Bí ẩn ‘Giếng nước hiểu tiếng người’ ở Cao Bằng

Chuyện kể về mó nước lạ Rằng Phặc ở xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng hễ nghe thấy ai đọc câu “thần chú” là nước dâng lên “ào ạt”, mỗi ngày có tới vài trăm người từ đủ mọi nơi tìm về đây để được “mục sở thị” giếng nước kỳ bí.


Nhiều người kể lại rằng bất kỳ ai đứng trước mó (vũng, giếng, hố) nước trên, đọc câu thần chú: “Tý Xằm, tý Sọi, tý Mọi, lặc ngần, lặc sèn, au lẹo nớ, mà chẳng lớ” (Dịch là: Con Xằm, con Sọi, con Mọi ơi! Có kẻ đến lấy cắp hết vàng bạc rồi lớ, về giữ lấy lớ!). Sau tiếng “lớ”, từ dưới lòng một khe đá hình tròn có diện tích chỉ bằng cái mâm ăn cơm, nước bắt đầu đùn ra ào ạt.
Một người dân đang đọc “thần chú” gọi nước dâng ở Mó nước Rằng Phặt. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Rằng Phặc giống như một cái ao cạn rộng khoảng 100 m2, ở đáy ao có một rốn nước to khoảng bằng chiếc mâm. Phía bên phải rốn nước là một vách đá cao khoảng hơn 1 m có vài cây tạp mọc lưa thưa. Xung quanh mó nước hầu như lúc nào cũng có chừng vài chục người vây quanh. Đa số họ là dân ở các huyện lân cận, còn lại là khách du lịch tới xem “mó nước kì lạ”.
Mong muốn thực chứng hiện tượng kì bí, hai nhà địa chất học là TSKH Vũ Cao Minh và TS Nguyễn Hữu Hùng đã lên tới địa bàn để khảo sát. Để tránh những can nhiễu gây náo loạn hiện trường, hai vị tiến sĩ đã có mặt tại mó nước ngay từ lúc vùng núi “Hồng Quang còn đang ngủ”.Các phóng viên Đài PTTH Cao Bằng với camera chuyên dụng cũng nín thở “theo dõi” hai vị chuyên gia địa chất tác nghiệp. Kết quả quan sát được: Khi chưa bị “tấn công” bởi đám đông hiếu kỳ, mó nước dâng lên, rút đi rất “nhạy”.Nó cũng nhạy hơn với các âm thanh xao động. Trong vài tiếng đồng hồ thực hiện các thao tác điều tra, nghiên cứu, 2 nhà địa chất đã ghi nhận được sự biến động (nước lên, nước xuống) của mó nước. Đó là những hoạt động lên xuống với mức nước và thời gian để dâng nước, rút nước không đồng đều.Đặc biệt, trong quá trình nước dâng lên, nếu có tác động của âm thanh (tiếng gọi, tiếng hú) thì nước lên nhanh hơn, nhiều hơn. Đông đảo người có mặt đều ồ lên, thú vị trước một hiện tượng đẹp: nước dâng lên tới 16cm sau khi có tiếng gọi.Sau khi tìm hiểu ở hiện trường, các nhà khoa học khẳng định: Việc nước ở Rằng Phặt dâng lên khi có tác động của âm thanh là có thật; điều đó hoàn toàn có thể lý giải được bằng nguyên lý khoa học, đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý và bảo vệ mó nước trước khi nó bị phá hủy hoặc bị những tác động xấu làm chấm dứt hiện tượng tự nhiên hy hữu, hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đời sống cũng như trong nghiên cứu khoa học đó.
Những ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, không phải tất cả ai lên đến nơi đều thấy được hiện tượng kỳ lạ của mó nước.Anh Dương Văn Quân, quê Nam Trực, Nam Định kể lại: “Nghe báo viết là chỉ cần hô to hoặc đọc thần chú là nước đùn ra ào ạt, cuồn cuộn. Vậy mà bọn em đứng đây cả tiếng đồng hồ rồi, nhờ người dân gọi mãi mà chẳng thấy nước ra”. Anh Quân vừa dứt lời, có tiếng một người hô to: “Nước ra kìa, ra kìa”. Cả mấy chục con mắt đổ hết về phía mó nước.
Quả là nước đang dâng lên thật, nhưng nhè nhẹ, từ từ chứ không hề ào ạt. Theo quan sát, nước ở mó dâng khoảng 2 đốt tay rồi lại từ từ rút xuống, rồi lại dâng lên cứ như thế khoảng 3 – 4 lần là kết thúc. Chỉ có điều những lần dâng sau bao giờ cũng chậm và ít hơn lần đầu.
Truyền thuyết xưa
Câu “thần chú” gọi nước xuất thân từ chuyện kể về “huyền thoại” Rằng Phặc: Đời xưa, có người đem vàng bạc đựng vào 3 chiếc hòm to chôn giấu dưới lòng hang, rồi bắt 3 cô gái đồng trinh tên là Xằm, Sọi, Mọi về chôn sống làm thần giữ của. Hễ nghe thấy tiếng động của kẻ cắp là 3 cô dâng nước lên để dìm chết những kẻ tham lam.
Mặc dù không có kẻ cắp nhưng hễ nghe thấy tiếng dân làng truy hô là 3 cô cũng dâng nước lên, tục gọi nước phát sinh từ đây. Đây thực sự chỉ là tích chôn vàng bạc và thần giữ của được các thầy mo, thầy tào của địa phương dựng lên để giải thích hiện tượng lạ này. Tất cả xin hãy chờ vào kết luận của các nhà khoa học.
TinhHoa tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét