Các tỷ phú trong trí nhớ



Sau khi thành công rực rỡ ở thập niên 60’s, 70’s và đầu 80’s, các đòn bẫy tài chánh bị suy thoái kinh tế đập ngược và James phải trắng tay. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người lỡ vận, thua cuộc mà vẫn yêu đời vui vẻ như vậy. Câu nói ấn tượng nhất của James là,” tôi có thể bị phá sản, nhưng tôi không bao giờ nghèo.”


Những cuộc phỏng vấn các đại gia Việt Nam cho thấy nhiều người có một mộng ước rất bình thường: làm tỷ phú đô la. Theo bảng ước tính của tạp chí Forbes, chỉ có tất cả 1,080 tỷ phú đô la trên thế giới. Do đó, nếu được ghi danh vào bảng phong thần này, thì các đại gia Việt đã có thể tự nhủ là…đã thỏa mãn tự ái dân nhược tiểu và hoài bão của vợ con, gia đình mình. Nhiều người Việt đã hãnh diện nhận đủ thứ giải thưởng ở nước nhà, nhưng dường như chưa ông bà nào lên được bảng vàng của Forbes hay Fortune.

Tôi cũng không có phúc lộc của tổ tiên để làm tỷ phú. Thời cực thịnh của sự nghiệp, tôi làm chủ 32% của công ty Hartcourt, cho tôi một tài sản trên giấy tờ khoảng 220 triệu đô la. Sau đó là một sự xuống dốc khá thê thảm. Nhưng tôi vẫn cho đó là một may mắn. Vì chỉ 220 triệu đã biến thái tôi thành một quái nhân cao ngạo tự kiêu, ăn chơi hoang đàng, vung tay quá trán…thì 1 tỷ đô la đã có thể chôn tôi dưới mộ sâu.

Nhưng qua 42 năm làm ăn, các giao tiếp với những tỷ phú thực của thế giới cũng đã đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá, từ hoan hỉ đến thất vọng. Tôi ghi lại đây như một món quà Tết, vì ông bà ta tin là ngày xuân phải nói chuyện “phúc-lộc-thọ” để lấy hên.

Một tâm hồn bạc tỷ

Trước hết là những hồi niệm về một người bạn thân, một tấm gương sống mà tôi luôn ngưỡng mộ. Tôi quen James DeRosa khoảng 1988, khi sự nghiệp của tôi bắt đầu đi lên và James vừa trải qua một cơn phá sản. James làm về địa ốc, chuyên xây dựng và mua đi bán lại các trung tâm thương mại. Sau khi thành công rực rỡ ở thập niên 60’s, 70’s và đầu 80’s, các đòn bẫy tài chánh bị suy thoái kinh tế đập ngược và James phải trắng tay. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người lỡ vận, thua cuộc mà vẫn yêu đời vui vẻ như vậy. Câu nói ấn tượng nhất của James là,” tôi có thể bị phá sản, nhưng tôi không bao giờ nghèo.”


James kiên trì xây lại sự nghiệp, cũng trong ngành nghề cũ: đầu tư phát triển và mua bán các trung tâm thương mại. Sau 10 năm, đến 1999, thì James lại trở thành tỷ phú. James tìm các chủ nợ ngày xưa và trả lại hết khoản nợ 185 triệu đã được Tòa xóa bỏ và cá nhân James không còn trách nhiệm. James giải thích,” Trên luật của người, còn luật của Trời”. Tôi khâm phục vô cùng hành xử đạo dức này cũng như trong mọi cư xử của James với tha nhân. Khi James gặp khó khăn, tôi mua lại vài miếng đất của James để giúp bạn. Khi James khá hơn, hắn mua lại với giá cao gấp ba. Tôi không chịu lấy lời, James vẫn trích ra số tiền này và đem cho các hội từ thiện mà tôi hay lui tới.

Năm 2007, tôi và James bay lên San Francisco sau một cuối tuần câu cá bay (flying fish) ở Idaho. Đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, người đông như kiến ở Chinatown. James nói ngày xưa tổ tiên tao làm thực dân, bắt cha ông mày kéo xe mệt nghỉ. Hôm nay, mày lên cái rickshaw (xe kéo) này, tao trả nợ lại. Trong cái nhìn và reo hò của cả ngàn người, tôi ngồi vất vưởng trên chiếc rickshaw để một anh da trắng hì hục kéo lên dốc. Chỉ tiếc là vài tháng sau đó, James qua đời sau một cơn bạo bệnh. James hay kể chuyện tiếu lâm và bây giờ, khi nghe hay đọc một câu truyện cười, tôi lại thấy thiếu vắng tiếng cười trong sáng dòn tan của bạn.

Một trí tuệ siêu việt

Nhân vật thứ hai cũng tạo rất nhiều ấn tượng nơi tư duy của tôi. EK là ông sếp cũ người Do Thái và cũng là một tỷ phú. Ông vẫn còn sống nên cho phép tôi giữ kín tên ông. Trái ngược với James, ông ít cười và luôn chìm đắm trong suy tư. Trí tuệ của ông thuộc hàng siêu việt và phương thức kinh doanh của ông khó ai vượt trội. Có lẽ mang tính chất du mục của người Do Thái, ông lang thang suốt ngày trên chiếc phản lực Gulfstream, bay khắp thế giới và phần lớn ngủ tại các khách sạn, dù ông sở hữu một penthouse rông hơn 1,000 mét vuông tại Park Avenue, New York và một lâu đài ở Long Island.

Mặt ông lúc nào cũng nhăn nhó khổ sở có lẽ vì ông phải suy nghĩ suốt ngày đủ mọi chiến thuật phức tạp để tóm thâu lục quốc. Một lần chúng tôi làm môi giới cho một giao dịch về máy bay và có thể bỏ túi nhanh chóng khoảng 1 triệu đô la. Nhưng ông nghĩ làm như vậy là quá tầm thường, không xứng đáng với một tài năng thiên phú như ông. Cho nên, ông ngồi vẽ ra một giải pháp là công ty ông sẽ mua chiếc máy bay và bán lại sau khi qua tay vài ngân hàng. Sau 2 năm, giao dịch mới hoàn tất và ông lỗ mất 2.5 triệu đô la.

Ông bị bệnh mất ngủ thường trực. Tuy nhiên, ông lại ngủ rất ngon khi nằm trên máy bay. Một lần, ông phải lưu lại New York cả tuần, ngủ không được. Sau đó, chúng tôi phải gọi máy bay chở ông đi Los Angeles rồi quay lại New York. Ông ngủ ngon lành trong 12 tiếng đó và công ty phải chi ra 22 ngàn đô la cho chuyến bay (phi công, xăng dầu, giấy phép lên xuống phi trường…).

Một con người tầm thường


Một tỷ phú khác nổi danh hơn là ngài Larry Ellison, Chủ Tịch CEO của Oracle. Vào 1998, ông Ellison có sáng kiến tạo ra một hệ thống máy chủ trên đám mây và các PC nối mạng chỉ là những máy đơn giản không cần bộ nhớ (ông đi trước thế giới 15 năm). Ông lập công ty mới gọi là NCI (network computer) và thiết lập một hệ thống phân phối khắp thế giới. Ông cho Hartcourt và vài đối tác của tôi làm đại lý nhượng quyền ở Trung Quốc.

Chúng tôi đầu tư hơn 3 triệu đô la cho dự án này vì tin vào lời cổ động của Ellison qua các cuộc gặp thân mật riêng tư. Tuy nhiên, mọi việc không suông sẻ như ước muốn và sau 14 tháng, ngài Ellison gởi mọi người một Email ngắn gọn, tuyên bố là ông giải thể công ty và nhân viên. Thư từ cũng như điện thoại xin gặp để tìm lời giải thích đều bị từ chối bởi các trợ lý. Các đối tác tôi đòi thưa kiện vì mất tiền và thì giờ, nhưng tôi thì chỉ kết luận là tay này không có hậu, để Trời phạt hắn. Tuy vậy, luật nhân quả không ứng dụng với Ellison: từ một tỷ phú hạng 70 gì đó, sau 13 năm, giờ ông đứng hàng thứ 6 trên thế giới với 28 tỷ đô la tài sản.

Những tỷ phú Á Châu


Tính ra trong 42 năm làm ăn, tôi đã gặp và giao tiếp với hơn 30 tỷ phú thế giới. Tất cả đều có những cá tính đặc thù khó quên. Trên một chuyến bay từ Đài Loan đi Tokyo, tôi đã gặp ngài Wang Yung Ching của công ty Formosa Plastics. Ông mua vé hạng bình dân, được cất nhắc lên hạng thương gia và ngồi cạnh tôi, tiếng Anh bập bẹ. Bộ áo quần nhăn nheo và chiếc đồng hồ Citizens rẻ tiền cho tôi một ấn tượng sai lạc. Cho đến khi ngài đưa ra tấm danh thiếp, tôi cứ nghĩ đây là một anh lái buôn Tàu nhỏ bé vô dụng.

Hay ông Richard Li, con trai thứ của nhà tỷ phú số một Lý Gia Thành ở Hồng Kông. Lúc tôi gặp để thương thảo về một liên doanh với PCCW, Richard vừa bán StarAsia cho Murdoch, thu về cho cá nhân hơn 950 triệu đô la. Khác với ông bố, đây là một tỷ phú trẻ khó thương nhất của Á Châu. Mỗi một giây phút bên cạnh anh là một trải nghiệm như trong cơn ác mộng. Chẳng thế mà câu chuyện khi Richard đi thử đồ may rất được phổ biến khắp giới thượng lưu ở Hồng Kông. Khi mặc bộ đồ veste vào, Richard ngạc nhiên là sao cả áo quần gì đều không có túi. Ông thợ may đáp,” tôi toàn thấy ngài thọc tay móc túi người khác, nên tôi nghĩ ngài không cần.”

Trên mọi đồng tiền…


Nhưng vui nhất là chuyện hai ông Bill Gates và Warren Buffett khi cùng viếng thăm Beijing vào năm 2002. Warren rủ Bill sáng hôm đó đi bộ qua McDonald đối diện khách sạn để ăn sáng. Bill kể cho báo chí là ông rất shocked khi Warren đặt hàng xong, rút túi ra hai phiếu giảm giá 10 RMB (khoàng $1.50) ông vừa cắt trong một nhật báo địa phương. Tôi tiếc là không quen biết gì hai nhân vật giàu nhất nhì thế giới này.

Nhưng tôi chia sẻ một đặc tính với ngài Buffett. Khi báo chí hỏi ông sao áo quần thời trang của ông trông rẻ tiền bệ rạc, ông trả lời,” tôi mua toàn đồ hàng hiệu đấy chứ. Nhưng không hiểu sao chúng lại nhìn rẻ tiền và hạ cấp khi tôi mặc vào.” Không biết ông Bầu Đức có cảm giác này hay không?

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại
Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Ngày 5 / 12 / 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét