai ông Thừa Cung, nghe thầy Triệp giảng bài, nhưng hôm ấy thầy lại dạy các anh lớp trên môn Giải phẫu chuột. Thầy bắt con chuột ra khỏi lồng, găm 4 chân chuột vào tấm bảng nhỏ bằng gỗ. Rồi lấy con dao bén, mổ bụng, phô bày tất cả các cơ phận. Thầy vừa giảng, tay vừa chỉ vào các cơ quan nội tạng của con chuột. Đây là tim, đây là gan… Trái tim đỏ hồng của chú chuột vẫn còn đập nhẹ nhẹ như lũ học trò đang mê mải theo dõi một cảnh tượng hiếm thấy.
Qua một cuộc thăm dò các anh cùng trường, tôi được biết rằng: Thầy Triệp là vị giáo sư không bao giờ cho điểm 0, hoặc cho điểm xấu, không bao giờ trừng phạt học sinh như các thầy khác, thậm chí thầy không bao giờ đe nẹt, quở mắng ngay cả khi học sinh có lỗi lầm. Vậy mà tất cả học sinh đều khoái học tập trong giờ của thầy. Tôi hỏi: Tại sao vậy? Họ đáp: Tại vì thầy có nhiệt tâm và dạy rất hấp dẫn. Khi lên lớp, không bao giờ tạo ra áp lực căng thẳng cho học sinh. Ai cũng thú vị nôn nao khi thầy chầm chậm bước vào lớp, thầy thì luôn luôn ung dung, trầm tĩnh như đi dạo trên phố vắng người. Tôi còn nhớ, trong bài phỏng vấn đăng trên các báo: “Làm thế nào để học sinh biết vâng lời và chịu học tập trong lớp”, nhà giáo dục nổi tiếng Dương Thiệu Tống đã trả lời như sau: “Muốn học sinh vâng lời và trở nên chịu khó học tập ư? Dễ lắm! Người giáo viên phải dạy cho tốt. Nghĩa là dạy hay, dạy hấp dẫn và không nên tạo áp lực cho học sinh”. Điều này, thầy Nguyễn Cửu Triệp đã làm được. Thành thử thầy đi dạy hơn 40 năm, mà chưa hề nghe học sinh nào bỏ học vào giờ mình phụ trách!
Thật ra, suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp, cả lớp tôi đều không được học với thầy Nguyễn Cửu Triệp một buổi nào. Đó là điều đáng tiếc! Đầu niên khóa 1962-1963, lớp tôi thấy ghi trong thời khóa biểu: Vạn vật, thầy Triệp. Cả bọn mừng húm. Bất ngờ, tuần sau lại có chỉ thị mới: Thầy Triệp bị đi lính hoặc chuyển vào dạy ở trong phía Nam, nên cả lớp tôi bị… hụt hẫng nửa chừng!
Nhưng thầy vẫn để lại những dấu ấn khó phai mờ trong trái tim còn non trẻ của những người học sinh Hàm Nghi, trong đó có tôi.
Hồi đó, những năm 1960, thầy lái xe hơi để đi dạy học. Thành phố Huế cổ kính và thanh bần đến nỗi “ông thầy đi xe hơi” trở thành một sự kiện đáng để cho bàn dân thiên hạ chú ý. Chà, thầy Triệp giàu quá và sang trọng quá! Thầy mần chi mà giàu rứa? Tôi đem hỏi các bậc đàn anh và ngay cả hỏi thẳng thân phụ tôi, vì danh tiếng thầy ai mà không biết. Thì tôi được trả lời hai năm rõ mười như sau: Thầy trước sau chỉ một nghề là đi dạy và viết sách Vạn vật thôi! Không buôn gian bán lậu, không hối lộ tham nhũng, áp phe móc ngoặc, đồng tiền thầy kiếm được thuộc loại “sạch nhất nước”. Một nhân cách nhà giáo như vậy đáng làm mẫu mực cho giới sư phạm hiện nay.
Thầy dạy giỏi, dạy hay, luôn thổi sinh khí vào bài giảng. Thầy viết sách dễ học, trình bày sách dễ thuộc và được các giáo sư khác sử dụng trong việc giảng dạy cho các học sinh ở các Trường Bồ Đề, Nguyễn Du, Quốc Học… và Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Văn của thầy giản dị, trong sáng và kết cấu rất khoa học nhưng không phải là không có văn chương.
Thầy đúng là ông Từ Tử Thịnh nổi danh đời xưa, luôn truyền đạt chữ nghĩa thánh hiền và sự thật khoa học, không mệt mỏi – cho đến những năm cuối cùng cũng không bao giờ rời bảng đen và bụi phấn. Chỉ tiếc rằng tôi không phải là ông Thừa Cung học hành đỗ đạt, để trường và thầy được lưu danh. Tôi cũng như lứa học trò thuở ấy, (nói theo một anh bạn) đều trôi nổi theo dòng đời, chẳng làm nên tích sự gì trong một xã hội có nhiều biến chuyển.
Từ khi xa rời mái trường yêu dấu, tôi vẫn chưa hề gặp lại thầy. Có lần nghe các anh em bạn học cũ nói: Thầy Triệp bây giờ dạy học tại Cần Thơ. Sau 1975, lại nghe thầy vẫn còn dạy nhưng dạy hợp đồng, rồi dạy tư. Cuối cùng nghe sư mẫu đã qua đời, để thầy ở lại một mình với những gian truân đè nặng cùng nỗi cô đơn. Tôi vì cơm áo vợ con, quanh năm suốt tháng lận đận ở Huế mưu sinh, không dám bỏ công đi thăm thầy và bằng hữu. Tháng 4, 2010 bất ngờ được tin dữ: Thầy đã trở về cõi vĩnh hằng, nơi an nghỉ của một kiếp nhân sinh vui ít buồn nhiều. Tự lòng tôi vẫn có chút man mác khi hoài niệm những tháng năm bên thầy, mà không bao giờ níu lại được.
Nay viết vài dòng sơ lược, quấy quá này để tưởng niệm Người Thầy mặc dù tôi không được theo học nhưng để lại những dấu ấn khó phai trong tâm hồn non trẻ của cậu bé thuở nào!
Hôm nào đó, trong lúc vui đùa, các con tôi hỏi:
- Giả sử bây giờ cho ba làm người trẻ dại, thì ba sẽ làm gì?
Không cần suy nghĩ, tôi trả lời ngay:
- Ba chỉ thích làm đứa trẻ đứng bên lớp nghe thầy Triệp dạy học. Như Thừa Cung khép nép đứng lén nghe ông Từ Tử Thịnh giảng sách. Và lớn lên cũng vẫn hành nghề dạy học như thầy đã làm dù gặp phải cảnh ngộ khó khăn, nguy biến cũng vẫn không bao giờ đổi thay…
Mấy đứa con tôi vô cùng xúc động. Bần thần, không biết nói gì.
Im lặng.
Trong giây phút bâng khuâng, tôi muốn gào lớn: Thầy ơi! „

HỒI ỨC | NGUYỄN XUÂN CHIẾN |
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 142 |