Câu chuyện tình Việt-Mỹ, “Cái Chớp Mắt Kỳ Diệu” thay thế “I do”



“Kevin Zysk, ông có đồng ý nhận cô Phúc làm vợ mình không?”
Ðó là một lễ cưới đầy mầu nhiệm. Mục Sư Michael Diggins đã làm phép cho lễ cưới của cô Trần Vũ Thị Phúc và ông Kevin Zysk trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình và nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhiều người nghĩ rằng lễ cưới này, được thực hiện chỉ để Phúc nhẹ nhàng trước khi “ra đi,” và giúp người ở lại thêm thanh thản. Nhưng cuộc sống không giản đơn như vậy. Tình yêu, hạnh phúc và hy vọng luôn tồn tại có ý nghĩa trong đời sống, và vượt qua những suy nghĩ tầm thường.


Ông Kevin Zysk và bà Phúc khi hai người mới quen nhau.
 (Hình: Tư liệu gia đình).


“Chị ơi, nếu chị đồng ý thì chị chớp mắt đi.” Và bà Phúc đã chớp mắt.


Mục Sư Diggins, chủ trì lễ cưới của tiến sĩ Kevin Zysk và bà Phúc.


Gia đình và người thân chứng kiến lễ cưới của Kevin Zysk và bà Phúc.


Chú rể Kevin Zysk đang cho bà Phúc xem chiếc bánh cưới của hai người.Mục Sư Michael Diggins hỏi: “Kevin Zysk, ông có đồng ý nhận cô Phúc làm vợ mình không?”
Ông Kevin Zysk trả lời: “I do.” (Tôi đồng ý).Mục Sư Diggins hỏi tiếp: “Phúc Murphy, bà có đồng ý nhận ông Zysk làm chồng mình không?”(Không có tiếng trả lời).Một giọng nói vang lên: “Chị ơi, nếu chị đồng ý thì chị chớp mắt đi.”Và bà Phúc đã chớp mắt.
Kể từ lúc này bà Phúc Murphy trở thành bà Phúc Zysk, một ước ao của bà bấy lâu nay.Ðó là những gì xảy ra vào lúc 11 giờ sáng hôm 6 tháng 12 vừa qua bên giường bệnh của bà Phúc trong phòng săn sóc đặc biệt thuộc một bệnh viện của công ty bảo hiểm y tế Kaiser Permanente tại Los Angeles.
Bà Trần Thị Huy Lễ, chị ruột bà Phúc, xúc động nói với tôi: “Nó thương ổng lắm. Nó muốn có “last name” của ổng trước khi “đi.”Bà Phúc Zysk, trước đây tên Trần Vũ Thị Phúc và là một nữ sinh Trưng Vương (Sài Gòn), làm thư ký cho một cơ quan quân sự Hoa Kỳ tại tỉnh Gia Ðịnh trước năm 1975.
Năm 1973, bà sang Hoa Kỳ và tiếp tục làm thư ký tại căn cứ Không Quân Hoa Kỳ Los Angeles Air Force Base kể từ đó.Theo lời kể của bà Trần Vũ Mặc Lan, em bà Phúc, khi sang Hoa Kỳ bà Phúc mới lập gia đình với một người Mỹ, họ là Murphy. Hai người có với nhau hai con gái. Sau nhiều năm sống chung, hai người quyết định chia tay vì những bất đồng không thể hàn gắn được.
Cũng kể từ đây, bà Phúc được bác sĩ cho biết bà bị bệnh “lupus” (một căn bệnh mà kháng thể của hệ miễn nhiễm tấn công các tế bào của chính mình). Và bà bắt đầu dùng thuốc để chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này. Nhưng đến một ngày vào năm 2000, Mai Ly, một trong hai người con gái của bà, bất ngờ qua đời trong một tai nạn xe hơi.Không thể kham nổi với mất mát quá lớn này, bà Phúc chỉ biết buồn rầu, khóc và nhớ con. Căn bệnh của bà trở nên trầm trọng hơn và bắt đầu biến chứng sang suy thận.
Cũng trong năm 2000 này, bà Phúc gặp Kevin Zysk, tiến sĩ khoa học và kỹ thuật, đang làm việc cho một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nashville, Tennessee. Tiến sĩ Zysk đã từng hai lần lập gia đình trước đây và không thành công. Trong một lần về California chơi, ông Zysk ghé thăm một người bạn, tên Della và là hàng xóm của bà Phúc. Bà Della sau đó mời ông Zysk sang chơi và ăn cơm tối bên nhà bà Phúc. Trong lúc ăn, ông Zysk nhận ra món nước chanh bà Phúc pha rất giống bà mẹ mình làm. Ông mạnh dạn bước xuống bếp và xin bà Phúc một ly nữa. Sau đó ông nhận thấy bà Phúc không lên phòng khách mà cứ đi lại dưới bếp nước mắt rưng rưng. Tò mò ông Zysk hỏi chuyện gì và được biết bà khóc vì nhớ Mai Ly, đứa con gái thân yêu của bà. Ông Zysk không biết nói gì ngoài vài lời an ủi.
Trở về Tennessee, ông Zysk không thể nào quên được hình ảnh buồn rầu của bà Phúc. Ông bắt đầu gọi điện thoại làm quen và an ủi bà. Dịp Thanksgiving năm đó, ông Zysk gọi điện thoại chúc mừng và hỏi: “Giáng Sinh năm nay bà có đi đâu không?” Bà Phúc đáp: “Chắc ở nhà khóc vì nhớ con.” Ông Zysk liền nói: “Tôi sẽ không để bà như vậy. Thế bà có muốn đến Mississippi chơi không?”Sau một tuần suy nghĩ, bà Phúc đồng ý.Tại Mississippi, bà Phúc được gặp cha mẹ của ông Zysk. Sau đó, ông đưa bà về thăm Nashville nơi ông ở.
Sau lần đó, bà Phúc có đến Nashville thăm ông hai lần, trong đó có một lần bà dắt mẹ mình theo. Tại Tennessee, ông Zysk đã đưa bà Phúc đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của trung tâm nhạc đồng quê Mỹ như Fall Creek Falls State Park, Grand Ole Opry và nghe nhạc cổ điển...Tiến sĩ Zysk nói: “Cứ thế tình cảm giữa hai chúng tôi nảy nở.”Trong thời gian này, ông Zysk cũng biết về căn bệnh của bà Phúc. Ông cho biết: “Cô ấy không bao giờ dấu giếm điều đó đối với tôi.”
Tháng 9 năm 2001, tiến sĩ Zysk chuyển về làm việc tại căn cứ Không Quân Hoa Kỳ Edward Air Force Base để gần bà Phúc hơn.Cũng theo lời kể của bà Mặc Lan, bà Phúc không có tài sản gì lớn lao. Với đồng lương thư ký, bà Phúc không giàu có gì. Hiện bà chỉ sở hữu một căn nhà nhỏ. Ông Zysk thường bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để sửa chữa căn nhà khi bà Phúc chưa vào nhà thương.Bà Mặc Lan nói: “Ông ấy rất “handyman,” làm được mọi thứ trong nhà. Sau mỗi lần sửa nhà, dù tốn kém bao nhiêu, khi chị Phúc trả, ông chỉ lấy tượng trưng vài đô la.”Bà Mặc Lan tiếp: “Ông Zysk cũng khuyến khích chị Phúc đi đây đó, tham gia sinh hoạt để khuây khỏa. Ông từng đi theo chị đến những buổi họp mặt các cựu nữ sinh Trưng Vương tại miền Nam California.”Khi được hỏi có người cho rằng ông Zysk biết bà Phúc sống không lâu, nhưng vẫn quyết định làm đám cưới có thể vì lý do tài chánh chứ không phải vì tình yêu chân chính, bà Mặc Lan quả quyết: “Không. Tôi rất gần với chị Phúc và biết rất rõ về ông Zysk vì ông ấy làm chung với chồng tôi. Tôi biết ông ấy yêu chị tôi thật sự. Ông đã từng yêu cầu luật sư của chị Phúc làm giấy để ông ký vào là ông sẽ không đụng vào tài sản của chị sau khi chị qua đời. Ông Zysk có thu nhập cao hơn chị Phúc nhiều và cũng có nhà riêng nữa.”Bà Mặc Lan kể tiếp: “Thực ra, chị Phúc có dự định chia cho ông Zysk một nửa căn nhà đó và ông dự định sẽ dùng số tiền đó để mở một quỹ, mang tên chị, để giúp những người bị suy thận.”Trong một lần tâm sự với em mình bà Phúc nói: “Chị không ngờ mình lại gặp một con người tốt như vậy. Có lẽ chính Mai Ly đã mang Kevin đến với chị để chị vơi đi nỗi buồn khi nó ra đi.”
Kể từ khi bà Phúc bị bắt buộc bà phải vào phòng săn sóc đặc biệt cách đây bốn tháng, hầu như ngày nào ông Zysk cũng lái xe từ Palmdale xuống Los Angeles để vào chăm sóc bà Phúc. Riêng cuối tuần, ông lúc nào cũng có mặt bên cạnh bà.Cách đây hai tháng, ông Zysk hỏi bà Phúc: “Em có bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình không?”
Bà Phúc đáp: “Anh muốn lập gia đình hả?”
Ông Zysk mừng rỡ: “Tại sao em đợi đến bây giờ mới hỏi?”
Nhưng bà Phúc nói: “Chúng ta không thể làm bây giờ?”
Ông Zysk thắc mắc: “Tại sao không phải bây giờ?”
Bà Phúc đáp: “Em chưa được khỏe và chúng ta cần có một mục sư chủ trì đám cưới.”
Ông Zysk tiếp tục: “Ðược thôi, em ráng khỏe đi, anh sẽ tìm một mục sư cho chúng ta.”
Nhưng bệnh tình của bà Phúc càng ngày càng trầm trọng. Hiện nay, bà không thể nói được và phải thở bằng bình dưỡng khí. Ông Zysk kể: “Tôi rất lo cho sức khỏe của Phúc. Một lần, đang ngồi kế bên Phúc, tôi thấy máy theo dõi tim mạch bị tắt, tôi hốt hoảng, không biết làm gì và chỉ biết cầu cứu y tá. Hiện nay, Phúc chỉ mở mắt được chừng năm tới mười phút một lần và sau đó lại thiếp đi chừng 30 phút. Tôi không rõ Phúc sẽ còn sống bao lâu nữa. Nhưng tôi hy vọng, sau lễ cưới, Phúc sẽ lên tinh thần và có thể khỏi bệnh.”
Ngay trước khi lễ cưới diễn ra, tôi có hỏi Mục Sư Diggins có bao giờ ông chủ trì một trường hợp như vậy. Vị mục sư đáp: “Ðây là lần đầu tiên trong đời tôi. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì chuyện tình này rất đẹp. Tôi không nghĩ tôi sẽ có dịp làm như vậy lần thứ hai.”Trong lúc buổi lễ diễn ra, ngoài thân nhân bà Phúc có mặt trong phòng, tất cả nhân viên khu săn sóc đặc biệt đều đứng phía ngoài và chia sẻ niềm vui cùng cô dâu và chú rể. Anh John Cornell, chuyên viên hô hấp, nói: “Thật là tuyệt vời. Ðây là một trường hợp hiếm có, chỉ có thể có trên phim ảnh, tôi nghĩ không bao giờ tôi được chứng kiến lần thứ hai.”Riêng bà Mặc Lan tâm sự với tôi: “Ngày xưa mình xem phim “Love Story” mình nghĩ không bao giờ chuyện này có thể xảy ra trên thực tế. Vậy mà bây giờ mình mới biết là mình lầm. Chuyện gì cũng có thể xảy ra được.”Hầu hết tên của người Việt chúng ta do cha mẹ đặt đều có một ý nghĩa hay một sự kỳ vọng nào đó. Cha mẹ bà Phúc đã rất đúng khi đặt tên cho bà. Phải có “phúc” lắm bà mới gặp một người chồng như tiến sĩ Kevin Zysk .

***
Ðó là một lễ cưới đầy mầu nhiệm. Mục Sư Michael Diggins đã làm phép cho lễ cưới của cô Trần Vũ Thị Phúc và ông Kevin Zysk trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình và nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhiều người nghĩ rằng lễ cưới này, được thực hiện chỉ để Phúc nhẹ nhàng trước khi “ra đi,” và giúp người ở lại thêm thanh thản. Nhưng cuộc sống không giản đơn như vậy. Tình yêu, hạnh phúc và hy vọng luôn tồn tại có ý nghĩa trong đời sống, và vượt qua những suy nghĩ tầm thường.

Ngày ấy, trên giường bệnh, trong cơn thập tử, khi mục sư hỏi cô dâu có đồng ý lấy Zysk làm chồng, Phúc không còn sức khỏe để nói chỉ hai chữ “I do.” Phúc không “I do,” nhưng Phúc đã trở thành vợ của Zysk bằng cách chớp đôi mắt. Cái “chớp mắt kỳ diệu” đã gắn Zysk và Phúc lại với nhau; để “cô Phúc” ngày xưa bây giờ trở thành “Phúc Zysk.”

Sau lễ cưới là thời gian yêu đương của những đôi vợ chồng mới thành hôn. Nhưng với Tiến Sĩ Zysk, sau lễ cưới là những ngày ông tận tụy với vị hôn thê bên giường bệnh. Hai tuần sau lễ cưới, ông nhớ chính xác vào ngày 19 Tháng Mười Hai, 2005, điều hạnh phúc đến với ông sau hai tuần “trăng mật” là nhìn thấy sự sống đã trở lại với Phúc. Ông nói: “Khi Phúc vẫy tay ra hiệu với tôi, tôi đã khóc và xem đó là một ngày thật đặc biệt. Ðó là 'big day' trong cuộc đời tôi.”

Bệnh tình của Phúc đã có những triệu chứng tốt hơn. Từ phòng săn sóc đặc biệt của nhà thương, Phúc được chuyển qua “nursing home”, và sau đó cô được bác sĩ cho phép chuyển về nhà. Phúc đã ở lại với chồng sau “cái chớp mắt đồng ý” của giây phút kỳ diệu đó. Tất cả chỉ trong vòng ba tháng, Tiến Sĩ Zysk đã giành lại sự sống cho vợ mình bằng tất cả tình yêu, một tình yêu không thể diễn đạt bằng ý thức thông thường.

Hiện tại cô được chồng đưa đón đến bệnh viện để lọc máu 3 lần trong một tuần, được ông chăm sóc, lo lắng từ miếng cháo đến viên thuốc trong mỗi bữa ăn. Từ tình trạng “thập tử nhất sinh” trước đây bây giờ cô Phúc đã tự ngồi được trên xe lăn và có thể đứng và tự đi được trong 10 phút.

Cô ước ao một ngày nào đó tự tay cô sẽ nấu được món phở gà mà “ông xã” của cô, Tiến Sĩ Kenvin Zysk, vốn rất thích khi được thưởng thức tài nghệ làm bếp của cô trước đây. Riêng đối với Tiến Sĩ Kevin Zysk, ông mong muốn vợ mình hồi phục sức khỏe để có thể cùng ông về thăm mẹ, và đồng thời ra mắt gia đình bên chồng ở Tennessee.

Hôn nhân chính là sự ràng buộc và chấp nhận hy sinh vì nhau. Từ ngày cưới Phúc làm vợ, Tiến Sĩ Zysk đã từ bỏ những thú vui thường nhật của một người đàn ông độc thân để dành tất cả thời gian chăm sóc cho Phúc. Thậm chí ông còn dự tính về hưu sớm, từ bỏ công việc đang gắn bó bấy lâu nay, ông sẽ đi học một lớp sử dụng máy lọc máu. Từ tiến sĩ của một cơ quan thuộc Không Quân Hoa Kỳ, ông Kevin Zysk sẽ trở thành một “bác sĩ tại gia,” chuyên chạy máy lọc thận dành riêng cho Phúc. Ông thường nói đùa với vợ ông: “Tôi sẽ làm cho em sống, mặc dù điều đó làm cho tôi chết.”

Trong chuyến ghé thăm những người bạn học cùng trường Trưng Vương, Tiến Sĩ Zysk đã yêu cầu cô Phúc tự bước đi để làm ngạc nhiên những người bạn. Ngày hôm đó, trong nhà cô Trương Kim Lan, có vợ chồng ông Kevin Zysk và vợ chồng ông Phước Quan, họ là những vị khách mời đặc biệt. Hôm ấy, người ta được thấy một điều kỳ diệu: bằng tình yêu, con người có thể vượt lên trên số phận, bệnh tật của đời mình.

Với “Phúc Zysk,” vượt qua được bệnh tật, tiếp tục cuộc sống là một điều kỳ diệu. Nhưng kỳ diệu hơn là, Phúc đã có được món quà tình yêu được Trời Phật trao tặng trong đời sống. Với người phụ nữ Việt Nam, đàn ông là một chỗ dựa trong cuộc đời mình. Chính sự hiện diện của Tiến Sĩ Kevin Zysk trong cuộc đời đã làm cho cô càng thêm tin rằng tình yêu trên cõi đời này là một điều kỳ diệu.

(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét