Nhiều Tăng sĩ lặn lội đường xa tìm đến tham bái, cầu ông chỉ dạy. Ông lo lắng sẽ bị lộ tính phàm phu của mình nên ra vẻ im lặng không nói một lời, trang bị cho mình một dáng vẻ trầm mặc huyền bí, tự xưng là Trầm Mặc đại sư và khôn khéo giao phó mọi việc cho hai đệ tử ưu tú có tài hùng biện tiếp khách.
Ngày nọ hai đệ tử có việc phải ra ngoài, đúng vào lúc đó có một vị Tăng du phương tìm đến xin học đạo, bất đắc dĩ đại sư Trầm Mặc phải “thân chinh” tiếp khách.
Vị Tăng hỏi:
- Phật là gì?
- Đại sư Trầm Mặc chẳng biết trả lời làm sao, đành giữ im lặng, vừa ngó đông nhìn tây ngong ngóng mong tìm bóng dáng hai đệ tử về cứu khổ.
Vị Tăng thấy đại sư im lặng nhìn quanh quất đầy khí phách thiền cơ nên hỏi tiếp:
- Pháp là gì?
Lần này đại sư Trầm Mặc tuyệt vọng vì không tìm thấy đệ tử, đành né tránh tia nhìn sắc bén của vị Tăng, vờ ngẩng đầu nhìn trời, rồi cúi xuống dán mắt vào đất, sau đó im thin thít, không hó hé nửa lời.
Vị Tăng cảm thấy mình được khai thị sâu sắc, hỏi tiếp:
- Tăng là gì?
Đến lúc này đại sư Trầm Mặc đành nhắm tịt mắt lại chẳng thèm biểu hiện gì nữa.
Du Tăng lòng đầy hỷ lạc, hỏi thêm:
- Đại sư, hạnh phúc, an lạc là gì?
- Giờ thì ông đã chịu hết nổi, cảm thấy đau đầu, giơ hai tay phẩy một cái, tỏ vẻ bất lực, không thể ứng tiếp gì nữa.
Du Tăng cực kỳ cung kính, vui vẻ cáo từ, lòng cảm thấy đại sư Trầm Mặc sao mà cao thâm, uyên bác quá! Đúng là danh bất hư truyền, thâm thúy khó lường!
Ông từ giã đại sư đi không lâu thì gặp hai đồ đệ của ông đang trên đường về, không hề biết quan hệ thầy trò của họ, du Tăng sung sướng bày tỏ niềm tâm đắc mãn nguyện của mình:
- Thật lời đồn không sai! - Nhà sư Trầm Mặc trên núi quả là bậc chân tu chứng ngộ đấy! Tôi hỏi: Thế nào là Phật? Thì đại sư xoay đầu nhìn bốn phương tứ hướng, như ngầm bảo người người đi tìm Phật khắp nơi, kỳ thật Phật ở trong lòng, chẳng cần phải chạy đông rảo tây tìm kiếm... Tôi hỏi: Thế nào là Pháp? Thì ngài trước nhìn lên trời, rồi lại ngó xuống, ngụ ý rằng Pháp hoàn toàn bình đẳng, tuyệt không phân cao thấp. Tôi hỏi: Thế nào là Tăng? - Thì ngài nhắm hai mắt lại liền, ý muốn dạy phải bế môn khổ tu mới là Tăng!
Sau đó tôi nghĩ không ra điều gì nữa liền hỏi: - Thế nào là hạnh phúc hỷ lạc? Thì ngài đưa hai tay ra, ý nói phải buông bỏ hết mới là hạnh phúc, khéo giúp đỡ người khác mới là hỷ lạc…
Chà! Đại sư Trầm Mặc chứng ngộ thâm áo, chỉ dạy cao siêu biết dường nào! Hai huynh hãy tới đó mà xin ngài chỉ giáo cho!
Vị Tăng hành cước nói xong lộ vẻ cực kỳ mãn nguyện, vái chào và tiếp tục cuộc vân du học đạo của mình.
Hai vị đồ đệ vừa mục kích những gì mình nghe thấy chỉ có nước há hốc mồm trợn tròn mắt… nghĩ thầm: Sao sư phụ mình trong nháy mắt đã biến thành bậc ngộ đạo cao thâm đáng nể thế? Phải mau về hỏi cho rõ thực hư…
Đại sư Trầm Mặc vừa thấy hai đệ tử về đến, không kiềm được thịnh nộ, liền mắng xối xả:
- Bọn ngươi đi lâu như quỷ, vừa rồi có một du Tăng đến cầu đạo, hỏi lung tung, báo hại ta suýt nữa thì té nhào, may nhờ ta biết làm thinh tới cùng, mới thoát nạn đó!
(Kể theo Truyện cổ Phật giáo)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Một vị thầy đạt đạo, tiềm ẩn phẩm chất cao quý không bao giờ cao giọng xưng mình đã chứng ngộ hay khoe khoang với mọi người về những thành tựu của mình. Không phải cứ làm thinh là đã chứng, không phải cứ thuyết pháp liên miên bất tận không đợi mời thỉnh là đã chứng. Rất khó đo lường mức độ chứng ngộ của một người. Ta chỉ có thể nhìn cách ứng xử, cách đón bát phong (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc), sự thành thật, lòng từ và trí tuệ của thầy được thể hiện như thế nào.
Có những vị thầy được xem như bậc Thánh, song lời tâm sự của các ngài rất dung dị dễ thương, các ngài tự nhận rằng cũng có lúc nội tâm mình rơi vào trạng thái nguy hiểm - vì đã để mất lòng từ đối với những kẻ muốn làm hại mình. Có nghĩa là lòng từ bi, nhân cách trong sáng thánh thiện luôn được các ngài đặt lên hàng đầu.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã cho một lời khuyên rất minh triết rằng: “Đừng hấp tấp tôn ai là thầy vì mối liên hệ này ảnh hưởng đời sống tinh thần của ta rất sâu sắc. Dù phải đợi, một năm, mười năm hay mấy mươi năm, trước tiên ta hãy coi người đó là thiện tri thức, hãy quan sát cách cư xử dạy bảo của người đó cho đến bao giờ ta hoàn toàn phát khởi đại tín tâm thì hãy tôn người đó làm thầy”.
Hạnh Đoan
Nguồn: chuahuongdao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét