Hoàng đế Càn Long cải trang thành dân thường vi hành đến Tái Bắc. Khi đó là vào tháng Hai đầu xuân, Giang Nam đã bước sang mùa xuân cỏ cây xanh tốt, nhưng Tái Bắc thì chỉ vừa mới tan tuyết.
Càn Long nhìn tuyết đọng trên đỉnh núi, liền xuất khẩu một câu đối: “Tuyết hóa sơn lộ cốt”, ý rằng tuyết tan thì núi xuất hiện. Hai vị đại học sĩ đi theo Càn Long nhìn nhau, bối rối không biết ứng đối làm sao, trong miệng cứ lặp lại câu đối: “Tuyết hóa sơn lộ cốt, tuyết hóa sơn lộ cốt…”
Lúc này, chợt nghe phía sau có người ứng đối một câu: “Hà khai thủy bái bì”, ý rằng, nước sông nóng có thể lột da.
Càn Long quay đầu lại xem, nhìn thấy người ứng đối là một tiều phu với gánh củi trên vai và búa đeo ở hông. Càn long nghĩ thầm: “Tiều phu này nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt, nhưng khả năng dùng câu từ rất sắc bén và nhanh nhẹn, không biết rốt cuộc hắn có bản sự gì”.
Càn Long tay chỉ vào gánh củi, rồi lại xuất ra một câu đối: “Thử mộc vi sài sơn sơn xuất”, ý rằng củi từ gỗ trong rừng mà ra. Tiều phu không chút hoang mang, đổi gánh củi qua vai bên kia, đáp lại: “Nhân hỏa thành yên tịch tịch đa”, ý rằng, lửa sẽ biến thành khói mỗi lúc chiều tà.
Càn Long thấy tiều phu ứng đối lưu loát, trong tâm vô cùng thích thú. Phía trước mặt Càn Long là một chiếc cầu dây, nên ông liền ra câu đối: “Kiều khóa thanh khê thông Nam Bắc”, ý rằng cây cầu vắt qua con suối nhỏ có thể nối liền Nam Bắc. Tiều phu cười ha ha đáp lại: “Động quá cao sơn sướng Đông Tây”, ý rằng, hang động xuyên qua núi cao có thể thông suốt Đông Tây.
Càn Long tiếp tục ra thêm câu đối: “Bích thượng long, họa trung long, chân long thị kiền long”, ý rằng rồng trên vách đá, rồng trong bức họa, rồng thực sự là Càn Long.
Càn Long nghĩ thầm: “Câu đối này dùng chữ ‘Long’, ý là thiên tử, thiên hạ độc tôn, còn nhắc đến cả niên hiệu của ta, xem ngươi làm sao có thể đối lại câu này!”.
Tiều phu liếc nhìn Càn Long một cái, mở miệng nói: “Tịnh sĩ Phật, kim thân Phật, hoạt Phật thị ngã Phật”, ý rằng, Phật nơi đất tịnh độ, Phật có thân vàng kim, Phật sống chính là Phật. Càn Long sau khi nghe xong, trong lòng không khỏi bội phục.
Trong tâm Càn Long vẫn muốn thử thách tiều phu. Thế là, ông lại ra câu đối: “Phi danh sơn bất lưu Phật vị”, tức là không phải danh sơn thì không có Phật vị. Rồi lập tức vén áo lên bước qua cầu. Tiều phu gánh củi đi lại trên cầu, chỉ xuống nước dưới cầu nói: “Thị thánh thủy thường nhiễu tiên hương”, ý rằng nước thánh thì sẽ thường chảy quanh thôn tiên.
Đây là lần đầu tiên Càn Long thấy một một chiếc cầu dây bắc qua con suối nhỏ ở giữa hai núi lớn như thế này, ông vừa lấy khăn lâu mồ hôi trên trán, vừa cao hứng nói: “Cước hạ sinh tường vân, đáo thử xử ứng đái kỷ phân tiên khí”, tạm dịch: Ở dưới chân có mây lành, đến đây chắc sẽ mang theo vài phần tiên khí.
Tiều phu bỏ gánh củi xuống, vái chào Càn long, nói: “Nhãn tiền vô tục chướng, tọa định hậu nghi sinh nhất điểm tường tâm”, ý rằng, trước mắt không có phàm tục che đậy, sau khi định lại nhất định sẽ sinh ra tâm lành. Nói rồi tiều phu gánh củi lên rời đi.
Càn Long thất kinh, người tiều phu sơn dã này lại có thể tinh tường mọi thứ, quả là không thể khinh thường. Ông nhìn về bóng lưng tiều phu ở đằng xa, cảm khái nói: “Mạc đạo biên ngoại vô thánh hiền, tiều phu dã năng ứng hoàng liên”, ý rằng chớ tưởng bên đường không có thánh hiền, tiều phu cũng có thể ứng câu đối của vua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét