VẤN ĐỀ TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trang phục của người cư sĩ có kiểu mẫu đa dạng, tùy theo thời đại, tùy theo dân tộc tính.
Người Phật tử trong sinh hoạt xã hội, trang phục tùy thích, sao cũng được. Nhưng đừng quá lố, bất xứng với tư cách đạo đức, hạnh kiểm của một Phật tử tục gia; không để cho người khác cười chê và đánh giá thấp đạo đức của mình. Như vậy là tốt rồi.
Nói về trang phục của người Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo, khi đến chùa, khi gặp gỡ tiếp kiến chư Tăng. Đức Phật không có một qui chế nào về trang phục của các cư sĩ. Nhưng hãy thử hình dung cách quan niệm về trang phục của những vị thánh cư sĩ thời Đức Phật khi họ đến chùa, thì từ đó suy ra được nguyên tắc căn bản về trang phục của Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo.


Ngày nọ, bà Visākhā sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe pháp, bà đang trang phục với chiếc áo choàng nạm ngọc quí giá, sang trọng cực kỳ. Nhưng lúc đến cổng chùa bà chợt nghĩ "Trước mặt Đức Thế Tôn mà ta trang phục rực rỡ như thế này thật không thích nghi". Nghĩ vậy bà cởi chiếc áo choàng quí giá ấy và gói lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ, rồi mới vào chùa đảnh lễ Đức Phật và nghe pháp.
Người Phật tử trang phục nên biết một số nguyên tắc sau đây:

Khi ra ngoài xã hội vẫn có thể mặc theo model thời trang, nhưng:

- Không quá lố lăng, làm ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức.
- Không quá lòe loẹt màu sắc, làm cho người khác có ấn tượng khó chịu.

Khi đến chùa, tiếp xúc với chư Tăng, mặc dù không bắt buộc trang phục hình thức nào, nhưng người Phật tử:

- Nên trang phục lịch sự kín đáo
- Nên trang phục giản dị hòa hài
- Nên trang phục sạch sẽ trang trọng.

Có câu nói "Nhìn trang phục biết tư cách"; quả thật vậy, người trang phục lịch sự kín đáo là người biết tự trọng; người trang phục giản dị hòa hài là người dễ dải cởi mở; người trang phục sạch sẽ trang trọng là người biết tôn trọng người khác.
Tóm lại, sự trang phục chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng người Phật tử cũng nên chú ý cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với cương vị người tu hiền, giữ được phẩm chất đạo đức, không gây trở ngại cho việc tu tập. Như vậy là phải lẽ.

VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Ngôn ngữ là phương tiện thông tin, phương tiện giao tiếp. Ngoài hai ý nghĩa trên, ngôn ngữ theo Phật giáo còn là tác nhân hình thành nghiệp quả (khẩu nghiệp) đưa đến an vui hoặc đau khổ nữa.
Dùng ngôn ngữ nếu biết cẩn trọng sẽ đem lại lợi lạc, bằng như ngôn ngữ bừa bãi sẽ mang đến tai ương. Người Phật tử cần phải tu tập khẩu nghiệp, cũng như tu tập thân nghiệp và ý nghiệp vậy.
Có năm loại ngôn ngữ gọi là thiện ngôn (subhāsita) mà người Phật tử nên áp dụng trong sinh hoạt giao tiếp và thông tin:

1- Nói hợp thời (Kālena bhāsitā) là nói đề tài hợp với hoàn cảnh, đúng lúc, đúng người; dù nói thiện pháp nhưng phi thời cũng không hay. Người Phật tử phải biết lúc nào nên nói gì; nếu thấy nói không hợp thời thì thà rằng giữ im lặng.

2- Nói chân thật (Sacca bhāsitā), là nói lời thật, nói đúng sự thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Người Phật tử không nói dối, không nói sai sự thật; nếu thấy nói thật sẽ gây bất lợi có thể làm hại mình hại người thì nên im lặng, hoặc nói lảng chuyện khác khi không thể im lặng.

3- Nói nhã nhặn (Saṇha bhāsitā), là nói lời thiện cảm, lời nói làm cho người nghe thông cảm đến tim. Người Phật tử khi nói chuyện xã giao nhất là khi tiếp xúc với chư Tăng, nên dùng cam ngôn mỹ từ, nói chuyện nhã nhặn, không nên thô lổ, to tiếng, dù gặp chuyện bất bình cũng thế.

4- Nói hữu ích (Atthasañhita bhāsitā), là nói những đề tài liên hệ lợi ích thiết thực. Người Phật tử phải tu dưỡng tâm trí, vì vậy nếu có nói chuyện với ai chỉ nên nói chuyện gì đáng nói để không làm mất thời giờ làm việc hay thời giờ tu dưỡng. Ngoài xã hội thì nên nói điều lành mạnh có lợi ích trong sinh hoạt cuộc sống; khi vào chùa thì nên bàn luận điều thiện có lợi ích tiến hóa về tri kiến tu tập.

5- Nói với từ tâm (Mettācitta bhāsitā), là nói với tâm hiền thiện mát mẻ, không sân giận, độc hiểm. Người Phật tử khi tiếp xúc, nên có ý niệm "Mong tâm ta luôn mát mẻ, trong hoàn cảnh nào cũng nói bằng tâm từ không bằng tâm sân"; cho dù lúc quở trách người khác lầm lỗi cũng chỉ nên nói với ý tốt, xây dựng nhau, và giúp nhau tiến hóa thôi.

Đó là năm hình thái ngôn ngữ mà người Phật tử nên biết và áp dụng trong cuộc sống giao tiếp; khi tiếp xúc với chư Tăng là đối tượng khả kính thì người Phật tử cần phải ngôn ngữ thích hợp và tốt đẹp hơn nữa để không mắc lỗi lầm khẩu ác nghiệp.


THERAVĀDA - Phật giáo Nguyên Thủy - CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét