Món Phở đi vào Tòa Bạch Ốc... "Phở White House DC"



Tổng Thống Phủ Cờ Huê đã có món Phở Quốc Hồn Quốc Túy của Những Con Rồng Cháu Tiên…

Chiều nay Hãng Thông Tấn BMH cho chạy bản tin la lạ là Tổng Thống Phủ Cờ Huê của Tonton 7 Obama đã có món Phở Quốc Hồn Quốc Túy của Con Rồng Cháu Tiên do bà đầm Filipina Executive Chef, Cristeta Pasia Comerford nấu. Bản tin được minh chứng bằng một menu hẳn hòi, không là tin hư cấu, sản phẩm của trí tưởng tượng.


 
Chef Comerford "cục cưng" 
của Laura Bush và Michelle Obama


Biết đâu chừng madame Comerford đã theo tu nghiệp các khóa phở của Madame Dậu chủ nhân Phở Công Lý ở San Jose, hoạc có thể madame Executive Chef của Tổng Thống Phủ Obama còn theo học khóa Phở cao cấp như lớp advanced cooking ở cơ sở Phở Nguyễn Huệ, aka Vietnamese Napoléon, của Bác Cảnh Vịt tại vùng Westminster, Nam California. Theo me-sừ ký giả Con Ong vùng Little Saigon thẩm định cơ sở của Bác Cảnh Vịt như sau:
 
"Phở là món Con Ong giới thiệu trước tiên, Con Ong ghiền phở, phở trong máu, thở ra phở, nói ra phở, tuần nào thiếu phở coi như bứt rứt. Phở Nguyễn Huệ ở góc đường Ward và Bolsa, tiệm phở này có mặt rất lâu, từ lúc Saigon nhỏ còn những ruộng dâu, tiệm súng của người Mỹ. Chủ nhân là ông Cảnh Vịt, vợ chồng cô em gái và có để cho người bếp có phần hùn, phở Nguyễn Huệ có một sắc thái đặc biệt, bánh mềm, trắng nước ngọt, trong nếu ai thích phở gà mà ăn theo kiểu Hoa Kỳ thì có thể gọi gà đùi, hoặc lườn không da hoặc gọi cả hai, nếu quen mặt thì cứ gọi tô gà sexy thì có cả đùi lườn, hay muốn còn có gà lòng trứng non, nước béo. Nhiều vị bắc kỳ đến đây chỉ gọi độc một đĩa gà luộc, da đầy đủ và một chai bia, điển hình là bác sĩ Bảng chỉ có thế...".
Tôi ghé Phở của Uncle Cảnh V ịt nhiều lần, đi với nhà văn Quyên Di ông đề nghị xơi cơm chiều với cơm phần Bắc có món trứng đúc, canh dưa chua, thịt nấu đông, món thịt gà luộc chấm mắm gừng, cả một bầu trời quê hương hiện về. Đi với hai madame thi nhân Hồng Vũ Lan Nhi và Nguyễn Tiến Quỳnh Giao của cơ sở Lữ Quán Cô Đơn, chị Lan Nhi thường xơi món phở gà, madame Quỳnh Giao chuộng món cơm gà luộc mắm gừng, ít nhiều Bác Cảnh Vịt đem lại cho thực khách cảm giác quê hương mang theo, những hương đồng gió nội của thuở Saigon lớn xa xưa, nay thì hương đồng gió nội của phố Bolsa tại Saigon Nhỏ mà khi đi xa thì nhớ, khi về thì thương,...  
Có lần ghé với hai nhà văn Dương Viết Điền và Vương Trùng Dương, Vương Trùng Dương xơi phở tái của hương vị Nguyễn Huệ, anh Dương Viết Điền chỉ xơi phở chín (cần cho mềm), anh bảo răng cấp giáp mí cổ lai hi xơi thịt chín mềm mới thưởng ngoạn phở, của cấp senior hoàng hôn trên đôi vai. Riêng tôi, giống như chị Lan Nhi xơi món phở gà, như chị Quỳnh Giao thích món cơm gà luộc.
Nếu ai ghé thăm viếng Thung Lủng Hoa Vàng mà không quá bước xơi Phở Madame Dậu, 100% nguyên chất Phở của Madame Dậu Saigon xưa, nay aka tiệm phở Công Lý miệt San Jose, tôi cho là một sự đáng tiếc. Tôi ghé qua xơi phở nơi này đi cùng với GS. Nguyễn Cao Can và nhà văn Thanh Thương Hoàng, hai vị đề nghị order phở đuôi bò, vè dòn cắt dầy tôi nghiệm rằng ít nơi nào sánh bằng với 2 tuyệt chiêu này. Bởi thế ông bạn nhà báo đồng hương Hà Đình Huy điểm huyệt Phở Bà Dậu San Jose một bài phở dài thòng, tôi xin trích đoạn như sau:

"Phở Bà Dậu, thường được gọi là Phở 288 Công Lý Chánh Gốc xuất hiện xuất hiện bao hàm ý nghĩa những món ăn thuần túy của người Việt đã được hệ thống hóa và đầu tư bởi một nhà kinh doanh chuyên nghiệp, trở nên khác. Không phải khác về hương vị, khác về công thức nấu phở, mà khác về cách chọn lựa nguyên liệu để nấu phở và hoàn toàn khác về cách phục vụ phở cho thực khách.

Được biết phở Bà Dậu Chánh Gốc (Công Lý) là phở Bắc gia truyền nổi tiếng tại quê nhà suốt 40 năm qua do chính bà Dậu đảm trách, các món đặc biệt..., phở Gà , Newyork Steak , BBQ, Rib, Eye Steak, Pork Chops, Chicken, Salmon, Jumbo Prawns., thực đơn phở Bắc gia truyền Công Lý còn có thêm Seafood, Combo Dishes, Side Disches gồm nhiều món ăn độc đáo! Ngon rẽ! Một điều làm cho mọi người ghi nhớ là châm ngôn của phở Công Lý: “ Heatthy & Delicious Food with a touch of Asian Flavor We proudly serve U.S.D.A. choice meats”

Ở thành phố San Jose mỗi khi thèm phở, gia đình tôi thường đến Phở 288 Công Lý ( Bà Dậu) trên đường Alum Rock. Đó là tiệm phở có màu sắc trẻ trung, năng động. Bảng hiệu, vật trang trí trên tường, ghế ngồi của khách, đồng phục của nhân viên đều nhất quán. Cách trang trí ở đây thoáng và sạch sẽ với nhiều cây xanh, sàn nhà không một cọng rác, luôn có nhân viên lau chùi. Bàn ăn thiết kế toàn mặt nhựa láng bóng, mỗi lần khi khách ăn xong lại được xịt nước “clean” lau bóng; những người nấu bếp ăn mặc tạp dề, đội nón che kín tóc, dùng bao tay (dùng một lần rồi bỏ) gắp thức ăn nêm vào tô phở, có quày thu tiền và người thu tiền lúc nào cũng duyên dáng lịch sự, có hai phòng vệ sinh (restroom) cho nam và nữ.
Hình thức trang trí, vệ sinh, cung cách phục vụ mới, sự lịch thiệp của nhân viên rồi cũng qua đi, nếu không có hương vị vừa miệng để giữ chân khách. Phở Bắc Công Lý có hai loại đặc biệt nhất: Phở Bò và phở Gà. Nhưng gia đình tôi và bè bạn thích phở Bò, vì phở Bò ở đây hơn hẳn một số tiệm phở trong vùng về chất lượng thịt bò mềm và thơm gầu, vè , gân, sách trắng dòn, nước dùng của tiệm Phở Bắc Công Lý rất vừa miệng, không mặn, cũng không ngọt mùi đường hay bột ngọt và cũng chẳng có lớp mỡ vàng trên bề mặt, mới nhìn thôi cũng phát chán. Điểm chính của tô phở là nước dùng có màu nâu nhạt, sóng sánh ánh vàng, thoảng nhẹ mùi gừng, không ngửi thấy vị tanh của xương, bánh phở mỏng và dai không bị nát.Những phụ liệu đi kèm như tương ớt cũng là màu thật của ớt, tương đỏ (hoisin sauce), giá sống trắng phau cọng mập tròn, rau thơm có hai loại quế và ngò gai, những thứ có mùi vị hợp với thịt bò được rửa sạch sẽ, xếp ngay ngắn trên dĩa, khi khách gọi phở mới lấy từ phòng nấu đem ra,..."
 
 
Hình lưu niệm TT Bill Clinton tại Phở 2000, Saigon.

Trở lại bản tin của hãng thông tấn BMH từ Washington DC, Phủ Tổng Thống Obama du nhập món phở ta, tôi hình dung ông 7 Obama xơi phở nóng, húp phở hít hà, mồ hôi vã trên trán nhể nhại, thế mới ngon. Trước đây Tonton Bill Clinton và ái nữ Chelsea ghé Saigon lớn đã xơi món Phở 2000, Tonton khen ngon, tôi nghĩ những tonton Mỹ quốc đã dùng phở sẽ thích phở. Madame hỏa đầu vụ Cristeta Pasia Comerford đảm nhiệm ông táo cho Phủ Tổng Thống Cờ Huê từ thuở Tonton Bush con, có lẽ Đệ nhất phu nhân Laura Bush biết chồng bà thích exotic cuisine, Tonton Bush con ăn dễ, thức ăn Mễ, Ý, Thái, Nhật, Việt, Ba Tư, Hy Lạp,… ngài nói với phóng viên ngài muốn biết hương vị các nơi.

Ông nhà báo Nguyễn Lập của Dallas một hôm vào nhà hàng Việt bán Phở, chàng bất ngờ vì phía trước đối diện xéo có hai thực khách VIPs là Bush cha và Bush con đang đàm đạo trong buổi dinner là sự hiếu kỳ thích thú cho thực khách chung quanh, các nhân viên mật vụ ngồi bàn khác cùng ăn trong tiệm, điều hay là khung cảnh êm ả bàn ai nấy ngồi. Hai tonton ăn xong đi ra. Một người bạn tôi ở Orlando cũng bắt gặp ông Jeb Bush cùng vợ là madame Columba Bush ăn trong một nhà hàng Việt địa phương, họ xơi thức ăn của con rồng cháu tiên, chắc là ngon rồi và lạ taste, lạ miệng.

Nước Mỹ đã làm quen với thức ăn của giới con rồng cháu tiên khá lâu rồi, ví dụ như chả giò, gói cuốn, bánh xèo, cá nương, chạo tôm, nem nướng, bò nướng vĩ, bò nhúng dấm,... và Phở. Đại học University of California at Riverside, nơi con tôi theo học, cháu kể menu nhà ăn cho sinh viên trọ có món phở, mì xào, cà ri,... Như thế càng về lâu về dài trên xứ Mỹ này món phở sẽ ghé vào hành triệu gia định một khi tuổi trẻ Mỹ và không Mỹ đã quen thuộc với hương vị quốc hồn quốc túy của những hậu duệ con rồng cháu tiên.

Xin mời quý vị đọc bản tin của hãng thông tấn BMH vừa chuyển sang từ vùng thủ đô Washington, DC.

Trần Việt Hải, Los Angeles.
 
Tô Phở Xe Lửa


Được biết...

Người đầu bếp chính hiện nay của Tòa Bạch Ốc (White House Executive Chef), là Bà Cristeta Pasia Comerford. Bà làm việc tại Tòa Bạch Ốc từ năm 1995, sau khi đầu bếp chánh Walter Scheib III (củng là người tuyển mộ bà) từ nhiệm, Cristeta P. Comeford được Bà Laura Bush, phu nhân Tổng thống Bush đề cử vào chức vụ đầu bếp chánh của Tòa Bạch Ốc từ 14 tháng 8, 2005... Sau đó Comeford cũng được vợ của TT Obama lưu giử cho đến ngày hôm nay...
Bà là người phụ nữ đầu tiên được chọn làm đầu bếp chánh cho Tòa Bạch Ốc và là người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong chức vụ này... 
Bà Cristeta Pasia Comerford, sinh năm 1962, hiện cùng chồng và một con gái cư ngụ trong vùng Columbia, Maryland...

BMH
Washington, D.C
Món Phở đi vào Tòa Bạch Ốc


                             
Hải Vân News - Đây là hình tấm thực đơn của Tòa Bạch Ốc do người bạn làm việc trong Tòa Bạch Ốc gởi cho chúng tôi. Trong dịp về Sacramento thăm 2 tuần hồi đầu tháng 1 người bạn cho biết là trong phòng ăn riêng của Tòa Bạch Ốc có nấu món Phở trong thực đơn để bán cho các nhân viên làm việc trong Tòa Bạch Ốc và chúng tôi xin người bạn gởi cho tấm thực đơn này. Khi gởi cho tấm thực đơn người bạn viết kèm theo mấy chữ như sau: “Anh Châu và anh Hào thân: Phong gửi anh Hào và anh Thủy menu trong phòng ăn riêng của White House có món Phở Việt Nam để xem cho biết. Khi có thời gian rãnh rỗi Phong vẫn đi ăn cơm trưa ở White House với bạn đồng nghiệp. Đôi lúc than phiền không có món đặc biệt mà tất cả mọi người vẫn thường muốn Phong đưa đi ăn ở khu phố của người Vietnam bên ngoài … Họ đã thực hiện theo ý nguyện. Hy vọng vậy cũng là sự đóng góp nho nhỏ từ phía trong, và cũng mang đến sự chú ý đến một món ăn thuần túy của người Vietnam mình phải không anh?”. Vài dòng thăm anh và các anh em bạn bè ở Sacto. Anh chuyển lời hỏi thăm của Phong đến anh chị Kiệt, anh chị Lịch và Hưng/Phương luôn anh nhe – NCP.

Khi được hỏi là người Việt mình nấu hả thì Người bạn trả lời là do 1 người Phi Luật Tân đầu bếp của Tòa Bạch Ốc nấu.


Tin thêm về Phở

Vòng thế giới quanh tô phở  

Phở đã xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Từ Châu Âu như Pháp, Anh, Đức cho đến Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, đi đâu cũng thấy tiệm phở của người Việt. Riêng tại Mỹ có khoảng hơn 600 tiệm phở Việt Nam, đó là chưa kể đến món phở ‘lai’ của người Trung Quốc, Hàn Quốc…

Cùng với sự phát triển của người Việt định cư tại nước ngoài, món phở mà người Mỹ gọi là Vietnamese Beef Noodle Soup đã chinh phục thế giới với cái tên viết từ nguyên gốc Phở (có chữ ‘ơ’ kèm dấu hỏi) hoặc chỉ đơn giản là Pho không dấu. Kho từ vựng tiếng Anh cũng được phong phú thêm với các từ mới như Phonatic (người thích ăn phở), ‘tín đồ’ của phở là Phofan và danh từ Satis-pho-ction là sự hài lòng (satisfaction) khi thưởng thức một tô phở.

Nhà báo Chuck Mindenhall, trên tờ Los Angeles Weekly, lại còn chế ra các từ Anh ngữ phoundation và phoster dựa theo 2 từ foundation và foster. Ông giải thích: phoundation là nền tảng phở, và phoster culture, nơi hội họp và dung nạp văn hoá phở! Vào Google hay Yahoo, gõ Phở hay Pho, có đến hàng chục nghìn trang web, thậm chí còn có cả website mang tên Phởfever, cơn sốt thèm phở.  

Một cách marketing Phở

Trên các trang web về phở, có người chọn Phở 14 và Phở Sông Hương nằm trên đường Choisy (Paris), là những tiệm phở hàng đầu ở Pháp. Ở Melbourne (Úc) có những tiệm phở nổi tiếng như Phở Hiền Vương, Phở Hùng Vương, Phở Tân Định và Phở Chú Thể tại khu chợ Footscray của cộng đồng người Việt. Vancouver, Montreal hay Toronto cũng có hàng loạt những tiệm phở của người Việt lẫn người Hoa kinh doanh món phở truyền thống trên đất nước Canada.

Bên cạnh đó, tại các nước Đông Âu như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc các tiệm phở cũng xuất hiện như thể cũng muốn tranh đua cùng những đồng hương người Việt đang sinh sống tại các nước phương Tây. Rồi dần dần phở có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Phở Cyclo bên nước Anh, Phở chợ Sapa ở Cộng hòa Séc…
Theo thống kê không chính thức tại Mỹ, trong số hơn 600 tiệm phở với doanh thu hàng năm lên đến 500 triệu đô la, tiểu bang California chiến gần nửa, kế đến là Texas với hơn 100 tiệm và Washington xấp xỉ cũng gần 100 tiệm phở. Tại các tiểu bang có ít người Việt định cư nhưng vẫn thấy xuất hiện phở: tiểu bang Nebraska có 1 tiệm, Alaska lạnh giá cũng có 2, Maine (3), Wisconsin (4) và South Corolina (5).

Chỉ riêng tại tiểu bang California, San Jose có đến 23 tiệm phở, Los Angeles 21 tiệm, San Diego 19, San Francisco 18 và Oakland 12… Những con số thống kê này luôn thay đổi theo thời gian nhưng cũng cho thấy sự phổ biến của món phở trên đất Hoa Kỳ.

Tiệm phở tại Mỹ được đặt tên theo nhiều cách, phổ biến nhất là dùng tên những tiệm phở đã một thời nổi tiếng ở Sài Gòn như Phở Tàu Bay, Phở Pasteur, Phở Hòa (ở Sài Gòn) hay Phở Bằng (ở Đà Lạt).

Tiệm phở cũng có thể dùng các con số làm thương hiệu: Phở 54 hàm ý loại phở Bắc đã du nhập vào Nam năm 1954, Phở 14 có xuất xứ từ địa chỉ 1436 Park Road NW ở Washington D.C. cũng giống như Phở 79 là tiệm phở ngày xưa ở số 79 Võ Tánh (bây giờ là Nguyễn Trãi, quận 1, Sài Gòn). 

Phở 14, số 1436 Park Road NW, Columbia Heights, DC

Ngay trung tâm New York đắt đỏ là thế mà tiệm Phở 89 (số 89 Đông Broadway) cũng đưa ra giá khá mềm, chỉ 5 đô là một tô "xe lửa". Đặc biệt ở đây còn có phở tôm, phở “đồ biển" (seafood) và cả phở chay.

Ở Oklahoma City, nơi khá đông người Việt sinh sống, nhà hàng phở đầy rẫy trong quận châu Á gần khu vực Đại lộ Classen: Phở Hòa, Phở Bình, Phở Thái Nguyên (hay Thái Nguyễn không chừng). Thậm chí nhà hàng tên rất Nhật là Mirama cũng bán phở.

Người Mỹ mê phở, đó là điều được khẳng định. Tiệm Phở 2000 trên đường Lê Lai, bên hông chợ Bến Thành, đã đón tiếp gia đình Tổng thống Bill Clinton đến thưởng thức nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2000. Từ đó trở đi, chủ nhân mạng lưới Phở 2000, Việt kiều Huỳnh Trung Tấn, đã có thêm logo quảng cáo “Phở for the President”!

Phở ở Mỹ nên cũng có tiệm mang tên Mỹ. Chẳng hạn như Phở USA ở San Jose, chỉ cách tổng hành dinh của hãng vi tính Sun Microsystems vài bước chân. Tiệm phở này hình như khai trương từ năm 2001 và cũng được báo chí viết bài nên khá đông khách.

Tôi chưa có thì giờ nghiên cứu kỹ tại sao lại có tiệm lấy tên là Phở Shizzle. Hình như chủ tiệm muốn chơi chữ theo kiểu “Fo' Shizzle my Nizzle”, một lối nói hàm ý "Fo' sure, my nigga" như kiểu… chắc như đinh đóng cột của Việt Nam ta (?).   
 
(1) Phở Shizzle (2) "What The Phở",  Bellevue , WA
Tại Mỹ còn có những tiệm phở mang tên… không giống ai. Ở Bellevue , tiểu bang Washington , có tiệm phở mang tên What the Phở trong khi tại Chicago lại có Tank Noodle (Phở Xe Tăng). Chắc ông chủ tiệm Phở Xe Tăng nhớ đến các nhãn hiệu Phở Xe Lửa, Phở Tàu Bay ngày xưa ở Sài Gòn nên chọn tên Phở Xe Tăng cho… đủ bộ?

Nhưng có lẽ cái tên… đầy thách thức phải kể đến Phở Challenge ở San Francisco. Chủ tiệm thách thức khách nếu ăn hết ‘thau’ phở trong vòng 1 giờ sẽ được miễn phí. Nguyên văn lời quảng cáo: Free if you can finish it in one hour. Giá một ‘thau’ phở ở đây lên đến 22 đô la nhưng nhờ quảng cáo ‘giựt gân’ nên cũng có nhiều thực khách tò mò tìm đến. Đa số khách sau khi thử đành ‘đầu hàng’ và vui vẻ trả tiền… Để không bị mang tiếng nói ngoa, người viết xin đăng kèm bức ảnh 3 thực khách cầm cờ trắng có câu “I surrunder” và “I failed” trước ‘thau’ phở bỏ dở:   

 
"I surrender" và "I Failed’"
tại Phở Challenge, San Francisco

Cái tên gây nhiều tranh cãi về vấn đề ngôn ngữ là Phở Dũng ở Houston, Texas. Chắc hẳn tên của ông chủ tiệm là Dũng nhưng với người Mỹ, dung lại là… phân súc vật. Ở các khu Richmond, Footscray và ngay tại trung tâm thành phố Melbourne bên Úc cũng có tới 3 tiệm phở mang cùng tên: Phở Dzũng Tân Định. Có điều chắc chủ nhân sợ người bản xứ hiểu lầm nên tên Dũng được viết thành Dzũng, có thêm chữ z, trong khi bảng chữ cái tiếng Việt mình không có!   

 
Phở Dzũng Tân Định, Richmond, Melbourne, Australia

Tiệm phở tại Mỹ thường được đánh số thứ tự mỗi bàn, trên đó bày đủ các đồ ‘phụ tùng’ như tương đen, tương đó (ớt), nước mắm, tiêu, khăn giấy và bình thủy đựng nước trà. Tuy nhiên, món rau thơm và giá sống hay giá trụng (chụng) chỉ được đem ra cùng tô phở. Các loại rau thơm như húng quế, ngò gai, chanh, ớt (xanh hoặc đỏ) được coi là rất quý mặc dù người Việt trồng ngay trên đất Mỹ.

 
Phở Long, Corona Hills, California

Một tô phở loại ‘tô nhỏ’ tại Mỹ cũng bằng hoặc to hơn ‘tô lớn’ ở Việt Nam. Tô lớn ‘king size’, có nơi gọi là ‘tô xe lửa’ (từ hay dùng tại tiệm phở Tàu Bay ở Sài Gòn), có quá nhiều thịt và bánh phở khiến người ăn chạnh lòng nhớ đến thời kỳ ‘phở không người lái’ tại miền Bắc với phong cách phục vụ theo kiểu “bún quát, phở đuổi, cháo chửi” mà chỉ ở Hà Nội mới có!

Nhiều tiệm dùng loại tô đựng phở cầu kỳ, in riêng logo của tiệm như Phở Hòa hay Phở Ao Sen (Oakland, California)… Một tô phở ở Mỹ giá chót cũng phải từ 5 đô la trở lên, khoảng 80.000 đồng tiền Việt. Có nơi lên đến 8 hay 9 đô, đó là chưa kể thêm chén tái nước, chén gân hoặc nước tiết hột gà từ 2 đến 3 đô nếu thấy chưa đủ ‘đô’. Đã thành một thói quen tại Mỹ, khi ăn xong khách thường tự ra quầy thâu ngân để tính tiền chứ ít khi thanh toán tiền tại bàn như ở Việt Nam.

 
Phở Ao Sen, Oakland, CA,
với thương hiệu in trên tô

Khách có thể gọi phở theo ý thích: tái, tái bằm, tái nạm, gầu, gân, sách, bò viên hay phở gà gồm lườn, đùi, da, lòng gà hoặc trứng non. Có nơi còn phục vụ cả ngầu pín (bộ phận sinh dục của bò), tả pín lù (thập cẩm, đủ thứ). Lại còn phở đuôi bò, phở chay (vegetarian phở), phở chua, phở áp chảo, phở xào hoặc phở dĩa (thịt để riêng ra dĩa).

Tại Seoul, Đại Hàn, tôi đã có dịp ăn thử phở có thịt bày riêng ra dĩa ở một tiệm mang tên Phở Việt Nam nhưng chủ nhân lại là người Hàn. Đặc biệt ở đây, từ chủ tiệm đến người phục vụ, không nói được một câu tiếng Việt nào (!). Loại ‘phở dĩa’ này cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia nhưng… ngoại trừ Việt Nam. 

 
Phở Hoàng, Austin, Texas

Bánh phở ở Mỹ có phần trong hơn bánh phở ở Việt Nam . Hình như ngoài bột gạo họ còn pha thêm bột năng nên khi ăn có cảm giác sợi phở dai hơn. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của phở là nước lèo mà người miền Bắc gọi là nước dùng. Mỗi tiệm phở đều có ‘bí quyết cha truyền con nối’, phải chăng vì vậy mà có ông chủ ở Việt Nam lấy luôn tên tiệm là Phở Gia Truyền?

Nước phở, ngoài xương bò, xương heo phải kể đến các vị như quế, hồi, thảo quả, gừng, thậm chí trong công thức pha chế còn có cả mắm tôm, mắm ruốc… Công thức và liều lượng cho việc hầm một mồi nước phở là cả một bí mật.

Sinh viên Đại học CSU tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang Cali, cũng có một tiệm phở để ghé vào ăn trưa, uống cà phê sữa đá tại Saigon Bay, ngay trong khuôn viên trường. Bên ngoài khuôn viên Đại học San Jose cũng thấy rải rác vài tiệm phở phục vụ sinh viên và nhân viên nhà trường. Điều này chứng tỏ phở đã trở thành một món ăn bình dân ở Mỹ. 

 
Phở Sacramento, Đại học CSU, California

Nói chung, cũng như tại Việt Nam, người ta có thể ăn phở vào bất cứ lúc nào trong ngày, sáng-trưa-chiều-tối, around the clock. Cũng vì thế, phở Việt đã đi vào cuộc sống hàng ngày của xã hội Mỹ vốn là một melting pot, nơi có thể dung hòa các nền văn hóa ẩm thực một cách dễ dàng.

Thay lời kết, xin trích dẫn nhận xét của Didier Courlou, đầu bếp chính người Pháp tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, trong cuốn sách xuất bản bằng 3 thứ tiếng Pháp-Anh-Việt mang tựa đề Phở. Courlou đã vinh danh món ăn ‘quốc hồn, quốc túy’ của người Việt như sau:

… Việt Nam là một đất nước có đủ sức lôi cuốn và cởi mở, giản dị như là món phở, mà đối với tôi, đó là một trong những món ăn ngon nhất thế giới”.


(Trích Vòng thế giới quanh tô phở - web nguyenngocchinh)