Phật giáo là gì? - Trở thành thân quyến kế thừa Phật giáo

Phật giáo là gì?

Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:


- Pariyatti sāsana: pháp học Phật giáo,
- Paṭipatti sāsana: pháp hành Phật giáo,
- Paṭivedha sāsana: pháp thành Phật giáo.



Pháp học Phật giáo: đó là học thuộc lòng, thông hiểu Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā... bằng ngôn ngữ Pāḷi, là ngôn ngữ mà Ðức Phật dùng để giáo huấn. Vì vậy, ngôn ngữ riêng của mỗi nước Phật giáo chỉ giúp để hiểu ý nghĩa đúng theo ngôn ngữ Pāḷi ấy, để thực hành cho đúng.

Pháp hành Phật giáo có rất nhiều pháp, tóm lại có ba pháp hành ch
ính là:

- Hành giới: đó là tác ý (cetanā) giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi điều bất thiện, cố gắng hành thiện. Do nhờ hành giới, có thể diệt từng thời những phiền não loại thô (vitikkamakilesa) không thể phát hiện ra thân và khẩu, làm nền tảng cho định phát sanh.

- Hành định: đó là tiến hành thiền định để cho tâm an trú trong một đề mục nhất định, có thể đưa đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, thọ hưởng sự an lạc của bậc thiền ấy. Do nhờ hành định nên có thể chế ngự được các phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakilesa) không để cho phát sanh trong tâm, làm nền tảng cho tuệ phát sanh.

- Hành tuệ: đó là tiến hành thiền tuệ để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, đưa đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Do nhờ pháp hành tuệ có thể diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anussayakilesa).

Pháp thành Phật giáo: là kết quả của pháp hành. Ðó là 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, gọi là 9 Siêu tam giới pháp.

Trong ba loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo là gốc, là nhân chính làm nền tảng căn bản để cho pháp hành và pháp thành Phật giáo có khả năng phát triển. Nếu không có pháp học Phật giáo, nghĩa là pháp học mà không hiểu đúng theo ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, thì pháp hành và pháp thành cũng không thể có được.
Phật giáo đến nay đã trải qua 2546 năm kể từ khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, các nước Phật giáo hệ phái Theravāda vẫn trung thành theo tôn chỉ lời giáo huấn của Ðại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, cố gắng giữ gìn duy trì Tam Tạng, Chú Giải y nguyên theo bổn chánh, do nhờ chư Tỳ khưu, Sa di theo học các lớp Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā... bằng ngôn ngữ Pāḷi, để giữ gìn chánh pháp. Chư Ðại Trưởng Lão vẫn giữ gìn được truyền thống và mọi cách hành tăng sự bằng ngôn ngữ Pāḷi, y theo Luật tạng làm nền tảng căn bản. Do đó, Tỳ khưu của mỗi nước tuy khác nhau về ngôn ngữ riêng của mình, nhưng khi hành tăng sự thì giống nhau, và những nghi lễ tụng kinh Parittapāḷi cũng hầu hết giống nhau, có thể hòa đồng tụng chung với nhau được.
Những người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ của mỗi nước vẫn còn giữ được truyền thống nghi lễ thọ Tam quy, ngũ giới, bát giới... tụng kinh bằng ngôn ngữ Pāḷi. Cho nên ngôn ngữ Pāḷi trở thành ngôn ngữ chung cho các hàng xuất gia và tại gia trong các nước Phật giáo thuộc hệ phái Theravāda.

Trở thành thân quyến kế thừa Phật giáo

Ðức vua Asoka hỏi rằng:
- Kính bạch Ðại Ðức, người được gọi là “Thân quyến kế thừa của Phật giáo”, là người như thế nào?
- Thưa Ðại vương, người nào dầu nghèo hay giàu, cho phép con của mình xuất gia trong Phật giáo. Thưa Ðại vương, chính người cha mẹ ấy được gọi là: “Thân quyến kế thừa của Phật giáo” (Dāyādo sāsanassa).

(Trích từ Gương Bậc Xuất Gia, Tỳ-khưu Hộ Pháp, Aggamahāpaṇḍita – Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng)

🌿🌿🌿

- Đức vua Asoka trước khi có hoàng tử Mahinda và công chúa Saṃghamittā xuất gia trong Phật giáo, cho dù cúng dường Tăng đoàn và hộ trì Phật giáo không ai bằng nhưng vẫn không phải là thân quyến kế thừa Phật giáo. Chỉ khi nào những người cha người mẹ có con trai con gái xuất gia trong Phật giáo mới trở thành thân quyến kế thừa Phật giáo.
- Những người cha người mẹ là Phật tử, nếu yêu thương con trai con gái của mình thì nên ủng hộ chúng xuất gia trong Phật giáo.
- Những người cha người mẹ là Phật tử, nếu muốn con trai con gái của mình giàu sang phú quý lâu dài thì nên khuyến khích chúng xuất gia trong Phật giáo vì rằng giàu sang phú quý vật chất chỉ hưởng một kiếp người, còn giàu sang phú quý tinh thần thì hưởng vô số kiếp.
- Những người cha người mẹ là Phật tử, nếu muốn con trai con gái của mình an vui, hạnh phúc thật sự thì nên khuyến khích chúng xuất gia trong Phật giáo, thay vì bảo chúng lấy vợ lấy chồng.
- Những người cha người mẹ là Phật tử, nếu muốn bản thân mình và con trai con gái của mình an vui đời nay và đời sau thì nên khuyến khích chúng xuất gia trong Phật giáo vì người xuất gia trong Phật giáo có nhiều phẩm hạnh tốt, và thường xuyên nhắc nhỡ cha mẹ mìnvun bồi những phẩm hạnh đó.

Người xuất gia trong Phật giáo có 22 phẩm hạnh tốt như sau:


Một là, tâm bi mẫn và sự chơn thật;
Hai là, hỷ hoan trong đời sống thanh cao;
Ba là, đang thực hành pháp;
Bốn là, tứ vô lượng tâm;
Năm là, thu thúc lục căn;

Thứ sáu, thu thúc trong giới bổn pātimokkha;
Thứ bảy, nhẫn nhục;
Thứ tám, vắng lặng;
Thứ chín, thỏa thích trong chánh pháp;
Thứ mười, thực hành pháp cao thượng;

Mười một, thường thích ở ẩn;
Mười hai, hổ thẹn tội lỗi;
Mười ba, ghê sợ tội lỗi;
Mười bốn, tinh tấn;
Mười lăm, không giải đãi (dễ duôi);

Mười sáu, biết học hỏi giáo pháp;
Mười bảy, biết giảng giải giáo pháp;
Mười tám, thỏa thích trong giới đức;
Mười chín, không tham muốn, không chất chứa, không luyến tiếc;

Hai mươi là, đầy đủ tất cả các điều học;
Hai mươi mốt, thọ dụng y ca-sa;
Hai mươi hai, đầu cạo trọc.

(Trích từ Mi Tiên Vấn Đáp, Tỳ-khưu Giới Đức hiệu đính)

Nguồn: FB T.Đức Kusalaguṇa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét