Vô môn quan


Nếu bạn hảo ngọt và muốn sống dễ dãi thì xin đừng đọc cuốn sách này. Nó chỉ dành cho những người cương quyết mưu cầu giác ngộ, mưu cầu satori.
Điều ấy có thể xảy đến với bạn. Trong một nháy mắt nó mở ra. Bạn là một người hoàn toàn mới. Bạn nhìn sự vật không giống như trước.
Cái năng lực mới mẻ này đến bằng chứng ngộ chứ không bằng lý luận. Bất cứ bạn làm gì hay ở đâu đều chẳng có gì khác biệt. Nó không tạo ra lý. Nó tạo ra bạn.
Những đề thoại đầu cổ xưa của Trung Hoa này, gọi là công án, cốt giúp thiền sinh đoạn tuyệt với say sưa chữ nghĩa và phiêu lưu tư tưởng. Khi một thiền sinh quán chiếu về một công án, đó là một cách muốn nói rằng: Đừng phung phí đời bạn chỉ để mò mẫm; hãy hướng suy nghĩ và cảm quan vào một mục đích - và rồi hãy để cho nó xảy ra.
Phải chăng nghệ thuật khai sáng cho con ngưòi này đã mất? Không! nếu bạn biết để tâm - hay những gì khác nữa bạn có - vào nó. Nếu những nhà lãnh đạo của nhân loại ý thức hơn về điều này, để khi họ may mắn có được chút quyền nhỏ nhoi, họ bóc lột kẻ khác ít hơn.
Những thiền sư xưa này thường khai ngộ cho môn đệ bằng chỉ trích, hay ngay cả thét đánh. Khi các ngài khen ngợi có nghĩa là đã xem thường. Đó là thói quen. Các ngài rất quan tâm đến các đệ tử của họ nhưng bộc lộ nó trong hiện tiền, chứ không bằng lời lẽ. Họ là những người kiên cường, những người gây kích. Họ ban cho những câu hỏi mà câu trả lời là sự sống của một người.
Vậy câu trả lời đúng cho công án là gì? Có rất nhiều và cũng chẳng có câu nào. Ở Nhật có một cuốn sách rất hiếm, cố đề ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi khai tâm này. Thật là một trò buồn cười!
Bởi vì công án cũng chính là câu trả lời, và khi đã có một câu trả lời thỏa đáng thì Thiền đã chết.
Đoạn sau là phần tóm lược lời mở đầu của ấn bản Anh ngữ đầu tiên của cuốn sách này.
***


Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền bá ở Ấn độ năm trăm năm trước thời Jesus và hằng ngàn năm trước Mohammed. Ngày nay đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn cuả nhân lọai, cổ hơn cả Thiên chúa giáo và Hồi giáo.
Từ thế kỷ thứ nhất T.L, kinh Phật đã được dịch ra Hán văn bởi nhiều dịch giả Ấn và Hoa, từ triều đại này đến triều đại khác. Tuy nhiên tinh túy của Phật giáo lại được truyền sang Trung quốc vào năm 520 TL bởi Bồ Đề Đạt Ma, được xem như là Tổ thứ Nhất tông phái Thiền Trung Hoa. Yếu tính đạo giải thoát từ Đức Phật Thích Ca đã được thiền sư tỉnh tọa Bồ Đề Đạt Ma lưu chuyển và đệ tử của ngài nối tiếp, rồi truyền thừa cùng một cách qua biết bao thế hệ. Nhờ đấy mà Thiền du nhập, nuôi dưỡng và truyền bá khắp Trung quốc, rồi đến Nhật bản.
Chữ Nhật ZEN - chữ Hán CH 'AN, chữ Phạn DHYANA - (dĩ nhiên chữ Viêt là THIỀN, LND) - có nghĩa là trầm tư mặc tưởng. Thiền nhắm đến qua trầm tư mặc tưởng, để ngộ được điều mà Phật đã ngộ, sự giải thóat của tâm. Nó cung cấp một lối tự quán chiếu, thường là dưới sự chỉ dạy của một thiền sư.
Thiền có nhiều bản kinh, mà cuốn sách này là một, Mu-mon-kan (Vô Môn Quan hay Mậu Môn Quan) - thoát ý là "cửa không chắn" - đã được ghi lại bởi Thiền sư Trung Hoa Ekai, cũng còn gọi là Vô Môn, sống từ năm 1183 đến năm 1260. Tác phẩm gồm những mẩu đối thọai giữa các tổ và đệ tử xưa ở Trung quốc, vẽ cho thấy lối xóa bỏ khuynh hướng nhị nguyên, hướng ngoại, bao quát, và trí thức của các đệ tử để đạt đến bản lai diện mục, thực tính. Những vấn đề hay những thử thách nội tại mà các thiền sư hay dùng để đối chất với các đệ tử đươc gọi là công án, và mỗi câu truyện kể sau chính nó là một công án.
Những câu truyện dùng cả đến chữ phàm tục để phản ảnh pháp môn thâm hậu, quán chiêu vào nội tâm của mình. Thảng hoặc có vài trường hợp xem ra thô bạo nên được hiểu như là sinh động và thành tâm. Không có câu truyện nào cố làm ra vẻ luận lý. Chúng nhắm vào trạng thái của tâm chứ không phải vào chữ nghĩa. Nếu không hiểu được điều này thì trọng điểm của cổ kinh bị nhìn sai lệch. Toàn thể thâm ý là giúp cho thiền sinh phá vỡ được cái vỏ của đầu óc hạn chế mà đạt đến được lần sinh thứ hai miên viễn, satori, giác ngộ.
Mỗi thoại đầu là một lớp cản. Ai có được tinh thần Thiền đều đi qua được. Ai sống trong Thiền hiểu được hết công án này đến công án khác, theo lối của mình, mà thấy những cảnh giới không thể thấy và sống trong vô hạn.
Vô-Môn đã viết những lời này trong phần giới thiệu của cổ kinh.

***

"Thiền không có cửa. Chủ đích của lời Phật dạy là để giác ngộ kẻ khác. Vì vậy mà Thiền phải không cửa.
"Một người muốn đi qua ' cửa không ' phải làm thế nào bây giờ? Có người bảo thứ gì qua lại cổng đều không phải là của gia bảo, rằng thứ gì tạo ra do sự giúp đỡ của người khác thì đều bị tan rã và hũy hoại.
"Những lời nói như thế chẳng khác gì sóng nổi giữa bể lặng hay cắt xẻ thân người lành mạnh. Nếu kẻ nào bám cứng vào những gì người khác nói và cố gắng hiểu Thiền bằng lý giải thì kẻ ấy chẳng khác gì tên đần độn nghĩ rằng hắn có thể dùng gậy đập được mặt trăng hay gãi chỗ ngứa chân từ bên ngòai chiếc giày. Không bao giờ có thể được.
"Vào năm 1228 ta thuyết pháp cho chư tăng tại chùa Ryusho ở phía đông Trung quốc, và do lời yêu cầu của họ ta kể lại những công án cổ, với mong ước khơi dậy tinh thần Thiền của họ. Ta dụng ý dùng công án như một kẻ nhặt viên gạch để gõ cửa, sau khi cửa mở thì viên gạch chẳng còn hữu dụng nữa và bị ném đi. Lời ta, không ngờ lại được góp nhặt, và có đến bốn mươi tám công án, ta thêm vào lời bàn và kệ cho mỗi bài, tuy vậy sự sắp xếp lại không theo thứ tự đã kể. Ta gọi cuốn sách là Vô Môn Quan, mong rằng thiền sinh đọc nó như một cẩm nang.
"Nếu độc giả nào mạnh dạn tiến thẳng về phía trước trong thiền định, không ảo tưởng nào có thể quấy họ được. Họ sẽ liễu ngộ chẳng khác gì chư tổ ở Ấn và Hoa, có thể còn khá hơn. Nhưng nếu họ ngập ngừng dù một giây lát, họ sẽ như kẻ đứng nhìn người cỡi ngựa phi qua cửa sổ, và trong nháy mắt chẳng kịp trông thấy.
"Đại đạo không có cổng,
Ngàn lối đi vào nó.
Khi ai đi qua được cổng không cửa này
Thì thong dong giữa đất trời."

( Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét