TIẾNG VĨ CẦM XƯA

Những ai đã về Việt Nam, từng lui tới khu chợ Bến Thành, đều không lạ gì người hành khất mù, ôm cây đàn vĩ cầm cũ kỹ, đã và đang gieo vào lòng khách qua đường những âm thanh réo rắt của một bản nhạc duy nhất - chỉ một bản nhạc thôi – là bài hát “Trở Về Mái Nhà Xưa” của nhạc sĩ danh tiếng người Ý, và cũng là bài hát ngoại quốc mà tôi ưa thích nhất. Người ta đi rồi, còn ngoái cổ lại nhìn, khách ngoại quốc - những Tây ba-lô, Mỹ ba-lô, Nga ba-lô - đã không ngần ngại thả những đồng tiền lẻ vào chiếc mũ “phớt” đặt ngửa trước mặt người đàn ông hành khất này. Với tôi, lại càng bất ngờ - bất ngờ đến đông lạnh cả người - và thật sửng sốt - sửng sốt đến nỗi tôi không tin là sự thật - khi một người bạn thân cho biết đã khám phá ra chàng. Chàng, chàng vẫn ngồi đấy, say mê đàn, đôi khi cao hứng, chàng còn dùng cằm kẹp chặt thùng đàn vào cổ, rồi tung ra những âm thanh cao vút:
“Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan!
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan...
Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn.
Ôi lãng du quay về điêu tàn!”

Vâng, tôi đã về đây, sau bao năm xa cách quê hương. Tôi đã về đây, sau bao năm không có tin tức của chàng. Vì trước đó, tôi nghe tin chàng đã chết, đã ngã xuống tại một địa danh nổi tiếng nào đấy khi cuộc chiến chưa tàn. A-Sao, A-Lưới, Khe Sanh, Cổ thành Quảng-Trị, Hạ-Lào. Đúng rồi, tôi đã đọc mấy dòng chữ “Bố Cáo Thất Tung” về chàng đăng trên tờ báo Độc Lập. Tôi đã thấy khói hương nghi ngút trên bàn thờ chàng, tại căn nhà nhỏ của mẹ chàng tại khu Bàn Cờ, tấm ảnh bán thân với hai hoa mai trên cổ, cùng khóe môi cương nghị của chàng. Hình như tôi đã xin phép mẹ chàng để thắp cho chàng một nén nhang. Hình như tôi đã thì thầm nói nhỏ:
“Em đây! Em đây, Ngà đây anh Lâm này!”
Trên bàn thờ, chàng vẫn im lặng, trái với những lần gặp nhau trước đấy, chàng thường vít cổ tôi xuống mà hôn sau gáy tôi, chiếc gáy nõn nà mà chàng thường nói “Em có cái gáy đẹp nhất trần gian!”, để rồi sau đó, chàng đã cười xòa nghe tôi bảo “Anh có tài “nịnh” nhất trần gian, không ai bằng!”.Tôi đã về đây, vượt bao không gian xa cách, vượt quá nửa quả địa cầu, vượt cả một đại dương mênh mông, dự định sẽ làm một chuyến đi thăm quê hương từ Nam ra Bắc, từ Saigon qua các tỉnh miền Trung, nhất là phố Cổ Hội-An, nơi tôi đã lớn lên. Và tôi sẽ ra tận Hà Nội, nơi tôi đã sinh ra, để nhìn lại dòng nước xanh của hồ Hoàn-Kiếm, hồ Trúc-Bạch, hồ Thuyền-Quang, và để thực hiện nhiều ước muốn nữa. Nhưng không ngờ, sau lời mách bảo của một người quen thân về chàng, tôi đã bỏ hết mọi dự định, mọi ước muốn đã sắp đặt từ bên Mỹ, để chỉ hằng ngày ra đây câm nín nhìn chàng. Đã hơn một tuần qua, tôi ngồi tại góc bàn của quán cà-phê nổi tiếng này, nhìn sang bên kia đường, ngắm chàng không biết chán. Tôi thu vào đôi mắt sững sờ những sinh hoạt của chàng, cũng như tiếng đàn trầm bổng, réo rắt của chàng, chỉ độc nhất một bài nhạc “Trở Về Mái Nhà Xưa” ấy thôi. Mà mỗi lần nghe, tôi lại thấy những rung động trong tim mỗi lúc một khác. Khi thì thổn thức, nhớ nhung; khi lại ray rứt, yêu thương, khi thì bồn chồn, lo lắng; có khi chợt thấy phẫn nộ, bi ai:
“Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh...”

Nhiều lần, tôi đã định rời bàn, đến bên chàng, nói lên những gì cần nói, nhưng có một sức mạnh nào đấy kìm giữ đôi chân tôi đang bất động dưới gầm bàn. Một đứa trẻ nhanh như sóc, từ một chỗ nào đó, chạy đến đếm giúp chàng những đồng tiền trong mũ, vuốt thẳng thớm, xếp lại gọn gàng và trao vào đôi tay chàng. Buổi trưa, cũng nó đem đến cho chàng đĩa cơm hoặc tô mì, tô bún nghi ngút hơi nóng. Và cũng chính đứa bé trai lém lỉnh này đã giúp tôi xác định lý lịch chàng, khi từ bên này đường, nó khum hai bàn tay che quanh miệng và gọi lớn sang phía chàng:
“Chú Lâm ơi! Con qua bùng binh xin tiền nghe chú. Lát trở về, con mua đồ ăn cho chú luôn.”
Không còn gì hồ nghi nữa rồi. Khuôn mặt ấy, đôi môi ấy, tiếng đàn ấy và cái tên Lâm đã cho tôi biết người đưa tin không lầm lẫn chút nào. Tôi dợm bước sang bên kia đường khi tiếng đàn chàng tạm ngưng, nhưng nửa chừng đường, tôi lại quay trở lại khi chợt nhớ không biết phải nói sao cho chàng khỏi tủi, cho chàng khỏi tránh né tôi và cho chàng nhìn nhận chàng là... chàng! Lỡ chàng tủi hổ quá mà chối phắt, không biết tôi là ai, thì thật là bẽ bàng! Tôi trở lại bàn, kêu thêm ly nước chanh. Và bên kia đường, tiếng đàn lại réo rắt những âm điệu cao vút:
“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh!
Về đây với mầu gió ngày lang thang...
Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn!”
Tôi đưa ly nước chanh ngang tầm mắt để thấy hình ảnh chàng mờ mờ với cái cằm đang kẹp chặt thùng chiếc vĩ cầm vào cổ. Tôi nhắm mắt cho dòng nước mắt trào ra, thả hồn về những ngày tháng kỷ niệm xa xưa, khi tôi với chàng còn say đắm bên nhau, tay trong tay, chúng tôi đã rong chơi nhiều nơi trong thành phố, khi chàng còn là một nhạc công đệm vĩ cầm cho một ban nhạc tại vũ trường nọ. Rồi khi chàng nhập ngũ, mỗi khi về phép - những ngày nghỉ phép ngắn ngủi - đã cho chúng tôi những giây phút thần tiên bên nhau. Tôi tự hỏi: “Sao hồi ấy, tôi không có con với chàng? Phải chi có một đứa con, thì cuộc đời chúng tôi đã cột chặt với nhau rồi, dẫu cho chinh chiến có chia lìa, dẫu cho chàng có như thế nào.”
Nhưng tôi lại tê tái nhớ đến những viên thuốc ngừa thai tôi uống mỗi đêm, vì biết làm thế nào được, mỗi khi tôi nhắc đến chuyện cưới xin để hợp thức hóa việc sống chung, thì chàng đều gạt đi mà nói:
“Đời lính mà em không biết sao? Anh không muốn em trở thành một góa phụ quá trẻ, và anh cũng không muốn con chúng ta được học hành, thành đạt trong trường Quốc Gia Nghĩa Tử.”
Im lặng giây lâu, thả những vòng khói thuốc lá trên trần nhà, chàng tiếp:
“Muốn tránh hai điều đó, anh và em chỉ còn có cách là sống... như thế này!”
Nói rồi, chàng lại ôm chặt tôi, cả hai lại quấn nhau như những con bạch tuộc đến mùa động tình. Cuộc sống cứ thế trôi theo thời gian, tôi cũng không bao giờ tự hỏi tại sao tôi lại sống như thế này? Những ngày tháng chàng miệt mài hành quân, thì tôi cũng miệt mài trong cuộc đời tư chức, và những ngày nghỉ phép của chàng, thì tôi lại hối hả trong những cuộc truy hoan bên chàng. Chúng tôi, tính tình có điều không hợp nhau, khẩu khí có khi xung khắc nhau, nhưng về sự hưởng thụ ái tình, thì chúng tôi như một cặp sinh ra để mà quấn lấy nhau, bất kể ngày đêm, bất kể giờ giấc, và bất kể ngoại cảnh. Thế mà cuối cùng lại không cùng nhau đi hết đoạn đường đời, mới đáng tiếc chứ! Cuộc tình đứt đoạn khi trận chiến khốc liệt ở nhiều mặt trận trên quê hương, tôi đã mất dấu vết của chàng. Đơn vị gửi giấy báo cho mẹ của chàng. Phần tôi - người yêu lâu năm và người vợ chưa bao giờ cưới của chàng - được thông báo của mẹ chàng bằng những giọt nước mắt ngắn dài mỗi khi gặp mặt. Sau đó, tôi cũng buồn bã bằng cuộc sống buông thả và có một đứa con lai với một anh lính G.I. Anh lính Mỹ trẻ này quấn quýt tôi còn hơn chàng quấn tôi ngày xưa. Thế là mới hơn hai mươi lăm tuổi đầu, tôi đã là môt thứ phụ nữ từng trải, với hai cuộc tình say đắm Mỹ và Việt, mà cuộc tình sau lại là dư âm của cuộc tình trước. Dẫu rằng anh lính G.I. không đủ tiêu chuẩn tình cảm để thay thế chàng, nhưng về mặt tình dục, thì anh Mỹ đã hơn hẳn chàng.
Thời gian sống với anh lính Mỹ ngắn ngủi, nhưng không bao giờ tôi quên được Lâm. Không bao giờ xóa được trong tôi những cơn say tình ái với chàng. Khi anh lính Mỹ về nước, tôi như một con thuyền lạc lõng giữa đại dương, tôi chới với, mất phương hướng, cho đến khi tàn cuộc chiến tranh và một cuộc chiến khác đang bắt đầu trong tôi: cuộc chiến dành cơm áo với lũ giặc cỏ từ phương Bắc vào. Nhưng may sao, tôi đã có lá bùa hộ mệnh là đứa con lai Mỹ, và tôi đã nhanh chân chạy thoát khỏi chế độ mới với lá bùa này. Bây giờ là lúc tôi chợt nhìn lại mình, nhớ về quê hương cố quận, tôi làm một chuyến ngao du. May sao lại tình cờ có tin của chàng. Tôi thật mừng, nhưng cũng thật ái ngại, xót xa khi gặp lại chàng.
Sáng nay, tôi sửa soạn cho tôi một giọng nói thật cảm động, thật ngắn gọn. Từ trên tắc-xi bước xuống, tôi không ghé quán cà-phê như thường lệ. Tôi tiến thẳng đến bên thằng bé ăn xin bên hông chợ, bảo với nó:
“Bữa nay, con khỏi đem cơm cho chú Lâm. Để cô lo cho chú nghe không?”
Tôi dúi vào tay thằng bé tờ giấy năm chục ngàn đồng Việt-Nam. Thằng bé ngẩn người kinh ngạc. Có cái gì đó mách bảo với nó tôi là người xa lạ với thành phố nó đang ở, nên nó lấm lét nhìn tôi, sau khi nhét nhanh tờ giấy bạc vào lưng quần và lủi mất.
Chậm rãi bước đến trước mặt chàng, trong khi chàng đang sửa soạn chỗ ngồi, tôi đưa tay chạm nhẹ vào chiếc mũ của chàng, nhỏ giọng hỏi:
“Sao? Sáng nay “phát tài” chưa anh bạn?”
Bị hỏi bất ngờ, chàng lúng túng, nhưng cũng từ tốn đáp:
“Ai thế? Ăn xin chứ đâu phải buôn bán, lấy gì mà phát tài? Kiếm sống qua ngày thôi, sao mà phát tài nổi.”
Tôi xúc động khi biết chàng hoàn toàn không nhìn thấy tôi. Sau cặp kính đen, đôi mắt ngày xưa như thế nào rồi? Đó là điều tôi tò mò muốn biết. Chàng thăm dò:
“Ai thế? Nhớ rằng tôi chưa “mở hàng” đấy nhé!”
Tôi ái ngại:
“Tôi muốn mời anh đi ăn sáng, anh Lâm ạ! Anh đừng từ chối nhé!”
Giật mình, chàng đưa tay lấy cái mũ để vào lòng, xẵng giọng nói:
“Ai đùa tôi thế? Bà hay cô là ai? Tôi không thích đùa đâu!”
Giọng tôi nghẹn lại:
“Em đây, anh Lâm! Em là Ngà đây. Ngà ngày xưa đây, anh Lâm ạ!”
Mặt chàng đanh lại. Xương hàm bạnh ra trong một sự xúc động cùng cực. Tôi nhìn kỹ những biến đổi trên gương mặt chàng. Đột nhiên, giọng chàng hốt hoảng:
“Đừng đùa chứ! Ngà đã đi Mỹ lâu rồi. Trước khi tôi trở về đây.”
Tôi ân cần nắm lấy bàn tay đen đủi của chàng., khẽ nói như rót vào tai chàng:
“Em đây. Người ta nói em đi Mỹ cũng như người ta nói anh đã chết. Cuối cùng thì mình đã gặp lại nhau trên quê hương này. Anh không chết, mà em cũng chưa... đi Mỹ bao giờ.”
Chàng tìm cách rút bàn tay về, nhưng tôi đã giữ chặt, mặc cho vài người chung quanh tò mò liếc nhìn. Lặng đi giây lâu, chàng sững sờ:
“Nghe giọng nói quen lắm. Có lẽ đúng là Ngà. Nhưng sao...”
Tôi ngắt lời:
“Không nhưng gì nữa. Cất dẹp mọi thứ đi, vào đây với em một chút.”
Chàng quơ tay, toan cất tiếng gọi thằng bé. Hiểu ý, tôi nói nhanh:
“Em đã cho tiền, nó chạy xa rồi. Để đây đi, chắc không ai lấy đâu. Vào đây với em một lát. Em sẽ đưa anh trở lại.”
Chàng tìm chiếc gậy. Tôi vội dìu chàng đi vào một quán ăn bên đường. Chủ quán có lẽ biết chàng, nên ngạc nhiên nhìn chúng tôi như dò hỏi. Mỉm cười, không chút ngượng ngập, tôi nói với ông ta:
“Chúng tôi là bạn ngày xưa. Cho chúng tôi một bàn kín đáo và có thể ngồi lâu một chút. Tôi xin trả thêm tiền.”
Chàng đã ngồi vào bàn, từ tốn và đĩnh đạc như ngày xưa vẫn thường đi nhà hàng với tôi. Ý nghĩ đó khiến tôi mủi lòng, muốn khóc. Tôi kéo ghế ngồi sát bên chàng và nhẹ nhàng hỏi:
“Anh Lâm nhớ gì về em, có thể kể em nghe với được không?”
Chàng trầm giọng:
“Đúng là Ngà không? Nếu đúng, thì có biết bao nhiêu kỷ niệm về Ngà, làm sao tôi quên được? Có gì xác thực hơn cho tôi biết là Ngà, vì có nhiều giọng nói giống nhau. Mắt tôi không thể nhìn thấy, nhưng hy vọng tai tôi không nghe lầm. Nhưng tôi vẫn muốn có cái gì xác tín hơn.”
Tôi ghé sát tai chàng, nói nhỏ một câu, nhắc lại một kỷ niệm ân ái đặc biệt của ngày cũ. Khuôn mặt đỏ ửng lên và chàng tươi tỉnh:
“Thế thì đúng là Ngà rồi. “Tai nạn” ấy, anh chỉ xẩy ra có một lần trong đời, với Ngà. Anh tin rồi.”
Tôi đưa tay tìm bàn tay chàng, nắm chặt, như muốn cùng chàng quay ngược dòng thời gian, trở lại những ngày tháng yêu đương cũ. Giọng chàng ngập ngừng, thoáng xúc động:
“Làm sao Ngà biết anh ở đây? Anh vẫn chưa tin đây là sự thật. Có phải anh mơ không? Về Saigon, anh đi hỏi khắp nơi, ai cũng bảo là Ngà đã đi Mỹ rồi.”
Tôi làm nghiêm, hỏi:
“Thế mới tài chứ! Nhưng, anh hãy cho em biết, tại sao anh biến mất khỏi chiến trường? Đơn vị báo cáo anh mất tích. Báo hại bác khóc hết nước mắt. Anh đi đâu chừng ấy năm dài? Rồi vì sao lại ra cớ sự này?”
Giọng chàng thoáng ngậm ngùi:
“Anh bị tụi nó bắt làm tù binh, đưa ra Bắc trong trận Hạ-Lào. Bị nhốt tù cho đến năm 1980, tụi nó mới thả và anh nằm trong đợt tù binh thả sau cùng. Đau thương chồng chất, đâu có nghĩ ngày sống sót, được thả về miền Nam. Về tìm mẹ, mẹ anh đã mất. Tìm em, em đã đi Mỹ. Tứ cố vô thân, lại không nhà không cửa, không người thân. Anh tìm được việc làm cho một người Hoa giầu có. Sau khi bị đánh tư sản mại bản, ông chủ bị tịch thu hết tài sản, treo cổ tự tử chết, vợ con bị lùa xuống Gò-Quao. Bơ vơ, không nơi nương tựa, anh gia nhập đám người từ kinh tế mới trốn về thành phố, nằm đầu đường một thời gian. Rồi có người rủ rê, anh lại nhập bọn với đám “Cái Bang” bị gậy đi ăn xin với cây đàn vĩ cầm, sở trường của anh. Anh không cho đấy là xấu, cũng là một nghề lương thiện như mọi nghề. Vì từ cõi chết được trở về cõi sống, việc đi ăn xin với anh, không có gì là nhục nhã, xấu xa...”
Tôi ngắt lời trước khi người bồi đem thức ăn đến:
“Tại sao anh không làm một nghề gì đó?”
Chàng hỏi lại:
“Ai mướn? Ai dám mướn một kẻ tứ cố vô thân như anh?”
Tôi vội hỏi:
“Rồi vì sao đôi mắt của anh?”
Chàng đáp nhanh:
“Lúc đầu chỉ là những cơn nhức đầu, nhức mắt kinh khủng. Sau đó, mắt mờ dần, không thấy gì nữa và mất khả năng nhìn từ lúc nào, anh không biết nữa. Mấy người biết về thuốc bảo anh bị cao nhãn áp gì đó.”
Tôi lắc đầu chán nản:
“Sao anh không đi bác sĩ? Tiền kiếm được để làm gì?”
Giọng chàng chợt vui:
“Ồ, tiền kiếm được anh gửi giúp những cơ quan từ thiện của chế độ cũ đang gặp khó khăn về tài chánh, khi chế độ mới ngoảnh mặt làm ngơ.”
Kinh ngạc, tôi hỏi dồn:
“Anh còn giúp lại người khác nữa, trong khi thân anh, anh lại phế bỏ cho tang thương thế này?”
Chàng im lặng và thật lâu mới cất tiếng:
“Thì anh cũng còn sức khỏe, còn đôi chân, còn tiếng đàn kiếm sống được. Giúp đỡ kẻ khác, đó là ước vọng của anh. Nếu không, anh chỉ xin đủ ngày hai bữa thôi, đâu cần để ngồi đàn suốt ngày ngoài đường.”
Tôi chợt hỏi:
“Tối anh về đâu nghỉ ngơi?”
Lắc đầu, chàng đáp:
“Nhờ trong túp lều của bố thằng bé con cùng đi ăn xin với anh. Bố nó là một thương phế binh cụt hết cả hai chân. Mẹ nó bỏ đi lấy chồng. Hai bố con cùng anh, đùm bọc lẫn nhau, sống qua ngày...”
Chợt thấy cay ở mắt và tôi như nghẹn lời:
“Thế mà anh sống được? Sao bảo anh từ chối tất cả mọi sự giúp đỡ của bạn bè quen biết?”
Giọng chàng chùng xuống:
“Ai cũng khổ cả, còn ai giúp được cho ai. Cả nước khổ, toàn dân khổ, mình lo thân mình không xong, còn bắt ai khổ vì mình nữa.”
Tôi xích lại gần chàng hơn, lạc giọng hỏi:
“Có khi nào anh nhớ đến em không? Có khi nào anh nghĩ sẽ gặp lại em không?”
Chàng nói nhỏ, như tình tự với chính mình:
“Anh nhớ lắm chứ. Nhớ Ngà đêm ngày những khi mới được thả về Saigon, nhớ Ngà như nung nấu những ngày mới bước chân vào nghề hành khất. Mất ánh sáng, anh như người sống trong bóng đêm, và trong cõi đêm mịt mù ấy, hình ảnh Ngà chói lòa. Trước kia, anh vẫn tự hỏi: Ngà sống thế nào khi xa anh? Nhưng khi biết Ngà đã đi Mỹ rồi, thì câu hỏi của anh biến thành câu trả lời: Bây giờ, Ngà đã sung sướng rồi, hẳn đã quên anh. Ngà biết từ cuộc sống ngục tù ở miền Bắc, đến những ngày được tự do ở miền Nam; từ cuộc sống tràn đầy ánh sáng, đến cuộc sống âm thầm trong bóng đêm, anh đã đi từ thái cực dương sang thái cực âm, khác hẳn nhau và trái ngược nhau hoàn toàn, cho nên anh chỉ còn sống với kỷ niệm. Mà có kỷ niệm nào sâu đậm hơn, đáng nhớ hơn đời sống quân ngũ và... Ngà! Và vì thế, anh chỉ đàn mỗi một bài “Trở Về Mái Nhà Xưa” mà Ngà rất thích, ngoài ra, không có bài nào khác.”
Tôi xúc động đến nghẹn ngào. Hai tô mì đã nguội lạnh, nhưng không ai nghĩ đến chuyện cầm đũa. Giọng chàng vẫn trầm trầm như rót vào tai tôi những âm thanh não nuột, đau xót:
“Những người bạn cũ ngày còn học ở Quốc Gia Âm Nhạc mà anh mới liên lạc được, cũng không hơn anh là bao nhiêu. Kẻ đi bán vé số, người làm lơ xe đò, vất vưởng hơn nhau chút xíu. Ở đây, âm nhạc đã không có đất sống. Vì thế, anh vui với nghề dạo đàn kiếm sống, ít nhất ban ngày cũng được tự do ôm cây đàn, tưởng như mình còn ngồi với dàn nhạc ở vũ trường; ban đêm sống với các chiến hữu quanh chiến hào và với hình ảnh chói lòa của Ngà. Trong cõi đêm vô tận, Ngà ngự trị trong tim anh bất biến. Anh thấy anh còn hạnh phúc hơn nhiều người.”
Bóp chặt năm ngón tay tôi, chàng ngập ngừng hỏi:
“Còn về em? Sao tất cả những người quen biết đều nói em đã đi Mỹ? Đi Mỹ với đứa con... lai Mỹ. Mà em thì lại bảo không. Có dối anh không? Nếu đúng, thì có sao đâu. Em thoát được sang Mỹ, anh mừng cho em, vì em đã có cơ hội sống giùm anh những ngày tự do, hạnh phúc. Có ở lại, cũng không ích gì, vì anh ở cõi đêm, em ở cõi ngày, thấy nhau chỉ thêm... buồn!”
Tiếng “buồn” thoát ra từ đôi môi mím chặt của chàng cũng réo rắt, xót xa như tiếng vĩ cầm của chàng. Tôi tê dại, nói như mê sảng:
“Vâng, đúng là em từ Mỹ về. Em nói dối chỉ để anh yên tâm. Nhưng... Nhưng anh có muốn em trở về để sống vĩnh viễn với anh không? Em đang cô đơn trên nước Mỹ. Em còn yêu anh như ngày xưa. Em muốn...”
Chàng chận lời tôi:
“Đừng điên! Không ích gì. Tình yêu của em không giúp cho đôi mắt anh sáng lại, thì em đừng hy sinh vô ích. Rồi em sẽ chán và sẽ rời xa anh. Khi ấy, chúng ta sẽ thật sự mất nhau.”
Tôi ngỡ ngàng:
“Chứ bây giờ chưa mất nhau hay sao? Lâu nay, mình đã lạc nhau, nay được gặp lại, sao không thể tái hợp?”
Giọng chàng chắc nịch:
“Em vẫn lãng mạn như ngày xưa nhỉ? Anh nghe tiếng em nói, nhưng không nhìn được khuôn mặt em, để xem khi nói, đôi mắt em có còn khép hờ, còn mơ màng như ngày xưa không? Hình như cuộc đời đã báo trước, em khổ vì đôi mắt, còn anh, khổ vì tiếng đàn. Nếu không mê tiếng đàn vĩ cầm, chắc anh không sống với nghề hành khất này được. Anh luôn sống trong ảo giác khi ghìm cây đàn vào cổ, rằng mình đang ngồi giữa ban nhạc. Bạn anh, rủ anh về Đà-Lạt sống với ảnh, nhưng anh không muốn phiền lụy bạn bè, huống gì là em, người mà anh tôn thờ,”
Tôi bật khóc:
“Không! Em nhất định sẽ trở về sống với anh. Không có gì thay đổi nữa.”
Đưa tay tìm cây gậy, giọng chàng đanh lại:
“Anh không nhận sự hy sinh của em. Em hãy trở về Mỹ, sống đời sống của em. Thỉnh thoảng có dịp về thăm quê, đến thăm anh là quý rồi. Còn thì... quên anh đi”
Tôi bướng bỉnh trong nước mắt:
“Không, nhất định em sẽ trở về với anh. Mỹ không có gì để níu chân em. Em phải trở về để sống với anh. Nếu không đem ánh sáng trở lại cho anh được, thì em cũng đem anh ra khỏi cuộc đời hành khất nghèo nàn này.”
Chàng đứng bật dậy, nói nhanh:
“Đừng cãi anh. Đừng làm trái ý anh. Nếu em muốn thế, tùy em. Nhưng em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Anh sẽ bắt đầu cuộc đời hành khất lại từ đầu, ở một nơi khác, không có em. Bây giờ, nhờ em đưa anh về chỗ cũ. Thằng bé chắc tha hồ chờ anh.”
Chàng quơ cây gậy, lần bước ra cửa. Tiếng tôi thất thanh:
“Ngồi với em một chút nữa, anh! Anh Lâm!”
Nghe tôi gọi tên, chàng dừng bước, chờ tôi. Nắm chặt cánh tay chàng, tôi trách móc:
“Anh vẫn cứng cỏi, lạnh lùng như ngày xưa. Tệ với em quá!”
Tôi đưa chàng về chỗ cũ theo ý chàng. Chàng hỏi tôi:
“Bao giờ em về lại Mỹ?”
“Bao giờ cũng được. Chừng nào anh còn muốn em ở lại với anh, thì em sẽ còn ở lại. Trừ khi...”
Chàng dừng chân hỏi:
“Trừ khi gì?”
“Trừ khi anh... đuổi em!”. Tôi âu yếm nói.
Thật bất ngờ, chàng dịu giọng:
“Anh muốn em trở về ngay ngày mai, hay ngày nào sớm nhất.”
Tôi dụi đầu vào cánh tay áo bạc mầu của chàng, nói không nên lời:
“Anh đuổi em thật?”
“Ừ!”. Chàng tàn nhẫn gật đầu.
Trả chàng về lại chỗ ngồi, tôi quay nhanh về quán cà-phê, quyết định ngày mai sẽ ghi vé trở lại Mỹ, thu xếp ít công việc, tháng sau tôi sẽ trở về bên chàng, bất chấp ý kiến của chàng. Chàng tự ái hay mặc cảm tự ti? Tôi không biết được. Bên kia đường, tiếng đàn vĩ cầm lại vút lên những âm thanh đòi đoạn, nức nở như nhắn nhủ với tôi:
Và nghe tiếng xưa bước nhẹ về
Đang khóc than trên đường não-nề...”
Rồi cao vút, cao mãi tận mây xanh:
“Thôi nhé! Đừng hoài âm xưa.
Giọt nước đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua.”

Tôi gục đầu xuống bàn, trong nỗi đau xé lòng.

Hoa-Hoàng-Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét