CÁCH NÀO ĐỂ… QUÊN?

Tôi là một tín nữ thuần thành, tuy không xuất gia nhưng đã nguyện dâng hết đời mình cho đạo pháp. Hơn mười năm nay, hàng ngày tôi đến chùa làm Phật sự, công quả và tu niệm. Trong tim tôi, chuyện tình cảm lứa đôi gần như nguội lạnh, chỉ còn lòng thương bình đẳng với mọi người. Thế mà gần đây tôi gặp một người đàn ông có hoàn cảnh gà trống nuôi con, nửa đường gãy gánh.
Lúc đầu, chỉ vì thương cảm nên tôi thường động viên, chia sẻ trong tình bạn đạo nhưng rồi dần dần tình cảm của tôi dành cho anh ấy ngày một lớn và đã yêu anh ấy thật sự. Từ khi con tim dậy sóng, tôi đã trăn trở, dằn vặt, nhớ nhung, hy vọng rồi thất vọng… Thực sự thì tôi biết rằng, tôi không xứng đáng với anh ấy về mọi mặt và đã cố quên, nhưng càng quên lại càng nhớ. Rồi một thời gian sau, khi nhận được thiệp hồng của anh ấy, tôi đã khóc thật nhiều và thú thật giờ đây tôi không thể nào quên được anh ấy. Xin hỏi có cách nào quên được anh ấy để tâm hồn tôi thanh thản, tiếp tục đi theo con đường đã chọn.
Trong mỗi người, tình yêu là nhựa sống, luôn tiềm tàng và sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Chỉ trừ những bậc Thành đã đoạn tận tham ái, còn lại đối với hầu hết mọi người, con tim trần thổn thức, “loạn” nhịp là chuyện bình thường. Trường hợp của bạn, quên anh ấy không phải là khó song cần sự nỗ lực mạnh mẽ và nhất là phải vận dụng tuệ giác mới vượt qua.
Trước hết, tự thân bạn đã có thệ nguyện không lập gia đình để không bị ràng buộc, sống thảnh thơi để tu học, làm công quả và phụng sự chúng sanh. Thệ nguyện này thật cao cả, ban đầu có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn bạn, giúp bạn giữ vững tâm ý. Theo thời gian, nguyện lực này không được vun bồi, gia cố thêm cho vững chãi nên chí nguyện ban đầu đã lung lay. Thứ nữa, dù bạn có thực tâm tu học trong một thời gian khá dài, bạn có cảm tưởng con tim đã nguội lạnh nhưng kỳ thực sự an ổn đó chỉ có tính chất tạm thời. Chút thành quả an tịnh bạn đạt được chưa đủ mạnh để vượt qua cám dỗ của ái dục vốn tiềm tàng và rất hùng hậu trong thâm tâm của bạn nên khi hội đủ duyên thì luyến ái, yêu thương bùng phát.
Mặt khác, bạn đã mất cảnh giác, không chánh niệm khi trang trải từ bi. Luyến ái được nguỵ trang khéo léo dưới biểu hiện của lòng từ làm cho sự thương cảm ban đầu trở thành thương yêu thật sự . Giờ đây, tâm bạn đã mất hết tự chủ bởi yêu ghét rối bời, đặc biệt là không thể nào quên được anh ấy.
Bạn đang khổ đau nhưng đó là một kinh nghiệm quý báu. Trải nghiệm này sẽ giúp bạn vững chãi hơn để dấn thân và phụng sự. Bạn phải thấy rằng, anh ấy chỉ đồng cảm, trân quý và ngưỡng mộ bạn đồng thời có chút xao xuyến nhưng không hề yêu bạn. Khi có mất mát, hụt hẫng trong đời mà được chia sẽ, an ủi. vỗ về thì ai mà không biết ơn, cảm động? Tình cảm ấy là ái kính, một tình thương với nhiều biết ơn, kính trọng. Trong lòng anh ta, bạn chỉ là một hiện thân “Bồ tát” cứu khổ thánh thiện, trong sáng, nhân ái và tư bi.
Trước đây, bạn đã từng đấu tranh nội tâm và đã có quên nhưng vẫn có một chút gì để mơ hồ chờ đợi, hy vọng dẫu vô cùng mong manh. Nay thì đã rõ ràng, anh ấy đã gởi thiệp hồng cho bạn rồi, chẳng còn gì để hy vọng và chờ đợi cả. Hiện giờ, bạn đang đơn phương yêu thương một bóng hình cùng những vọng tưởng điên đảo của tự tâm. Để cứu mình, bạn phải gạt nước mắt, bình tâm nhìn thẳng vào sự thật này. Bạn đã kinh qua khổ đau, thực chứng “yêu là chết trong lòng một tí”, đó là một tuệ giác. Việc đầu tiên, bạn phải thực hành sám hối để vơi đi ái nghiệp bởi chính ái nghiệp đã che lấp tuệ giác, khiến bạn mê mời tự khổ đau.Kế đến phải nhiếp tâm vào một đối tượng như niệm danh hiệu Phật, quán hơi thở… Điều quan trọng ở đây là bạn chẳng cần xua đuổi, không cần cố quên mà chỉ chú tâm thực hành pháp môn. Trở về sống với thực tại của thân tâm nhờ chánh niệm (niệm Phật, niệm hơi thở…) tâm của bạn dần lắng xuống, an tịnh.tất cả những khởi niệm của tâm (kể cả nỗi nhớ kia) đều được nhận biết nhưng không đeo bám và truy tìm, mặc kệ nó, tâm vẫn an trú vào pháp môn. Sự thực tập này là phương thuốc duy nhất để chữa lành tâm của bạn.
Khi tâm có trú niệm, sự tĩnh lặng sẽ giúp bạn khám phá ra một điều vô cùng quan trọng: Các ý niệm trong tâm luôn hiện khởi, bềnh bồng và sinh diệt. Đuổi theo, bám víu thì nó phát huy tác dụng còn không thì nó tự tiêu vong. Tuệ giác này sẽ giúp bạn mỉm cười vì lâu nay bạn chỉ chơi trò ú tim, buồn vui với vọng tưởng của chính mình.


Nguồn: chuahuongdao.org