Trà Đạo - một loại hình Nghệ thuật Nhật Bản - Hướng dẫn pha trà và thưởng thức trà

Trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12.
Theo truyền thuyết của Nhật Bản, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.


Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật.
Từ việc đơn giản uống trà, chuyển sang cách pha và uống trà, rồi nghi thức thưởng thức trà cho đến khi đúc kết thành trà đạo, đây là một tiến trình không ngừng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo lý với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo không đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách: trước tiên, hòa mình với thiên nhiên, để từ đây tu sửa tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ.
Với tên gọi sadou, hiểu theo tiếng Hán nghĩa là “Trà đạo”, nghi thức Trà đạo Nhật Bản luôn được hiểu theo một cách nghỉ đơn giản là “Cách uống trà Nhật Bản” hay là “Nghệ thuật pha và uống trà Nhật Bản”. Ngay cả những nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài vẫn luôn chuyển ngữ thuật ngữ “Trà đạo” thành “The way of Tea”, tạm dịch là “Cách thức uống trà”.
Tuy nhiên, qua những gì trình bày ở trên, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nghi thức Trà đạo Nhật bản trong văn hoá Nhật Bản.
Vì được hình thành dựa trên triết lý Thiền, nên thật ra nghi thức Trà đạo Nhật Bản nhằm thể hiện các triết lý Phật giáo Thiền tông.
Theo triết lý Thiền, thì con người là một tiểu vũ trụ nằm trong đại vũ trụ là thế giới tự nhiên. Cuộc sống của con người có rất nhiều điều chưa lý giải được nguyên nhân và bản chất. Để lý giải được những thắc mắc, con người phải hoà tâm trí mình vào tự nhiên – nói cách khác là để tiểu vũ trụ hoà vào đại vũ trụ – bằng cách tĩnh lặng tâm trí, không bị chi phối bới bên ngoài.
Các nhà sư thì dùng cách Tọa thiền nơi sơn dã, tĩnh lặng để thực hiện triết lý trên. Hoặc là xây dựng những phong cảnh hoang dã giả tạo nơi khuôn viên chùa để thực hiện việc toạ thiền. Còn người dân Nhật Bản đã thực hiện triết lý trên thông qua nhiều phương cách khác nhau, trong đó có việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật Bản.
Vậy thì ý nghĩa đích thực của “Trà đạo” trong văn hoá Nhật Bản phải được hiểu là “Hoà hợp con người với thiên nhiên qua thao tác pha và uống trà”.





...   Tinh thần của Trà Đạo được thể hiện qua 4 chữ : Hòa - Kính - Thanh - Tịnh Mặc dù không thể diễn tả hết được ý nghĩa của 4 chữ trên bằng ngôn từ, nhưng về mặt giải thích, chúng ta có thể hiểu như sau: Hòa có thể được hiểu như sự hài hòa giữa Trà Nhân và Trà Thất, giữa những Trà Nhân với nhau, và giữa Trà Nhân với những dụng cụ pha trà. Nó như một sợi dây tạo một mối giây liên kết khăng khít về những hiện hữu tại giây phút hiện tại. Chữ Kính, chứ kính này ngoài mặt chữ là sự tôn kính, kính trọng, hay tôn trọng những Trà Nhân, những sự vật hiện hữu tại giây phút trong hiện tại xung quanh, mà nó còn thể hiện một sự trân trọng, biết ơn. Một nghệ thuật sống của sự khiêm nhường, giảm cái tôi và ngã chấp. Để từ đó, chữ Thanh sẽ được thể hiện rõ hơn. Chữ Thanh là sự thanh khiết, khiết tịnh trong tâm, một cái thâm thánh thiện, hài hòa, khiêm nhường. Và khi Hòa - Kính - Thanh đều đạt được đến một mức độ nhất định thì chữ Tịnh sẽ xuất hiện. Tịnh ở đây chỉ còn là mặt kết quả, khi tâm hoàn toàn được an trú tại giây phút hiện tại, con người sẽ ý thức được từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói và mọi sự vật xung quanh. Không còn quá khứ, không tương lai, mọi sự chỉ trong giây phút này, tại đây và ngay bây giờ. Con người sẽ đạt đến một trạng thái cao về mặt tinh thần và tâm linh. Một sự an lạc và hạnh phúc thưc sự. Và bốn chữ Hòa - Kính - Thanh - Tịnh như là một thước đo của mỗi Trà Nhân để có thể biết được mình đang ở đâu trên con đường Trà Đạo. Chính những giá trị vô cùng độc đáo, nhưng đầy giá trị về nhân văn, Trà đạo không chỉ trở thành một nét văn hóa độc đáo của đất nước Nhật Bản, mà nó còn thể hiện một nét văn hóa đầy tính nhân văn ở cấp độ cao của đất nước này.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét