Cuộc đời Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy


Sau 3 năm “du học” bên Pháp, mà thực chất là chỉ có ăn chơi, tháng 8.1930 Trần Trinh Quy trở về nước bằng tàu thủy. Ông Hội đồng Trạch đã dày công tổ chức một cuộc đón rước con rình rang có một không hai thời bấy giờ, với những phương tiện và nghi thức không hề thua kém đón rước Vua Bảo Đại. Bắt đầu từ đây, giới ăn chơi Nam Kỳ biết đến một Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.



Hãng bán xe hơi ngay ngã tư Charner - Bonard (ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TPHCM ngày nay) không thật niềm nở khi có hai người khách trong bộ dạng nhà quê ghé vào. Người lớn tuổi trong bộ đồ bà ba “lục soạn” trắng ngả màu phèn, ôm khư khư chiếc giỏ đệm, bên trong là cái mo cau. Ông già nhà quê và người thanh niên đi cùng xem khắp lượt các loại xe hơi đậu trong hãng. Sau một hồi ngắm ngắm nghía nghía, người thanh niên kéo ông già nhà quê tới bên chiếc xe “Huê Kỳ” (xe hơi) hiệu Chevrolet loại mới nhập cảng ở Mỹ qua, chưa ai có ở Nam Kỳ.
Ông già ra lệnh cho mấy thằng Tây bán xe mở cửa xe cho ông lên ngồi, bọn chúng trố mắt ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo khách hàng. Xong ông bảo chúng chạy một vòng quanh chợ Bến Thành. Đến chừng đã ưng ý, ông kêu sốp-phơ chạy trở về hãng, xong mở mo cau ra đếm tiền, cả cọc giấy bạc bộ lư (loại 100 đồng Đông Dương). Bọn Tây trố mắt kinh ngạc, chúng đâu biết rằng, ông già nhà quê kia là một đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ khi ấy, ở xứ Bạc Liêu. Ông chính là Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) - người đang nắm trong tay hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và khoảng 50 ngàn hécta ruộng muối.
Ông Hội đồng Trạch mua xe mới là để đón đứa con đi học bên Tây thành tài về nước cho nó đúng điệu. Trước đó gia đình ông Trạch có chiếc Ford tuy chưa cũ nhưng đã thua kém xe của nhiều điền chủ khác, trong khi chiếc Chevrolet chỉ mới Vua Bảo Đại có. Chiều ngày hôm trước, người tài xế lái chiếc Ford đưa ông bà Hội đồng Trạch và mấy người con từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, đêm ngủ ở khách sạn Nam Kỳ, để sáng nay đi mua xe hơi. Ngày hôm sau “cậu Ba” Quy sẽ về đến cảng Sài Gòn.
Vào đầu tháng 7, cậu Ba Quy đánh dây thép từ Pháp về cho biết đã học “thành tài” và chuẩn bị lên tàu về nước. Thông tin đó làm xôn xao Nhà Lớn (Nhà Lớn là tên mà người dân Bạc Liêu đặt cho tòa nhà đồ sộ, nguy nga nằm bên sông Bạc Liêu). Đó là một biệt thự lớn, có lầu, kiến trúc theo kiểu Tây, tuy thua về diện tích khuôn viên, nhưng về kiến trúc và mức độ đồ sộ thì ăn đứt dinh thự của quan chủ tỉnh người Tây. Đó là cơ ngơi của ông đại điền chủ Trần Trinh Trạch.
Ông Hồi đồng Trạch cho tu sửa, dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị yến tiệc lớn mừng ngày đứa con quý tử của ông “vinh quy bái tổ” từ Pháp trở về. Ông Trạch có 3 người con trai, nhưng ông cưng nhất là cậu Ba Quy vì có “đầu óc hơn người”, được đi Tây học. Ông Trạch (“trạch” là tên một loài cá, cá trạch, có nhiều ở miền Tây Nam Bộ) thích đặt tên con theo các loài thủy tộc giống như mình, vì ông quan niệm “muốn giàu nuôi cá”. Đứa con trai đầu lòng ông đặt tên Trần Trinh Đinh (“đinh” là tên một loài giống như rùa, nhưng lớn hơn, sống ở ven biển Nam Bộ). Đứa con thứ ba là Trần Trinh Quy (“quy” nghĩa là rùa). Đứa con trai út, ông cũng đặt tên một loài thủy tộc khác là Trần Trinh Khương, nhưng người đời quen gọi là Tám Bò. Cậu Hai Đinh được học tới Đip-lôm (trung học), rồi học ban tú tài, nhưng ông Hội đồng Trạch không cho cậu học tiếp, mà bắt ở nhà trông coi điền đất cho ông. Ông quan niệm, học nhiều đậu kỹ sư, bác sĩ cũng không kiếm tiền nhiều bằng mấy ông chủ điền.
Trần Trinh Quy cũng học tới đậu bằng Đip-lôm, ông Hội đồng Trạch định bắt nghỉ học ở nhà làm điền chủ, nhưng Ba Quy nhất mực đòi cha cho đi học bên Tây. Ba Quy nói: “Nhà mình bạc chứa cả kho mà ba hà tiện làm gì? Để cho con một bụng chữ còn hơn để mấy chục ngàn mẫu ruộng. Nếu ba cho con qua Tây học thì thiên hạ khắp nơi trên xứ Nam Kỳ lục tỉnh này ai cũng kính nể ba”. Nghe con nói chí lý, ông Hội đồng Trạch đã mở kho lấy cả valy bạc nén cho con đi Tây du học. Thấm thoắt mà đã 3 năm, cậu Ba Quy đã học “thành tài”, sắp trở về “vinh quy bái tổ”. Một mặt, ông Hội đồng Trạch cho sửa soạn lại nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, một mặt ông sắm chiếc xe hơi loại mới nhất để ra bến cảng Sài Gòn đón cậu Ba Quy đưa về Bạc Liêu.

Lái xe, lái cả máy bay

Chiếc tàu Aramis của hãng Messageries Maritimes chạy tuyến Marseille - Sài Gòn cập bến vào lúc 9h sáng ngày 10.8.1930. Bến cảng Nhà Rồng đông nghẹt người tới đón thân nhân từ Pháp về. Gia đình Hội đồng Trạch đi trên 2 chiếc xe Huê Kỳ ra bến cảng đón con: Chiếc Ford đi bấy lâu và chiếc Chevrolet mua mua ngày hôm trước. Trong bãi xe đậu trên bến cảng, chiếc Chevrolet của Hội đồng Trạch là nổi bật hơn cả, thiên hạ kéo tới trầm trồ ngắm nhìn. Sau mấy hồi còi vang dài trên sông Sài Gòn, chiếc tàu Aramis xuất hiện, từ từ rẽ sóng tiền về bến Nhà Rồng. Từ trên boong tàu, cậu Ba Quy xuất hiện thật sang trọng, giống như tài tử trên màn bạc trong rạp chiếu bóng. Vừa ôm chầm lấy con, ông Hội đồng Trạch vừa hỏi: “Mầy coi oai như Tây. Có dẫn con đầm nào về không?”. Cậu Ba lắc đầu, mắt đượm buồn vì ông Hội đồng Trạch đã vô tình gợi lại cảnh chia ly giữa cậu và mẹ con cô gái Tây tên Maria trên bến cảng Marseille cách đó gần 1 tháng.
Ba Quy hơi bất ngờ khi được gia đình đưa tới chiếc Chevrolet mới toanh, loại xe này ở bên Pháp chỉ những nhà quý tộc mới dám mua. Ba Quy không chịu chui vào hàng ghế sau ngồi cùng cha, mà đẩy sốp-phơ sang một bên, rồi ngồi vào sau vô-lăng, trước cặp mắt kinh ngạc của ông Hội đồng Trạch: “Mầy cũng biết chạy xe nữa à?”. Không nói không rằng, Ba Quy depart rồi từ từ lăn bánh một cách điệu nghệ. Trên con đường thiên lý từ Sài Gòn về miền Tây, chiếc Chevrolet chạy như bay, qua mặt tất cả các xe đò lục tỉnh. Tốc độ tăng lên 80, rồi 90km/h, chiếc Chevrolet bỏ lại sau lưng những chiếc xe đò của các hãng Ứng Ký, Đại Đồng nổi tiếng anh chị.
Thuở ấy, xe đò Ứng Ký có sốp-phơ Ba Thẹo nổi tiếng cừ khôi, chưa từng thua bất cứ xe nào trong các cuộc đua trên con đường thiên lý. Khi thấy có chiếc xe Huê Kỳ thúc đít, Ba theo cười ngạo nghễ lạng qua lạng lại, ra chiều chọc tức chiếc xe phía sau, vừa chạy hết tốc lực, vừa cản đường không cho qua. Nhưng chỉ vài đường lạng lách là chiếc Chevrolet vọt qua như ánh chớp. Sôp-phơ Ba Thẹo trố mắt nhìn người lái xe mặc áo veste, đeo cà-vạt, mắt kính gọng vàng, đầu đội nón Mossant có giá bằng tiền lương sốp-phơ cả tháng.
Ông Hội đồng Trạch chỉ biết bấu tay vào thành ghế, nhiều lúc không dám mở mắt khi Ba Quy đua cùng xe đò. Đến khi qua được chiếc xe đò, ông Hội đồng Trạch mới thở phào nhẹ nhõm, hỏi con: “Thằng Ba mầy học hồi nào mà lái còn hơn sốp-phơ xe đò?”. Ba Quy trả lời: “Con còn lái được cả máy bay nữa kìa. Ở bên Tây các chủ điền lớn thường đi thăm ruộng bằng máy bay. Mai mốt con sẽ mua máy bay để lái đưa ba đi thăm ruộng như ở bên Tây”.
Ông Hội đồng Trạch đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi đi đón con, ông cũng lo sợ cậu Ba Quy qua Tây chỉ ăn chơi lêu lổng chứ không học hành gì, như con một số điền chủ khác mà ông đã từng nghe nói. Đến bây giờ thấy cậu Ba Quy lái xe hơi như bay, lại còn lái được cả máy bay, ông đã có thể yên tâm. Ông Hội đồng Trạch còn chưa biết, ngoài 2 bằng lái xe và lái máy bay, Ba Quy còn có mấy tấm bằng chứng nhận về nhảy đầm, kết quả của 3 năm ròng ăn chơi bạt mạng giữa thủ đô Paris hoa lệ, ngoài ra không có bất cứ bằng cấp kỹ sư, bác sĩ gì cả.

Nhà Lớn mở tiệc

Sau một ngày ngơi nghỉ, ông Hội đồng Trạch bàn với cậu Ba Quy về việc đãi tiệc nhân ngày cậu học “thành tài” về nước. Ông Hội đồng Trạch tính mời tất cả người Pháp và giới đại điền chủ trong tỉnh và cả Nam Kỳ, nhưng chỉ mời đàn ông thôi, không mời vợ. Với đầu óc Tây học, cậu Ba Quy khuyên cha nên mời cả 2 vợ chồng, như thế Tây họ mới nể trọng, mà giới đại điền chủ Nam Kỳ cũng kính phục vì sự tân tiến của cha con Hội đồng Trạch. Cậu Ba Quy đề nghị tổ chức nhảy đầm. Cậu nói: “Đãi tiệc Tây mà thiếu nhảy đầm thì coi như mới đãi có một nửa. Cái gì chớ chuyện nhảy đầm thì các maitre-danseur (vũ sư) ở Paris đều phải kiêng nể con. Để đó con lo”. Chu đáo hơn, Ba Quy còn bàn với cha cho sốp-phơ đi Sài Gòn chở về 6 cô vũ nữ thượng hạng để cho khách tha hồ nhảy trong bữa đại tiệc. Cậu Ba cũng cho mời cánh nhà báo, cả Tây lẫn Việt, từ Sài Gòn xuống lăng-xê cho bữa tiệc.
Ngày đại tiệc đã tới. Khoảng 500 quan khách đến từ khắp tỉnh Bạc Liêu và cả Nam Kỳ ngồi kín vòng trong, vòng ngoài khu Nhà Lớn. Khách sạn Tràng An ở ngay đầu đường lớn nhất thị xã Bạc Liêu xe hơi đậu chật kín. Xôm tụ nhất có lẽ là chiếc xe chở đám vũ nữ và cánh báo chí đến từ Sài Gòn. Cậu Ba chạy ra bắt tay từng nhà báo rồi đưa họ vào giới thiệu với các quan khách đã an vị. Thực đơn đãi tiệc toàn món Tàu do đầu bếp nhà hàng Chợ Lớn đích thân tới nấu.
Theo sắp xếp thì ông bà Hội đồng Trạch đứng ra chào đón quan khách, sau đó cậu Hai Đinh đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa của bữa đại tiệc là chào mừng ngày về của cậu Ba. Gia đình Hội đồng Trạch bấy giờ mới thấy hết giá trị của cánh nhà báo cả Tây cả ta. Họ đeo lỉnh kỉnh máy ảnh, ghi ghi chép chép, chia nhau đến mọi ngõ ngách của buổi tiệc, phỏng vấn người này, hỏi người kia, đưa máy ảnh lên hết chụp ông bà Hội đồng Trạch, tới chụp cậu Hai, rồi chụp cậu Ba. Chính cánh nhà báo đã làm cho buổi đại tiệc trở nên long trọng chưa từng thấy, các đại điền chủ khách chỉ biết há hốc mồm mà nhìn cha con Hội đồng Trạch phô diễn. Bấy giờ Hội đồng Trạch mới thấy phục “thằng Ba” con ông sát đất, nó học cao hiểu rộng, lường hết mọi chuyện, mấy trăm đồng ông bỏ ra để rước cánh nhà báo xuống dự tiệc quả là đáng đồng tiền bát gạo.
Cậu Ba Quy đọc diễn văn chào mừng và cảm ơn quan khách. Cậu soạn sẵn bài diễn văn cầm tay để chứng tỏ mình tôn trọng khách, nhưng chỉ cầm tờ giấy cho có lệ, còn lại cậu ứng khẩu phát biểu một bài toàn tiếng Tây lưu loát. Bài diễn văn vắn tắt nhưng sắc sảo đã làm vừa lòng mọi người, đại ý: Xứ Bạc Liêu quê mùa chứ người không quê; dân Nam có truyền thống trọng văn khinh võ, gia đình nào cũng cố gắng nuôi con ăn học thành tài theo truyền thống để cho con mớ chữ thánh hiền còn hơn để gia tài ruộng sâu trâu nái; gia đình Trần Trinh rất vinh dự khi trong buổi tiệc có sự hiện diện của các nhà trí thức đã khéo nuôi dạy con học thành tài như bác sĩ Lê Quang Trình, kỹ sư Bùi Quang Chiêu...
Rồi cậu Ba Quy chuyển sang cánh nhà báo với giọng chân tình, đại ý: Gia đình rất vinh dự được sự quan tâm của giới ngôn luận; các hiệp sĩ ngôn luận của quyền tự do thứ tư đã không ngại đường xa tới nơi cuối đất để chào mừng đứa con của đồng ruộng du học từ Pháp về; hai giới báo chí và nhà nông tuy xa cách nhau mà lại có điểm giống nhau là nhà nông lo cho bao tử, còn báo chí lo cho bộ óc của đồng bào; không có báo chí thì dân quê sống trong u tối, ngu dốt, nhờ có nhật trình mà đời sống nông thôn có chút ánh sáng văn minh... Bài diễn văn của Ba Quy được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiều chập. Các nhà báo cả Tây lẫn ta đến bắt tay chúc mừng và cảm ơn Ba Quy vì đã đề cao nghề nghiệp của họ.
Đến phần phát biểu cảm tưởng của quan khách, mở đầu là quan tham biện chánh chủ tỉnh. Ông ta nói tiếng Pháp, cậu Ba Quy dịch sang tiếng Việt. Quan tham biện khen ngợi Hội đồng Trạch là người tiêu biểu nuôi con học hành đỗ đạt, điều đó minh chứng hùng hồn sứ mạng khai hóa của người Pháp. Sau đó, nhiều vị khách khác đã lần lượt lên chúc mừng gia tộc Trần Trinh vừa có hào con vừa có hào của.
Tiệc kéo dài đến tối, nối tiếp là buổi dạ vũ sôi động. Sáu cô vũ nữ từ Sài Gòn xuống là hạt nhân cho các quan khách cả Tây lẫn ta bu quanh. Buổi dạ vũ kéo dài suốt đêm, đèn điện sáng một góc thị xã, các ngọn cây trong vườn cũng được gắn hàng ngàn bóng đèn li ti đủ màu như bầy đom đóm lập lòe trên ngọn bần ven sông Bạc Liêu. Sáng hôm sau, cậu Ba tổ chức tắm biển Bạc Liêu cách đó chừng 7 cây số. Dân vùng biển Mỹ Thanh lần đầu tiên thấy người Sài Gòn mặc đồ tắm nhảy ùm xuống bãi biển nước đậm màu bùn. Cậu Ba đem theo nhiều súng hơi để cho khách trổ tài bắn cò, bắn chim đậu đầy quanh các vườn nhãn trên bãi biển. Rồi họ kéo vào các vườn nhãn đặc sản, loại trái to, cơm dày, hạt nhỏ để thưởng thức hương vị Bạc Liêu... Mọi người thầm thán phục, chỉ có cậu Ba Quy từ Pháp về mới tổ chức chu đáo đến nhường ấy, làm cho họ có một tiệc vui nhớ đời.
Trong bữa đại tiệc ngày 29.9.1930 tại Nhà Lớn mừng ngày cậu Ba Quy từ Pháp trở về, người ta thấy cậu Ba trao danh thiếp cho khách, trên đó ghi: Trần Trinh Huy - Proprietaire foncier - Bạc Liêu. Cậu Ba giải thích: Lật từ điển Hán - Việt ra xem, thấy “Quy” có nghĩa là rùa, nhưng cũng còn có nghĩa là quy đầu (của dương vật). Vẫn biết đó là bộ phận tối quan trọng của người đàn ông, không có nó thì không có sự sống, nhưng cậu Ba nhất định không chịu lấy nó làm tên cho mình, mà chọn một cái tên khác có âm gần giống là Huy. Chữ Huy ở đây có nghĩa là ánh sáng mặt trời, còn có nghĩa khác là ngọc (trong chữ huy thạch). Vậy là từ đó, cậu Ba Quy chính thức đổi tên là Trần Trinh Huy, cái tên gắn bó với danh tiếng Công tử Bạc Liêu còn lưu truyền đến hậu thế.


Công tử Bạc Liêu đốt tiền làm đuốc tìm tiền - chuyện thật mà như giai thoại

Trong hàng chục, hàng trăm “chiêu trò” làm cho Công tử Bạc Liêu lưu danh hậu thế, có lẽ câu chuyện “đốt tiền làm đuốc” là nổi bật hơn cả.
Thật ra, so với khối tài sản khổng lồ khoảng 5 tấn vàng mà Trần Trinh Huy cả đời hoang phí thì chuyện “đốt tiền làm đuốc” chỉ như hạt cát trong sa mạc. Đó chỉ là tờ giấy bạc “con công” mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương với khoảng 15 triệu đồng hiện nay. Có thể nói, đây là “phi vụ” hiệu quả nhất của Công tử Bạc Liêu trong suốt cuộc đời mình - chi phí thấp nhất đem lại hiệu quả cao nhất. Nhưng trước hết, hãy nói về chuyện phung phí đầu tiên sau khi về nước của Ba Huy - mua máy bay đi thăm ruộng.

Người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng

Nếu không tính Vua Bảo Đại được trang bị máy bay riêng từ tiền ngân khố quốc gia lúc ấy, thì Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Từ Pháp trở về, sau khi được ông Hội đồng Trạch tổ chức đại tiệc để ra mắt giới quan chức, điền chủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, Ba Huy dành 3 tháng làm một chuyến du ngoạn khắp từ Nam chí Bắc bằng chính chiếc xe Chevrolet mà ông Hội đồng Trạch mới mua. Trong chuyến đi xuyên Việt này, Ba Huy có dịp xài tiền như nước, ước tính lên đến vài triệu đồng Đông Dương lúc đó, tương đương gần 10kg vàng.
Trở về Bạc Liêu, Ba Huy được ông Hội đồng Trạch tin cẩn giao cho cai quản cơ ngơi làm ăn của cả gia đình: Hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và hơn 50 ngàn hécta ruộng muối ở Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Điều đó cũng dễ hiểu, trong số các con của Hội đồng Trạch, Ba Huy là người học cao hơn hết, lại chứng tỏ bản lĩnh, sự lịch lãm hơn người, vì vậy mà được cha tin tưởng giao trông coi toàn bộ cơ nghiệp của gia đình.
Tiếp nhận chuyện quản lý “vương quốc” đồng ruộng cò bay thẳng cánh này, Ba Huy thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để... đi thăm ruộng. Trước đó, ông Hội đồng Trạch đi thăm ruộng bằng xe hơi đối với đường bộ, hoặc bằng ghe máy khi phải đi trên sông, ông còn chưa nghĩ tới chuyện trang bị xuồng máy cao tốc. Ba Huy cho rằng như vậy là quá lạc hậu.
Thuở ấy, trên toàn nước Nam chỉ mới có Vua Bảo Đại là có máy bay riêng. Vua Bảo Đại thường dùng máy bay để bay từ Huế vào Sài Gòn đánh bạc, rồi bay lên Đà Lạt nghỉ ngơi, bay đi Buôn Ma Thuột săn thú... Bằng cách khéo léo thuyết phục rằng nếu dòng họ Trần Trinh không sớm sắm máy bay, các đại điền chủ khác sẽ sắm, gia tộc Trần Trinh sẽ mất cơ hội là gia đình đầu tiên ở nước Nam có máy bay (trừ Vua Bảo Đại), Ba Huy đã thuyết phục được ông Hội đồng Trạch bỏ một núi tiền để mua máy bay. Một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24 tháng 6 năm 1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.



Ông Trần Trinh Đức bên chân dung của cha mẹ (Công tử Bạc Liêu và vợ) trong khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay.

Người dân Sài Gòn và các điền chủ Nam Kỳ còn đang nửa tin nửa ngờ thì máy bay về tới Sài Gòn thật. Cũng bằng cách nhờ báo chí lăngxê, hình ảnh Ba Huy và chiếc máy bay “thứ hai ở Việt Nam” xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo. Ba Huy đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu. Đó lại là một ngày đáng nhớ của gia đình Hội đồng Trạch. Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy “như bay” trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch chỉ biết ôm chặt thành ghế, chỉ sợ rớt xuống đất. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt ra.
Lần đầu tiên được bay lên trời, ông Hội đồng Trạch vừa mừng vừa lo, không biết thằng con Ba Huy có bay được về tới Bạc Liêu không. Ông mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Ba Huy chưa vội trực chỉ hướng Tây Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn, ngoài xa là biển Đông...
Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra chiều thú vị. Bất ngờ ông vỗ đùi cái đét nói: “Trên này ngó xuống đất chỉ thấy phía dưới mờ bụi đỏ. Mà “bụi đỏ” chữ Nho có nghĩa là “hồng trần”. Hèn chi người xưa nói cuộc đời là hồng trần, bây giờ đi máy bay tao mới hiểu”. Ba Huy mỉm cười giải thích: “Không hẳn vậy đâu ba. Tại bên dưới là vùng Gò Vấp đất đỏ, nên khi gió cuốn ba thấy mù bụi đỏ. Chút nữa tới vùng đồng bằng đất đen xứ mình, gió cuốn bụi đen sì, lúc đó đâu còn là hồng trần”.
Máy bay lướt qua sông Tiền, rồi sông Hậu, cậu Ba Huy hướng máy bay về phía Sóc Trăng, nơi đó có Bãi Xào, là một trong những sở đất trồng lúa lớn nhất của ông Hội đồng Trạch. Xong, Ba Huy bay ra phía biển, cho máy bay bay cặp theo bờ biển hướng về phía Bạc Liêu, bên dưới là những sở ruộng làm muối của Hội đồng Trạch chạy dài theo biển.
Theo hướng chỉ tay của Ba Huy, ông Hội đồng Trạch thấy từ xa ở phía dưới là “châu thành Bạc Liêu”. Chiếc máy bay lượn mấy vòng trên bầu trời thị xã Bạc Liêu để cho ông Hội đồng Trạch thấy đâu là Nhà Lớn của mình, đâu là sông Bạc Liêu và chiếc cầu Quay bắc qua sông. Chiếc máy bay bay vòng tròn, theo hình trôn ốc, hạ thấp dần, lấy tâm là Nhà Lớn. Cả gia đình ông Hội đồng Trạch và dân thị xã Bạc Liêu đã được báo trước, họ đứng phía dưới vẫy chào chiếc máy bay đang lượn qua lượn lại trên đầu. Ý ông Hội đồng Trạch còn muốn “quần thảo” trên bầu trời Bạc Liêu thêm nữa, nhưng Ba Huy nhìn đồng hồ báo nhiên liệu rồi bảo với cha là “sắp hết xăng”, vì vậy ông Hội đồng Trạch mới chịu đi tiếp. Chiếc máy bay trực chỉ hướng thị xã Cà Mau, cách Bạc Liêu 60 cây số, nơi có sân bay cá nhân của gia đình Hội đồng Trạch vừa được xây dựng trước đó trên chính sở ruộng của mình. Từ Cà Mau, ông Hội đồng Trạch trở về Bạc Liêu bằng xe hơi, còn cậu Ba Huy thì ở lại với chiếc máy bay để hàng ngày bay đi thăm ruộng.
Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là để thỏa cái thú ăn chơi của mình. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Có một lần Ba Huy một mình lái máy bay đi thăm ruộng ở Cà Mau. Cao hứng, Công tử Bạc Liêu bay dọc theo bờ biển về phía Rạch Giá, Hà Tiên, nơi không có ruộng nương nào cả của gia đình Hội đồng Trạch. Ba Huy phát hiện một điều thú vị, từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Tây từ Cà Mau tới Rạch Giá như một đường thẳng chứ không gấp khúc như những bờ biển nơi khác.
Ba Huy cứ men theo đường thẳng ấy mà bay, để rồi mất phương hướng bay lạc sang Campuchia, bay tiếp qua cả Thái Lan. Máy bay hết xăng, Ba Huy xin đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan. Nhà chức trách Thái Lan đã phạt Ba Huy số tiền lớn về tội xâm nhập không phận trái phép.
Ba Huy đánh dây thép về Bạc Liêu, ông Hội đồng Trạch phải cho chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan để nộp phạt chuộc Ba Huy và máy bay đem về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.
Trong các sử liệu không thấy ghi số phận sau này của chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu. Có người nói Ba Huy chơi mãi cũng chán nên bán rẻ lại cho người khác. Có người nói do sân bay ở gần vùng biển gió mặn nên sớm xuống cấp, rồi hư hỏng, Ba Huy phải bỏ “trồng hành”. Chỉ một thú tiêu khiển của Công tử Bạc Liêu đã ngốn mất hàng trăm ký vàng!

Công tử, có 2 công tử...

Việc Ba Huy chơi trội nổi tiếng ở đất Bạc Liêu đã làm không ít công tử con của đại điền chủ khác ở Nam Kỳ thấy nóng mặt. Không ít người trong họ muốn “thi đấu” với Công tử Bạc Liêu, nhưng chỉ có một người nổi lên ngấp nghé với đẳng cấp ăn chơi của Ba Huy, đó là Lê Công Phước (còn có tên George Phước, hay Công tử Mỹ Tho) - con ông Đốc phủ Lê Công Sủng ở tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Người đời gọi Lê Công Phước là Công tử Mỹ Tho để phân biệt với Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Cũng có nhiều người gọi George Phước là Bạch công tử (vì có nước da trắng) để phân biệt với Hắc công tử Trần Trinh Huy (vì có nước da ngăm đen).
Lê Công Phước sinh năm 1900, còn Trần Trinh Huy sinh năm 1901. Họ cùng du học bên Pháp và cùng ăn chơi nổi tiếng ở giữa Paris tráng lệ. Nếu như Ba Huy học nhảy đầm và lái máy bay thì George Phước vì mê cải lương nên theo học “hàm thụ” về sân khấu. Ba Huy nổi tiếng trong các vũ trường, thì George Phước hay la cà trong các nhà hát nổi tiếng. Cả hai cùng nổi tiếng đào hoa, Ba Huy sống như vợ chồng với một cô gái Pháp chính hiệu và có với nhau một người con, còn George Phước lại cặp kè với một cô gái Nga có dòng dõi Sa hoàng, đẹp như hoa hậu.
Bên Pháp, Ba Huy và George Phước có quen biết nhau, vì cùng là dân “lục tỉnh Nam Kỳ” và cùng ăn chơi nổi tiếng. Sau khi về nước, Ba Huy sắm xe hơi đắt nhất Nam Kỳ, rồi mua cả máy bay để đi thăm ruộng, trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư, thì George Phước cũng chọn cách chơi nổi không kém, ông sắm cho mình cả một đoàn hát cải lương và cho đóng những chiếc du thuyền sang trọng để đưa đoàn cải lương đi hát khắp Nam Kỳ.
Thời ấy, cải lương rất được trọng vọng ở miền Tây Nam Bộ, vì vậy mà đoàn cải lương Huỳnh Kỳ của George Phước với trang bị hiện đại như những đoàn ca kịch bên Pháp, đã làm cho tên tuổi của George Phước nổi như cồn, không thua kém Ba Huy. Vì vậy mà 2 “con hổ” về món ăn chơi ở miền Tây Nam Bộ này trở thành kỳ phùng địch thủ, ai cũng muốn mình nổi hơn người kia. Để rồi hễ có dịp là họ lao vào cuộc tỉ thí để phân định đẳng cấp.
Vì cả hai cùng giàu có (gia đình Ba Huy giàu hơn gia đình George Phước), nên hai tay công tử lừng danh nhất Nam Kỳ này tỉ thí với nhau chính là ném tiền ra để chinh phục người đẹp. Thuở ấy, có một người phụ nữ được phong “Hoa hậu Đông Dương” tên là Trần Ngọc Trà, thường gọi là cô Ba Trà. Cô Ba Trà đẹp đến nỗi Ngân hàng Đông Dương lúc đó đã in hình của cô trên giấy bạc; Nhà Dây thép cho vẽ hình cô để in thành tem thư. Cô Ba Trà thực sự là một bà hoàng không ngai làm các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng...
Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho vì vậy mà cũng lao vào cuộc chinh phục cô Ba Trà để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Người đời kể rằng, hễ Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, thì Bạch công tử cũng tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng. Để rồi Công tử Bạc Liêu cũng làm tương tự, vì vậy mà cô Ba Trà được tặng không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai người đàn ông ăn chơi nhất Nam Kỳ, từ quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, thậm chí cả nhà cửa, xe hơi.
Tính ra, Công tử Bạc Liêu đã “ném” vào cô Ba Trà khoảng chục triệu đồng Đông Dương, tương đương 40 - 50kg vàng. Dù vậy, hai vị “đại công tử” không ai chinh phục được trái tim của cô Ba Trà. Cô Ba Trà chọn một người đàn ông khác làm chồng và cuộc đời của cô cũng kết thúc trong nghèo khó không khác gì hai vị “đại công tử” từng đổ hàng đống tiền để cung phụng cô.
Người đời sau ít ai ngờ rằng người nghệ sĩ đáng kính - NSND Phùng Há cũng từng có một thời liên quan đến 2 vị “đại công tử” nói trên. Bà là một nghệ sĩ cải lương lừng danh vào thập niên 1930, cũng được cả Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho thi nhau chinh phục, nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về Công tử Mỹ Tho. Nghệ sĩ Phùng Há bắt đầu nổi tiếng vào đầu thập niên 1930 và tên tuổi của bà tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật cải lương cho đến khi qua đời vào năm 2009, thọ 98 tuổi. Bà chính là người nghệ sĩ có đóng góp nhiều nhất cho cải lương trong thế kỷ XX. Công tử Mỹ Tho không giàu bằng Công tử Bạc Liêu, nhưng lại được học hành bên Pháp về nghệ thuật sân khấu và là đồng hương Mỹ Tho của cô Bảy Phùng Há, nên đã chiến thắng trong cuộc đua chinh phục trái tim người nghệ sĩ tài danh này.
Cô Bảy Phùng Há trở thành vợ của George Phước trong 7 năm, sinh được 2 đứa con, nhưng cũng phải chịu đau khổ cùng cực vì thói ăn chơi sa đọa của chồng. Hai đứa con của họ đã chết trong những ngày đau khổ ấy. Về sau họ chia tay, Bạch công tử trở nên nghèo khó, chết không đất chôn.
Về cuối đời, vào năm 2001, bà Phùng Há đã cất công đi tìm được mộ Bạch công tử - một ngôi mộ đất bỏ hoang, để xây mồ mả đàng hoàng cho người chồng cũ. Cũng chính cô Bảy Phùng Há đã là duyên cớ để Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho thi thố chuyện đốt tiền, để lại giai thoại thuộc loại nổi tiếng nhất trong lịch sử ăn chơi bạt mạng của những công tử trên đất Nam Kỳ.

Đốt tiền làm đuốc tìm tiền

Câu chuyện có thật này xảy ra ở thị xã Bạc Liêu và nhanh chóng được đồn thổi khắp Nam Kỳ, lên cả mặt báo. Đó là lần gánh hát Huỳnh Kỳ do Công tử Mỹ Tho mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, gần nhà của Công tử Bạc Liêu. Lúc đó cô Bảy Phùng Há là đào chính của gánh hát Huỳnh Kỳ, nhưng chưa thành vợ của George Phước. Cả Ba Huy và George Phước cùng đang theo đuổi, chinh phục người nữ nghệ sĩ tài năng. Vì là chỗ quen biết, cũng là để khoe mẽ, nên khi gánh hát Huỳnh Kỳ của mình về Bạc Liêu, Công tử Mỹ Tho đã đích thân đến Nhà Lớn mời Công tử Bạc Liêu đến xem tuồng hát.
Vở diễn kéo màn, hai vị “đại công tử” ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh Bạc Liêu. Trong lúc mọi người đang say sưa hướng mắt về sân khấu xem cô Bảy Phùng Há xuống câu vọng cổ ngọt ngào trong vở cải lương “Lữ Bố - Điêu Thuyền”, George Phước rút thuốc hút, tình cờ làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Công tử Mỹ Tho cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp ánh sáng lờ mờ, nên tìm hoài không được.
Công tử Bạc Liêu thấy lạ hỏi: “Toa làm gì đó?”. “Moa làm rớt tờ giấy bạc” - Công tử Mỹ Tho trả lời. Trong bóng tối, không ai nhìn thấy một thoáng nhíu mày toan tính của Công tử Bạc Liêu.
Như phát hiện ra điều gì đó thú vị, Ba Huy mỉm cười, rồi không nói không rằng, bất ngờ móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho Công tử Mỹ Tho tìm tờ giấy bạc bị đánh rơi.
Chuyện “đốt tiền làm đuốc” diễn ra trước mắt nhiều người, toàn là dân có máu mặt, nên sau đó họ đồn thổi thành chuyện ly kỳ giữa Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho. George Phước bị chơi một vố quá nặng, quá mất mặt trước mọi người.
Chuyện kể tiếp rằng, do bị thua một vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử tìm cách trả đũa lại Hắc công tử và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc. Đó là thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào. Sau này có nhạc sĩ đã dựa vào giai thoại trên để viết bài hát về Công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.
Một lần, người viết bài này đã có buổi tối ngồi nhậu rượu đế với ông Trần Trinh Đức - năm nay 65 tuổi, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Theo lời ông Đức thì lúc còn sinh thời của Công tử Bạc Liêu, ông Đức đã từng hỏi cha về các giai thoại đốt tiền nói trên. Công tử Bạc Liêu xác nhận với con có chuyện đốt tờ giấy bạc làm đuốc trong rạp hát, như là cách ông chơi trội đối với George Phước. Còn chuyện thi đốt tiền nấu chè đậu xanh thì đúng là George Phước có thách thức thật, nhưng Công tử Bạc Liêu đã từ chối khéo.
Ông nói với con: “Để tiền chơi gái sướng hơn, chứ tội gì đốt cả đống tiền để nấu chè. Chưa biết chừng Tây nó nghe chuyện bắt bỏ tù cũng nên vì tội hủy hoại nhiều giấy bạc”


Đọc thêm:

Con trai công tử Bạc Liêu chạnh lòng với huyền thoại về cha

Sẽ là tiêu cực khi nói ông đang cố làm mới những giai thoại về Công tử Bạc Liêu. Thế nhưng, nếu hiểu và cảm thông, người đời sẽ cảm nhận rằng ông đang chỉ muốn lọc bớt những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về gia đình mình.
Được xem như một trong những nhân chứng sống cuối cùng của dòng họ Trần Trinh, Trần Trinh Đức, người con của vị công tử Bạc Liêu nức tiếng giàu có nhất Nam Kỳ lục tỉnh Trần Trinh Huy, đang loay hoay tìm cách lọc đi những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về cha mình.

Đoạn cuối vàng son của công tử Bạc Liêu

Ông Trần Trinh Đức mang phong thái ung dung và lịch thiệp một cách cổ điển. Phong thái ấy chẳng phải do ông cố tỏ ra như vậy, đó hẳn là cái gen của dòng dõi hào hoa, tài tử. Thế nên, nó toát ra một cách tự nhiên không miễn cưỡng, chiếm ngay được cảm tình của người gặp.
Ông Đức làm tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (TP.Bạc Liêu). Ông cho biết: “Tôi được nhận vào đây làm việc như một hướng dẫn viên. Công việc chính của tôi là trò chuyện, trả lời những thắc mắc của khách du lịch về cha tôi - Công tử Bạc Liêu, ông Trần Trinh Huy”.
Chia sẻ về công việc mới, ông cho biết: “Hầu như ai cũng biết về ba tôi, họ gặp tôi chỉ mong chứng thực những giai thoại về Công tử Bạc Liêu trong những lời kể của dân gian”.


Ông Trần Trinh Đức hiện sống kham khổ.

Nói về mình, dẫu trên khuôn mặt ông không gợn chút niềm xót xa nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi niềm ấy trong giọng kể. Ông cho biết ông sinh ra trong lúc vị Công tử Bạc Liêu đã qua thời cực thịnh. Thế nhưng, lên 7 tuổi, ông vẫn được cha gửi vào học nội trú tại trường Lasan Taber có tiếng thuộc dòng La Salle Saigon. Cuối tuần, ông lại được đích thân cha đánh chiếc Ford – Mercury, dòng xe hơi sang trọng dành cho giới thượng lưu trên thế giới lúc bấy giờ, rước về nhà lớn của gia đình ở Bạc Liêu.
Vài năm sau, ông được cha đưa lên Sài Gòn học để quản lý tài sản là các dãy phố. Tại đây, ông được sống trong căn biệt thự sang trọng số 117 đường Nguyễn Du (Q.1), về sau chuyển qua một biệt thự khác trên đường Nhất Linh nay là đường Nguyễn Huy Tưởng (Q.Gò Vấp).
Năm 1973, đoạn đời những tưởng được trải trên nhung lụa của ông bắt đầu đi vào hồi bế tắc. Mở đầu những tháng năm “tàn cảnh vàng son” đó là việc cha ông qua đời. Sau sự kiện buồn thương này, gia đình giàu nhất Nam Kỳ lục Tỉnh một thời lung lay rồi những khó khăn ập đến. Để chống đỡ, gia đình thống nhất bán căn biệt thự trên đường Nhất Linh. Ông nhận phần của mình và chuyển về nhà vợ trên đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3, TP HCM) sinh sống. Tại đây, vốn được thừa hưởng tài năng kinh doanh của cha, với số vốn kha khá, ông nuôi sống gia đình bằng nghề buôn bán.
Chia sẻ với chúng tôi, ông tự tin nói: “Tôi là người kiếm tiền rất giỏi, là một trong những người đầu tiên bán tivi màu tại đất Sài Gòn”. Thời gian này, nếu đem so sánh với cuộc sống trước đây tại Nhà Lớn ở Bạc Liêu thì gia sản ông chỉ như hạt cát trên bãi biển, nhưng gia đình cũng có của ăn của để. Bằng chứng là có thời gian gia đình ông còn mở cả nhà hàng. Thế nhưng, câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” dường như vận vào cuộc đời ông để đến hôm nay, khi đã đi gần hết đoạn đường đời ông vẫn hai bàn tay trắng.


Khánh kiệt vì con cái, nợ nần


Theo dòng hồi tưởng thấm đầy nước mắt, chúng tôi được biết, cuộc sống của ông dần sa sút rồi gia sản khánh kiệt khi người con gái duy nhất của ông sa chân vào cờ bạc, nợ nần. Chia sẻ về quá khứ đau lòng ấy, ông chua chát tâm sự: “Nó bị lừa cả tình lẫn tiền”.
Theo lời ông, cô con gái đem lòng yêu một người có "máu" cờ bạc. Ban đầu hắn dụ dỗ cô mang tiền đến các sòng bạc cùng hắn sát phạt. Về sau, cô bắt đầu tham gia và vỡ nợ. Số nợ lớn đến nỗi sau khi gia đình ông đã bán hết gia sản mà vẫn không trả hết. Năm 2008, không còn đường nào khác, ông đành dắt díu vợ và cô con gái vượt biên trốn sang Campuchia để lánh nợ.
Kể về những tháng ngày tha hương cầu thực này, ông bùi ngùi: Lúc đầy sang, khác ngôn ngữ, khác phong tục mặc dù có người quen nhưng khổ vô cùng. Để mưu sinh nuôi vợ cùng đứa con gái mắc bệnh tâm thần phân liệt, ông phải chạy thang thuốc hàng ngày, phải quăng mình vào đời làm đủ mọi nghề.
Với số tiền lận lưng ít ỏi cuối cùng, ông đem ra mua giày da cũ về tân trang lại rồi đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh). Ban đầu còn kiếm được bữa cơm qua ngày nhưng về sau làm không đủ ăn. Phần vì cuộc sống ở đây hỗn tạp và bạo động quá và phần vì nhớ quê nên hai năm sau lại đùm túm kéo nhau về lại Sài Gòn.
Trở lại cố hương, cơ ngơi đã tiêu tán, ông đành ở nhà thuê, hành nghề chạy xe ôm để kiếm sống. Ông cho biết vẫn thường đón khách ở góc đường Pasteur – Điện Biên Phủ (Q.3) từ 5h đến tận 24h.
Tại đây, ông may mắn được một người khách đi xe hiểu hoàn cảnh , hướng dẫn cho ông viết đơn xin địa phương căn nhà để có nơi thờ cúng tổ tiên. Thông tin về việc này, ông cho biết: “Căn Nhà lớn hiện nay là Khách sạn Công tử Bạc Liêu vốn là căn nhà của cha tôi để lại cho các anh em của ông làm nơi thờ tự tổ tiên. Thế nên tôi có ý xin để anh em, con cháu trong dòng tộc có nơi hương hỏa, thờ tự ông bà chứ không hề xin cho riêng bản thân mình”.
Tại bạc Liêu, trong một lần về giỗ cha, ông được gặp gỡ ông Nguyễn Chí Luận, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Bạc Liêu và được vị giám đốc này cho mượn 300 m2 trong 50 năm để ông có chốn dừng chân và kết hợp làm phủ thờ Công tử Bạc Liêu. Đích thân ông Nguyễn Chí Luận và nhà văn Phan Trung Nghĩa đã ra đất ấy thắp nhang, động thổ, vậy mà đến nay mảnh đất ấy vẫn bị bỏ hoang và ông vẫn phải ở nhà tạm.


Công tử Bạc Liêu không chơi ngông


Sau 6 năm chật vật cùng cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn, tháng 7/2010, ông quyết định đưa vợ con về cố hương. Ông được Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Hồ Nam tạo điều kiện nhận vào làm hướng dẫn viên. Tại đây, công việc của ông là trò chuyện, thuyết trình trả lời những thắc mắc của khách du lịch về người cha nổi tiếng của mình. Ông cho biết: “Câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất là về giai thoại Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, nấu chè…”.
Hầu như ai cũng biết đến vị Công tử Bạc Liêu cũng như những giai thoại về ông. Thế nhưng ít ai biết được thực hư đằng sau những câu chuyện được truyền trong dân gian. Người đời có chăng cũng chỉ biết đến cha ông - Trần Trinh Huy với biệt danh Công tử Bạc Liêu hào hoa phóng túng, chơi ngông, có những nhìn nhận không mấy khách quan và thiếu thiện cảm.


Giai thoại “Đốt tiền nấu trứng, nấu chè…”


Ông Trần Trinh Đức quả quyết: “Không hề có chuyện đó. Bởi ông nội Trần Trinh Trạch quản lý gia sản rất chặt, mặc dù cha tôi có thể tiêu bạc trăm bạc ngàn nhưng hẳn không dám đem tiền ra đốt tiền như vậy.
Đặc biệt với một con người chịu ảnh hưởng rất mạnh của văn hóa phương Tây văn minh ông sẽ không chứng minh bản lĩnh bằng hạ sách đó. Tôi khẳng định chưa bao giờ nghe cha mình cũng như gia đình thông tin về việc này. Đó chỉ là những lời đồn đại, thêm thắt của dân gian mà thôi”.
Chia sẻ về nhận định trên, ông cho biết: “Tôi cũng xem nhiều báo, nhiều tài liệu cũng thấy nhiều người nghĩ và hiểu về ba tôi sai quá.
Thậm chí còn có những tờ báo, phim ảnh viết sai sự thật làm ảnh hưởng đến cả dòng họ, khiến người đời hiểu lầm về nhân cách ba tôi” .
Lấy một ví dụ điển hình, ông cho biết việc cha ông mua máy bay, người đời chê là chơi ngông, phô trương thanh thế. Tuy nhiên, sự thật đằng sau sự kiện là người thứ hai (sau vua Bảo Đại) ở Việt Nam mua được máy bay là cả một bài toán áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Ba ông mua máy bay ngoài việc đi thăm ruộng muối, ruộng lúa bạt ngàn của gia đình còn nhằm mục đích phun thuốc trừ sâu cho lúa trên diện tích rộng.
Ông cũng khẳng định rằng cha ông không hề tham gia vào bất kỳ một hoạt động chính trị nào bất lợi cho cách mạng. Cụ thể là vào năm 1947, cha ông hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu, ông Hai Sớm (bí danh Trần Văn Phong ) tham gia giúp đỡ cách mạng bằng thóc gạo và thuốc men.
Sẽ là tiêu cực khi nói ông đang cố làm mới những giai thoại về Công tử Bạc Liêu. Thế nhưng, nếu hiểu và cảm thông, người đời sẽ cảm nhận rằng ông đang chỉ muốn lọc bớt những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về gia đình mình. Ông chỉ muốn người đời hiểu đúng hơn biết đúng hơn về một con người có tính cách rất thú vị từng là tâm điểm của Bạc Liêu - Công tử Trần Trinh Huy.


Chuyện về cặp giường nóng, lạnh của "Công tử Bạc Liêu"

Tại chùa Sà Lôn (hay còn gọi là chùa Chén Kiểu) ở Sóc Trăng hiện có lưu giữ hai cặp giường được cho là của "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy. Điều đặc biệt ở hai chiếc giường này là “trái cực” nhau, một chiếc nóng, một chiếc lạnh.
Mới đây, PV tìm đến chùa Chén Kiểu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và được chiêm ngưỡng cặp giường này ngay trong chùa.
Ông Trần Văn Hai (62 tuổi), một người làm công quả sống cố cựu ở chùa, xác nhận, cặp giường này chính là của gia đình "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy. Theo ông Hai, cặp giường được nhà chùa mua lại từ người khác vào khoảng năm 1950 - 1960.


Chiếc giường lạnh với những miếng đá lớn lót làm mặt nền.

Theo quan sát của PV, cặp giường có cấu trúc tương tự nhau, màu nâu đen, mỗi chiếc cao khoảng 2,5m, rộng gần 2m, nhưng có hoa văn trang trí khác nhau và điều đặc biệt ở cặp giường này là có một cái nóng và một cái lạnh. Theo ông Hai, ở phần mặt nền của chiếc giường nóng có 3 miếng gỗ giáng hương ghép lại được dùng để ngủ vào mùa mưa lạnh; còn chiếc giường lạnh có lót những miếng đá lớn nên dùng ngủ vào mùa hè nóng nực.
Nói về giá trị của mỗi chiếc giường, ông Hai cho biết, thời đó nhà chùa mua lại chiếc giường lạnh khoảng 5.000 đồng, còn giường nóng khoảng 9.500 đồng. “Những năm 45, lúc đó lúa chỉ có bốn cắc năm một giạ nên giá trị của mỗi chiếc giường là rất lớn, chỉ có nhà giàu mới sở hữu những đồ vật như thế này”, ông Hai nói.



Trải qua thời gian, dù được lưu giữ cẩn thận nhưng hai chiếc giường cũng đã có dấu hiệu xuống cấp, hiện nhà chùa không cho khách lên ngồi, nằm thử khi đến tham quan nữa mà rào lại, chỉ cho phép chiêm ngưỡng.
Ngoài cặp giường nóng lạnh, tại chùa còn giữ một chiếc bàn dài và một chiếc bàn tròn mà theo ông Hai cũng là của gia đình "Công tử Bạc Liêu". Ngay tại chiếc bàn tròn, nhà chùa cũng có treo hình "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy.
Ông Hai cho biết, mặt bàn dài là gỗ đỏ, chân gỗ bằng cẩm lai; còn mặt bàn tròn trên lót đá, chân bằng gỗ mun đen, hai chiếc bàn đều có cấu trúc, hoa văn đẹp mắt. Theo ông Hai, hai chiếc bàn được nhà chùa mua khoảng năm 1948, trong đó bàn dài có giá 4.000 đồng, còn bàn tròn khoảng 1.200 đồng.

Bàn tròn có mặt bàn làm bằng đá, có nhiều hoa văn độc đáo.

Những đồ vật này, theo ông Hai đã trải qua 3 đời trụ trì chùa. Vào những buổi lễ lớn hoặc ngày thường có nhiều người đến chùa tham quan, họ rất quan tâm chiêm ngưỡng khi biết đó là những đồ dùng của gia đình “Công tử Bạc Liêu” - một trong những gia đình giàu có bậc nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh.
Qua tìm hiểu một số tưu liệu, gia đình "Công tử Bạc Liêu" có một ngôi nhà gọi là Nhà Lầu ở điền Bàu Sàng (Vĩnh Lợi), đây là nơi gia đình Trần Trinh Huy dùng để điều hành công việc trong điền. Những năm 1945, do tình thế đất nước, gia đình Trần Trinh Huy cho người chở nhiều đồ dùng quý giá từ Nhà Lớn (Khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay) như bàn thờ, tủ kiếng, sa-lông, bộ trường kỷ cẩm lại cẩn xà cừ, giường, tủ...vào cất giữ trong Nhà Lầu. Sau đó, Nhà Lầu bị tá điền cướp nhiều tài sản rồi bị đốt trụi. Những đồ vật nói ở trên là những đồ vật ở Nhà Lầu trước đây.
Nói về nguồn gốc của những đồ vật đang được lưu giữ ở chùa Chén Kiểu, khi tiếp xúc với PV, ông Trần Trinh Đức (con trai "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy) xác nhận, các đồ vật ở chùa Chén Kiểu đều là của cha ông ngày xưa.


Sưu tầm