Mười Năm Gió Thổi Ngược Xuôi

Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông.

(Phạm Công Thiện - Ngày Sinh Của Rắn, VIII)


Bài thơ đẹp rực rỡ như một buổi sáng mùa hè trên đồi thông Nha Trang. Nó thu hút mình từng chữ, từ câu đầu đến câu cuối, từ đồi tây qua đồi đông, từ bóng chim gầy cho tới tiếng gà xơ xác, từ một sớm em về cho tới một sớm em vẫn còn ở lại, từ ngày cỏ hồng quê hương còn hiu hắt cho tới một hôm bông hồng cửa đông nở mênh mông.
Quang cảnh quá cuốn hút, tiếng thơ quá nhịp nhàng, ý thơ quá bóng bẩy, nó buộc mình phải chú mục ngắm nghía không rời, nó mấy lần níu kéo mình dừng lại, mỗi câu mỗi vấn vương, mỗi đoạn mỗi chú tâm trầm ngâm ngẫm nghĩ dùng dằng.

Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây

Ai đã biết đến Phạm Công Thiện, đều không xa lạ với những tác phẩm triết học đồ sộ của con người lỗi lạc ấy. Những tác phẩm triết học của ông, vốn mang theo nhiều luồng tư tưởng cốt tủy của triết học Đông Phương và Tây Phương, đã thổi một luồng sinh khí mới cho văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Những tác phẩm đồ sộ thời tuổi trẻ ấy, nếu không được giới thiệu trước, nếu là độc giả chưa quen, khó có thể tưởng tượng được rằng tác giả của nó mới chỉ là một chàng trai đang ở độ tuổi hai mươi.
Thử lướt qua một vài tựa sách đầu đời của vị giáo sư triết học ấy, nhà thơ ấy, nhà văn ấy, tu sĩ Phật Giáo ấy, một dịch giả uyên thâm sinh năm 1941 ấy:

- Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học (xuất bản năm 1964),
- Bồ Đề Đạt Ma (1964),
- Hố Thẳm Tư Tưởng (1967),
- Im Lặng Hố Thẳm (1967),
- Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thật (1967),
- Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng (Krishnamurti, PCT dịch,1968);
- Về Thể Tính của Chân Lý (Martin Heidegger, PCT dịch, 1968)
- Henry Miller (1970),
- Ý Thức Bùng Vỡ (1970)
- Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn (1970),
- Nikos Kazanzaki (1972),...

Những tác phẩm kể ra tượng trưng ấy là kết quả sáng tạo từ những luồng cộng hưởng của những ngọn GIÓ tư tưởng của nhân loại, ngọn GIÓ triết học đông phương và triết học tây phương. Con người tuổi trẻ mà đầu óc dường như lúc nào cũng tràn ngập suy tư triết học ấy, Phạm Công Thiện, con người ấy lúc nào cũng say sưa lục lọi trong hàng núi kinh sách, miệt mài tìm kiếm trong từng rừng cảo thơm, từ đông phương sang tây phương, từ cổ đại tới hiện đại, để chắt lọc cái cốt yếu và ghi chép thành hàng loạt những câu hỏi nảy lửa và câu trả lời thường gây choáng váng. Con người tuổi trẻ sôi nổi ấy lúc nào cũng đặt nghi vấn, lúc nào cũng tỏ ra nóng lòng muốn trả lời ngay những câu hỏi hóc búa về tồn sinh, muốn lột trần ngay những sự thật về thiện ác mà tiền nhân cứ ỡm ờ úp mở, muốn chọn lựa cho thấu đáo thái độ sống cho ra sống giữa cuộc đời nửa như thật nửa như mộng, muốn từ chối dứt khoát việc tụng niệm lê lếch trên lối mòn phiền não lê thê, muốn khai mở cho chính mình và cho những trái tim giống mình một vầng nhật có thật trên mặt đất trần gian – trần gian mà “bể khổ đã lan rộng”, trần gian mà “sa mạc đã lớn dần”, trần gian mà ánh sáng chân lý chỉ hiu hắt đến thảm sầu, bạc nhược đến phi lý, mơ hồ đến tưởng chừng không có thật.

Mười năm qua GIÓ thổi đồi TÂY
Tôi long đong theo bóng chim gầy

Mặc kệ bộ óc thông tuệ, mặc kệ trái tim nhiệt huyết, tôi vẫn phải chịu long đong theo bóng chim gầy lận đận mười năm. Mười năm tròn hay là mười năm méo, điều ấy chẳng ngại chi, vì sâu thẳm trong lòng, giấc mơ giác ngộ ấy vẫn còn được ấp ủ thường xuyên, giấc mơ rửa sạch phiền não ấy vẫn được nung nấu hằng ngày, hình bóng “em” – giác ngộ -- vẫn hiện diện trong mỗi giấc mơ buổi sáng, bông trời hy vọng vẫn bay trắng cả rừng cây tư tưởng, Phạm Công Thiện vẫn đứng đó trên đồi thông nhân loại, lắng nghe gió suy tư thổi liên tiếp từ muôn hướng cõi đời tiên tục.

Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Phạm Công Thiện vẫn đứng đó trên đồi thông, im lặng, lắng nghe, hy vọng. Ngọn gió suy tư vẫn thổi vi vu, vẫn đến và đi từ muôn hướng cõi đời, từ chính mình hay từ bên ngoài mình, từ đồi tây hay đồi đông, từ triết học Hy Lạp hay triết học Ấn Độ, từ Heraclite hay Bồ Đề Đạt Ma, từ Heidegger hay Krisnamurti, từ Henry Miller hay Nikos Kasanzaki, từ Ghandi hay Nietszche, dù sao dù sao, dù sao thì suy tư mình vẫn còn long đong lận đận bên đồi. Bao nhiêu năm nghe gió bên đông vi vu, bao nhiêu năm nghe gió bên tây rì rào, rồi một hôm nhìn lại chính mình, rồi một hôm nghe ngóng tự mình, hỡi ôi, chừng như mê muội vẫn còn đó, chừng như sân si vẫn còn đây, chừng như phiền não vẫn bám trụ không rời. Cõi bờ thanh tịnh vẫn chìm khuất trong sương mù vô minh. Suối nguồn an lạc vẫn biệt vô âm tín. Xót lòng thay, cảm thấy bờ bến mộng vẫn cỏ hồng hiu hắt. Thân tâm tôi vẫn còn long đong theo bóng chim gầy vô định, bất an.

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Mặc dù hôm nay bến cỏ hồng hiu hắt như vậy, tôi vẫn kiên nhẫn đeo đuổi ý nguyện cỏ hồng nở hoa rực rỡ ngày mai, ý nguyện được giải thoát trọn vẹn khỏi mọi ràng buộc phiền não, được dứt khoát viễn ly sự quấy nhiễu của mọi mộng tưởng điên đảo. Tôi, tôi vẫn mơ ước ngày mà mình được khai ngộ, ngày mình nhìn thấy ánh sáng chân lý trổ bông trong tôi, trên đồi thông tư tưởng đông tây của tôi.

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông

Bốn mùa gió thổi đi qua, xô đẩy tự nhiên tâm hồn tôi xuôi ngược. Hố thẳm suy tư nào chi phối, ý thức văn nghệ nào tung hoành, mà đã khiến tôi quặn thắt trong từng khoảnh khắc ưu tư? Lúc lạnh lùng vội vã ly hương, khi nhớ nhung quấn quít quê nhà. Tưởng xuất thế để đoạn trừ hệ lụy thế tục, tưởng nhập thế kỳ cùng là hóa giải những xung đột thế gian. Nhưng, hỡi ôi, ngày theo ngày, càng ly hương càng lạc lối, càng cầu vọng bến xa càng xơ xác vườn gần.

“Phàm phu bất liễu tự tánh, bât thức thân trung tịnh độ, cầu đông cầu tây. Ngộ nhân độ xứ nhất.” (Kim Cương Kinh).

Phàm phu không biết rõ tánh của chính mình, không hiểu cõi tịnh độ ở trong chính mình, cho nên họ cứ viễn vông đi cầu vọng tịnh độ từ muôn hướng bên ngoài. Còn ngộ nhân thì không cầu vọng tịnh độ từ bên ngoài, mà hóa độ chính mình để được thanh tịnh. Độ xứ nhất, cầu ở chính mình. Mình tự mình giải thoát cho mình. Không có thế lực nào từ bên ngoài có thể giải thoát thay cho chính nỗ lực của mình.

Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông

Sau rất nhiều buổi sáng mơ thấy em bên cửa, buổi sáng hôm nay bất chợt bông hồng em đã nở ra ở cửa đông, không phải nở trong giấc mơ nữa, mà là sự thật rộn ràng. Tôi đã chọn lựa một cuộc qui hồi. Qui hồi cố quận. Chèo thuyền mình ngược dòng trở về nhìn lại cỏ hồng bến cũ hồn quê. Hồi đầu thị ngạn, quay đầu thấy bến. Trở về quê hương, trở về chính mình, tìm lại bản lai diện mục của chính mình. Hóa thân thành hài nhi, sống như một hoàng tử bé, an nhiên như một Nam Hải Điếu Đồ.

Nam Hải Điếu Đồ
Trụ vô ngại xứ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
(Bùi Giáng, Mưa Nguồn, Nam Hải Điếu Đồ)

Vì “trụ vô ngại xứ”, trụ tại vị trí không chướng ngại, không chủ quan cho rằng có cái gía trị hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, không độc đoán trì thủ một quan điểm máy móc nào, không đứng ù lì tại một lập trường cố định nào, vì vậy mà giữ được tâm mình tịch tĩnh, không thiên lệch, không bị lung lay chao đảo. Khi tâm tịch tĩnh, thì thân tâm cứ thản nhiên chu du giữa thế gian nhẹ nhàng không chướng ngại.

Nam Hải Điếu Đồ
Trụ vô ngại xứ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần

Mặc dù chu du nhẹ nhàng như không, nhưng không phải vì vậy mà thành kẻ lơ đễnh, không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Nhưng, chính nhờ trí thường sáng, tâm thường tịnh, nên không bị mây mờ vô minh che khuất, có thể khách quan nhìn thấy hết vạn sự, am hiểu rạch ròi vạn tượng. Và mặc dù tham dự vạn sự hằng hằng, nhưng vì “trụ vô ngại xứ”, vì tâm tịch tĩnh, tâm thường sáng, bất nhiễm, cho nên chẳng vướng lụy vào vạn sự trần gian, cho nên vẫn tuyệt nhiên độc lập với bao nhiễu loạn hồng trần.

Đó là giờ phút của những buổi sáng thênh thang mà vườn hồng giác ngộ nở trên rừng thông mênh mông ở cửa đông sau mười năm gió thổi bốn bề.


NGUYEN QUANG THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét