Khổng Tử và Luận Ngữ.
Ông sống từ năm 551 đến năm 479 trước Tây Lịch.
Là người sáng lập Đạo Nho, ông không đặt năng vấn đề sáng tác. Ông chỉ chuyên sưu tập và hiệu đính những gì đã có trước ông, kể cả những bài thơ dân gian, những tryền thuyết, những biến cố , truyện xưa, tích cũ, rồi thêm vào những lời bàn, mà ông gọi là lời thoại, để dậy học trò. Các bài giảng của ông ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tuởng con người. Ông sống trong một thời đại mà sự sống còn của các các quốc gia dựa trên Sức Mạnh hơn là Đạo Đức. Thời đại của hỗn loạn, phân chia, và chiến tranh không dứt giữa các nước chư hầu. Ông chính là người đã làm đổi thay nhân loại khi đề cao những giá trị tinh thần, và chống lại bạo lực. Con người sinh ra ai cũng như ai. Tất cả đều là anh em(Tứ hải giai huynh đệ) tất cả đều bình đẳng. Cư xử với nhau phải tử tế, đó là tình Nhân Loại. Phải sống cho có lương tâm, cho tử tế. Không bắt người khác phải chiụ những điều mà mình không muốn chịu.
Nghĩ tới mình, là đúng rồi, nhưng phải nghĩ đến người khác nữa !
Phải Trung Dung, không thể ỷ mình mạnh rồi dành hết lẽ phải về mình. Ông dậy cách xử thế, cách cư xử.Những nguyên tắc về xử thế, về cư xử của ông trở thành nền tảng của Nho Giáo. Đó chính là Đạo Làm Người. Nói rõ hơn : “quân tử”.
Khổng Tử tuy được gọi là Vạn Thế Sư Biểu nhưng ông không viết những nguyên tắc làm người này trên giấy trắng, mực đen. Cách dạy của ông là cách dậy “Gián Tiếp”.
Luận Ngữ là một tập hợp những câu chuyện ngắn được ghi lại bởi các học trò của ông. Những câu chuyện này có thể hiểu là những câu chuyện ngụ ngôn, một cách giáo dục ở trình độ cao cấp nhất. Sau này, có một người thành công được một phần nào cách giáo dục đó. Người đó là ông La Fontaine mà tên tuổi dính liền với những bài thơ ngụ ngôn mà chúng ta ai cũng đã có học qua.
Xin quý độc giả hãy cùng tôi đọc lại một vài truyện ngụ ngôn này.
1) Thí dụ một : Nói về cách xử thế
Tử Cống hỏi : Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời hay không ?
Thầy đáp : Có lẽ là chữ Thứ chăng. Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. (Luận Ngữ XV-24)
2) Thí dụ 2:Luận Ngữ, chương Công Dã :
Công Dã viết : Quý Văn Tử tam nhi hậu hành (Nghĩa là Quý Văn Tử làm việc gì cũng nghĩ đi, xét lại ba lần rồi mới làm.
Tử văn chi viết : “tái, tư kha hỉ” (Nghe ấy, đức Khổng Tử nói : “Hai lần, ấy đã khá vậy”
3) Thí dụ 3 : Khổng Tử và vụ cháy chuồng ngưa
Sách Luận Ngữ có chép lại một câu chuyện nhỏ :
Từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy. Khổng Tử nói :”Có ai bị thương không?” Ông không hề hỏi về ngựa.
4) Thí dụ 4 : Chữ Hiếu
Tử Du hỏi về chữ Hiếu .
Khổng Tử trả lời : Hiếu ngày nay có nghĩa là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến loài chó ngựa cũng đều được nuôi. Nếu không có lòng kính thì làm thế nào phân biệt được ?
5) Khổng Tử dưới mắt người con
Tràn Khang (học trò) hỏi Bá Ngư (con của Khổng Tử)
- Ông là con của thày, ông học được gì (nơi thầy) mà chúng tôi là người ngoài không được học ?
Bá Ngư đáp :
-Tôi cũng chẳng học được điều gì khác biệt đâu. Một hôm, tôi chạy qua sân một cách vội vã. người hỏi tôi : Con đã học Kinh Thi chưa? Tôi trả lời : thưa cha, chưa học. Người nói : Người nào không học Kinh Thi, không thể diễn đạt đúng cách tư tuởng của mình. Thế là tôi học Kinh Thi. Một hôm khác, tôi lại chạy vội qua sân. Người trông thấy, lại hỏi : Con đã học Kinh Lễ chưa. Tôi trả lời : Thưa cha, con chưa học. Người dạy : Kẻ nào không học Kinh Lễ, không thể cư xử cho phải đạo. Thế là tôi lại về phòng học Kinh Lễ. Đấy là những gì tôi học được nơi cha tôi.
Lời Bàn Thêm.
Chúng ta vừa đọc vài đoạn nhỏ trong Luận Ngữ. Khổng Tử tự coi mình là người truyền đạt lại cái đã có mà không phát minh ra thứ gì khác. Vậy mà chính ông đã làm đổi thay con người, cho muôn đời, và ở muôn nơi. Không hạn hẹp trong thời gian và không gian.
Khổng Tử không viết Luận Ngữ. Chính các học trò của ông đã hoàn thành tác phẩm này bằng cách ghi lại những gì « thầy đã nói ». Vì thế, có người đặt câu hỏi : có thực « thầy đã nói » như vậy hay không ?
Câu hỏi được đặt ra vì sau này có nhiều kẻ mạo danh Khổng Tử đề viết ra những tư tưởng lệch lạc, những lời xằng bậy.Thời nhà Hán (206 trước J.C, nghĩa là 3 trăm năm sau khi Khổng Tử chết), các vị vua tận dụng khai thác những lời dậy của Khổng Tử để tạo ra một tầng lớp quan lại phục vụ cho nền quân chủ. Tệ hại hơn nữa, họ bịa đặt ra những « thầy đã nói » mạo hóa. Điển hình là câu :Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung, có nghĩa là vua xử tôi chết, tôi không chết, tôi không trung. Câu này do Đổng Trông Thư viết ra, mượn danh Khổng Tử để bảo vệ trung ương tập quyền.
Bởi vậy chúng ta phải rất cẩn thận khi đọc các tác phẩm nói về Khổng Giáo.
Dù sao chăng nữa, Luận Ngữ chính là một tác phẩm đã làm đổi thay nhân loại.
Trình Y Xuyên nói rất đúng : Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn tính nết như trước, thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy.
MH chuyển bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét