Kinh Động Tâm - Sư Giác Nguyên

Đây là bài Kinh Động Tâm, bản tiếng Việt gọi là Kinh Xúc Động. Đức Phật dạy rằng, có bốn nơi mà những người có niềm tin nơi Đức Phật cần phải tìm đến để chiêm bái. Với niềm hoan hỷ, với sự xúc động đó cũng đủ giúp cho mình sanh thiên. Xem thêm đoạn cuối Kinh Đại Bát Niết bàn Trường Bộ về bài kinh này. Trong đó Ngài có nói mai này khi Ngài đã đi rồi, không còn ai thấy được Ngài nữa thì người đời  sau cứ tìm đến bốn nơi này và chỉ cần suy nghĩ một điều thôi:

“Chính tại nơi đây đức Như Lai đã ra đời, chính tại nơi đây Ngài đã thành đạo, chính tại nơi đây Ngài đã vận chuyển bánh xe pháp luân, thuyết pháp thoại đầu tiên và chính tại nơi này Thế Tôn đã viên tịch, từ đó ra đi không quay về nữa.”
Bốn nơi này, đến hôm nay, tôi xa xứ hai mươi năm, tôi đi tùm lum mà chớ hề có cơ hội để đặt chân về chỗ này. Sư Thiện Minh có phúc phận, sư đã tới lui ở đây rất nhiều lần rồi mới đi. Tôi bây giờ mà tắt thở thì tôi tiếc dữ lắm. Dĩ nhiên học Phật, hiểu Phật quí hơn là đi tới chỗ đất Phật, nhưng nếu thêm được điều đó thì tuyệt vời. Tôi có một niềm tin sắt son là nếu tôi đến được chỗ đó thì phước của tôi nhiều hơn nhiều người. Vì sao? Vì cứ mỗi một chỗ là tôi liên tưởng đến bao nhiêu bài kinh, bao nhiêu câu chuyện đã xảy ra với Thế Tôn, với thánh chúng, coi như là công đức vô lạng, phước báo cực kỳ. Vậy mà tới bây giờ chưa đi. Không phải là không có điều kiện mà cứ đến phút cuối là trục trặc, trục trặc mãi đến bây giờ chưa đi.
Tại sao bốn chỗ này đáng để mình xúc động? Một vị vua có những nơi chốn phải nhớ suốt đời, một tỳ kheo La-Hán cũng vậy và một người tin Phật cũng thế. Đọc những điều này mới thấy có lúc Đức Thế Tôn chỉ nói tập trung trong Bốn đế, 12 Duyên khởi, Danh Sắc, Năm Uẩn, 12 Xứ, đó là nói về trí tuệ. Nhưng có những lúc khi nói về niềm tin thì Ngài cũng quay trở lại với đời thường. Ngài dạy, một vị vua suốt đời không thể nào quên được sinh quán của mình, không thể nào quên được chỗ mình được phong vương – chỗ mình lên ngôi, nói theo Ấn Độ là chỗ ‘Abhisheka’ – chỗ làm lễ quán đảnh (quán đảnh là lễ bôi dầu lên tóc, chế nước lên tay, lễ phong vương), và chỗ đánh thắng kẻ thù, vị vua tới chết không quên, Một vị La-Hán cũng có những chỗ nhớ hoài suốt đời đó là chỗ mình đã đi xuất gia, chỗ mình hiểu được Bốn Đế, chỗ mình chứng được La-Hán, quá quan trọng! Ở đây cũng vậy, với Thế Tôn thì Ngài không cần nhớ những chỗ đó trong đời Ngài nhưng người khác nhớ được những chỗ này thì coi như công đức không thể nghĩ bàn. Chỉ cần nghĩ rằng trên đời này có kẻ thương được người dưng là đã hiếm rồi, thương được kẻ thù càng hiếm hơn. Vì kẻ thù, vì người thương, vì muôn loài chúng sinh mà dấn thân vào lửa đạn, suốt hằng hà sa số đại kiếp để trau dồi các hạnh lành, cuối cùng trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác mà hằng triệu tỉ tỉ tỉ… kiếp trái đất mới có một con người như vậy ra đời. Khó quá mà làm sao có nhiều được. Con người đó khi ra đời rồi thì cái gì cũng biết, ai Ngài cũng thương và hạnh lành nào Ngài cũng có, có ở hạng top.
Đây Lumbini, đây chính là chỗ con người ấy chào đời.
Đây Bodh Gaya đây chính là chỗ con người ấy đã từ phàm sang thánh, trở thành một bậc Tứ sanh Từ phụ, Thiên nhân chi đạo sư, Vô thượng Điều ngự, Phật, Thế Tôn.
Đây chính là Isipatana chỗ mà đấng Thế Tôn ấy đã thuyết pháp thoại đầu tiên gióng lên tiếng trống bất tử để tế độ quần sanh đang mê ngủ.
Và đây là Kusinārā, đây là chỗ mà nhân cách vĩ đại ấy vào một buổi sớm tinh sương đã phủi tay giũ áo lên đường và không bao giờ quay lui nữa. Đây là nơi vị ấy có mặt lần cuối cùng. Một nhân cách vĩ đại như vậy, một con người đã đi qua được một hành trình thiêng liêng thần thánh như vậy và cuối cùng mọi cái kết thúc ở đây. Hai mươi a-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp cũng kết thúc ở đây. Ba mươi hảo tướng, tám mươi tướng phụ, sáu màu hào quang, nhất thiết chủng trí cũng kết thúc ngay gốc cây Sala này, trong khu vườn này, bên cái gò đất này. Nhìn những nơi này sao không ứa lệ được. Đứng trước chỗ động tâm mà nghĩ tưởng về Thế Tôn theo kiểu như vậy mới là công đức. Có đâu vô duyên như nhiều phái đoàn Việt Nam cứ tới đất Phật làm một chuyện mà tôi không thể nào có thể tưởng tượng, bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn, đó là ông đi trước bà đi sau, đứng trên đất Phật Thích Ca Mâu Ni mà xúm nhau tụng Nam Mô A Di Đà Phật. Tôi không phủ nhận Phật nào hết nhưng tôi thấy hơi lạ, là cứ tới đất Phật Thích Ca Mâu Ni mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật là sao. Khổ thay, tinh thần tu tập theo pháp môn Tinh độ là không hề có trong lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tu mà cầu người khác thò tay kéo về để tiếp dẫn cho vãng sanh thì chưa hề có trong kinh điển. Nói chung là đứng trước tiệm thuốc Bắc mà cứ niệm nam mô Penicilline, tifomycine thì kẹt quá, phải niệm Đỗ Trọng, Táo Tàu, Hoài Sơn, Câu kỷ tử chứ. Tôi không hề có ý phân biệt kỳ thị chia rẽ “khối đại đoàn kết dân tộc” tín hữu tôn giáo, tôi chỉ nhắc bà con làm ơn đi đâu thì ra đó. Chợt nhớ có một giai thoại mà tôi được nghe trực tiếp từ những nhân chứng sống. Năm 1978, Thanh Nga bị bắn chết, một số fans hâm mộ kéo nhau vô bệnh viện Grall (bệnh viện Đồn Đất) nhào tới ôm xác Thanh Nga khóc như cha chết. Cúng bái trái cây, nhang đèn, khóc vật vã, có người xỉu lên xỉu xuống. Xác Thanh Nga được phủ miếng vải tuyn trắng. Cuối cùng nhân viên bảo vệ cho biết xác Thanh Nga nằm bên trong, còn xác này là của một bà nọ bị xe đụng mới đem vô. Tức là họ đã khóc lộn, khóc vật vã, lệ ướt sân bệnh viện vậy mà khóc nhầm xác người khác trong khi Thanh Nga nằm bên trong đìu hiu nhang khói không ai nhòm ngó. Thảm cảnh đó được lập lại khi bà con VN sang Ấn Độ. Xác Thanh Nga bỏ mặc đó mà đi ôm cái bà bị xe tông, có phải là tang thương ngẫu lục không.
Bài kinh này không phải đơn giản là Ngài bảo mình đi hành hương bái lạy Ngài mà nội dung còn là lời cảnh tỉnh sâu thẳm. Vĩ đại như Thế Tôn cũng phải nằm trong vòng sinh trụ diệt, có đản sanh, có thành đạo, rồi cũng phải có viên tịch Niết bàn.
Giả như không nói về Phật, mà nói về bà nội mình chẳng hạn. Ba có nói thế này: Tụi con có rảnh thì về thăm quê nội nghen, chỗ này là chỗ chôn nhau cắt rún của nội, chỗ này là chỗ cuối cùng gia đình tiễn nội đi lấy chồng, nơi bến này nội khóc một dòng sông. Khi về già nội trở về đây dưỡng già, nội bỏ tiền cất nhà thờ tộc chỗ này. Khi nội chết rồi thì đây là mộ của nội. Đó là nghe trên mặt nổi, còn mặt chìm nghĩa là, nội đã có sanh ra và cuối cùng nội cũng đã ra đi. Nếu mình thương nội thiệt nghe đoạn cuối đó thì khóc cả một dòng sông luôn. Nội sanh ra, lớn lên, có gia đình, có sự nghiệp nhưng rồi cuối cùng đây là nấm mồ của nội.
Ở đây cũng vậy, Ngài nói bốn chỗ này, nhưng chiều sâu ở đây là cho mình thấy rằng, một nhân cách vĩ đại thiêng liêng hoành tráng khí thế như đấng Phật Đà Vô thượng Thiên Nhân Sư, vậy mà hễ có sanh rồi có trụ thì dĩ nhiên phải có diệt. Quy luật dĩ nhiên của vạn hữu. Đọc bài kinh như vậy mới thấy sốc. Người đức tin nhiều thì khóc rồi bỏ tiền đi Ấn Độ, nếu có thêm trí thì mới thấy nội dung thứ hai nằm giữa hai hàng chữ. Thì ra Ngài nhắc khẽ cho mình: Ta có ra đời, có thành đạo, có chuyển pháp luân rồi cuối cùng cũng đi mất không về nữa.
Trước khi Niết bàn, Ngài hỏi: Chư tăng có ai còn thắc mắc nào thì hỏi ta, nếu vị nào vì lòng kính sợ đạo sư thì nhờ bạn bè hỏi giùm. Thế Tôn hỏi ba lần, chúng tăng im lặng. Ngài Ānanda tán thán chúng tăng hoàn hảo. Phật nói ở đây vị thấp nhất cũng là Tu-đà-hoàn nên không còn thắc mắc về Phật pháp. Nói rồi Ngài im lặng. Và Ngài nói một câu cuối cùng: “Này các tỳ kheo, mọi thứ ở đời đều là vô thường, hãy tinh tấn, chớ dễ duôi.” Câu nói “mọi thứ đều vô thường” (vayadhammā saṅkhārā) sâu vô cùng. Mọi thứ ở đây là thiện, ác, buồn, vui, siêu, đọa, phàm, thánh…; cỡ nào cũng đều nằm trong hai chữ “mọi thứ” ấy mà bằng chứng là Ngài, bậc thánh trong các bậc thánh. Nói xong lời này, Ngài im lặng. Đây chính là lời nói sau cùng của Thế Tôn. Ngài nhập Sơ thiền, xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền, xuất Nhị thiền, nhập Tam, xuất Tam, nhập Tứ, xuất Tứ, nhập Hư Không vô biên, Thức Vô biên, Vô Sở hữu xứ, ra khỏi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng trở lại Sơ thiền… Cứ như vậy mà hai triệu bốn trăm ngàn lần. Đến lần Tứ thiền cuối cùng thì Thế Tôn vừa ra khỏi Tứ thiền lập tức diệt độ. Mười ngàn thế giới rung động. Trong Kinh Mi Tiên mô tả giống như con voi vừa bước lên khỏi một chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thuyền chịu không nổi nên rung lắc. Khi Ngài giáng sanh, mười ngàn vũ trụ rung động. Ngài xuất gia, mười ngàn vũ trụ lại rung động. Ngài thành đạo, Ngài chuyển pháp luân, lại rung động. Lâu lâu Ngài thuyết những bài kinh đặc biệt, mười ngàn thế giới lại rung động và cuối cùng, vũ trụ lại chấn động khi Ngài Niết bàn.
Hiểu sâu bài kinh này thì thương Phật lắm, cả đời của Ngài đều là vì người khác. Mà thương chỗ này nè, một ngày Ngài ăn một buổi, nhưng khác chúng ta. Bình thường mình ăn vào 11 giờ rưỡi, biết giờ đó có việc không ăn được thì 8 giờ, 9 giờ mình ăn trước. Thế Tôn thì không, mỗi ngày Ngài chỉ đi bát có một lần thôi, và rất nhiều lần trong cuộc đời của Ngài, Ngài biết ngay giờ cơm hôm nay có người cần phải độ. Ngài biết luôn buổi tế độ này đòi hỏi Ngài phải nhịn đói vì bữa đó Ngài không thể ăn được. Ví dụ có hôm Ngài đi ngang qua cánh đồng gặp một người đang làm ruộng, người đó nói với Ngài: Ngày nào cũng đi hành khất như vậy, sao không đi cày ruộng mà sống? Ngài nói: Ta đi kiếp này là kiếp chót, ta không đi bát nữa đâu. Còn ngươi mà không tu hành thì đời đời còn cày ruộng dài dài. Và Ngài đọc bài kệ:
Kiếp này rồi kiếp khác.
Phàm phu đi tái sanh.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Người thiện về thiên giới.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Người ác bị sa đọa.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Phàm phu mãi tái sinh.
Kiếp này rồi kiếp khác.
Cuộc đời là như vậy.

Ngài lặp tới lặp lui mười bốn lần chữ “punappunan” (đời này và đời khác). Người nông dân quăng cày quì xuống và xin theo Ngài, xin dâng phần cơm cho Ngài. Ngài nói: Chư Phật không bao giờ nhận bữa ăn có từ lời nói. Hãy đem đến chỗ nào khô ráo không có côn trùng thì đổ xuống. Thế là sau khi độ cho ông này thì Thế Tôn ôm bình bát không trở về. Suốt cuộc đời của Ngài, trụ thế 45 năm thì những trường hợp như thế này có đến cả ngàn lần. Nhiều khi họ chửi Ngài thậm tệ bằng những gì tệ mạt nhất mà Ngài thì vẫn đứng yên. Cặp mắt như vậy, giọng nói như vậy mà không làm họ rung động. Họ chửi xong rồi họ nghe Ngài nói, thế là họ đi tu. Cứ như vậy mà không biết bao nhiêu lần như vậy trong đời của con người đó.
Bây giờ đứng trước Tứ động tâm mà nhớ những điều đó mới đau thấu tim. Khi biết Ngài Niết bàn thì hàng tỷ vị thiên nhân đã khóc. Họ biết rằng từ nay về sau cái người thương mình hơn cha mẹ mình đã không còn nữa. Cái người có thể giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn của mình đã không còn nữa, cái con người hiểu thấu đáo căn cơ của mình, biết mình hợp với cái gì, con người ấy sẽ không còn nữa. Con người ấy sắp sửa ra đi.
Lúc đó Ngài nói với ngài Ānanda: “Ānanda biết không, thiên chúng từ mười phương đổ về dày đặc 12 do-tuần chung quanh như bột nén trong ống sậy. Tìm một chỗ trống để thọc cây kim không có.”
Trong đó có rất nhiều chư thiên người … Việt Nam. Khi địa cầu rung động, họ hỏi nhau và biết Bồ tát giáng sanh. Họ nói đản sanh thì sẽ có thành đạo, khi Ngài thành đạo thế nào cũng thuyết pháp, và họ sẽ xuống nghe. Họ biết là Ngài biết rõ họ từ căn duyên tiền kiếp và muốn được nghe Ngài thuyết pháp. Vậy mà họ toàn là người VN nên cứ hưỡn đãi, đến lần rung động cuối cùng, được biết đêm nay Thế Tôn viên tịch, họ lăn ra khóc và khi xuống đến nơi thì Ngài đã khép mắt. Lần cuối Ngài đã hỏi chúng tăng có còn gì thắc mắc thì hỏi đừng để mai này hối hận. Chúng tăng ba lần im lặng và Ngài nói câu cuối cùng: “Vạn hữu vô thường chớ có dễ ngươi.” Từ ấy Thế Tôn nhập thiền và không còn nói nữa. Thiên chúng chỉ còn thấy Ngài nằm đó, mắt khép và môi không còn mở ra để nói nữa. Đau lắm, họ đa phần là dân VN với cái tật rề rà, chứ còn chư thiên bên Nhật, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ thì từ khi Ngài đản sanh ở Kapilavatthu thì họ đã giăng mùng ở Bodh Gaya chờ ở đó rồi. Còn mình thì chờ đến lúc ở Kusinārā, giờ đó mới bắt đầu check mail rồi mới đi.
Ok, mình vừa học xong bài Kinh Xúc Động, mà xúc động thiệt. Rất xúc động.
#KinhTăngChi
#SưGiácNguyên giảng
Xem hình ảnh một số nơi động tâm
http://vietheravada.net/ando-photo/index.htm


India Travel Photos Library





01BuddhistPlaces

00Kapilavastu
01Lumbini
02GayaUruvela
03Bodhgaya
03bBodhgaya-stupa-statute
03cBodhgaya-normal-life
03dNeranjara
04Chaukhandi-Sarnath
05Veluvana
06Jetavana
07Gridhrakuta Hill
08Kushinagar
09b Ramabhar stupa
09Makutabandhana-stupa
10Vaishali
11AngulimalaStupa
12Anathapindika
13Sankissa
14KurusathahnDelhi(Mahasatipatthana)
15Sujata
16Bimbisara Jail
17Nalanda University
02 Ajanta
02b Ellora
02c Sanchi
02d Amaravati
02e Mulagandhakuti Vihara
03 Dharamsala
04 Gange
05 Red Fort
06 Hyderabad buddha
07 Taj Mahal
08Lotus Temple
09 Slums
10 Burning place
11 Temples
12 Bull shit

Classified focus

13 Special culture
14 People
16 Shocked focus
17 Towns
18 Villages
19 Culture Focus
21 Animals
22 Birds
23 Monkey-Quarrel
24 Rivers
26 Sunrise-Sunset
27 Crazy cars
28 Trees
29 Roads
30 Flowers

(Source: internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét